Istanbul ngăn chặn mạng xã hội để bảo vệ ghế Thủ tướng
Chính quyền Istanbul vẫn duy trì lệnh cấm vào trang mạng Twitter, bất chấp phán quyết của Tòa Bảo Hiến Thổ Nhĩ Kỳ – REUTERS/ Dado Ruvic
Theo RFI – Thanh Phương – Thứ Bảy 05 Tháng Tư 2014
Mặc dù Tòa Bảo Hiến Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh hủy bỏ lệnh cấm mạng Twitter, nhưng Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan vẫn bất chấp phán quyết này và tiếp tục tìm cách ngăn chận các mạng xã hội nhằm bảo vệ quyền lực.
Những quyết định cấm đoán nói trên đã bị dư luận trong và ngoài nước chỉ trích kịch liệt. Thế nhưng, trong cuộc bầu cử địa phương ngày 30/03 vừa qua, đảng của thủ tướng Erdogan vẫn giành chiến thắng.
Sau 5 ngày yên lặng, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 04/04 lại khơi dậy cuộc chiến chống các mạng xã hội, công khai đả kích phán quyết của Tòa Bảo Hiến buộc ông phải bãi bỏ lệnh cấm truy cập mạng Twitter, được cho là trái với quyền tự do ngôn luận. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải thi hành phán quyết của Tòa Bảo Hiến, nhưng ông Erdogan tuyên bố không tôn trọng phán quyết đó. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bác bỏ những lời chỉ trích của dư luận trong và ngoài nước, đồng thời lên án những lời “nhục mạ” ông trên các mạng xã hội.
Hôm qua, một tòa án ở Ankara cũng đã ra phán quyết bãi bỏ lệnh cấm truy cập mạng YouTube ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cho tới hôm nay vẫn chưa thể truy cập vào được mạng này. Theo một nhật báo Thổ Nhĩ Kỳ, lý do là vì cũng chính tòa án đó hôm qua đã ra lệnh ngăn chận truy cập vào 15 clip video hiện đang trong vòng kiện tụng. Khi nào 15 clip này được rút đi thì mạng YouTube mới được mở lại ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong số 15 clip video nói trên, có một clip ghi lén một cuộc họp của các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bàn về các kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria. Chính vì dựa trên lý do phải bảo vệ “ an ninh quốc gia”, mà thủ tướng Erdogan đã ra lệnh chặn hoàn toàn mạng YouTube.
“An ninh quốc gia” là lý do mà các lãnh đạo độc tài độc đoán thường đưa ra để biện minh cho các biện pháp cấm đoán Internet. Lên nắm quyền từ năm 2002, đứng đầu một chính phủ Hồi giáo – bảo thủ, thủ tướng Erdogan đã dần dần tỏ ra chuyên quyền, độc đoán, không chấp nhận bất cứ lời chỉ trích nào. Tuy đã nắm chức thủ tướng từ hơn 10 năm qua, nhưng ông Erdogan vẫn tham quyền cố vị và đang nhắm tới chiếc ghế tổng thống, lần đầu tiên sẽ được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp trong cuộc bầu cử tháng 8 năm nay.
Vấn đề là với những biện pháp cấm đoán các mạng xã hội nói trên nhằm bảo vệ quyền lực cá nhân, thủ tướng Erdogan càng đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược với hướng hội nhập châu Âu. Ngày 21/03, sau khi thủ tướng Erdogan ra lệnh cấm mạng Twitter, Liên hiệp châu Âu đã lên án điều mà họ gọi là “sự kiểm duyệt”. Nhân danh Uỷ ban Châu Âu, ủy viên đặc trách việc mở rộng Liên Hiệp Châu Âu Stefan Fule đã cho rằng biện pháp cấm đoán đó khiến người ta “nghi ngờ về cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng các chuẩn mực và giá trị của Châu Âu”. Ông Fule nói: “ Quyền tự do ngôn luận, quyền cơ bản trong mọi xã hội dân chủ, bao hàm quyền được phổ biến mọi thông tin và quan điểm mà không có sự can thiệp của chính quyền”.