Kazakhstan: Cách mạng hay đảo chánh?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Kazakhstan: Cách mạng hay đảo chánh?

Khi nào đến lượt Việt Nam: Thay đổi thể chế hay Cách mạng

Thụy My – Tại Trung Á, từ Chủ nhật 02/01, đất nước độc tài Kazakhstan rung chuyển với những vụ nổi dậy càng lúc càng mạnh mẽ. Đám đông ban đầu phản đối giá năng lượng tăng, nay đòi phải thay đổi chế độ. Libération đặt câu hỏi, đó là một cuộc cách mạng hay đảo chánh ?

Tổng thống thừa cơ soán ngôi «cha già dân tộc» Kazakhstan?

Libération cho biết tối hôm qua 05/01, tổng thống Kazakhstan, ông Kassym Jomart-Tokaiev xuất hiện trên truyền hình, khẳng định sẽ cứng rắn với người biểu tình nhưng cũng hứa sẽ cải cách. Đồng thời khẳng định từ nay sẽ giữ luôn vai trò chủ tịch Hội đồng An ninh. Câu nói này đã gây sửng sốt cho tất cả những ai biết về chính trường Kazakhstan.

Chiếc ghế chủ tịch Hội đồng An ninh đã có chủ, và đó chính là Noursoultan Nazarbaiev, « Elbasy » (cha già dân tộc) 81 tuổi, đã trị vì từ năm 1984 đến nay. Tượng của ông được dựng tại tất cả những thành phố lớn của Kazakhstan, và thủ đô đất nước được vinh dự mang tên ông, Noursoultan ! Năm 2019, Noursoultan Nazarbaiev đã nhường chức tổng thống cho một nhân vật ít tên tuổi là Tokaiev, để làm chủ tịch Hội đồng An ninh, một chức vụ « đo ni đóng giày » cho ông. Vào thời đó, sự kiện này gây chấn động tại các nước thuộc Liên Xô cũ. Lên làm thái thượng hoàng rồi giựt dây sau hậu trường, « kịch bản Kazakhstan » sẽ là hình mẫu cho các chế độ độc tài trong khu vực ?

Thế mà giờ đây người kế nhiệm chỉ bằng một câu nói đã giành lấy chiếc ghế ngỡ là suốt đời của « cha già dân tộc ». Các nhà ngoại giao Nga hé lộ, Nazarbaiev đã sang Matxcơva để « chữa bệnh ». Theo tin đồn, thì gia đình ông cũng chuẩn bị ra đi kể cả con gái là Dariga vốn có ảnh hưởng chính trị lớn. Nhân vật số hai của cơ quan tình báo, là cháu của Nazarbaiev, cũng đã bị cách chức. Tokaiev nay một mình một chợ, một tình trạng khó thể tưởng tượng cách đây vài ngày.

« Kịch bản Kazakhstan » phá sản

Mọi việc bắt đầu từ thành phố nhỏ bé Janaozen hôm Chủ nhật, người dân xuống đường phản đối giá khí đốt tăng gấp đôi. Phong trào phản kháng lan ra nhiều thành phố khác : tại đất nước giàu tài nguyên này, dân chúng vẫn nghèo khó, cơ sở hạ tầng xuống cấp, vật giá không ngừng gia tăng. Bên cạnh vấn đề kinh tế, nảy sinh thêm yêu sách chính trị, người biểu tình đòi chính phủ và các thống đốc phải từ chức.

Chính quyền trung ương bèn loan báo đóng băng giá khí đốt trong sáu tháng. Nhưng đã quá trễ : người nổi dậy chiếm tòa thị chính Almaty – thủ đô kinh tế, Dinh tổng thống, phá trụ sở đảng cầm quyền Nour-Otan và nhiều tòa soạn thân chính phủ. Ở miền tây, cảnh sát bỏ hàng ngũ sang phía người biểu tình. Tối qua, tình trạng khẩn cấp được ban bố trên toàn quốc. Tổng thống Kazakhstan cầu viện người bạn lớn Nga, nhưng phát ngôn viên Kremlin nói rằng điều quan trọng là không có ai can thiệp từ bên ngoài, nên Kazakhstan có thể tự giải quyết chuyện nội bộ. Như vậy đã rõ : một khi Matxcơva không thấy có bàn tay phương Tây thì không muốn xen vào.

Tình hình Kazakhstan khác với Belarus, từ khi độc lập đến nay Kazakhstan luôn giữ thăng bằng giữa Nga và Trung Quốc, đồng thời có quan hệ tốt với châu Âu về thương mại và Hoa Kỳ về đầu tư. Tại đất nước lớn nhất trong số năm nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á, Nga có ít lợi ích địa chính trị hơn so với Belarus. Hệ quả thực sự từ sự kiện Kazakhstan nằm ở chỗ khác : nếu có ai trong giới tinh hoa Nga nghĩ đến một sự chuyển đổi hậu Putin theo « kịch bản Kazakhstan » của Nazarbaiev, thì họ đã phải thất vọng não nề.

Phương Tây vẫn ngây thơ trước Nga

Cũng liên quan đến Matxcơva, trong bài «Nga : Sự bất cẩn kỳ lạ của Mỹ» đăng trên Le Monde, tác giả Sylvie Kauffmann nhận định, phương Tây vẫn luôn ngây thơ.

Ngày 10/02/2007, khi Vladimir Putin bước lên diễn đàn hội nghị an ninh Munich, các nước phương Tây vẫn hớn hở, nhất là chủ nhà Đức. Châu Âu và Hoa Kỳ đã hòa giải sau cuộc chiến Irak, còn tổng thống Nga đang trong nhiệm kỳ thứ hai, mà ai cũng ngỡ là cuối cùng. Ngồi trên hàng đầu là bà Angela Merkel, làm thủ tướng được hai năm, tươi cười bên cạnh thượng nghị sĩ Mỹ John McCain.

Nhưng khi Putin phát biểu, mọi người như bị dội một gáo nước lạnh. Trong suốt 30 phút, ông ta tố cáo « mô hình đơn cực Mỹ », cáo buộc NATO mở rộng đến biên giới Nga, đòi hỏi một« cấu trúc toàn cầu mới về an ninh ». Cử tọa ngán ngẩm, có người ôm đầu, một đại biểu Pháp hồi tưởng : « Chúng tôi ra về bàng hoàng, nhận ra rằng thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đã đóng lại ». Hội nghị lần đó được coi như một bước ngoặt, thế tại sao tối hậu thư mà Putin đưa ra mới đây cho Hoa Kỳ và NATO, lại gây ngạc nhiên ?

Trước hết, từ nhiều năm qua, Washington đã nhìn sang phía khác. Trung Quốc trở thành ưu tiên chính trong đối ngoại, từ thời Obama sang đến Trump và bây giờ là Biden. Bảy năm sau bài diễn văn ở Munich, lẽ ra việc Nga sáp nhập Crimée năm 2014 và đưa quân sang Donbass phải làm giật mình, thế nhưng việc xoay trục sang châu Á đã được định đoạt.