Hy vọng và thách thức dầu hỏa dưới chính quyền Trump
TẠP CHÍ KINH TẾ
Podcas
RFI
Phát Thứ ba, ngày 22 tháng mười một năm 2016
Tổng thống tân cử Hoa Kỳ hứa hẹn đẩy mạnh công nghiệp dầu khí và than đá. Liệu bàn cờ năng lượng quốc tế có thay đổi hay không với Donald Trump ở Nhà Trắng ? Mỹ có còn cần dầu hỏa của Trung Đông ? Đâu là chỗ đứng cho năng lượng tái tạo ?
Với những nhà bảo vệ môi trường, những tổ chức đấu tranh chống biến đổi khí hậu, Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ là một kịch bản vô cùng tai hại. Năm 2012, trên mạng xã hội, nhà tỷ phú địa ốc này đã tuyên bố « khái niệm Trái Đất bị hâm nóng là do Trung Quốc tung ra để làm hại nền công nghiệp của Hoa Kỳ ».
Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ chỉ chính thức nhậm chức ngày 20/01/2017 nhưng tên tuổi của Trump liên tục được nhắc tới, từ ở hội nghị khí hậu COP 22 Marrakech – Maroc, đến thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương Lima – Peru, từ một quốc gia xuất khẩu dầu hỏa đang bên bờ vực thẳm như Venezuela đến các nước giàu có ở Vùng Vịnh. Cả các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa trong và ngoài khối OPEP từ Canada đến Algeri, từ Nga đến Indonesia … đều lo âu trước chính sách năng lượng của tổng thống Mỹ tương lai.
Sự hồi sinh cho năng lượng hóa thạch
Đơn giản là vì Donald Trump tin vào năng lượng hóa thạch, vào kỹ thuật khai thác dầu khí đá phiến.Trong lúc Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế AIE dự đoán nhu cầu về dầu hỏa của nhân loại sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến năm 2040, Donald Trump hứa hẹn cho khai thác rộng rãi hơn những vùng giàu tài nguyên – điển hình là bang Alaska.
Hai tháng trước bầu cử tổng thống, ứng viên Donald Trump tuyên bố sẽ xóa bỏ những « rào cản để năng lượng của Mỹ phải trở thành nguồn lợi cho người dân địa phương ». Nước Mỹ của ông Trump cũng chủ trương đưa dầu hỏa và khí đốt ra thị trường thế giới.
Donald Trump cũng đã cam kết khởi động lại dự án Keystone XL vốn đã bị chính quyền Obama chặn lại. Đây là một dự án xây dựng đường ống dẫn dầu cho phép đưa dầu Canada được khai thác từ bang Alberta đến tận các nhà máy lọc dầu của Mỹ ở vùng Vịnh Mehicô.
Theo lời ông Alexandre Andlauer, đặc trách về lĩnh vực dầu khí của cơ quan nghiên cứu độc lập Alpha Value, trụ sở tại Paris, nhờ có đường ống dẫn dầu Keystone, các nhà sản xuất sẽ tiết kiệm được 7 đô la tiền chuyên chở cho mỗi thùng dầu.
Vẫn theo chuyên gia này, nhìn rộng ra hơn, nếu tổng thống tương lai Donald Trump thực sự cho xây thêm các đường ống dẫn dầu và khí đốt, giải tỏa được thế cô lập của một số vùng đất giàu tiềm năng, cấp thêm giấy phép khai thác, cho phép xuất khẩu dầu hỏa của Mỹ ra bên ngoài thì đây sẽ là một tin vui với các nhà sản xuất ở Mỹ.
Giám đốc tạp chí Pháp Chiến Lược Dầu Hỏa Pétrostratégies, ông Pierre Terzian, không lạc quan như chuyên gia của Alpha Value khi cho rằng, chính sách năng lượng của chủ nhân sắp tới tại Nhà Trắng còn chưa có gì là rõ ràng.
« Ông Trump đắc cử đặt ra nhiều nghi vấn cho ngành năng lượng hơn là đem lại những câu trả lời cho hồ sơ này. Điều rõ rệt nhất là tổng thống tân cử Donald Trump không đặt nặng vấn đề bảo vệ sinh thái như tổng thống mãn nhiệm, Barack Obama. Ông vua địa ốc New York này luôn phản đối chính sách chống biến đổi khí hậu của Obama. Donald Trump báo trước là sẽ giảm nhẹ vai trò của Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường.
Trên thực tế, tôi nghĩ là chính sách năng lượng của ông Trump chưa định hình. Chúng ta chỉ biết là trong thời gian vận động tranh cử, ứng viên đảng Cộng Hòa chủ trương phát triển công nghệ dầu khí, khởi động lại các hoạt động khai thác mỏ than, sử dụng nhiệt điện. Ông Trump cũng cam kết hỗ trợ tối đa cho các nhà sản xuất dầu hỏa Mỹ và cởi trói cho thị trường dầu khí của Hoa Kỳ.
Hiện tại chúng ta không biết ai cố vấn cho tổng thống Trump trên hồ sơ năng lượng. Thế nhưng, tất cả những tuyên bố của ông Trump đã khiến trong những ngày đầu sau kết quả bầu cử, giá dầu hỏa trên thế giới đã tạm thời sụt giảm. Cũng có thể đây chỉ là một hiện tượng nhất thời ».
Trong mắt giáo sư Jean-Pierre Favennec tại Viện Nghiên Cứu về Dầu Khí của Pháp IFP, điều chắc chắn là tổng thống Trump tạo điều kiện thuận lợi cho các loại năng lượng hóa thạch, và điều này gây bất lợi cho các nhà bảo vệ môi trường :
« Ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ sẽ đem lại nhiều thay đổi lớn cho ngành năng lượng nói chung nếu như ông thực hiện những gì đã hứa trong thời gian vận động tranh cử. Chẳng hạn như đòi xét lại thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đã được thông qua nhân Hội nghị Khí hậu COP21 tại Paris năm 2015, hay là làm sống lại cả mảng công nghệ than đá của Hoa Kỳ, khuyến khích gia tăng sản xuất dầu hỏa …
Nhưng ở đây chúng ta nhận thấy hai điều : một là, thuần túy về mặt kinh tế mà nói, khai thác than đá không có lời. Bởi vì dùng than đá để sản xuất điện, hiện đắt hơn nhiều so với khí đốt. Thứ hai là ai cũng biết : hứa hẹn để lấy phiếu cử tri là một chuyện, nhưng thực hành hay không những cam kết đó lại là chuyện khác. Chỉ biết rằng với ông Trump ở Nhà Trắng, các loại năng lượng hóa thạch có khuynh hướng được hồi sinh »
Trước mắt, các nhà sản xuất ở Mỹ tỏ ra an tâm sau thắng lợi của ông Donald Trump trong kỳ bầu cử vừa qua. Nhưng theo như đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu như tổng thống Trump thực sử « cởi trói » cho thị trường dầu hỏa, thì sớm muộn gì giá dầu trên thế giới cũng sẽ sụt giảm khi mức cung tăng quá cao. Về điểm này, giáo sư Jean-Pierre Favennec, Viện Nghiên Cứu về Dầu Khí của Pháp IFP, giải thích thêm :
« Có một khác biệt lớn giữa Hoa Kỳ với nhiều nước sản xuất dầu hỏa khác trên thế giới, đó là tại Mỹ, các nhà sản xuất là tư nhân, chứ không phải là những tập đoàn như ở Nga hay Ả Rập Xê Út. Đơn giản là nếu ai đang làm chủ một mảnh đất có dầu hỏa thì họ tha hồ tự do khai thác dầu.
Trong khi đó, Ryiad hay Matxcơva chẳng hạn, lại có quyền ra lệnh cho công ty dầu khí quốc gia mở hoặc khóa bớt van dầu vì những tính toán kinh tế, chính trị và cả địa chính trị.
Điều đó có nghĩa là cho dù tổng thống tương lai của Hoa Kỳ có quyết định mở rộng các hoạt động trong ngành dầu khí, nhưng nếu dầu hỏa mất giá, khai thác không có lời, thì tư nhân sẽ không nghe theo. Cũng chính hàng ngàn các nhà sản xuất cò con này sẽ tự điều chỉnh mức cung cấp của họ theo thời giá trên thị trường. Điều có có nghĩa là chính sách dầu hỏa của ông Trump nếu có tác động, ảnh hưởng của nó cũng chỉ có giới hạn mà thôi ».
Yếu tố Nga trong chính sách năng lượng của Mỹ
Những ý định về chính sách năng lượng, kinh tế và ngoại giao của Donald Trump đang từng bước được định hình. Chuyên gia về khu vực dầu khí của cơ quan nghiên cứu độc lập Alpha Value, Alexandre Andlauer chờ đợi chính quyền Trump sẽ từng bước xóa bỏ cấm vận trừng phạt Nga can thiệp vào Ukraina. Khi đó Washington sẽ cho xuất khẩu trở lại các trang thiết bị và công nghệ khai thác dầu cho các tập đoàn Nga, qua đó nâng cao khả năng cung cấp của các tập đoàn xứ này và góp phần làm giảm giá dầu trên thế giới.
Dầu của Trung Đông và Mỹ ?
Nhờ vào khai thác dầu đá phiến, từ năm 2008, mức sản xuất của Hoa Kỳ tăng thêm 75 %. Đến cuối năm 2015, Mỹ đứng đầu trong số các nhà sản xuất. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có còn cần đến vàng đen của các nước vùng Vịnh hay không?
Đây hiện là mối lo ngại hàng đầu của Ả Rập Xê Út. Đầu thập niên 1990, Ả Rập Xê Út bảo đảm đến ¼ tiêu thụ dầu hỏa của Hoa Kỳ. Nhờ công nghệ khai thác dầu đá phiến, tỷ lệ này đã rơi xuống còn 11 % vào năm 2015.
Lá bài năng lượng của ông Trump không chỉ khiến Riyad lo ngại dầu sẽ mất giá, mà còn đặt lại cả vấn đề về an ninh đối với vương quốc rộng lớn này trong vùng Vịnh, kẻ thù không đội trời chung của Iran.
Lá bài năng lượng của ông Trump không chỉ khiến Riyad lo ngại dầu sẽ mất giá, mà còn đặt lại cả vấn đề về an ninh đối với vương quốc rộng lớn này trong vùng Vịnh, kẻ thù không đội trời chung của Iran.
Nước Mỹ dưới thời ông Trump nếu không còn cần đến vàng đen của Ả Rập Xê Út, liệu hiệp ước Quincy được tổng thống Mỹ, Franklin Roosevelt và quốc vương Ibn Seoud, người đã sáng lập ra vương quốc Ả Rập Xê Út sẽ đi về đâu ?
Năm 1945, Washington và Riyad đã ký kết hiệp ước Quincy trên cơ sở Mỹ cam kết bảo đảm an ninh cho vương quốc dầu hỏa này, đổi lại, Ả Rập Xê Út hứa cung cấp vàng đen cho Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ.