Indonesia muốn tập trận thường xuyên với Mỹ ở Biển Đông
Tàu chiến USS Fort Worth (LCS 3) của Mỹ cập cảng Jakarta ngày 22/12/2014. @flikr
Theo RFI – Thanh Phương – 14-04-2015
Indonesia muốn tập trận thường xuyên với Hoa Kỳ ở khu vực gần quần đảo Natuna, trên Biển Đông, gần vùng mà TC khẳng định chủ quyền. Đó là thông báo của phát ngôn viên Hải quân Indonesia hôm qua, 13/04/2015.
Mặc dù Indonesia không phải là một bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng quân đội nước này vẫn tố cáo là bản đồ đường chín đoạn, còn gọi là bản đồ hình «lưỡi bò», do TC tự vẽ, chiếm gần 90% diện tích Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Natuna của Indonesia.
Vào cuối tuần qua, hải quân Indonesia đã mở cuộc tập trận chung thứ hai với Hoa Kỳ tại khu vực Batam, nằm cách quần đảo Natuna 480 km. Tham gia cuộc tập trận có các máy bay tuần tra và máy bay trinh sát, như P-3 Orion, loại máy bay có thể phát hiện các tàu trên mặt nước lẫn tàu ngầm. Phát ngôn viên Hải quân Indonesia cho biết là họ đang dự trù một cuộc tập trận chung với Hải quân Mỹ vào năm tới và nói chung là muốn tập trận thường xuyên với Hoa Kỳ tại khu vực này.
Vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Ryamizard Ryacudu đã tuyên bố với hãng tin AFP là vào tháng 5 tới, ông sẽ đến thăm quần đảo Natuna, bao gồm 157 đảo mà phần lớn là không có người ở, để đúc kết các kế hoạch nâng cấp căn cứ quân sự nhỏ trên quần đảo này. Bộ trưởng còn cho biết là Natuna vẫn có một sân bay, nhưng không thể tiếp nhận nhiều quân, ngoại trừ một số lính thủy quân lục chiến. Mục tiêu của họ là tăng số quân trú đóng trên quần đảo này, có thể là quân của cả ba binh chủng: hải quân, không quân và lục quân.
Theo Reuters, các quan chức Indonesia khẳng định rằng cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ, cũng như kế hoạch gia tăng sự hiện diện quân sự trên quần đảo Natuna không nhằm đối phó với mối đe dọa cụ thể nào. Phát ngôn viên Hải quân Indonesia hôm qua nhắc lại rằng Jakarta không có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, không muốn thấy xảy ra bất cứ sự cố nào ở vùng này và vẫn chủ trương giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao.