Kết cục bi thảm của siêu điệp viên trong CIA bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bỏ rơi
Quả báo nhãn tiền cho những ai trong đcsVN đang tự bán mình cho TC hãy sớm thức tỉnh trước khi quá muộn.
BBT
Kết cục bi thảm của siêu điệp viên trong CIA bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bỏ rơi
Đông Phương • 19:30, 24/03/22
Tổng thống Mỹ Richard Nixon (Trái) nâng ly chúc mừng Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào tháng 2/1972 tại Bắc Kinh trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc. (AFP via Getty Images)
Kim Vô Đãi (Larry Wu-tai Chin) được Thủ tướng Trung Quốc đương nhiệm Chu Ân Lai thu làm gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 1944. Ông ta đã ẩn nấp trong cơ quan tình báo Mỹ 37 năm. Sau khi Kim bị bắt vào năm 1985, ông ta thừa nhận đã gửi tài liệu mật của chính quyền Tổng thống Richard Nixon cho ĐCSTQ. Kim đã kêu gọi ĐCSTQ đàm phán với Hoa Kỳ để ông ta trở về Trung Quốc nhưng ĐCSTQ đã phủ nhận mọi quan hệ với ông ta. Cuối cùng, Kim đã tự sát trong tù sau khi hoàn toàn tuyệt vọng.
Jimmy Carter và Richard Nixon trao đổi với Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình vào tháng 1 năm 1979, chín năm sau chuyến thăm đầu tiên của Nixon đến Trung Quốc và sáu năm trước vụ bê bối “Năm điệp viên”. (Wikimedia Commons)
Kim Vô Đãi, điệp viên nổi tiếng nhất của ĐCSTQ, đã ẩn nấp trong cơ quan tình báo Hoa Kỳ 37 năm. Mãi đến năm 1985 sau khi đã nghỉ hưu được 4 năm, Kim mới bị phát hiện. Ông ta bị lộ thân phận sau khi Vụ trưởng Vụ Tình báo Bắc Mỹ của Bộ An ninh Trung Quốc Du Cường Thanh (Yu Qiangsheng) quy hàng Mỹ.
Kim Vô Đãi là một đặc vụ được tuyển mộ bởi cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Kể từ khi trở thành điệp viên của ĐCSTQ vào năm 1944, Kim đã gửi tất cả các loại thông tin tình báo cho Chu. Sau đó, Kim Vô Đãi trở thành kẻ nằm vùng CIA của ĐCSTQ. Khi đó, ông ta đang là Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Đông Á của Hoa Kỳ, chuyên cung cấp các báo cáo nghiên cứu để chính phủ Hoa Kỳ đưa ra các quyết sách đối với Trung Quốc. Cùng lúc đó, Kim cũng liên tục giao cho ĐCSTQ các tin tình báo tuyệt mật về chính sách Trung Quốc của chính phủ Mỹ.
Vụ trưởng Vụ Tình báo Bắc Mỹ của ĐCSTQ đào tẩu sang Hoa Kỳ và lật tẩy siêu điệp viên
Một ngày năm 1985, Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ nội địa Hoa Kỳ. Đối phương tự xưng là Du Cường Thanh và xin đầu hàng chính phủ Hoa Kỳ. Du Cường Thanh là người đứng đầu bộ phận an ninh của ĐCSTQ phụ trách công tác tình báo Hoa Kỳ và là Vụ trưởng Vụ Tình báo Bắc Mỹ.
CIA đã nhanh chóng sắp xếp để gặp mặt Du. Sau nhiều lần giám định, CIA xác nhận rằng đây là Du Cường Thanh thật. CIA lập tức thành lập bộ phận đặc biệt để tập trung bảo vệ nhân vật quan trọng phụ trách tình báo Mỹ này. Quốc hội Mỹ cũng ngay lập tức thông qua dự luật đặc biệt nhằm bảo vệ an toàn cho Du Cường Thanh và giải quyết danh tính của ông ta.
Du Cường Thanh là anh trai của Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng) – một chính khách Trung Quốc. Cha của họ là ông Hoàng Kính (Huang Jing), một trong những nguyên lão của ĐCSTQ và là thị trưởng đầu tiên của Thiên Tân. Ông Hoàng Kính tên thật là Du Khải Uy (Yu Qiwei), thời trẻ từng sống chung với bà Giang Thanh – người vợ thứ 4 của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông. Sau khi chia tay với Giang Thanh, ông kết hôn với bà Phạm Cẩn (Fan Jin) và sinh ra anh em nhà họ Du. Bà Phạm Cẩn cũng là một cán bộ kỳ cựu của ĐCSTQ, trước Cách mạng Văn hóa, bà từng là Phó thị trưởng Bắc Kinh kiêm người đứng đầu tờ Nhật báo Bắc Kinh. Ông Hoàng Kính đã bị dày vò đến chết trong Cách mạng Văn hóa, bà Phạm Cẩn cũng bị đấu tố và suýt mất mạng. Không rõ động cơ đào tẩu sang Mỹ của ông Du Cường Thanh là gì, rất có khả năng có liên quan đến những điều cha mẹ ông từng trải qua.
Vụ trưởng Vụ Tình báo Bắc Mỹ của ĐCSTQ đã mang hồ sơ của Kim Vô Đãi đến Mỹ để đầu thú. Nhờ đó Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) có được mật danh và bằng chứng liên lạc của Kim Vô Đãi trong cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc. Sau đó không lâu, chính phủ Hoa Kỳ thông báo rằng họ đã bắt giữ Kim Vô Đãi, người phụ trách khu vực Châu Á của CIA, một người Mỹ gốc Hoa, và cáo buộc ông này là gián điệp của ĐCSTQ.
Việc bắt giữ Kim Vô Đãi đã gây chấn động lớn ở Hoa Kỳ, hơn cả việc Du Cường Thanh đầu hàng. Sự việc cũng từng gây chấn động ở Đài Loan và Nhật Bản. Ai cũng không thể ngờ rằng người phụ trách giám sát công việc tình báo của Hoa Kỳ ở Châu Á lại là một điệp viên của ĐCSTQ.
Về siêu điệp viên Kim Vô Đãi
Ông Kim Vô Đãi sinh năm 1922 tại Bắc Kinh và tốt nghiệp khoa Báo chí của Đại học Yên Kinh (Yenching University). Năm 1938, ông làm thông dịch viên tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thượng Hải, và đến năm 1944 được ông Chu Ân Lai thu làm gián điệp cho ĐCSTQ. Năm 1949, ông đến làm việc tại Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hong Kong, gia nhập CIA năm 1952 và làm việc cho Cục Dịch vụ Thông tin Phát thanh Nước ngoài (FBIS) của CIA tại Okinawa. Tại đây, ông kết hôn với bà Chu Cẩn Dư (Zhou Jinyu), nữ phát thanh viên nổi tiếng nhất Đài Loan lúc bấy giờ.
Kim Vô Đãi trực tiếp tham gia công tác tình báo trong Chiến tranh Triều Tiên, đồng thời là liên lạc viên giữa cơ quan tình báo Đài Loan và cơ quan tình báo Mỹ lúc bấy giờ. Sau đó ông ta trở thành trưởng ban liên lạc giữa quân đội Mỹ và mạng lưới tình báo Đài Loan. Vào thời điểm đó, Kim Vô Đãi thường xuyên giao thông tin tình báo của quân đội Mỹ và Đài Loan cho cơ quan tình báo ĐCSTQ.
Trong Chiến tranh Triều Tiên, Kim đã chuyển một lượng lớn tin tức tình báo của quân đội Mỹ cho các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, bao gồm cả danh sách tù binh tình nguyện “chống lại ĐCSTQ”. Tin tình báo này khiến các đại diện của ĐCSTQ đang đàm phán với Mỹ đã yêu cầu quyết liệt rằng tất cả các tù nhân chiến tranh phải hồi hương. Khi những người này trở về Trung Quốc, họ đều có chung một kết cục.
Vào tháng 10/1970, Kim Vô Đãi đã gửi một tài liệu mật của chính quyền ông Nixon cho ĐCSTQ. Tài liệu tiết lộ rằng, Tổng thống Nixon hy vọng sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Nhờ đó, ĐCSTQ có thể điều chỉnh chính sách kịp thời nhằm thu được lợi ích chính trị tối đa. Chính quyền Tổng thống Nixon đã nhượng bộ hàng loạt cho ĐCSTQ mà không hề hay biết. Các hoạt động của Kim cũng khiến Hoa Kỳ mất nhiều lợi thế chiến lược trong Chiến tranh Việt Nam.
Kim Vô Đãi là một trong số ít người thành thạo tiếng Trung của CIA. Nhờ đó ông ta dần trở thành chuyên gia về Trung Quốc của CIA, chức vụ cũng dần được thăng tiến. Cuối cùng Kim được đề bạt làm người phụ trách khu vực Châu Á của CIA, chịu trách nhiệm theo dõi và trao đổi thông tin tình báo của CIA với các quốc gia Châu Á, bao gồm cả Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. Kim Vô Đãi được điều đến California vào năm 1961, và sau đó đến trụ sở CIA ở Florida. Năm 1965, Kim có được quốc tịch Mỹ, suýt chút nữa ông ta được thăng làm Phó Giám đốc CIA. Năm 1981, Kim Vô Đãi nghỉ hưu. Sau khi về hưu, ông ta vẫn làm cố vấn cho CIA.
Chỉ có vài chục người ở Trung Quốc có thể nhìn thấy thông tin tình báo mà Kim Vô Đãi đã chuyển giao. Những người biết được danh tính thực sự của ông ta thậm chí còn ít hơn. Mãi cho đến khi Vụ trưởng Vụ Tình báo Bắc Mỹ của ĐCSTQ đầu hàng Hoa Kỳ, gián điệp Trung Quốc ẩn nấp thâm sâu nhất trong lịch sử tình báo Hoa Kỳ mới bị phanh phui.
ĐCSTQ không giải cứu, Kim Vô Đãi tự sát trong tuyệt vọng
Vào ngày 22/11/1985, Kim Vô Đãi, nội ứng của ĐCSTQ trong hơn 30 năm, bị FBI bắt giữ. Vào tháng 2/1986, bồi thẩm đoàn kết luận Kim Vô Đãi phạm tất cả 17 tội danh, bao gồm 6 tội danh gián điệp và 11 tội danh gian lận và trốn thuế, và sẽ bị kết án vào ngày 4/3 cùng năm. Trước những bằng chứng đó, Kim Vô Đãi biết rằng việc che đậy sẽ vô ích, vì vậy ông ta đã công khai danh tính của mình và thừa nhận với các quan chức CIA rằng bản thân là một điệp viên của ĐCSTQ với mật danh XX.
Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Hoa ngữ, Kim Vô Đãi kêu gọi ĐCSTQ sử dụng việc thả nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) như một con bài thương lượng để đổi lấy việc ông ta được ra tù.
Tuy nhiên, ĐCSTQ không bao giờ thừa nhận Kim Vô Đãi là gián điệp của mình, họ phủ nhận mọi liên hệ với Kim. Vào thời điểm đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lý Triệu Tinh (Li Zhaoxing) cho biết trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng “Vụ việc Kim Vô Đãi là do các thế lực chống Hoa ở Mỹ bịa đặt. Chính phủ Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và chưa bao giờ gửi bất kỳ gián điệp nào đến Hoa Kỳ”, “Chúng tôi không có quan hệ gì với người đó, các cáo buộc của Hoa Kỳ là vô căn cứ”.
Kim Vô Đãi vẫn mơ tưởng về một bước ngoặt. Khi trong tù, ông ta nhờ vợ là Chu Cẩn Dư cố gắng đến Bắc Kinh để tìm cách gặp Đặng Tiểu Bình, hy vọng có thể nhờ Đặng Tiểu Bình ra mặt trao đổi với Hoa Kỳ. Chu Cẩn Dư hỏi ý kiến của một người bạn, người bạn này nói rằng ĐCSTQ đã không thừa nhận việc Kim Vô Đãi làm việc cho họ, làm sao Đặng Tiểu Bình có thể ra tay giải cứu?
Khi này, Kim Vô Đãi mới hoàn toàn tuyệt vọng về ĐCSTQ. Vào ngày 21/2/1986, trước ngày tuyên án, tức là 3 tháng sau khi bị bắt, Kim Vô Đãi đã tự sát ở trong nhà tù Virginia, Hoa Kỳ. Ông ta đã trùm một chiếc túi nhựa lên đầu và buộc dây giày vào cổ, tự kết liễu đời mình ở tuổi 63.
Đông Phương – Theo Vision Times