Huệ Vũ: Tập Cận Bình trở thành vua Trung Quốc
Thursday, 26/10/2017 – 09:05:08
Bài HUỆ VŨ
Ủy Ban Thường Trực Bộ Chính Trị gồm bảy người: Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), Uông Dương (Wang Dang), Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), Triệu Lạc Tế (Zhao Leji) và Hàn Chính (Han Zheng). Triệu Lạc Tế được chỉ định làm Chủ Nhiệm Ủy Ban Thanh Tra Kỷ Luật Trung Ương (Central Commission For Discipline Inspection – CCDI), thay thế Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan). Lật Chiến Thư được coi là người tin cậy nhất của Tập Cận Bình và được coi sẽ là người sẽ nắm giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội (National People’s Congress Standing Committee).
Tập Cận Bình tại Đại Hội Đảng Cộng Sản ngày 25 tháng 10, 2017. (Lintao Zhang/ Getty Images)
Thành phần Bộ Chính Trị Mới của Trung Cộng gồm 25 người theo qui định đều là người sinh sau năm 1950, sau bảy người đứng đầu nêu trên, người thứ tám là Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), người thứ 25 là Thái Kỳ (Cai Qi). Thái Kỳ đang làm đô trưởng Bắc Kinh. Trong Bộ Chính Trị chỉ có một người phụ nữ duy nhất là bà Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan).
Thành phần Quân Ủy Trung Ương do Tập lãnh đạo chỉ còn bảy người, giảm bốn người so với Quân Ủy nhiệm kỳ trước, gồm hai phó chủ tịch là Thượng Tướng Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), Thượng Tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia). Các ủy viên là Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), Thượng tướng Lý Tác Thành (Li Zuocheng), Đô đốc Miêu Hoa (Miao Hua), và Trung Tướng Trương Thăng Dân (Zhang Shenmin).
Qua Đại Hội, Tập Cận Bình trở thành người có quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc Cộng Sản, sau Mao Trạch Đông. Cái gọi là Tư Tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa Với Đặc Tính Trung Quốc trong Kỷ Nguyên Mới của Tập đã được đưa vào bản điều lệ đảng Cộng Sản giống như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, nhưng Tập tập trung trong tay rất nhiều quyền lực. Ông ta là Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương, Chủ tịch Ủy Ban Quân Sự Trung Ương, Chủ Tịch Ủy Ban An Ninh Quốc gia, và Tổ trưởng nhiều tiểu tổ như Tổ Cải Cách Toàn Diện Trung Ương, Cải Cách Quân Đội và Quốc Phòng, Lãnh Đạo Kinh Tế Trung Ương, An Ninh Tin Học Trung Ương, Đối Ngoại Trung Ương, Công Tác Đài Loan v.v..
Tập Cận Bình bước vào Đại Sảnh Đường Nhân Dân ngày 25 tháng 10, 2017. (Lintao Zhang/ Getty Images)
Có nhiều nhà bình luận cho rằng đại hội thứ 19 là lễ đăng quang của ông vua Tập Cận Bình. Ngoài quyền lực nắm trong tay rất lớn, đa số người trong Bộ Chính Trị và Quân Ủy đều là người thân cận và trung thành của Tập.
Tư Tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa Với Đặc Tính Trung Quốc của Tập gọi là được gọi là “Tập Cận Bình Tân Thời Đại Trung Quốc Đặc Sắc Xã Hội Chủ Nghĩa Tư Tưởng” được chính thức đề cập qua bài diễn văn khai mạc đại hội trên 30 ngàn chữ và đọc trong gần 3 tiếng rưỡi. Tư tưởng này được các đại biểu diễn tả là tổng họp chủ nghĩa Mác-Lê, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý thuyết Đặng Tiểu Bình, Tam Đại Biểu của Giang Trạch Dân và viễn ảnh phát triển khoa học. Các đại biểu cho rằng đây là tư tưởng lớn chưa từng có kể từ thời Mao Trạch Đông. Qua bài diễn văn, Tập Cận Bình đã nêu lên các điểm chính:
1. Nhấn mạnh trong vòng 15 năm, từ năm 2020 sẽ mở rộng tầng lớp trung lưu, tạo môi trường trong sạch, giao thông công cộng tân tiến, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và các vùng nông thôn. Phát triển Trung Quốc thành một quốc gia Xã hội Chủ nghĩa tân thời vĩ đại, thịnh vượng, hùng mạnh và đẹp đẽ, là một xã hội tiểu khang (xiaokang). Từ năm 2035 tới 2050, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia lãnh đạo thể giới cả về kinh tế lẫn quân sự. Hiện giờ vị thế quốc tế của Trung Quốc đã gia tăng ở mức chưa từng có.
Tập Cận Bình (Getty Images)
2. Cảnh báo đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) còn đối phó rất nhiều thử thách, nhất là nạn tham nhũng. Nhấn mạnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi và săn cáo” nhằm chống lại nạn tham nhũng. Tuyên bố sẽ đưa ra những điều luật mới để tận diệt nạn tham nhũng.
3. Tuyên bố bảo vệ từng tất đất, cam kết không để Đài Loan tách rời khỏi lành thổ. Không để cho mô thức “một quốc gia hai hê thống” bị vi phạm.
4. Cam kết không để cho nhà ở bị đầu cơ, tuyên bố biến Trung Quốc thành quốc gia của các nhà cải cách, đổi mới, phát triển kinh tế tập trung vào khả năng tiếp cận thị trường, tăng cường vai trò của thị trường. Hô hào tự do thị trường, phản đối chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch, ủng hộ toàn cầu hóa, cải thiện môi trường.
5. Phát triển kinh tế phải đi song song với việc bảo vệ an ninh đất nước.
6. Nhấn mạnh tới bốn tin tưởng là đảng CSTQ phải tin tưởng vào con đường đã chọn, tin tưởng vào hệ thống chính trị, tin tưởng vào các lý thuyết chỉ đạo và tin tưởng vào nền văn hóa Trung Quốc.
7. Hứa hẹn Trung Quốc trở thành đầu tàu trong nỗ lực chống thay đổi khí hậu toàn cầu.
Trong 5 năm qua, về đối nội, Tập Cận Bình đề ra chủ trương “5 trong 1” là: “xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và sinh thái hài hòa trong một bố cục tổng thể”; và chiến lược “4 Toàn Diện” là: “xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách toàn diện, quản trị bằng pháp luật toàn diện và quản trị Đảng toàn diện.”
Nhiều nhà quan sát cho rằng sau khi tập trung mọi quyền lực vào trong tay và với hầu hết nhân sự trong Bộ Chính Trị là người tin cẩn, Tập Cận Bình sẽ đẩy mạnh hơn các chính sách đã thi hành trong 5 năm qua, đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng gay gắt hơn. Trong 5 năm qua, trên 1.3 triệu viên chức Trung Cộng từ cấp trung ương đến địa phương đã bị thanh trừng.
Về đối ngoại trong 5 năm qua, Trung Cộng đã tỏ ra không còn chịu “dấu mình chờ thời” theo như chủ trương của Đặng Tiểu Bình trước đây, mà đã tỏ ra mạnh mẽ trổi dậy. Để đối phó với TPP, Bắc Kinh đã vận động thành lập khối tự do thương mại RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership), thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Á Châu –AIIB (Asian Infrastructure Investment Bank), vận động cho sáng kiến OBOR (One Belt, One Route) còn được gọi là sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới để mở rộng ảnh hưởng kinh tế, thương mại của họ.
Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực và thành công trong việc tập trung quyền lực là điều có thể thấy rõ ràng qua Đại Hội 19, nhưng Tập có thể ổn định Trung Quốc, đưa Trung Quốc tiến lên, trở thành một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2050 hay không dĩ nhiên là một dấu hỏi to lớn. Có thể chỉ là giấc mơ, vì:
A. Trong thời kỳ độc tài Mao Trạch Đông, họ Mao được coi như một loại thánh sống, nhưng cũng đã có những âm mưu lật đổ như vụ Lâm Bưu, đưa tới chia rẽ, bất an trong hàng ngũ. Quyền lực Mao Trạch Đông lên cực điểm trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Bè lũ “Bốn Tên” do Giang Thanh cầm đầu chiến dịch đã làm đẫm máu Trung Quốc. Sau khi dẹp bọn Bốn Tên, Đặng Tiểu Bình chủ trương tập thể chỉ huy và chính ông ta cũng không nắm giữ các chức vụ tối cao trong đảng hay trong chính phủ, chỉ giữ các chức phó: Phó Chủ Tịch Đảng, Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, Phó Thủ Tướng… và Trung Quốc đã bắt đầu phát triển từ thời Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình tập trung quyền lực vào trong tay là một bước đi thụt lùi.
B. Chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn báo” của Tập Cận Bình cũng là một hình thức “đả hổ” trong lúc Bạc Hy Lai làm bí thư Trùng Khánh! Ngoài thanh trừng tham nhũng còn thanh trừng thành phần chống đối, không trung thành. Bạc Hy Lai có thể là bài học cho Tập Cận Bình. Họ Tập có thể thành công phần nào trong chiến dịch này, thì cũng có thể đưa tới những kết quả ngược lại đầy tai hại, vì nó cũng đang tạo nên rất nhiều bất an trong hàng ngũ đảng.
C. Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ là nỗ lực chính trong nỗ lực chống hâm nóng địa cầu, nhưng Trung Quốc đang là quốc gia phóng khí thải nhiều nhất trên thế giới, chiếm 29% lượng khí thải thế giới. Khói bụi ở nhiều nơi gần như biến ngày thành đêm. Chín tỉnh, các thành phố lớn miền Bắc như Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc luôn luôn chìm trong khói bụi, chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều khi lên con số 500 là mức độ nguy hiểm cao nhất. Theo ước tính, Trung Quốc cần ít nhất $817 tỷ Mỹ kim để làm sạch không khí và phải tốn thời gian nhiều thập niên, nhưng thời gian có thể lâu hơn vì nền kỹ nghệ Trung Quốc khó nhanh chóng thay thế nhiên liệu than đá bằng các loại nhiên liệu sạch. Tình trạng ô nhiễm kéo dài làm cho người dân khó có thể tiếp tục chấp nhận.
D. Tập Cận Bình tuyên bố biến Trung Quốc thành quốc gia kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng đầy nguy cơ. Ngay trong ngày Tập Cận Bình đọc diễn văn khai mạc đại hội, Chu Tiểu Xuyên là Chủ Nhiệm Ngân Hàng Trung Ương cảnh báo nền kinh tế, tài chánh Trung Quốc đang ở trong thời điểm Minsky (Minsky Moment).
Nhà kinh tế Hoa Kỳ Hyman P. Minsky là người nêu ra học thuyết Sự Ổn Định Bất Ổn (Stability is unstable). Theo lý thuyết này, nền kinh tế trải qua ba giai đoạn chính. Giai đoạn 1: kinh tế phát triển ổn định, các nhà đầu tư hăng say đầu tư vào các lĩnh vực được đánh giá sẽ mang lại lợi nhuận to lớn. Giai đoạn 2: đầu tư vào những lĩnh vực này sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư khác, tạo nên một phong trào, tạo bong bóng giá cả. Giai đoạn 3: Bong bóng giá cả bị bể kéo theo khủng hoảng.
Trung Quốc hiện đang có mức phát triển là 6.8%, nhưng nhiều cơ quan kinh tế quốc tế như IMF cảnh cáo Bắc Kinh phải khẩn cấp điều chỉnh tình trạng dùng tín dụng kích cầu nền kinh tế khi gánh nặng nợ nần đã lên gấp ba sản lượng kinh tế và tình trạng bong bóng nhà đất đang ở thời điểm có thể bị bể bất cứ lúc nào.
E. Quan điểm phát triển kinh tế của Tập Cận Bình cũng hoàn toàn mâu thuẫn. Trong lúc kêu gọi thúc đẩy thị trường tự do lại nhấn mạnh phải củng cố nền kinh tế quốc doanh. Làm cho các cơ sở kinh tế quốc doanh mạnh hơn, lớn hơn. Sự mâu thuẫn này sẽ làm cho Trung Cộng khó phát triển như Tập Cận Bình hứa hẹn.
F. Tập Cận Bình và đảng CSTQ khó có thể tạo nổi một xã hội tốt đẹp như lời nói. Theo một bản phúc trình mới nhất của Trường Đại Học Bắc Kinh, 1% người giàu nhất trong nước sở hữu 1/3 tài sản toàn quốc, trong khi 25% người nghèo nhất trong nước chỉ giữ khoảng 1% tài sản quốc gia. Với tình trạng giàu nghèo hiện giờ, đảng CSTQ và Tập Cận Bình có là “thánh” cũng khó có thể đưa 1.38 tỷ dân bước vào thời đại “tiểu khang.” Sự chênh lệch kinh khủng này là hậu quả của cái gọi là “kinh tế thị trường theo đặc tính Trung Quốc.” Và “Tập Cận Bình Tân Thời Đại Trung Quốc Đặc Sắc Xã Hội Chủ Nghĩa Tư Tưởng” có thể còn làm cho 25% dân số thêm nghèo đói.
Tóm lại Tập Cận Bình đang thành công trong việc tập trung quyền lực, nhưng lịch sử cho thấy các nhà độc tài khó làm cho đất nước thịnh vượng. Càng độc tài sẽ làm phát sinh sức chống đối càng mạnh, nhất là Trung Quốc đang trong tình trạng kinh tế, môi trường bị đe dọa; và xã hội đang có trên 400 triệu người phải sống trong tình trạng cực cùng nghèo đói hiện nay.
(hv)