Hong Kong khi biểu tình ôn hòa bế tắc

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hong Kong khi biểu tình ôn hòa bế tắc
Cuộc biểu tình đòi tự do, dân chủ của Hong Kong năm 2016 đang có những dấu hiệu mới mang tính bạo động hơn trước, theo giới quan sát. Image: AP
Theo BBC – 10 tháng 2 2016

Các phản ứng mang tính bạo lực và khẩu hiệu đòi độc lập khỏi TC của một số nhóm tại Hong Kong là một lời cảnh báo với Bắc Kinh muốn kiểm soát dân chủ và bầu cử tự do ở đây, theo nhà báo Lý Văn (Raymond Li), Trưởng Ban BBC Tiếng Trung ở London.

Bình luận trước hết với BBC Việt ngữ hôm thứ Tư về đòi hỏi độc lập khỏi TC mới đây của người dân Hong Kong sau các vụ xô xát, đụng độ với cảnh sát xảy ra hôm 08/2/2016, ông Lý Văn nói:

“Bầu cử tự do là một điều gì đó mà Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép Hong Kong vì sợ sẽ có những di chứng, hậu họa phức tạp tác động đến các khu vực khác ở TC.

“Nếu Hong Kong được bầu cử tự do, thì không nghi ngờ gì, áp lực sẽ xuất hiện ở Trung Hoa lục địa với người dân cũng đòi hỏi điều tương tự, bởi vì tại sao lại không?”

Theo nhà báo này, những gì xảy ra ở Hong Kong tuần này chỉ là những diễn biến nối tiếp từ các cuộc đấu tranh đòi tự do và dân chủ từ trước của cư dân Hong Kong.

Mặc áo có chữ ‘bản thổ’ để nhấn mạnh bản sắc riêng của Hong Kong
BBC Chinese
Bắc Kinh có thể sẽ để chính quyền Hong Kong ra tay chứ không trực tiếp giải quyết biểu tình

Bình luận về chiều hướng của những diễn biến ‘bạo lực’ dường như đã thay thế ‘bất bạo động’ tại hòn đảo nằm ở Đông Nam TC, ông Lý Văn cho biết: “Tôi nghĩ rằng những gì xảy ra chỉ là sự tiếp nối của những gì đã xảy ra ở Hong Kong vào năm 2014.

“Bởi vì theo tôi sau thất bại rõ ràng của cuộc phản đối đó, rất nhiều người ở Hong Kong, nhất là những người trẻ tuổi, đã không hài lòng về những gì mà họ đã nhìn thấy.

“Họ không hài lòng với sự thiếu nhượng bộ từ phía chính quyền TC và chính phủ Hong Kong liên quan các phong trào dân chủ ở Hong Kong.

“Do đó họ bất mãn, bực bội và một số người Hong Kong thậm chí còn nói biểu tình phản đối ôn hòa sẽ không còn hữu ích nữa.

“Và mong muốn sử dụng bạo lực có nghĩa là chiến đấu cho tương lai của họ, và đấu tranh cho dân chủ.

“Do đó, đúng là những gì đã xảy ra hai ngày trước ở Hong Kong có tính chất bạo lực, nhưng tôi nghĩ ở đằng sau đó, nó cũng nổi bật lên một vấn đề nghiêm trọng ở Hong Kong đó là làm sao giải quyết được mối quan hệ đối đầu giữa một bộ phận người dân Hong Kong này với chính quyền Trung Quốc.”

Dùng cảnh sát Hong Kong?

Khi được hỏi, chính quyền của Tập Cận Bình sẽ làm gì với Hong Kong, liệu Bắc Kinh sẽ nặng tay với phong trào đòi độc lập và sử dụng bạo lực mới, nhà báo Lý Văn trả lời:

“Chắc chắn rằng các nhà lãnh đạo cao cấp ở Bắc Kinh muốn nhìn thấy chính quyền Hong Kong cứng rắn với các nhóm được gọi là ‘cư dân địa phương’ đó, bởi vì họ nhìn nhận những người đó theo một cách đã làm trầm trọng thêm cuộc đòi hỏi độc lập của Hong Kong.”

“Do đó đây là một vấn đề rất nhạy cảm ở Trung Quốc, tôi không nghĩ sẽ có bất cứ nhà lãnh đạo nào ở Trung Quốc sẽ tha thứ hay cho phép bất cứ xu thế trao độc lập cho bất cứ một vùng lãnh thổ nào ở Trung Quốc.”

bbcchinese
Nhà báo Lý Văn (trái) phỏng vấn Thủ tướng Đài Loan, Giang Nghi Hoa hồi 2014

“Nhưng người ta cũng quan ngại rằng nếu Bắc Kinh ra tay cứng rắn, thì sẽ là một điều thảm họa. Bởi vì về cơ bản, người ta vẫn nói về ‘một quốc gia, hai chế độ’, do đó, tôi nghĩ điều mà Trung Quốc sẽ làm có lẽ là họ sẽ ra tay ‘ở đằng sau cánh gà’.”

“Họ sẽ sai những người như Đặc khu trưởng Hong Kong và quan chức của chính quyền này ra tay, thay vì Bắc Kinh chính thức xuất hiện và tự tay làm công việc đó.”

Trước câu hỏi còn bản thân người dân ở TC, hay Trung Hoa lục địa, nghĩ gì về diễn biến đấu tranh mới đòi độc lập ở Hong Kong, trưởng ban tiếng Trung của BBC nói: “Điều này còn phụ thuộc vào những người dân đó là ai, bởi vì với một số người có thể nhìn thấy được tổng thể bức tranh đằng sau những diễn biến bạo động, có lẽ họ sẽ hiểu rằng chẳng có cách thức nào Hong Kông có thể tiếp tục tình trạng như thế.

“Phải có một giải pháp để giải quyết cuộc xung đột đối đầu giữa hai bên.”

So sánh việc vào tháng 5/2016, Việt nam sẽ tiến hành kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp với với những diễn biến mới tại Hong Kong có thể được Việt Nam học hỏi thế nào, nhà báo Lý Văn nói:

“Tôi nghĩ điều chúng ta có thể nói là đối với các đảng cộng sản cầm quyền, nếu quý vị cố kiểm soát dân chủ, cố tình ngăn cản người dân có được bầu cử tự do, thì sau cùng, ở một thời điểm nào đó cũng sẽ xuất hiện những rủi ro, nguy hiểm, mà trong đó có thể sẽ xảy ra những đối đầu bạo lực ở đâu đó,” trưởng ban BBC Tiếng Trung nêu quan điểm.

HKGIS
Chủ tịch Hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh với lãnh tụ Tập Cận Bình ở Bắc Kinh