Karl Marx đã chết, vĩnh viễn chết
Đức Tùng – Hôm nay nhân ngày sinh nhật lần thứ 201 của ông tổ chủ nghĩa cộng sản là Karl Marx (5/5/1818 – 14/3/1883), đi lục quyển Das Kapital (Le Capital. Critique de l’économie politique – Tư Bản Luận cuốn I năm 1867, cuốn II năm 1885, cuốn III năm 1894) ra đọc lại.
Tưởng cũng cần nhắc lại là Marx đã bỏ ra 20 năm để thảo cuốn I của bộ sách này. Ông Friederich Engels là bạn thân và nhà tài trợ của Marx đã thu thập các bài viết, bản thảo của ông để hoàn tất, thêm thắt và xuất bản cuốn II và III sau khi Marx qua đời.
***
Có thể tóm tắt ý tưởng của cuốn sách như sau.
Các Mác cho rằng loài người có những nhu cầu, thuần tuý về vật chất. Con người phải hoà hợp với thiên nhiên qua một chuỗi liên hệ được gọi là sản xuất.
Chính những liên hệ này tạo nên những giai đoạn lịch sử.
Trong những giai đoạn lịch sử này, con người bị chà đạp vì giai cấp thống trị chỉ biết chăm lo cho sản xuất và lợi nhuận của bản thân họ hơn là của giai cấp bị trị.
Đặc biệt trong giai đoạn xã hội thứ nhất là giai đoạn tư bản, giai cấp chủ nhân bóc lột sức lao động của giới công nhân thợ thuyền để làm giàu cho bản thân, còn giai cấp công nhân thì không được hưởng, dẫu rằng đã trực tiếp đóng góp cho sự dư thừa vật chất này.
Vì lý do này mà giai cấp công nhân sẽ vùng dậy để triệt tiêu giai cấp chủ nhân tư bản.
Và lúc đó xã hội sẽ tiến tới giai đoạn 2 là giai đoạn Xã hội chủ nghĩa: mọi người sẽ cùng lao động và hưởng theo nhu cầu.
Xã hội lúc ấy sẽ không còn giai cấp, không còn giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, không còn cảnh người bóc lột người, của cải sẽ dư thừa nên mọi người sẽ đều được hưởng một cách đầy đủ và bình đẳng.
Con người là đấng tối cao nên Tôn giáo không còn cần thiết.
Giai cấp công nhân sẽ hồ hởi tăng sức lao động, để khiến xã hội càng giàu có hơn về vật chất.
Đó chính là lúc tiến đến giai đoạn cuối cùng của xã hội loài người là Thiên đàng Cộng sản: tất cả đều là của chung, mỗi người làm việc theo khả năng của mình và sẽ được hưởng tối đa theo nhu cầu.
Nhu cầu sẽ thăng hoa và sẽ là kích thích tố làm cho người lao động phấn đấu, sáng tạo làm cho xã hội ngày một giàu hơn.
Các Mác cũng tiên đoán rằng Vương Quốc Anh sẽ là nước Cộng sản đầu tiên trên thế giới vì lúc bấy giờ Anh quốc là nước có công nghiệp đầu tiên nên sẽ là nước Tư bản đầu tiên, vì vậy giới công nhân bị bóc lột sẽ nổi dậy làm cuộc Kách Mệnh (cách mạng), tiến lên Xã hội chủ nghĩa để vươn lên Thiên đàng Cộng sản.
***
Marx đã hoàn toàn sai lầm.
150 năm sau, toàn bộ tư tưởng của Các Mác đã bị thực tế phủ nhận.
Từ sau khi “Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản” và “Tư bản luận” được xuất bản, lịch sử nhân loại đã tiến triển theo hướng khác hẳn lời “tiên tri” của Karl Marx. Chủ nghĩa tư bản không hề “giãy chết”, và kinh tế thị trường là nền kinh tế duy nhất hoạt động tốt, là chế độ duy nhất đã giải phóng và làm giàu cho “giai cấp vô sản”.
Những “chủ nghĩa duy vật lịch sử”, “đấu tranh giai cấp”, “chuyên chính vô sản” hay “chủ nghĩa tư bản giãy chết” đã khiến cho nhiều dân tộc phải sống trong cảnh khốn cùng và “ngu hoá” toàn bộ.
Khi áp đặt việc hủy bỏ sở hữu tư nhân và buộc cá nhân phải tan biến trong tập thể, Marx đã tạo nên những nền tảng cho chủ nghĩa toàn trị độc tài hiện đại, hình thành một giai cấp mới quan lại đỏ thống trị, đặc quyền đặc lợi.
Chuyên chính vô sản đã trở thành độc tài đảng trị và quan chức chuyên quyền.
Chính ở các nước tự nhận là cộng sản mà giới quan chức đảng đã bóc lột và đàn áp nhân dân của mình.
Chủ thuyết mác-xít đã được áp dụng ở những quốc gia lạc hậu, đói nghèo, vì chỉ độc tài mới có thể thực hiện được.
Tất cả những gì mà chủ thuyết của ông để lại, ở những nơi nó được áp dụng, là những trận địa hoang tàn và những xác chết chất cao thành núi.
Và sai lầm lớn nhất của Karl Marx là không hình dung ra được chủ nghĩa tư bản sẽ sản sinh ra một tầng lớp trung lưu rộng lớn – không bóc lột ai, cũng không bị ai bóc lột.
Những kẻ kế thừa hậu mác-xít như Lênin cố gắng mở rộng khái niệm đấu tranh giai cấp ở tầm mức toàn cầu, giữa các quốc gia bóc lột và các nước thuộc địa.
Lý thuyết này đã bị thực tế bác bỏ vì các nước cựu thuộc địa, thông qua trao đổi quốc tế và phát triển tư bản của chính họ, lại phát sinh giai cấp trung lưu.
Giai cấp trung lưu này chiếm đến 90% dân số, nếu tính tổng cộng các nền kinh tế phát triển, khiến hai thái cực thống trị – bị trị còn lại trở thành thiểu số.
Một trăm triệu người đã chết do chủ nghĩa cộng sản, vì giải pháp cực đoan và hoang tưởng của Marx.
Ngày 25/1/2006, tại thành phố Strasbourg (Pháp quốc), Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu (Assemblée parlementaire du Conseil de l’Europe), một cơ quan dân cử của 46 quốc gia châu Âu, đã bỏ phiếu và thông qua Nghị quyết 1481 lên án chủ nghĩa cộng sản và coi chủ nghĩa này đã phạm tội ác chống lại loài người.
Lịch sử tội ác rõ ràng như thế vậy mà năm 2019, hơn một thế kỷ sau cuộc cách mạng Nga và 30 năm sau khi khối cộng sản Liên Xô hoàn toàn sụp đổ, vẫn còn 5 quốc gia trên thế giới hoang tưởng mị dân tự gọi là Nhà nước cộng sản, lấy chủ nghĩa Mác-Lê Nin làm hệ tư tưởng : Cuba, Lào, Tàu, Triều Tiên và Việt Nam.
Hãy bình tâm xem xét Nhà nước Việt Nam được gọi là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa (giai đoạn 2 của xã hội).
Việt Nam có còn giai cấp thống trị và giai cấp bị trị hay không?
Con người có còn bị giai cấp thống trị chà đạp hay không?
Sức lao động của giới công nhân thợ thuyền có còn bị chủ nhân bóc lột hay không?
Mọi người có được hưởng theo nhu cầu hay không?
Của cải có dư thừa và mọi người có được hưởng một cách đầy đủ và bình đẳng hay không?
Sau hơn 7 thập niên áp dụng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc và hơn 4 thập niên trên cả nước, Việt Nam có đang tiến đến giai đoạn cuối cùng của xã hội loài người là Thiên đàng Cộng sản hay không: tất cả đều là của chung, mỗi người làm việc theo khả năng của mình và sẽ được hưởng tối đa theo nhu cầu?
Nếu đã là Xã hội chủ nghĩa thì của cải đã dư thừa, người lao động đã được hưởng theo nhu cầu, không còn một ai rơi vào cảnh nghèo túng, không còn khác biệt giữa người giàu và người nghèo.
Đã là Cộng sản thì tất cả đều là của chung, mọi người làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu, dân đã giàu, nước phải mạnh, Con Người là Đấng Tối Cao, được tôn trọng.
Nhưng thực tế lại khác, rất khác.
Đã không là Cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn cuối cùng của xã hội), không là Xã hội chủ nghĩa (giai đoạn 2), lại càng không phải là Tư bản chủ nghĩa (giai đoạn 1), thế thì Việt Nam hiện nay nằm vào giai đoạn nào của lịch sử loài người?
Gấp lại bộ sách dầy cộm, trong suốt 33 chương, duy chỉ có một câu là tôi thấy hợp ý: “Người vô sản không có gì để đánh mất, ngoại trừ xiềng xích của họ”.
Vâng, hãy vứt bỏ xiềng xích, hãy đập nát hết những xảo ngữ bất xứng và giả dối “Việt Nam Cộng sản” hay “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để Dân tộc được trường tồn, để bảo toàn Lãnh Thổ, để làm chủ đất nước, để làm lại tương lai.
Những điều hoang tưởng của Các Mác đã có nhiều nhà kinh tế, sử gia và học giả phân tích cặn kẽ.
Nỗi khổ của con người và nhất là người Việt Nam nằm ở chỗ, họ theo và tin nhưng ít ai đọc hết và đủ về Các Mác.
Có lẽ vì vậy mà hai nhà hiền triết lớn của nhân loại là Socrates và Lão Tử không viết gì cả, vì viết ra cũng có mấy người đọc? Và đọc thì mấy người hiểu? Và hiểu thì mấy người hành động để trở thành sự thay đổi ?
Be the change you want to see in the world.
Soyez le changement que vous souhaitez voir dans le monde.
Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này. (Mahatma Gandhi).
Bằng không thì cứ tiếp tục lê theo xiềng xích dưới chân mình mà đừng than vãn với ai.
Paris 5/5/2019