Hungary ngừng cấp khí đốt cho Ukraina vì áp lực Nga?
Một trạm tiếp nhận khí đốt từ Nga tại Ukraina – REUTERS/Gleb Garanich/Files
Theo RFI – Trọng Thành, Hoàng Nguyễn – 27 tháng 9-2014
Thứ Năm 25/09/2014, Hungary đột ngột ngừng cung cấp khí đốt “vô thời hạn” cho nước láng giềng Ukraina. Quyết định của Budapest hôm trước cuộc đàm phán Nga-Ukraina tại Berlin cho thấy khả năng Matxcơva chủ trương gia tăng áp lực lên một số láng giềng Châu Âu của Ukraina để buộc Kiev phải chấp nhận nhiều nhượng bộ trong thương thuyết. Thông tín viên Hoàng Nguyễn tường trình từ Budapest.
Ngay sau khi Hungary có quyết định đơn phương này, Ủy ban Châu Âu đã lên tiếng cảnh cáo Budapest. Hôm qua, 26/09, người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu, Helen Kearns tuyên bố : việc tất cả các thành viên Liên Hiệp Châu Âu bảo đảm an ninh năng lượng chung là điều cần thiết, và các quốc gia Châu Âu có quyền “tái chuyển” năng lượng cho các nước khác, cụ thể ở đây là Ukraina. Tuy nhiên, đây chính là điều mà Matxcơva phản đối quyết liệt, tập đoàn khí đốt Nga thậm chí còn đe dọa cắt khí đốt sang Châu Âu, vì việc này. “Ukraine bị Hung đưa vào thế bí” “Ukraine bị Hung đưa vào thế bí”. Đó là bình luận của báo chí Hungary khi đưa tin về sự kiện trên, nhấn mạnh rằng nước láng giềng Ukraina có thể không có khí đốt trong mùa đông này. Trong thông cáo gửi Hãng Thông tấn Hungary MTI, Tập đoàn cổ phần Földgázszállító Zrt. FGSZ – nhà vận hành đường ống dẫn khí đốt của Hungary – nhấn mạnh rằng từ trước đến nay phía Hung vẫn cung cấp khí đốt cho Ukraine, nhưng điều này tùy theo nhu cầu sử dụng trong nước Hung. Hãng này cho biết, phía Hung sẽ không đảm bảo việc chuyên chở khí đốt sang Ukraina, vì điều này phụ thuộc vào những “điều kiện kỹ thuật và thương mại”. Cùng lúc với việc FGSZ đưa ra tuyên bố cắt khoản khí đốt cho Ukraine, Bộ Phát triển Quốc gia Hung cũng chuyển một thông cáo tới truyền thông Hung, khẳng định rằng mặc dù xung đột Ukraina – Nga xảy ra nhưng tình hình cung cấp khí đốt cho cư dân Hung vẫn được đảm bảo, từ ngày 26/9 chính phủ Hung sẽ tiếp tục tăng lượng khí đốt nhập vào nước này. Cũng theo thông tin của Bộ, hiện tại lượng khí đốt dự trữ của nước này đạt mức 56,6% và công tác dự trữ sẽ được đẩy mạnh để chuẩn bị cho nhu cầu trong nước vào mùa đông năm nay. Đây là việc mà phía Hung coi là mục tiêu hàng đầu, đứng trên mọi toan tính khác. Có thể thấy, vấn đề tương trợ một nước láng giềng trong khó khăn mà EU thường nhấn mạnh không hề xuất hiện trong các tuyên bố của phía chính quyền và doanh nghiệp Hungary. Có lẽ, đó cũng là điều khiến phía Ukraina bất ngờ, như những gì Tập đoàn Naftogaz phát biểu trong thông cáo gửi MTI. Hãng khí đốt quốc gia Ukraina cho hay, họ không liên hệ được với phía Hung để nhận được thông báo về lý do việc ngừng cung cấp khí đốt, cũng như khoảng thời gian mà Hungary định “đóng băng” hoạt động chuyển khí đốt. Đối với Naftogaz, đây là một quyết định “không thể lý giải”, và đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản của EU về thị trường năng lượng thống nhất. Naftogaz cho rằng quyết định của phía Hung là đáng tiếc, và đề nghị đối tác Hung phải tuân thủ và tôn trọng những bổn phận mà hai bên đã cam kết, cùng những luật định của EU. Theo thông báo của Công ty FGSZ quyết định này được đưa ra do nhu cầu sử dụng khí đốt trong nước ngày một tăng, tuy nhiên có những ý kiến cho rằng Budapest đã phải lùi bước trước sức ép của Matxcơva. Cho đến gần đây Hungary, Ba Lan và Slovakia vẫn hỗ trợ khí đốt cho Kiev Vì xung đột quân sự với Liên bang Nga, cũng như những nợ nần về khí đốt với phía Nga đã kéo dài từ nhiều năm nay, kể từ tháng Sáu năm nay, Ukraina đã không được nhận khí đốt từ Nga. Trong những tháng qua, nhu cầu sử dụng khí đốt của nước này được đáp ứng bởi nguồn năng lượng đến từ . Được biết, kể từ tháng 3-2013, Hungary đã cung cấp một lượng khí đốt chừng 6,1 tỉ m3 hàng năm – tức 16,8 triệu m3/ngày cho phía Ukraina, và lượng này đã được nâng lên gấp nhiều lần từ mùa hè năm nay, kể từ khi xung đột giữa Ukraine và Liên bang Nga ngày càng tăng và lên tới cao điểm. Tuy nhiên, cách đây hơn hai tuần, Warszawa đã phải ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine, lý do là bởi tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã đột ngột giảm một phần tư lượng khí đốt cung cấp cho Ba Lan, mà không hề có sự thông báo trước. Do đó, trong thực tế, Ba Lan không còn đủ “lực” để tương trợ người anh em Ukraina. Tuy nhiên, theo truyền thông Hung, căn cứ các nguồn tin ngoại giao, lượng khí đốt mà nước này nhận từ Nga vẫn được đảm bảo, mà không bị cắt giảm. Trước đây, có tin là chính quyền Hungary tìm cách đàm phán với Gazprom để đề xuất tăng lượng khí đốt cho phía Hung, nhưng bên Nga không chấp thuận, chủ yếu vì sợ Hung sẽ “tái chuyển” cho Ukraina theo “đường vòng”. Giờ đây, với việc thình lình ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraine, “nước Hung đã giúp đỡ Putin”, theo nhận xét của mạng tin trực tuyến lớn thứ hai tại Hungary index.hu! Thủ tướng Hungary né tránh chất vấn về sức ép Nga Tuy không nói hẳn ra, nhưng trong thông cáo của mình, Tập đoàn Naftogaz có chỉ ra rằng, phía Hung đã đưa ra quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Hungary Orbán Viktor có cuộc đàm phán với Tổng giám đốc Tập đoàn Gazprom tại Budapest, ông Alexei Miller. Mặt khác, quyết định này – theo Naftogaz – cũng ra đời chỉ vài giờ trước khi vòng đàm phán ba bên Ukraine, Nga và EU được tổ chức tại Berlin, trong đó Liên hiệp Châu Âu đóng vai trò trung gian trong việc xử lý và giải quyết các xung đột năng lượng, khí đốt đang ở mức khủng hoảng giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô-viết (cũ). “Không thể dùng năng lượng – như một hình thức gây áp lực chính trị – để bắt bí các nước thành viên EU, cũng như Ukraine” – Naftogaz nhấn mạnh. Ở đây, cần nhắc lại một thực tế rằng ngay từ đầu năm nay, cả Gazprom lẫn Tổng thống Vladimir Putin đã từng cảnh báo rằng nếu EU cung cấp khí đốt cho Ukraine thì họ sẽ gặp hậu quả. Bởi lẽ, Nga trước sau vẫn cho rằng hợp đồng cung ứng khí đốt của nước này với các đối tác EU có hàm chứa điều khoản cấm tái xuất khí đốt cho Ukraina. Trong khi EU quan niệm việc các thành viên Liên hiệp Châu Âu cung cấp nguồn dự trữ của mình cho Ukraina là hợp thức. Mới đây nhất, vào ngày 25-9, có mặt tại Berlin để chuẩn bị cho vòng đàm phán, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak đã nói thẳng rằng nếu điều đó vẫn diễn ra, thì Nga sẽ không đảm bảo việc cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng ở Châu Âu. Tuyên bố này, như báo chí nhận định, có thể coi là một lời hăm dọa. Phải chăng Hungary khi đưa ra quyết định ngừng chở khí đốt cho Ukraina, đã bị những áp lực chính trị như đã nói ở trên? Một ngày sau, Thủ tướng Hung Orbán Viktor, trong chuyến thăm Hung kiều tại Ukraina nhân dịp khai giảng đầu năm học, đã né tránh vấn đề này và chỉ nói rằng, đối với chính phủ Hung thì sự an toàn của Hung kiều là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, ông đã để một lãnh đạo Hung kiều tại Ukraina phát biểu trước ông, nói rằng do không chắc chắn được rằng Nga có tiếp tục xuất khẩu khí đốt sang Châu Âu như hiện tại hay không nên Hungary phải dừng xuất khí đốt sang Ukraina để lo cho kho dự trữ của mình. Điều đó rất có thể là sự thực. Áp lực trước vòng đàm phán Berlin Ngay trước vòng đàm phán tại Berlin, có lẽ Nga cần để Ukraina thấy rõ rằng, chỉ có họ mới được độc quyền trong việc “khuynh đảo” vấn đề năng lượng của Ukraina. Thời gian qua, có thể thấy những động thái mà Matxcơva dùng để tác động lên Warszawa, và gây ảnh hưởng (một cách giả định) lên Budapest rất phù hợp với toan tính đó. Nga muốn duy trì trạng thái Ukraina phải phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng từ Matxcơva. Có lẽ là người thấu hiểu hơn ai hết điều này, nên mới đây nhất, Tổng thống Petro Poroshenko đã tuyên bố rằng, Ukraina sẽ nỗ lực vượt qua mùa đông năm nay chỉ với 17 tỷ khối khí đốt mà nước này đã dự trữ được cho tới nay (trong khi, Ukraina cần có 22 tỷ khối cho mùa đông) ! Con số 5 tỷ mét khối khí đốt mà Ukraina được coi là thiếu trong mùa đông năm nay, hôm qua đã xuất hiện trong một thỏa thuận sơ bộ giữa Kiev và Matxcơva, mà nếu thỏa thuận này được ký vào cuối tuần sau, cho phép bù vào khoản chênh lệch này. Chỉ một Ukraina có khả năng độc lập về khí đốt với Nga mới có thể thoát khỏi khủng hoảng năng lượng hiện tại, vốn đã kéo dài từ cả hàng chục năm nay.
Thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest: 27/09/2014