Kể chuyện cho Mẹ Nấm nghe!
Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) – Chuyện kể rằng, vào thời hiện đại, ở San Francisco, nơi mà những thí nghiệm của loài người cùng với những nghiên cứu về di truyền học đã tạo bước đà cho sự phát triển trí thông minh của loài khỉ. Nghiệt thay! Từ đó lại khơi mào cuộc chiến tranh giữa loài khỉ và loài người để tranh nhau quyền lực.
Bộ phim mang tựa đề “Rise of the Planet of the Apes”. Ông đạo diễn bộ phim này gợi ra thông điệp, theo cách chơi chữ “Evolution becomes revolution”. Vậy đó Mẹ Nấm.
Cô biết không, một khi sự tiến hóa trở thành cuộc cách mạng, có khi là sự khởi đầu, mà biết đâu chừng, đó lại là sự kết thúc trong bi đát của những tư tưởng rồ dại nào đó.
Đôi khi, mọi chuyện trở nên muộn màng đến khó cứu vãn, lúc mà người ta nhận ra hậu quả khốc liệt đang dần bày ra trước mắt. Cô có thể gọi tên “Bất Lực”, nếu thích. Nếu không thích ư? Dễ thôi, cô có quyền gọi hằng hà sa số cái tên khác, tỉ như: “Bế Tắc”, “Sa Lầy” hoặc giả cô mượn tác phẩm “Bước Đường Cùng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng được. Nếu cô tí tởn và khoái Sơn Tùng – MTP thì mượn đại “Lạc Trôi” của chàng ca sĩ trẻ soái ca này để diễn đạt tâm trạng mất phương hướng, nghĩa là vừa lạc lối vừa trôi bềnh bồng trong tâm thức mông lung cùng tâm khảm rối bời!
Đừng có bắt bẻ tôi nhiều quá, cô nhé! Tôi không có đủ sự tĩnh lặng vào những lúc như thế này!
Mẹ Nấm thân mến!
Cốt truyện với những vai diễn trung tâm được ông đạo diễn chọn lại là loài… khỉ, không phải loài người. Tôi ngớ ngẩn quá, cô nhỉ?! Tại sao ư? Thì tại vì cái tựa phim, người ta nói vai chính rồi!
Tất nhiên, thú có hai loại: thú cưng và thú không được cưng, dù có thể cả hai loại đều được mua bán trong “pet shop”. Đừng có hỏi tôi tại sao không cưng mà mua về. Bởi vì, ban đầu chủ nhân ngỡ rằng, có thể cưng nó, nhưng mua về sau vài tuần vài năm gì đó, nó không ngoan và không biết làm vui lòng chủ nhân. Đơn giản vậy thôi!
Dù sao, thú cưng hay thú không được cưng cũng đều là… thú – những con “Apes”!
Chúng chỉ khác nhau đôi chút ở vẻ bên ngoài, ví dụ như: thú cưng thì được tắm gội, lông được chải chuốt cẩn thận, xịt nước hoa, ăn ngon và có những bộ đồ ngộ nghĩnh khoác bên ngoài, đội chiếc mũ be bé xinh xinh… để làm cảnh cho chủ. Nhiệm vụ của nó đơn giản là trở thành “nhãn hiệu cầu chứng” về sự “sang trọng” và “trí tuệ”, “lịch lãm” và “đài các” của chủ nhân.
Bất hạnh thay! Cho đến một ngày… xấu trời nào đó, “những con thú cưng” hoàn toàn có thể biến thành “những con thú không còn được cưng”.
Sự khác nhau của thú loại hai chỉ một chữ “CÒN”. Vậy thôi mà dữ dội lắm nghe, Mẹ Nấm. Hãy mường tượng mà coi! “Những con thú không được cưng” và “Những con thú không CÒN được cưng”.
Tuy vậy, “những con thú không được cưng” vốn hiểu rõ thân phận từ lâu, nên không lấy làm đau khổ nhiều lắm, sau nhiều năm tháng “mộng mị” về chủ. Chỉ tội cho “những con thú không CÒN được cưng”.
“Những con thú không CÒN được cưng” nháo nhác khắp nơi, hoảng loạn đủ kiểu và chạy loắng quắng khắp nẻo đường đời.
Có con thì chui tọt ngay vào cũi. Mấy con khác chạy qua nhà hàng xóm. Có con thì thoát được nhờ chủ nhà đó xót thương phận… khỉ. Có con lại bị chủ cũ xông đại vào tư gia người ta túm cổ đem về, sau khi dần cho nó một trận thừa sống thiếu chết. Con nữa lại bị chủ nhà hàng xóm lôi đầu ra giao cho “chính chủ”. Nhiều lắm…
Vui nhất lại là “những con thú “dự bị” không còn được cưng”.
Có một con tuy hơi già nhưng cũng còn tuấn…tú! Trước đây được cưng lắm, vì nó chuyên môn làm hề cho chủ nhân vui lòng. Mà nó khôn lắm nha, Mẹ Nấm! Chỉ chuyên chọn làm trò hề nào phải có ăn, mà là ăn thủy sản không hà. Biệt tài của nó là dùng lưỡi để điều khiển cả bầy khỉ cầm viết. Giỏi không? Dùng lưỡi mà điều khiển trơn tru à nghe! Cô không tin à? Mơi mốt về hỏi mọi người mà coi. Tôi không có nói gian đâu!
Mẹ Nấm biết không! Một hôm, chỉ vì ham ăn quá, con “Tuấn Tú” – tôi đặt tên cho cô dễ gọi – bị chủ phạt.
Tuấn Tú thích ăn mà lại ăn nhiều mới chịu. Ông chủ thấy vậy bèn cho một đống viên gì tròn tròn, đo đỏ, nhìn hấp dẫn lắm. Nó khoái quá chộp lấy, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến liền tức khắc…
Khi nuốt xuống khỏi cần cổ rồi, nó dần dần cảm nhận… Một vị ngòn ngọt, cay nhẹ chạy dọc theo vành lưỡi, lan tỏa hai bên niêm mạc của phần má bên trong nó…
Rồi, một cảm giác mơn man xuất hiện trên chỗ mềm mại và nhọn nhất của phần tiếp giáp với bốn cái răng cửa…
Nó nhe hàm răng vàng ệch cười cười. Bỗng chốc…
Những gai lưỡi lởm chởm ửng đỏ đột ngột…
Cảm giác nóng ran bắt đầu lan tỏa và kéo dài liên tục đến cuống lưỡi, xuyên qua thực quản, xuống tận dạ dày – Tuấn Tú mơ hồ nhận ra cổ họng đang bị cào cấu dữ dội…
Từ sự tổn thương cuống họng, sức nóng và độ cay len lỏi qua từng dây thần kinh của thực quản, kéo dài vô tận đến dạ dày của nó. Nhận ra hóa chất từ một ngọn lửa bùng cháy đang thiêu đốt ruột gan, Tuấn Tú biết rõ… Trễ rồi!
Ban đầu, vừa nhăn mặt, Tuấn Tú vừa phun phèo phèo. Đoạn, nó chuyển qua ói. Nó ráng ói cho ra. Ói đến chảy nước mắt, nước mũi. Và nó bắt đầu rên lên từng hồi…
Những nếp nhăn trên da đầu gối từ run nhẹ chuyển sang bần bật. Nó dần dần khụy xuống… Đôi bàn tay lông lá và thô ráp, từ từ thu lại trong khó nhọc, Tuấn Tú ráng vòng hai cẳng tay lại để ôm chặt cái bụng mà trên đó lòi ra cái rốn đang giật nảy từng hồi. Nó quằn quại. Nó lăn lộn. Và ngã bật ngửa chềnh ềnh… Nó đớn đau khôn xiết.
Gần như câm bặt, Tuấn Tú giương đôi mắt ngấn lệ như van lơn chủ nhân.
Ông chủ hơi chạnh lòng khi quan sát nó từ đầu cho đến lúc đó. Nói ngay ra, ông không ngờ ớt bột trộn với đường phèn lại làm Tuấn Tú đau đớn tột cùng như thế.
Trầm giọng và khoan thai nhưng nghiêm khắc, ông chủ nói:
– Nhớ! Lần sau phải biết khi nào ông cho phép ăn thì mới được ăn nhé, Tuấn Tú!
Nó ráng ngỏng cổ lên gật gật mấy cái, với hai hàng lệ chứa chan trong tư thế bất động, dù định cố gắng gượng đứng dậy, dập đầu tạ ơn ông chủ.
Cũng không biết, “những con thú được cưng” nào lại bày trò ớt bột trộn với đường phèn rồi thêm bãi nước bọt của ông chủ nữa?! Nhưng không có bãi nước bọt đó, làm sao Tuấn Tú dính bẫy?! Vì nó vốn dễ bén hơi ông chủ mà!
Cả tiếng đồng hồ sau, Tuấn Tú mới nghiêng cả thân mình đồ sộ sang một phía và chống một tay (ý lộn!) chống một chi trước, gượng đứng lên. Nó lê bước trở về nơi mà trước đó nó đã được ông chủ sủng ái cho trú ngụ với biệt tài dùng lưỡi điều khiển cả bầy khỉ cầm viết.
Một tay ôm bụng, một tay buông thõng, vửa lê lết Tuấn Tú vừa nhớ về Hung Hăng – bạn nó. Mà không! Hung Hăng, cuối cùng cũng chỉ là “một con thú không CÒN được cưng”.
Tuấn Tú nhớ Hung Hăng không phải vì lâm vào hoàn cảnh tương tự mà nó nhớ Hung Hăng từng vật nài, van vỉ ông chủ:
Xin hãy đối xử với con như đối xử với “một con khỉ được cưng”!
Tuấn Tú không biết nó có may mắn hơn Hung hăng không…
Ngoài kia trời sụp tối.
Mặt trời đã úa tàn.
Trước khi chui vào ổ cũ, Tuấn Tú ngước nhìn ánh hoàng hôn nhạt nhòa, đang dần nhường chỗ cho bóng đêm lừng lững kéo đến mà nghĩ thầm:
– Rồi đây có vị cứu tinh nào cho mình sáng mắt sáng lòng không đây?!
Mây đen vần vũ…
Lời của Hung Hăng văng vẳng bên tai Tuấn Tú: No! Evolution never become revolution, because we are animals, not human, not even pets.
05.08.2018