Hồng Kông: Tức nước vỡ bờ
Trọng Nghĩa – 02-07-2019 – Theo RFIViet
Thời sự Hồng Kông với cuộc tấn công của người biểu tình vào trụ sở Nghị Viện đặc khu vào đúng ngày kỷ niệm Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc là chủ đề được báo chí Pháp ra ngày 02/07/2019 quan tâm nhất, bên cạnh tình trạng bế tắc của Liên Hiệp Châu Âu, chưa nhất trí được về dàn lãnh đạo mới. Ngón đòn ngoại giao-truyền thông của tổng thống Mỹ, « bất ngờ đi thăm Bắc Triều Tiên » cách nay hai hôm, tiếp tục được phân tích.
Libération đã dành trang nhất cho tình hình Hồng Kông, với hàng tựa lớn: « Vì sao Hồng Kông bị tức nước vỡ bờ », trên nền một bức ảnh chụp người biểu tình dùng sơn bôi đen huy hiệu đặc khu treo trên tường hội trường của Nghị Viện Hồng Kông.
Tờ báo giải thích thêm : « Trong cuộc đấu tranh từ năm tháng nay chống lại một đạo luật dẫn độ bị coi là nhằm tăng cường quyền kiểm soát của Bắc Kinh, những người biểu tình đã tràn vào Nghị Viện. Sự kiện này là biểu tượng phản ánh một xã hội đang trên bờ vực đổ vỡ, đặc biệt nơi thanh niên ».
Nỗi lo ngại Hồng Kông bị mất tự do như ở Hoa Lục
Trong 4 trang báo bên trong, Libération phân tích thêm về lý do vì sao lại có tình trạng bạo động như vậy tại Hồng Kông. Đối với tờ báo, một trong những nguyên nhân chủ chốt là tâm lý bất mãn cao độ, đặc biệt là nơi giới trẻ, trước một tương lai ảm đạm, trong một chế độ bị Bắc Kinh kềm kẹp.
Trong bài phóng sự rất sống động về cuộc biểu tình ngày hôm qua, với tựa là câu nói của một người biểu tình : « Sắp tới, ở đây không còn tương lai nữa », đặc phái viên Libération nhắc lại nỗi lo ngại của người dân Hồng Kông :
« Từ cách đây một tháng, những người biểu tình đã nổi dậy phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc, một đạo luật sẽ đẩy mọi công dân Hồng Kông vào quyền sinh sát của một bộ máy tư pháp tham nhũng và theo lệnh của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đối với 7,4 triệu dân của lãnh thổ bán tự trị này, điều đó sẽ khai tử chế độ “một quốc gia, hai chế độ”, vốn đảm bảo sự độc lập của ngành tư pháp và quyền tự do ngôn luận ở Hồng Kông cho đến năm 2047.
Sau khi kế hoạch thông qua dự luật bị đình chỉ, những người biểu tình tiếp tục yêu cầu hủy bỏ hoàn toàn văn kiện này, đồng thời đòi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, lãnh đạo chính quyền đặc khu thân Trung Quốc phải từ chức ».
Libération đã trích dẫn nhiều phát biểu của những người biểu tình cho thấy rõ nỗi tuyệt vọng của người dân. Một cặp vợ chồng là kỹ sư, đi biểu tình cùng với con gái đang học ngành sinh hóa, đã cho biết quyết tâm tiếp tục cuộc đấu tranh, bất chấp lời khẳng định của chính quyền là dự luật đã bị dẹp qua một bên : “Chúng tôi sinh ra ở Trung Quốc, nên biết rõ ác quỷ Cộng Sản là gì. Trong những năm gần đây, chúng tôi thấy nó mở rộng ảnh hưởng ở Hồng Kông. Mọi người hiện đã phẫn nộ, vì chẳng mấy chốc nữa, nơi đây sẽ không còn tương lai.”
Một cụ già 80 tuổi cũng chia sẻ : “Tôi đã thực hiện cuộc biểu tình đầu tiên của mình vào năm 1958, vào thời người Anh, và tôi luôn đấu tranh cho công lý… Tôi đến đây để bảo vệ con cháu. Lần này, chính tương lai của xã hội chúng tôi đang bị đe dọa.”
Hai triệu người biểu tình ở Hồng Kông tương đương với 20 triệu ở Pháp !
Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn « Ý dân », Libération biện hộ cho những hành vi bạo động của người biểu tình Hồng Kông.
Theo tờ báo, việc người biểu tình đột nhập vào Nghị Viện Hồng Kông có lẽ không phải là cách tốt nhất để phản đối. Hành động này chắc chắn sẽ tạo một cái cớ cho chính quyền để đàn áp phong trào. Nhưng hành động đó cũng phản ánh sự phẫn nộ của người dân Hồng Kông khi thấy Bắc Kinh không ngừng gặm nhắm quyền tự chủ mà họ đã chấp nhận vào thời điểm Hồng Kông được bàn giao lại.
Sự bực tức đã dẫn đến các cuộc biểu tình huy động đến hai triệu người. Nếu tính theo tỷ lệ, một cuộc biểu tình như vậy ở Pháp sẽ tương đương với gần 20 triệu người… Ý nguyện của người dân Hồng Kông là điều không có gì để nghi ngờ, hình thành dựa trên luật pháp, dựa trên các nguyên tắc tự do và quyền tự quyết.
Libération kết luận : Chỉ có một giải pháp danh dự cho cuộc khủng hoảng này: Bắc Kinh phải tôn trọng lời hứa, và đúng theo thỏa thuận đã ký kết (với Anh Quốc), phải để cho Hồng Kông sống cuộc sống của mình. »
Nếu Libération đã dành hồ sơ chính và tựa lớn trang nhất cho đề tài Hồng Kông, các báo còn lại cũng nêu bật sự kiện này trong trang quốc tế của mình. Le Figaro giới thiệu ngay trang nhất trong một hàng tựa nhỏ : « Tại Hồng Kông, cuộc nổi dậy chống Bắc Kinh dâng cao », trong lúc La Croix thì nêu bật ở trang quốc tế sự kiện « Người Hồng Kông rầm rộ phản đối Bắc Kinh ».