“Kế sách” của ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Trung Quốc dường như đang theo đuổi chiến lược chờ thời xem ai sẽ bỏ cuộc trước khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, một cựu cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết.
Các cuộc đàm phán giải quyết bất đồng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ liên tục bị gián đoạn do không tìm được tiếng nói chung, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời giáo sư kinh tế Đại học Thanh Hoa David Li Daokui, cựu thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho biết.
“Trung Quốc kiên nhẫn, không kỳ vọng có thể đạt được thỏa thuận trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 11 năm ngoái”, ông Li cho biết tại Hội thảo đầu tư châu Á do Credit Suisse tổ chức tại Hong Kong mới đây.
Ông Li cũng nhắc lại tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc trao đổi qua điện thoại hồi tháng 12/2018 nói rằng: “Để xem ai bỏ cuộc trước”.
Điều này cho thấy sự ngờ vực lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc đàm phán đạt thỏa thuận nhằm chấm dứt các bất đồng thương mại đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường thế giới. “Các bên cần thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, nếu không sẽ không có hiệu quả”, ông Li nói.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai quốc gia đã bị gián đoạn 6 tháng trong năm 2018 sau khi phái đoàn của Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu đã trắng tay rời Bắc Kinh hồi tháng 5 năm ngoái.
Mỹ đã nổ phát súng đầu tiên trong cuộc chiến thương mại bắt đầu từ tháng 7, tháng 8 năm ngoái sau khi các cuộc đàm phán thất bại. Sau khi áp thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, Mỹ tiếp tục áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa nữa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc đã đáp trả bằng chính sách áp thuế 5-25% lên 10 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Mỹ chỉ ngừng ý định áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại tại cuộc họp ở Buenos Aires, Argentina ngày 1/12/2018.
Ông Li cho rằng, Bắc Kinh và Washington cần thiết lập cơ chế giám sát và đối thoại thường xuyên để duy trì các cam kết nhằm giải quyết bất đồng thương mại. Theo ông, điều này nên được cụ thể hóa trong thỏa thuận cuối cùng giữa hai bên. “Chúng ta cần đàm phán hàng tháng, thậm chí 2 tuần một lần để đảm bảo phía Mỹ hiểu”, ông Li nói.
Theo SCMP