Hồng Kông: Nhiều ứng viên đòi độc lập đắc cử Quốc hội
Nhiều nhà đấu tranh trẻ tuổi chủ trương dứt khoát chia tay với Bắc Kinh, lần đầu tiên được bầu vào “Quốc hội” Hồng Kông hôm nay 05/09/2016, hai năm sau phong trào biểu tình đòi dân chủ quy mô đã gây tiếng vang lớn năm 2014.
Cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp (LegCo), tức Quốc hội Hồng Kông diễn ra hôm Chủ nhật 4/9, vào lúc nhiều cư dân cựu thuộc địa Anh cảm thấy Bắc Kinh muốn tăng cường kiểm soát thành phố bán tự trị này trên các lãnh vực từ chính trị, văn hóa cho đến giáo dục.
Đoàn kết chống lại đảng Cộng sản Trung Hoa
Trên 2,2 triệu người – tức gần 60% cử tri có đăng ký – một con số kỷ lục, đã đi bỏ phiếu cho đến tối mịt. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên có sự tham gia của những ứng cử viên đòi độc lập cho Hồng Kông. Việc kiểm phiếu kết thúc vào trưa nay, với kết quả là bốn ứng cử viên đòi ly khai với TC đắc cử. Một ứng cử viên thứ năm cũng đang tràn trề hy vọng bước vào Quốc hội.
Trong số đó có La Quán Thông (Nathan Law), 23 tuổi, mà vào mùa thu 2014 là một trong những khuôn mặt lãnh tụ phong trào “Cách mạng Dù” – những cuộc biểu tình đông đảo đã làm một số khu phố ở Hồng Kông bị tê liệt toàn bộ.
Về nhì tại đơn vị bầu cử của mình, sau một ứng cử viên thân Bắc Kinh, La Quán Thông chắc chắn giành được một ghế tại LegCo. Phong trào Demosisto (Hương Cảng Chúng Chí) của anh đòi hỏi tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập cho Hồng Kông, nhấn mạnh đến quyền của người dân Hồng Kông được chọn lựa tương lai của mình.
La Quán Thông vui mừng nói: “Tôi rất xúc động. Chúng tôi thừa hưởng tinh thần của phong trào Cách mạng Dù, và tôi hy vọng có thể tiếp tục trong tương lai. Người Hồng Kông thực sự muốn thay đổi. Chúng ta phải đoàn kết lại để cùng chiến đấu chống đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Một ứng cử viên đòi độc lập khác là cô Du Huệ Trinh (Yau Wai Ching) của đảng Youngspiration (Thanh niên Tân chính) mới thành lập cũng đã giành được một ghế. Cô gái trẻ cho rằng “Hồng Kông có quyền thảo luận về chủ quyền của mình”.
Một ứng cử viên khác của đảng Youngspiration là Lương Tụng Hằng (Baggio Leung) vốn công khai ủng hộ Hồng Kông độc lập, cũng tràn trề hy vọng đắc cử, lúc kiểm phiếu sắp kết thúc.
Ngược lại sáu ứng cử viên khác hồi tháng Bảy đã bị cấm tranh cử, với lý do họ đòi độc lập cho Hồng Kông. Ủy ban bầu cử buộc mỗi ứng cử viên phải ký một bản tuyên bố theo đó Hồng Kông là một bộ phận “không thể tách rời” của TC.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy của Reuters, Bắc Kinh đã trực tiếp ra lệnh cho chính quyền Hồng Kông phải loại các ứng cử viên này. Lương Thiên Kỳ (Edward Leung) – một trong sáu người bị loại sau đó đã vận động tranh cử cho người thay thế mình – tuyên bố: “Chúng tôi không muốn thế hệ sắp tới trở thành nô lệ cho đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Đối lập vẫn giữ được khả năng ngáng chân phe thân Bắc Kinh
Mặc dù đã phong tỏa đường phố được hơn hai tháng, phong trào “Cách mạng Dù” năm 2014 đã thất bại, không đạt được bất kỳ nhượng bộ nào của TC về cải cách chính trị.
Trên đống tro tàn của cuộc cách mạng này, đã sinh ra phong trào chủ trương độc lập để bảo vệ bản sắc Hồng Kông, tìm cách giữ khoảng cách với Hoa lục. Ngày nay, một thế hệ mới đòi hỏi thẳng thừng Hồng Kông độc lập, trong khi những người khác đấu tranh đòi quyền tự trị cho vùng lãnh thổ đã được Anh quốc trao trả cho TC năm 1997.
Một số người lo ngại rằng sự vươn lên của phe đòi độc lập sẽ tạo ra nghịch lý là càng giúp tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong Hội đồng lập pháp, vì làm yếu đi phe đối lập truyền thống được gọi là phe “dân chủ”, vốn không ủng hộ phe “độc lập”.
Tuy vậy kết quả kiểm phiếu sơ khởi sáng nay cho thấy phe đối lập “dân chủ” vẫn giữ được túc số có quyền ngăn chận các đạo luật trong Quốc hội mới. Như vậy là rất tốt đối với họ.
Cơ chế bầu cử ở Hồng Kông đặc biệt phức tạp, khiến việc phe dân chủ chiếm được đa số trong Quốc hội hầu như là bất khả thi.
Có 35/70 dân biểu được bầu lên bằng phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Nhưng phân nửa số ghế còn lại được phân bổ một cách rối rắm, đảm bảo cho khối thân Bắc Kinh chắc chắn chiếm được đa số.
Nhiều người dân Hồng Kông lo sợ những quyền tự do có được cho đến nay, nhờ thỏa thuận với Anh lúc trao trả cho Bắc Kinh, ngày càng bị xói mòn. Vụ các nhân viên nhà sách Hồng Kông chuyên xuất bản những cuốn sách nói về hậu trường chính trị TC bị mất tích, rồi tái xuất hiện ở Hoa lục với lời “tự thú” vào mùa đông vừa rồi, là một ví dụ điển hình.
Một thông điệp mạnh mẽ cho Bắc Kinh
Chuyên gia Lâm Hòa Lập (Willy Lam) nhận định, cử tri đã chọn lựa những khuôn mặt mới để “gởi một thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh”. Ông nói với AFP: “Bắc Kinh sẽ rất buồn lòng vì kết quả bầu cử, và hoàn toàn có thể sử dụng việc này làm cái cớ để chèn ép Hồng Kông nhiều hơn nữa”.
Đối với nhà phân tích Hồng Kông Trịnh Vũ Thạc (Joseph Cheng), “cuộc bầu cử này có đặc điểm là sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo chính trị”.
Hồng Kông đã được trao trả cho TC theo nguyên tắc “Một đất nước, hai chế độ”, bảo đảm quy chế bán tự trị và những quyền tự do “không mơ thấy nổi” tại Hoa lục, ít nhất cho đến năm 2047. Tuy nhiên, nhiều thanh niên Hồng Kông tin rằng lời hứa này sẽ không được thực hiện.
Hôm Chủ nhật 4/9, các ứng cử viên tiếp tục dùng loa phóng thanh kêu gọi người dân Hồng Kông đi bỏ phiếu để tránh việc Hội đồng lập pháp nghiêng về phía Bắc Kinh.
Do số người đi bầu đông kỷ lục, một số phòng phiếu phải mở cửa đến tận 2 giờ 30 sáng thứ Hai 5/9, bốn tiếng đồng hồ sau thời điểm mà trên nguyên tắc phải đóng cửa. Trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp năm 2012 trước đây, tỉ lệ cử tri đi bầu là 53%.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh (Leung Chunying) khẳng định khi bỏ lá phiếu vào thùng, cuộc bầu cử này là “dân chủ”.
Nhiều nhà đối lập đã biểu tình trước phòng phiếu này. Một trong số đó quăng một chiếc bánh mì sandwich cá thu cho nhà lãnh đạo Hồng Kông, cho biết đây là tượng trưng cho tình cảnh những người già không còn có khả năng trả tiền cho bữa điểm tâm, trong thành phố mà khoảng cách giàu nghèo ngày càng đào sâu. Đối với nhiều cử tri, vấn đề chính yếu là tiền thuê nhà cao ngất ngưởng, mà đồng lương thì không nhích lên nổi.
Theo một cuộc thăm dò dư luận của trường đại học TC ở Hồng Kông, được công bố hồi tháng Bảy, cứ sáu người dân Hồng Kông hiện nay thì có một người ủng hộ độc lập trước TC. Một điều trước đây là cấm kỵ, nay đã trở thành khát vọng có thể nói công khai, với việc các dân biểu trẻ tuổi đối lập với Bắc Kinh đã đặt chân được vào Quốc hội Hồng Kông. – Theo RFI