HRW phê phán công an CSVN ‘bạo hành’
HRW nhận định tình trạng công an bạo hành đang ‘tràn lan’ ở Việt Nam
Đây là lần đầu tiên HRW ra phúc trình về tình hình bạo lực của công an Việt Nam đối với những người bị giam giữ dưới tiêu đề ‘Công (bất) an: Những cái chết trong trại giam và sự bạo hành của công an Việt Nam’.
Bản phúc trình thuật lại trường hợp 14 nạn nhân mất mạng và bốn người chết không rõ nguyên do, sáu người được cho là ‘tự tử’ và bốn người nữa chết ‘vì bệnh’. Tất cả đều xảy ra trong trại tạm giam hay đồn công an.
Nguyên nhân bạo hành
Theo phân tích của HRW, yêu cầu bảo vệ chế độ khiến công an Việt Nam đặt nặng yếu tố ‘trung thành với chế độ’ trong việc tuyển dụng và đào tạo lực lượng. Điều này khiến công an Việt Nam ‘không được chuyên nghiệp hóa một cách thật sự’. Một nguyên nhân quan trọng nữa, theo HRW, là việc lực lượng công an cấp xã, phường ‘thiếu được đào tạo’ về luật pháp và nghiệp vụ. “Có trường hợp có những người dân được trao sắc phục và vũ khí để làm công tác trật tự trị an ở địa phương,” ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của HRW, bình luận trước báo giới trong buổi công bố bản phúc trình ở Bangkok.
Hơn nữa, nền pháp lý Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh và không đề cao nguyên tắc ‘suy đoán vô tội’ đối với các bị can khiến công an bắt người ‘dựa trên nghi vấn mơ hồ’ rồi dùng biện pháp ‘đánh đập để buộc nhận tội’. Và khi đối tượng bị bắt giam ở đồn công an thì luật sư bào chữa hay người trợ giúp pháp lý ‘hầu như không đóng vai trò gì trong quá trình tạm giữ và lấy lời khai’, theo báo cáo của HRW. Tổ chức này cũng chỉ ra rằng chính quyền Việt Nam ‘không có ý chí nghiêm túc và có hệ thống để trừng phạt những công an viên bạo hành’. Theo HRW thì công an phạm tội chỉ bị ‘kỷ luật nội bộ nhẹ’, ‘hiếm khi bị hạ bậc hay buộc ra khỏi ngành’. Bị truy tố hay kết án ‘lại càng hiếm hơn nữa’ và nếu có bị xử thì ‘chỉ nhận mức án nhẹ hay án treo’. Một nguyên nhân khác của tình trạng công an Việt Nam bạo hành là ‘thiếu hệ thống giám sát, kiểm tra chéo… khả dĩ hạn chế sự lạm quyền của công an’, phúc trình của HRW viết. Ngoài ra, việc báo chí bị chính quyền kiểm soát và kiểm duyệt đã khiến họ đưa tin về các vụ bạo hành của công an ‘chưa đầy đủ, thiếu chiều sâu và không đi đến truy cứu trách nhiệm’.
Ông Robertson cho rằng có một số vụ lúc đầu báo chí Việt Nam nói nhiều nhưng ‘sau đó chìm nghỉm’ mà ông cho rằng có thể có sự đe dọa của công an. “Ở Malaysia có khoảng 12 trường hợp (cảnh sát bạo hành) mỗi năm và tất cả những vụ việc đều được báo chí nói nhiều,” ông so sánh và cho biết đó là lý do số vụ cảnh sát bạo hành ở Malaysia được nắm rõ.
‘Khủng hoảng nhân quyền’
“Chúng tôi đã nhận thấy có một cuộc khủng hoảng nhân quyền trong công tác thường ngày của lực lượng công an Việt Nam,” ông Robertson nói tại buổi họp báo, “Chúng tôi tin rằng những gì chúng tôi đưa ra hôm nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.” Theo vị phó giám đốc châu Á của HRW thì tổ chức này đã ghi nhận các trường hợp công an bạo hành ở 44 trong số 58 tỉnh thành của Việt Nam nhưng họ không thể thống kê chính xác con số các vụ việc. Ông Robertson cho biết nạn nhân là ‘những nông dân, doanh nhân, tiểu thương, sinh viên và những thành phần khác bị công an bắt… và cuối cùng đã chết hay bị thương do bị đánh đập’ và họ thường chỉ phạm những tội thông thường như ‘cãi lộn với hàng xóm, chạy xe quá nhanh hay ăn cắp vặt’.
“(Công an) đánh đập bằng tay, chân, dùi cui, giày hay đôi khi là bất cứ thứ gì họ có được chẳng hạn như roi hay cán chổi,” ông nói. HRW cho biết bản phúc trình này dựa trên những thông tin họ thu thập được từ báo chí chính thống của Việt Nam, từ thông tin của những nhà báo tự do, những blogger độc lập và từ các hãng thông tấn truyền thông nước ngoài. Tuy nhiên, HRW đã quyết định không phỏng vấn thêm các nạn nhân và nhân chứng do ‘lo sợ họ sẽ bị công an trả thù’. Ông Robertson cho biết HRW đã viết thư cho Bộ Công an và các cơ quan liên quan của Việt Nam để nhờ xác nhận và trả lời một số vấn đề nhưng ‘họ đã không trả lời’. HRW kêu gọi nhà chức trách Việt Nam ‘không khoan dung với tình trạng bạo hành của công an’, ‘đào tạo đầy đủ cho công an ở mọi cấp’, ‘lắp camera giám sát ở các phòng giam và phòng xét hỏi’, ‘tạo điều kiện cho các bị can tiếp xúc luật sư’ và ‘đảm bảo quyền tự do đưa tin của các nhà báo’. Ngoài ra, HRW còn khuyến nghị Việt Nam nên có một cơ quan độc lập để xem xét và điều tra các khiếu nại về việc bạo hành của công an. “Các tổ chức Liên Hiệp Quốc và các nhà tài trợ quốc tế giúp Việt Nam xây dựng nền pháp trị không nên cho phép những hành động như thế này tiếp diễn,” thông cáo báo chí của HRW viết. Việt Nam chưa phản ứng về báo cáo của HRW. Nhưng những phúc trình trước đây của HRW đều bị chính phủ Việt Nam bác bỏ và phê phán.