‘Je suis Charlie’
Theo BBC – Phạm Cao Phong – Gửi tới BBC từ Paris
Nước Pháp bị một đòn trúng vào tâm. Lần đầu tiên trong lịch sử, những nhà báo bị giết hại ngay tại Paris – một tội ác không thể tha thứ, không thể không lên án, không thể không phẫn nộ.
Nhân danh đạo Hồi, nhân danh sự “trả thù” cho Prophete (đấng Tiên Tri) của họ, những kẻ khủng bố đã xả súng bắn vào những phóng viên của tờ Charlie Hebdo – tờ báo trào phúng ra thứ tư hàng tuần.
Đây là một hành động có tính toán, chủ mưu. Những kẻ khủng bố đã có những thông tin chính xác về cuộc họp đông đảo các phóng viên vào lúc 11 giờ sáng.
Nhà báo Verlhac (Tignous) bị thương nặng, không phải đã chết. Tuy nhiên những nhà sáng lập, chủ chốt của Charlie là Georges Wolinski (Wolinski), Jean Cabut (Cabu), Stéphane Charbonnier (Charb) đều bị sát hại.
Theo những nhận xét đầu tiên, tóm tắt từ những hình ảnh và nhân chứng, những kẻ khủng bố được đào tạo chuyên nghiệp, rất nhiều khả năng là những kẻ đã sang Syria tham gia thánh chiến.
Đã từ lâu có những lời cảnh báo về nguy cơ từ các nhóm quá khích và mê muội – đáng buồn hôm nay nước Pháp phải chứng kiến sự kiện đau xót này.
Dự đoán có tới hơn 1.000 thanh niên Pháp đang có mặt các vùng chiến sự của Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Irac. Họ gọi đó là cuộc “Thánh Chiến”.
Đáng buồn là trong kinh Koran hoàn toàn không có một dòng nào ,hay cụm từ nào đứng cạnh nhau gợi đến “Chiến tranh” và “Thần thánh”.
Đa số những kẻ lao đầu như thiêu thân vào ngọn lửa chiến tranh không nói được tiếng Ả rập và càng khó có thể nói là hiểu được kinh Koran.
Những câu khích động: “Thôi ở nhà đi mấy nhóc, rúc dưới gầm giường uống trà và nhằn hạt dẻ như đàn bà” và những kẻ không theo họ là bọn “Hồi giáo thoái hoá”, “Anh hùng trên Internet” và “thỏ đế” – nó đánh vào sự hiếu thắng của lớp trẻ.
Thêm nữa nhan nhản những câu tiếp theo: “Nhờ Allah, sự sợ hãi sẽ rơi khỏi tim bạn. Bạn sẽ trở thành những mãnh sư, những người đàn ông chân chính”.
Một điều dễ hiểu là tại các nước phát triển để có một chỗ đứng trong xã hội đòi hỏi sự phấn đấu rất lớn. Những sao nhãng hay chút ít lỗi lầm của tuổi trẻ đều có thể ảnh hưởng đến trực tiếp đến tương lai.
Tâm lý thua sút với bạn bè đã đầu độc không ít tầng lớp bị thiệt thòi trong quá trình đào thải tự nhiên.
Không ít những người như Mohammed M, Mustapha B, hay Abdelkader G… đã từ những trêu chọc của bạn bè về số lượng ít ỏi “like” trên Facebook hay mạng YouTube quẫn trí và bằng mọi giá muốn trở thành nổi tiếng.
Một trong những kẻ hành hình con tin ở Syria bị nhận dạng là một trường hợp như vậy.
Mohamed M. muốn được kính trọng. Ở Syria với con dao rỏ máu và hành vi thú tính, anh ta cảm thấy thỏa mãn.
Sự không hội nhập được vào xã hội ngày càng đi lên, Mohamed M nhận thấy chỉ con đường bạo lực mới vuốt ve, thông thoáng tầm vóc “vĩ đại không được công nhận” trong một nền nếp xã hội có giá trị định hình:
“Tôi là người Hồi Giáo. Tôi chống lại dân chủ, tôi chống lại hội nhập. Tôi tuân thủ giáo luật Charia”.
Tuy nhiên không chỉ có những thanh niên ít nhiều bị thiệt thòi mới nghe theo những thủ đoạn tuyên truyền kiểu như vậy.
Gần đây cũng có một trường hợp phụ huynh học sinh yêu cầu cảnh sát can thiệp ,ngăn dữ con trai mình lao đầu vào con đường mù quáng.
Đó là trường hợp của Kevin – một học sinh rất có triển vọng, học trong một trong những trường danh giá nhất Paris là trường Condorcet – Ngôi trường đã đào tạo Alexandre Dumas, Hoàng Đế Bảo Đại. Nhà triết học Jean Paul Sartre cũng đã từng dạy ở đây.
Tại sao? Ba mẹ em tìm thấy hàng chữ “All Eyez on me” trên màn hình của con và cảm thấy bất an. Đó cũng là đầu đề album nhạc của ngôi sao nhạc Rap Tupac Shakur. Họ cũng tìm thấy những tờ rơi những kẻ cuồng loạn dúi vào tay con.
Những tờ rơi đó nói cần có những cử chỉ nghĩa hiệp, dấn thân che chở cho những người yếu đuối:
“Hãy thức tỉnh, hãy thức tỉnh. Chiến tranh đang nổ ra khắp nơi. Những người Hồi giáo đang ngã xuống cho dầu lửa và tiền bạc. Allahu Akhbar.
“Lên đường, lên đường, hãy chiến đấu, hy sinh. Allahu Akhbar….”
70 năm sau khi chiến tranh lùi xa khỏi Châu Âu, lớp trẻ chỉ cảm nhận những mất mát, đau đớn của chiến tranh qua màn ảnh, hay những trò chơi điện tử.
Đầu óc họ đơn giản chiến tranh chỉ như cho đĩa CD vào Playstation 4 và điều khiển khẩu AK 47 như bấm nút bàn phím. Những gian nan như ngủ dưới đất, không có sưởi khi trời giá lạnh gần như xa lạ với lớp trẻ được chăm sóc, bảo vệ trong xã hội văn minh. Thậm chí nếu ông bố ,bà mẹ nào có lỗ mãng, nặng nề trong lời ăn tiếng nói, hoặc hành vi bạo hành trẻ em có nguy cơ đối đầu với pháp luật.
Nhà nước Hồi giáo đã xuyên tạc chữ Djihad trong kinh Koran. Djihad không phải là chiến đấu chống lại những người không tin theo kinh Koran, mà là cuộc chiến mỗi cá nhân chống lại chính bản thân mình. Đấu tranh để tự hoàn thiện, đấu tranh chống cái ác vẫn còn ẩn dấu trong mỗi người.
Nhiều giáo sĩ bán mình cho quỷ đã tuyên truyền về cuộc chiến tại Syria, Iraq là cơ hội rèn luyện đúng đắn, cơ hội thăng tiến trong một cộng đồng thuần khiết. Sát cánh với những anh em mới để làm nên việc lớn, xây dựng một nhà nước cho riêng họ, cho riêng những người Hồi giáo.
Sự lập lờ ma quái đó đã được nhào nặn, tiêm vào đầu những thanh niên nhẹ dạ.
Một vấn đề nữa cần được chú ý hơn là việc định hình giá trị cuộc sống cho từng cá nhân trong các nước phát triển. Không thiếu những lời ca thán, những chia sẻ ủ ê dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội:
“Hôm nay nhảm quá, không được việc gì,” hay “Chả biết làm gì cuối tuần, không Disco, mất hứng rồi”…
Cuộc dạo chơi với cái chết ở Aleppo (Syria) lại mời mọc: “Ở đây các bạn sẽ tìm thấy niềm phấn khích, học được vài điều hữu ích cho bạn, cho tâm linh của bạn và cả trái tim của bạn.”
Không những thế, các tổ chức bí mật còn tuồn tiền với bước đầu giúp đỡ những thanh niên cơ hàn. Dần dần cải hoá họ và cuốn họ vào cơn say.
Nhà báo Chris Hedges viết trong quyển sách nhan đề “War is a Force that gives Us Meaning”:
“Con người không chỉ đi tìm hạnh phúc mà còn đi tìm Ý nghĩa của cuộc sống. Bi kịch là đôi khi chiến tranh lại là nền tảng ý nghĩa trong xã hội con người”.
Hiện trạng nhiều thanh niên Pháp nhận ra bộ mặt thật của nhà nước Hồi giáo, quay trở lại đất nước và được đón nhận vào những trung tâm điều trị và chăm sóc tinh thần là một điều bất an cho nguồn động viên sức người của nhà nước Hồi giáo.
Việc những nhà báo, truyền thông chỉ ra những mâu thuẫn giữa sự thật và bóng tối khiến cho những tà thuyết ngày càng mất giá trị.
Đã có rất nhiều người quay lại truyền bá cho bạn bè những khổ ải, ruồng bỏ, khinh thị phải nếm trải .Họ nhìn ra rằng không phải cuộc sống mà họ được hưởng hôm nay dưới mặt đất là đầy ải và là thử thách của Allah dành cho họ để đổi lấy Thiên Đường của ngày hôm sau.
Không ít người đã bắt đầu tự đặt câu hỏi: “Liệu một con người của 1.400 năm trước có đủ khả năng suy nghĩ và lo lắng cho tất cả mọi vụ việc – Từ rửa tay trước khi ăn, giải quyết những tranh chấp với hàng xóm, thậm chí làm sao để người đàn bà đặt khoái cảm trong tình dục”.
Người dân Paris và cả nước Pháp trong giờ phút đau thương này đã có những hành động tự phát, song rất nhân văn.Họ xuống đường, tập hợp trên những Quảng trường và thắp nến tưởng niệm những nạn nhân.
Những giá trị Pháp mà đất nước này tranh đấu hàng trăm năm nay càng được khẳng định:
– Quyền được tự do, quyền được sống theo ý mình trong giá trị cộng đồng, luật pháp, quyền được bộc lộ chính kiến.
– Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, bình đẳng trong tín ngưỡng, niềm tin của mỗi cá nhân, mỗi sắc tộc này với sắc tộc khác.
– Bác ái – Chỉ có tình yêu, sự tôn trọng lẫn nhau mới giúp con người gần nhau hơn và chung sống hoà bình.
Đã không có những vụ trả thù, giết chóc người Hồi giáo tiếp theo hành động man rợ và thú tính này trong thứ Tư đen tối 07/01/2015.
Hôm nay, theo tục lễ của nước Pháp là ngày chúc phúc lành, ngày gia đình quây quần chia nhau chiếc bánh Vua.
Nhưng mười hai đồng nghiệp và chiến sĩ cảnh sát của tôi đã không có những giây phút ấm áp tưởng như đơn giản. Các bạn vĩnh viễn đi xa.
Nhưng cái chết của các bạn chắc chắn không uổng phí, những giá trị của các bạn để lại thật là cao cả.
Hôm nay ai là người Pháp chân chính cũng viết: Je suis Charlie.
Các bạn quốc tế cũng thế.
Wolinski, Charb, Cabu… đi nhé, thanh thản.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.