Hong Kong huy động 2.000 cảnh sát đối phó biểu tình phản đối dự luật dẫn độ
Hàng nghìn người đang tập trung ở trung tâm Hong Kong vào hôm nay để biểu tình phản đối một dự luật dẫn độ cho phép các nghi phạm được dẫn độ tới Trung Quốc đại lục để xét xử. Hơn 2.000 cảnh sát đã được triển khai để đối phó với cuộc biểu tình lớn nhất trong 15 năm qua.
Các nhà tổ chức cho biết cuộc biểu tình hôm nay dự kiến thu hút hơn 500.000 người tham gia. Đài RTHK đưa tin, các quan chức cảnh sát đã kêu gọi công chúng kiềm chế, khi họ phải huy động hơn 2.000 cảnh sát để đối phó với cuộc biểu tình.
Đây có thể là cuộc biểu lớn nhất tại Hong Kong kể từ cuộc biểu tình thu hút lượng người tương tự vào năm 2003 để phản đối các kế hoạch của chính quyền nhằm thắt chặt các luật an ninh quốc gia, mà sau đó đã bị hủy bỏ.
Phe đối lập phản đối dự luật dẫn độ đã thu hút nhiều thành phần tham gia, từ các doanh nhân ủng hộ giới thượng lưu và các luật sư tới các sinh viên, những nhân vật ủng hộ dân chủ và các nhóm tôn giáo.
“Tôi tới đây để đấu tranh”, một người ngồi xe lăn tên là Lai, 78 tuổi, nói. Lai là một trong những người đầu tiên tới công viên Victoria trước khi cuộc biểu tình bắt đầu lúc 3 giờ chiều giờ địa phương.
“Có thể cuộc biểu tình là vô ích, không cần biết là có bao nhiêu người ở đây. Chúng tôi không có đủ sức mạnh để kháng cự vì chính quyền Hong Kong được đại lục hậu thuẫn”, Lai nói.
Những người tuần hành dự kiến sẽ di chuyển qua các trung tâm thương mại và khu dân cư đông đúc Causeway Bay và Wanchai đến tòa nhà quốc hội Hong Kong, nơi các cuộc tranh luận sẽ bắt đầu vào thứ 4 tới về những thay đổi của chính quyền đối với Sắc lệnh các tội phạm bỏ trốn.
Các thay đổi sẽ đơn giản hóa các dàn xếp tùy vào từng trường hợp để cho phép dẫn độ các nghi phạm bị truy nã tới các nước, trong đó có Trung Quốc đại lục, Macau và đảo Đài Loan, ngoài 20 nước mà Hong Kong đã ký các hiệp ước dẫn độ.
Nhưng chính nguy cơ bị dẫn độ tới Trung Quốc đại lục đã khiến nhiều người tại Hong Kong lo ngại. Khu đặc quyền kinh tế này đã được Anh trao trả cho phía Trung Quốc quản lý vào năm 1997 với các cam kết về quyền tự trị và các quyền tự do khác, trong đó có một hệ thống pháp lý riêng.
Dù là trong giới doanh nhân, chính trị hay các nhóm tôn giáo và xã hội, các nhóm phản đối kế hoạch nói rằng họ rất nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch của hệ thống tòa án Trung Quốc và lo ngại về các lực lượng an ninh xử lý các vụ truy tố.
Các chính phủ nước ngoài cũng bày tỏ quan ngại, cảnh báo về sự ảnh hưởng của nó đối với vị thế của Hong Kong là một trung tâm tài chính quốc tế, và rằng người nước ngoài bị truy nã tại Trung Quốc có nguy cơ bị bắt tại Hong Kong.
Những lo ngại đã gây chú ý hôm 8/6, khi có thông tin cho biết một thẩm phán tòa án cấp cao địa phương đã bị khiển trách sau khi chữ ký của ông xuất hiện trong một đơn kiến nghị công khai chống lại dự luật.
Vài thẩm phán cấp cao Hong Kong đã bày tỏ lo ngại về các thay đổi, nhấn mạnh về sự thiếu tin tưởng đối với các tòa án ở đại lục cũng như các hạn chế của các phiên tòa dẫn độ.
Tuy nhiên, giới chức chính quyền Hong Kong đã bảo vệ các kế hoạch trên, thậm chí họ còn nâng ngưỡng các hình phạt dẫn dộ lên các tội danh có thể nhận mức án 7 năm tù trở lên.
Theo Reuters