Indonesia: Xúc tiến kế hoạch đổi thủ đô — Chính sách phá tàu ‘đánh trộm cá’ bị phản đối

Cac Bai Khac

No sub-categories

Indonesia: Xúc tiến kế hoạch đổi thủ đô — Chính sách phá tàu ‘đánh trộm cá’ bị phản đối

Indonesia từ lâu vẫn mong muốn đổi thủ đô của họ.

Jakarta là cố đô của vương quốc Sunda thời trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô trên thực tế của các nhà lãnh đạo theo chủ trương dân tộc vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập. Thành đô lớn vào hàng nhất nhì trên thế giới này đang chìm dần vào nước biển, trung bình 18 centimét mỗi năm. Mật độ đường sá giao thông trong thành phố thấp đáng kể so với các thành thị khác trên thế giới, gây ra tình trạng kẹt xe gần như kinh niên.

Tuy nhiên Jakarta vẫn là thành phố lớn nhất và là nguồn cung cấp công việc làm lớn nhất nước, và do đó luôn là trung tâm kinh tế của cả nước. Tốc độ phát triển hạ tầng chậm chạp ở quốc gia quần đảo này khiến nhiều người nghi ngờ kế hoạch dời thủ đô sang một đảo khác rồi cũng chìm vào quên lãng.

Nhưng năm 2017 được xem là một dấu mốc thay đổi của dự án chuyển thủ đô đi nơi khác. Sau nhiều năm Jakarta bị lũ lụt trầm trọng, Tổng thống Joko Widodo cho thực hiện một cuộc khảo sát do Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia (BAPPENAS) đảm trách, để nghiên cứu chọn một địa điểm mới ở tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo để làm thủ đô. Nơi có nhiều tiềm năng nhất là Palangkaraya, một thành phố thuộc tỉnh Kalimantan, mà trước đó cựu Tổng thống Sukarno từng mong muốn thay thế cho Jakarta làm thủ đô của Indonesia.

Ông Widodo không hé lộ thông tin về dự án dời thủ đô này cho đến khi ông thú nhận trên Twitter rằng “kế hoạch di chuyển thủ đô hiện vẫn trong giai đoạn nghiên cứu.. tính toán kỹ lưỡng là cần thiết để bảo đảm rằng việc di chuyển thủ đô sẽ thực sự lợi ích.” – VOA

***

Các giới chức cao cấp chính phủ và lãnh đạo các doanh nghiệp ngày 10/1 yêu cầu Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia ngưng biện pháp cho nổ tàu nước ngoài đánh bắt trái phép, cho rằng chính sách này có thể làm tổn hại các quan hệ ngoại giao và ngành đánh cá.

Dưới quyền Bộ trưởng Susi Pudjiastuti, Indonesia đã phá hủy hàng trăm tàu đánh cá trái phép của nước ngoài kể từ năm 2014, trong số đó có những tàu của Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ trữ lượng cá nội địa và ngư dân.

Tuy nhiên Phó Tổng thống Jusuf Kalla nói chính sách này có thể ảnh hưởng đến quan hệ với các nước khác.

“Theo quan điểm của chính phủ, việc này đã đủ rồi,” ông Kalla nói trong nhận xét được nhật báo Kompas loan tải và được phát ngôn viên của ông Kalla xác nhận.

“Việc này liên quan đến các mối quan hệ giữa chúng ta và các nước khác.”

Vào năm 2015, Trung Quốc bày tỏ “quan ngại sâu sắc” khi một trong những tàu đánh cá của nước này nằm trong số 41 tàu đánh cá bị Indonesia cho nổ tung.

Phòng Thương mại Indonesia ngày 9/1 than phiền là chính sách này, điều mà họ gọi là thiếu chú trọng đến những chính sách xây dựng, đã làm tổn hại ngành đánh cá, và việc xuất khẩu các sản phẩm về cá suy giảm.

“Chúng tôi yêu cầu chính phủ để ý đến khía cạnh sản xuất.. và nâng cao đầu tư trong lãnh vực này,” ông Yugi Prayanto, một thành viên cao cấp của phòng thương mại nói.

Bà Susi liên tục được xếp hạng là Bộ trưởng được mến chuộng nhất kể từ khi nhậm chức vào năm 2014, phần lớn vì chính sách ngăn chăn mạnh mẽ việc đánh bắt trái phép.

Là một cựu doanh nhân ngành đánh cá, bà Susi bênh vực chính sách của bà trong một video được đưa lên YouTube, nói rằng đây không phải một chính sách mang dấu ấn của bà nhưng được qui định trong luật.

“Đây không phải là một ý kiến, hay thú vui của Susi Pudjiastuti hay Tổng thống Jokowi,” bà nói.

“Tổng thống Jokowi ra lệnh cho chính phủ thi hành luật đánh cá để cho việc đánh cắp cá của Indonesia chấm dứt.”

Theo bà Susi, ngành đánh cá Indonesia mỗi năm thiệt mất 19,8 triệu đô la vì đánh bắt trái phép. – VOA