Hồng Kông: Liệu Bắc Kinh có đưa quân đàn áp phong trào đòi dân chủ vào lúc này?
30-08-2019
Ngày 29/08/2019, hai ngày trước cuộc biểu tình dự kiến của phong trào đòi dân chủ tại Hồng Kông, Bắc Kinh rầm rộ tuyên truyền cho hoạt động luân chuyển các đơn vị quân đội đồn trú tại đặc khu. Một hoạt động vốn diễn ra kín đáo. Trong lúc phong trào phản kháng không có chiều hướng sụt giảm, động thái này của Trung Quốc không khỏi khiến nhiều người đặt câu hỏi : Liệu Bắc Kinh có sẵn sàng gây ra một vụ Thiên An Môn mới
Đây không phải là lần đầu tiên. Cách nay hơn hai tuần, trước thái độ không khoan nhượng của phong trào biểu tình, Bắc Kinh đã buộc phải thay đổi chiến lược. Ngày 12/08, chính quyền Trung Quốc liên tục gọi những người biểu tình là « các phần tử khủng bố », thay vì cáo buộc âm mưu « Cách mạng Màu », như trước đó. Cùng lúc đó, Bắc Kinh công bố hình ảnh hàng đoàn xe quân sự đổ về Thâm Quyến, nhiều đơn vị có thể là cảnh sát vũ trang, biểu dương lực lượng tại một sân vận động ở Thâm Quyến, chỉ cách Hồng Kông chừng 7 km.
Một tờ báo Bắc Kinh nhắc lại vụ thảm sát Thiên An Môn, như một « bài học » gửi đến những người đấu tranh dân chủ Hồng Kông. Vậy tín hiệu di chuyển quân đội rầm rộ hôm qua là gì ? Một đòn thị uy mới, hay báo trước khả năng can thiệp thực sự, bằng cách này hay cách khác để nghiền nát phong trào dân chủ ?
Ba kịch bản chính
Mười hai tuần kể từ khi phong trào phản kháng chống lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc của chính quyền Hồng Kông, nhà nghiên cứu Francis Lee, chuyên gia về các phong trào xã hội, Đại Học Trung Hoa ở Hồng Kông, trong một cuộc trả lời phỏng vấn AFP, đã nêu ra « ba kịch bản chính ».
Kịch bản thứ nhất là đàn áp khốc liệt, với sự can thiệp của Quân Đội Trung Quốc hoặc các lực lượng khác từ Hoa lục. Kịch bản thứ hai là chính quyền Hồng Kông chấp nhận các nhân nhượng quan trọng để đáp ứng các đòi hỏi của phong trào. Và kịch bản thứ ba là phong trào phải tự giải thể do áp lực và các thủ đoạn khác từ phía Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông.
Kịch bản thứ ba tỏ ra xa vời. Phong trào hiện nay chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm, nhiều người dự đoán, phong trào sẽ tiếp tục đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, tức đúng dịp 5 năm bùng nổ phong trào phản kháng mang tên Dù Vàng hay chiếm lĩnh trung tâm, và 70 năm Quốc khánh Trung Quốc. Về kịch bản thứ hai cũng tương tự, chính quyền Hồng Kông không hề có dấu hiệu nhân nhượng thêm.
Riêng về kịch bản thứ nhất, tức can thiệp bằng sức mạnh, gần như đồng nghĩa với khả năng xảy ra một Thiên An Môn mới, nhà nghiên cứu Francis Lee cho rằng trong thời điểm hiện tại nhiều người Hồng Kông, kể các giới đại học và các nhà quan sát, nghĩ rằng với phương án này, cái giá mà chính quyền Trung Quốc phải trả sẽ « quá cao ». Bởi can thiệp bằng vũ lực đồng nghĩa với việc sụp đổ hoàn toàn mô hình « Một quốc gia, hai chế độ », trong đó đặc khu Hồng Kông được hưởng quyền tự trị rộng rãi, đổi lại Trung Quốc được hưởng lợi từ trung tâm tài chính quốc tế Hồng Kông.
Giới trẻ Hồng Kông sẵn sàng « tất cả chết cùng chết »
Hồng Kông chỉ có thể thực sự đóng được được vai trò là cầu nối giữa Trung Quốc với nền kinh tế toàn cầu, nếu đặc khu tiếp tục được hưởng quy chế « Một quốc gia, hai chế độ ». Nhiều người tin tưởng, nếu Hồng Kông tan rã, nền kinh tế và hệ thống tài chính Trung Quốc cũng sẽ sụp đổ. Nhà nghiên cứu Francis Lee ghi nhận là phong trào đấu tranh hiện nay tại Hồng Kông « hoàn toàn ý thức được » về tính chất liên đới sống còn này. Đông đảo thanh niên tham gia vào phong trào phản kháng truyền nhau câu nói bằng tiếng Quảng Đông, ngụ ý trong trường hợp Trung Quốc đưa quân đội can thiệp « tất cả chết cùng chết ». Đối với họ, cho dù tình huống hiện nay đã rất tồi tệ, nhưng chính quyền Trung Quốc cũng có nguy cơ mất hết nếu liều lĩnh can thiệp.
Trong bối cảnh phong trào dân chủ không có dấu hiệu phân hóa hay chùng xuống, còn Bắc Kinh thì không khoan nhượng, mọi cái nhìn hiện tại hướng về phía phản ứng của chính quyền Hồng Kông. Chính quyền của bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) liệu sẽ tìm ra biện pháp hòa giải với dân chúng xứ mình hay nhất nhất làm theo chỉ đạo của Bắc Kinh ?
Càng quyết định trễ, cái giá phải trả càng đắt
Vẫn theo chuyên gia Francis Lee, càng đưa ra quyết định chậm trễ, cái giá phải trả sẽ càng lớn, về phía chính quyền đặc khu, cũng như về phía Trung Quốc. Bởi trong những tuần gần đây, truyền thông Trung Quốc đang thổi bùng lên ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa chống Hồng Kông.
Hôm 30/08, Reuters cho hay, theo một số nguồn tin từ giới chức Hồng Kông và Trung Quốc, cuối tháng 6, đầu tháng 7/2019, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông đã từng gửi đến Bắc Kinh yêu cầu hủy bỏ luật dẫn độ, theo đòi hỏi của phong trào biểu tình, nhưng yêu cầu đã bị chính quyền trung ương bác bỏ. Nếu thông tin này là đúng, việc thừa nhận vai trò của chính quyền trung ương phải chăng là một tín hiệu cho thấy chính quyền đặc khu và Bắc Kinh đang tìm một lối thoát mới cho cuộc khủng hoảng Hồng Kông ?
Theo RFI