Hy Lạp có nội các cực tả và thiên hữu

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hy Lạp có nội các cực tả và thiên hữu

Alexis Tsipras (phải), lãnh đạo Syriza, và Panos Kammenos, chủ tịch Greek Independents, quyết định hợp tác thành lập chính phủ liên minh

Theo BBC – 26 tháng 1 2015
Đảng cực tả Syriza vừa giành chiến thắng trong kỳ bầu cử Hy Lạp và đã lập chính phủ liên minh chống thắt lưng buộc bụng với một đảng cánh hữu, đảng Hy Lạp Độc lập (Greek Independents).

Lãnh đạo của Syrixa, Alexis Tsipras đã tuyên thệ nhậm chức tân thủ tướng. Ông nói sẽ đàm phán lại các khoản cứu trợ của Hy Lạp, hiện trị giá 240 tỷ euro (268 tỷ đô la Mỹ). Trưởng Ủy hội Âu châu Jean-Claude Juncker đã chúc mừng ông Tsipras, đồng thời nhắc nhở ông về những thách thức “phải đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính”. Đồng euro đã phục hồi từ mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua so với đồng đô la Mỹ, do các nhà đầu tư đã có thời gian tính xem chiến thắng của Syriza có ý nghĩa ra sao đối với tương lai của khối sử dụng đồng tiền chung euro. Các thị trường chứng khoán chính của châu Âu cũng tăng trở lại sau khi xuống giá, với hy vọng là các bên sẽ đạt được những nhân nhượng nhất định về các điều kiện cứu trợ Hy Lạp. Với số phiếu hiện gần được kiểm hết, Syriza dự kiến sẽ chiếm 149 ghế, chỉ thiếu hai chỗ trong Quốc hội là đạt đa số cần thiết để toàn quyền lãnh đạo. Đảng Độc lập được cho là sẽ giành được 13 ghế trong tổng số 300 vị trí ở Quốc hội.

Đồng euro đã phục hồi trở lại sau khi xuống mức thấp nhất kể từ 11 năm qua so với đồng đô la Mỹ                    

Kết quả bầu cử Hy Lạp được trông đợi sẽ là chủ đề chính trong cuộc họp hôm thứ Hai của các bộ trưởng tài chính khối eurozone. Kết quả kỳ bầu cử được tổ chức hôm Chủ Nhật cho thấy đa số cử tri Hy Lạp đã bác bỏ chính sách cốt lõi xử lý cuộc khủng hoảng eurozone mà Brussels và Đức đưa ra, phóng viên BBC Gavin Hewitt từ Athens nói. Các chủ nợ tham gia cứu trợ cho Hy Lạp, gồm Liên hiệp Âu châu, Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã áp đặt các khoản cắt giảm ngân sách lớn cùng việc tái cơ cấu tài chính của Hy Lạp để đổi lấy việc rót tiền cứu trợ. Nhưng người được cho là sẽ trở thành tân bộ trưởng tài chính của Hy Lạp, Yanis Varoufakis nói với BBC rằng chính sách thắt lưng buộc bụng là “những chính sách tra tấn ‘waterboard’ về tài chính, đẩy Hy Lạp trở thành một thuộc địa mắc nợ”. Nền kinh tế nước này đã bị thu nhỏ đáng kể kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, và tỷ lệ thất nghiệp cao đã đẩy nhiều người Hy Lạp vào cảnh đói nghèo.

Một số nét về tân liên minh ở Hy Lạp

  • Syriza, viết tắt của tên gọi “Liên minh Cực Tả”, được thành lập hồi 2004 và do Alexis Tsipras, 40 tuổi, lãnh đạo. Đảng này lần đầu tiên trở nên nổi trội là sau các cuộc biểu tình bạo động ở Hy Lạp hồi 2008
  • Greek Independents là đảng phái hữu khuynh, được thành lập từ một phần tách ra của đảng Tân Dân chủ hồi 2012 và do Panos Kammenos dẫn dắt. Đảng này có đường lối cứng rắn đối với vấn đề nhập cư.
  • Cả hai đảng đều muốn chấm dứt tình trạng thắt lưng buộc bụng và tái đàm phán nợ Hy Lạp

Một số mốc thời gian đáng chú ý

  • 26/1: Alexis Tsipras tuyên thệ nhậm chức thủ tướng
  • 27/1: Dự kiến công bố thành viên nội các chính phủ
  • 28/1: Hết hạn thời gian gia hạn cứu trợ
  • 20/7: Các khoản trái phiếu trị giá 3,5 tỷ euro đáo hạn.