Hội thảo Oregon: Các thế hệ người Việt hải ngoại nhìn VN có khác nhau.
[internet image]
- Tác giả,Joaquin Nguyễn Hòa
- Vai trò,Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Oregon, Hoa Kỳ
- 6 giờ trước
Trong hai ngày 27 và 28 tháng 10, 2023, tại trường Đại học Oregon, Eugene, Oregon, đã diễn ra một cuộc hội thảo về cộng đồng người Việt hải ngoại, sau gần nửa thế kỷ cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào năm 1975.
Hội thảo mang tên Hướng tới 50 năm ngày chiến tranh kết thúc, người Mỹ gốc Việt và di sản chiến tranh (Toward the 50th Anniversary of the End of War: Vietnamese Americans Contending with War and Postwar Legacies).
Có khoảng 60 người tham dự, trong đó chỉ có khoảng hai hay ba người không phải người Việt. Và ngoài một số rất ít những người lớn tuổi, tuyệt đại đa số các diễn giả và người tham dự nằm trong độ tuổi trên dưới 50 trở xuống, tức là những người còn rất nhỏ, hoặc sinh ra sau khi cuộc chiến kết thúc.
Chủ đề của cuộc hội thảo bao trùm nhiều lĩnh vực rất đa dạng, từ tình trạng chấn thương tâm lý của những người tị nạn trên đất lạ, cho đến việc giáo dục con cái trong xã hội mới, từ sự can dự của người Việt vào dòng chính của chính trị Mỹ, cho đến các vấn đề phát triển tôn giáo, lưu trữ, ghi chép lịch sử, gìn giữ ngôn ngữ, y tế cộng đồng, nghệ thuật… và mối quan hệ của cộng đồng người Việt hải ngoại với Việt Nam dưới chế độ cộng sản.
Tuy là một cuộc tập hợp đông đảo những thành viên của cộng đồng người Việt hải ngoại, nhưng diễn ra tại một trường đại học, trong một cái khung học thuật, không thấy có chào cờ và hát quốc ca Việt Nam Cộng hòa như ta thường thấy trong các buổi họp cộng đồng, hay biểu tình, trên khắp nước Mỹ, từ năm 1975 đến nay.
Các chủ đề có khác nhau, nhưng có thể thấy xuyên qua suốt các chủ đề được trình bày, ấy là mối lo ngại của cộng đồng người Việt tại Mỹ về chuyện bị hòa tan vào nước Mỹ lớn, không còn có tiếng nói và văn hóa riêng nữa, không còn ký ức về một giai đoạn lịch sử nữa.
Có rất nhiều người, hoặc diễn giả, hoặc người tham dự nêu lên mối bận tâm hàng đầu này. Bà Elwwing Suong Gonzalez, người nghiên cứu về di dân tại thành phố Los Angeles, thấy rằng những người Việt tị nạn đầu tiên sau năm 1975 đã đến thành phố này, nhưng sau đó đã dời về khu Orange County, California, để trở thành một cộng đồng riêng.
Một người tham dự hỏi ông cựu dân biểu liên bang Cao Quang Ánh là ông có lo ngại rằng trẻ con Việt Nam lớn lên bị Mỹ hóa hay không (ông Ánh trả lời là không).
Một diễn giả là ông Joseph Nguyễn trình bày về cố gắng đã thành công của ông trong việc đưa lịch sử thuyền nhân và Việt Nam Cộng hòa vào chương trình các trường học vùng Orange County, nơi có đông đúc người Việt hải ngoại…
Một điều khác cũng làm bận tâm những người dự hội thảo là khoảng cách hai thế hệ, những người tị nạn nay đã lớn tuổi và con cháu họ.
Bà Vuong Quyen, thuộc một tổ chức phi lợi nhuận tại quận Santa Clara, California, kể lại những câu chuyện mà hai thế hệ không hiểu nhau được về cách ứng xử, về mối quan tâm, và đặc biệt là sự thiếu lắng nghe của hai thế hệ với nhau.
Một số diễn giả và người tham dự trẻ tuổi nêu ra một sự mâu thuẫn khá rõ nét của thế hệ lớn tuổi, một mặt họ rất quan tâm đến những chuyện chính trị bên trong Việt Nam, mặt khác lại không thúc đẩy con cháu mình tham gia chính trị ở Mỹ.
Trong ngày đầu của cuộc hội thảo, có người đặt ra vấn đề là nếu người Việt tại Mỹ quá chú ý đến những câu chuyện bên trong Việt Nam, thì ai sẽ đấu tranh cho những chuyện mà cộng đồng người Việt gặp phải ngay tại Mỹ. Quan ngại này được xác định qua nội dung của các diễn giả trong bàn tròn cuối cùng của buổi hội thảo bàn về giới trẻ. Các diễn giả trẻ trong bàn tròn này chỉ đề cập đến những việc mà họ phải làm trên đất Mỹ.
Quan hệ với Việt Nam cộng sản vẫn là nóng bỏng
Nhưng chủ đề nóng bỏng nhất, với hai luồng ý kiến khác biệt là quan hệ giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và nước Việt Nam hiện nay.
Bà Destiny Nguyễn, người thành lập tổ chức “Hậu duệ Việt Nam Cộng hòa”, cho rằng chính quyền Việt Nam hiện nay vẫn là một chính quyền vi phạm nhân quyền, và cộng đồng người Việt hải ngoại muốn chính quyền đó phải ra đi. Bà cũng cho rằng chính quyền đó là một chính quyền độc đảng, lạm dụng quyền lực, thực hiện một chính sách đối ngoại bán rẻ cho Trung Quốc, và còn muốn can thiệp vào cộng đồng người Việt hải ngoại. Bà đặt câu hỏi là liệu cộng đồng người Việt hải ngoại có thể hòa giải được với một chính quyền như vậy hay không?
Cùng suy nghĩ này là ông Trần Trung Đạo, nhà văn ở Boston. Ông cho rằng sau gần 50 năm cai trị chính quyền cộng sản Việt Nam không hoàn thành được điều gì cho đất nước. Ông nói rằng điều kiện của việc hòa giải giữa người Việt tị nạn và chính quyền Việt Nam là chính quyền ấy phải tổ chức một cuộc tuyển cử tự do.
Ông Trịnh Hội, từng là giám đốc tổ chức Voice, giúp đỡ thúc đẩy xã hội dân sự Việt Nam, có ý kiến hoàn toàn khác.
Ông Hội cho rằng so với vài chục năm trước, quyền kinh tế của người Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều, quyền tự do đi lại cũng vậy, quyền phát biểu và dân sự khá hơn nhiều, tuy quyền chính trị vẫn xấu.
Về vấn đề hòa giải với “phe thắng cuộc” trong cuộc chiến Việt Nam, ông Hội dẫn lời một số gương mặt văn hóa của cộng đồng người Việt hải ngoại. Bà Lan Cao (nhà văn, và là con gái đại tướng Cao Văn Viên của Việt Nam Cộng hòa) cho rằng sự hòa giải cần tập trung vào nhân quyền. Ông Nam Lộc, người dẫn chương trình nổi tiếng của chương trình âm nhạc Asia, nói rằng hòa giải dựa trên sự cảm thông. Bà Nguyễn Cao Kỳ Duyên (con gái cố thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ của Việt Nam Cộng hòa), nói hòa giải dựa vào một mục đích chung.
Bản thân ông Trịnh Hội cho rằng hòa giải cần thời gian, tùy thuộc vào hoàn cảnh của người trong cuộc, và điều quan trọng là “chính chúng ta phải là sự thay đổi”.
Đặc biệt, ông Trịnh Hội có kể lại rằng trước khi tới dự hội thảo này, ông hỏi ông Nguyễn Quốc Dũng, đương kim đại sứ Việt Nam tại Mỹ (người không có mặt tại hội thảo) về hòa giải. Ông Dũng không trả lời trực tiếp mà nói rằng “hãy nhìn về 50 năm trước, Việt Nam và Mỹ là kẻ thù, còn hiện nay hai nước là đối tác chiến lược toàn diện”, theo lời ông Trịnh Hội.
Ý kiến của ông Hội về VN được khá nhiều người trẻ tuổi đồng ý. Một người sinh trưởng ở Mỹ, và từng tham gia Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ, nói rằng không thể cắt rời cộng đồng người Việt hải ngoại và anh em đồng bào họ trong nước. Một người khác nêu ra một câu chuyện cười nhưng có thật, là khi anh ta ủng hộ đội bóng Việt Nam trong các trận đấu quốc tế, thì bị coi là “cộng sản”.
Tại bàn tròn cuối cùng, một phụ nữ còn trẻ nói bà làm việc cho bang Oregon, khi làm việc như vậy, để phục vụ nước Mỹ, có khi bà phải chụp hình chung với các viên chức chính quyền Việt Nam hiện nay với lá cờ đỏ, lại bị “cộng đồng” chỉ trích. Một người hoạt động xã hội dân sự độ 30 tuổi, nói rằng cách đây năm năm bà có thể rất dị ứng với việc chào lá cờ đó, nhưng bây giờ bà nghĩ rằng bà có thể thông cảm được.
Nghĩ về phía bên kia
Cách buổi hội thảo này hơn một tháng, tôi có tham gia buổi tiếp “kiều bào” của thủ tướng Việt Nam, Phạm Minh Chính, tại San Francisco.
Dĩ nhiên tính chất hai sự kiện là rất khác nhau, San Francisco là một buổi lễ, còn Oregon là một cuộc hội thảo, nhưng lại có chung một điểm, ít nhất trên mặt ngôn ngữ, là người Việt hải ngoại. Tại San Francisco là một nhóm đồng nhất, tại Oregon người ta thấy sự đa dạng rất rõ ràng.
Nếu ta tạm cho rằng buổi tiếp tân ở San Francisco là “bên thắng cuộc”, còn Oregon là “bên thua cuộc”, thì tại cuộc hội thảo Oregon, có những suy nghĩ về phía bên kia, còn tại San Francisco thì không. Tại Oregon, một người trung niên nói rằng trong khi những người tị nạn bị những chấn thương trầm trọng, thì những người phía bên kia cũng chịu những chấn thương không khá hơn, đặc biệt là sự lừa dối về lý tưởng.
Cuối cùng, tôi xin trích lời cô Lê Minh Châu, nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam hiện đại, nói tại buổi hội thảo rằng “một trong những nguyên nhân làm cô dấn thân vào nghiên cứu lịch sử là tìm hiểu xem những gì xảy ra ở phía bên kia, với một cái nhìn nhân bản”.
Bài thể hiện quan điểm riêng của cây bút tự do Joaquin Nguyễn Hoà, hiện sống tại San Jose, California, Hoa Kỳ.
BBCViet