Ít nhất 26 người chết tại Kiev
Ít nhất 26 người đã thiệt mạng trong vụ đụng độ đẫm máu nhất từ nhiều tháng trở lại đây giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình tại thủ đô Kiev.
Thỏa thuận hòa hoãn tạm thời có nguy cơ tan vỡ vì bạo lực tiếp tục xảy ra với số thương vong ở Kiev tăng.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych nói ông đã chấp thuận hòa hoãn với các lãnh đạo đối lập sau khi ít nhất 26 người chết trong các cuộc xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình.
Trong một thông cáo, ông Yanukovych cho biết ‘các cuộc đàm phán’ sẽ bắt đầu ngay lập tức để chấm dứt tình trạng đổ máu trong hai ngày qua.
Một lãnh đạo đối lập là Arseniy Yatsenyk đã xác nhận điều này. Ông yêu cầu cảnh sát không được tấn công tiếp vào trại biểu tình ở Quảng trường Độc lập, tức Maidan, ở thủ đô Kiev.
Theo phóng viên BBC Kevin Bishop từ khách sạn Ukraine nhìn ra quảng trường Maidan sáng 20/2, có tiếng súng nổ và cảnh “12 người bị được chuyển đi trên cáng, không rõ còn sống hay chết”.
Hôm thứ Ba ngày 18/2 là ngày đẫm máu nhất kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát hồi cuối tháng 11 năm ngoái khi cảnh sát tìm cách dẹp trại biểu tình ở Maidan.
Phương Tây cảnh báo
Trong diễn biến khác, Tổng thống Yanukovych đã sa thải Tướng Volodymyr Zamana, người đứng đầu các lực lượng vũ trang, và thay thế ông này bằng Tư lệnh Hải quân Yuriy Ilyin. Lý do không được công bố.
Trong lúc này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo sẽ có ‘hậu quả’ đối với bất cứ ai vượt qua lằn ranh ở Ukraine – bao gồm cả quân đội nước này nếu như họ can thiệp còn Nga thì mô tả cuộc đụng độ ở Maidan là ‘âm mưu đảo chính’ của ‘những kẻ cực đoan’.
Ngoại trưởng các nước Pháp, Đức và Ba Lan sẽ đối thoại ở Kiev vào hôm nay ngày 20/2 trước khi hội nghị ở Brussels để quyết định có áp đặt cấm vận đối với Kiev hay không.
Thông báo ngừng bắn được đưa ra vào cuối ngày 19/2 sau khi ông Yanukovych gặp các thành viên của một nhóm giải quyết khủng hoảng bao gồm ba lãnh đạo đối lập chính, chủ tịch Quốc hội và các quan chức cấp cao trong chính quyền.
Thông cáo trên trang web của tổng thống cho biết các bên đồng ý bắt đầu đàm phán để chấm dứt đổ máu, ổn định tình hình trong nước và đạt được an bình xã hội.
Tuy nhiên, thông cáo này lại không nói chi tiết về ý nghĩa cũng như cách thực thi lệnh ngừng bắn này.
“Kế hoạch tấn công Maidan của chính quyền vào hôm nay sẽ không diễn ra,” lãnh đạo đối lập Yatsenyuk phát biểu trong một thông cáo trên trang mạng của Đảng Tổ quốc của ông.
“Lệnh ngừng bắn đã được ban bố. Điều cốt yếu là phải bảo vệ nhân mạng,” ông nói.
Bộ phận truyền thông của Đảng Udar, đảng của một lãnh đạo đối lập khác là nhà cựu vô địch quyền Anh Vitali Klitschko, cho biết vòng đàm phán kế tiếp với Tổng thống Yanukovych sẽ được tổ chức ngày 20/2.
Thận trọng
Tình hình chính trị ở Ukraine vẫn chưa có lối ra
Tuy nhiên phóng viên Daniel Sandford của BBC ở Kiev lại tỏ ra thận trong khi ông nói rằng không có ai trong số thành phần cứng rắn tham gia đối thoại với tổng thống.
Lệnh ngừng bắn được đưa ra sau khi xảy ra bạo lực khốc liệt nhất trong ba tháng khủng hoảng chính trị ở Ukraine – biến Kiev thành chiến trường giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động.
Xung đột đã bùng nổ vào sáng thứ Ba hôm 18/2 khi người biểu tình tuần hành đến tòa nhà Quốc hội đòi thay đổi Hiến pháp để hạn chế cái mà họ gọi là ‘sự độc tài’ của Tổng thống Yanukovych.
Bạo lực leo thang khi cảnh sát chống bạo động tìm cách giành lại Maidan vốn bị người biểu tình chiếm giữ trong vài tháng qua.
Đến ngày 19/2 mặc dù bạo lực đã tạm lắng những vẫn còn những vụ đụng độ lẻ tẻ. Người biểu tình cũng đã chiếm bưu điện trung tâm nằm liền kề với Maidan.
Hôm 19/2, cơ quan an ninh Ukraine thông báo họ đang chuẩn bị cho một chiến dịch ‘chống khủng bố’ trên toàn quốc để đối phó với ‘mối đe dọa khủng bố’ ngày càng tăng. Có người cho rằng quân đội sẽ được triển khai lần đầu tiên trong cuộc khủng hoảng chính trị này.