Hội nghị Trung ương 4 ĐCSTQ và “sự nổi dậy của thế lực gây chia rẽ”
Hội nghị toàn thể Trung ương 4 Ban chấp hành ĐCSTQ khóa 19 (dưới đây ghi tắt: Hội nghị Trung ương 4) khai màn tại khách sạn Kinh Tây (Bắc Kinh) hôm 28/10 đã được truyền thông thế giới đặc biệt chú ý. Thông tin chỉ ra, giới quan chức tham gia hội nghị ngay sau khi bước vào địa điểm tổ chức đã cắt liên lạc với bên ngoài; một tuần trước đó hội nghị, nhiều xe tăng, xe bọc thép đã được bố trí canh phòng tại nhiều điểm nhạy cảm ở Bắc Kinh.
Xe tăng tại Bắc Kinh ngày 22/7/2014 (Ảnh: Getty Images)
Trong cuộc họp của những nhân vật đứng đầu các phe phái này, giới chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết cần thảo luận sâu về phương hướng và đường lối của ĐCSTQ. Tuy nhiên, giới quan sát bên ngoài dường như chú ý nhất về vấn đề sắp xếp nhân sự cấp cao, bên cạnh đó là vấn đề xử lý cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và tình hình Hồng Kông. Có nhận định cho rằng, bất kể Hội nghị Trung ương 4 này có bao nhiêu chương trình nghị sự thì cũng chỉ có một vấn đề quan trọng.
An ninh chặt chẽ hơn cả đợt diễu binh ngày 1/10 vừa qua?
Ông Quách Văn Quý, một doanh nhân giàu có người Đại Lục sống lưu vong tại Mỹ là người luôn bám sát mọi biến động tại Đại Lục cho biết, vào đêm trước diễn ra Hội nghị đã xuất hiện số lượng lớn xe tăng tiến vào một số địa điểm nhạy cảm ở Bắc Kinh. Những vùng nhạy cảm này bao gồm tuyến đường chính Mộc Tê Địa từ quanh phần phía tây của Bắc Kinh để vào khu trung tâm thành phố, tuyến Nam Hồ Tử ở phía đông Tử Cấm Thành và khu Tòa nhà Chính phủ tại cổng An Định phía đông của Bắc Kinh.
Ngoài ra còn có số lượng lớn xe bọc thép và xe tăng túc trực tại các khu vực khác như Tòa nhà Ban tình báo của Tổng cục Tham mưu (được xem là CIA của ĐCSTQ), khu tòa nhà 81 quân đội, nghĩa trang Bát Bảo Sơn, núi Ngọc Tuyền (nơi nghỉ ngơi của các Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị), khu Tây Sơn bên ngoài Bắc Kinh, sân bay Nam Uyển, sân bay chuyên dụng của quân đội ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh.
Trong “hệ thống phòng thủ” này còn có lực lượng hùng hậu nhân viên bảo vệ canh chừng tại trung tâm chỉ đạo hệ thống tàu điện ngầm. Nhiều nhân viên an ninh có súng và lệnh thực thi đã được bố trí tại hệ thống tàu điện ngầm, theo dõi phía sau người lái tàu, nhưng phía sau nhân viên bảo vệ này còn có thêm một nhân viên bảo vệ để giám sát hai người phía trước. Ông Quách Văn Quý nhận định quy mô an ninh kiểu này còn chặt chẽ hơn cả đợt diễu binh ngày 1/10 của ĐCSTQ.
Quan chức tham gia hội nghị như bị giam lỏng
Trước đó, tờ Epoch Times (Mỹ) cũng dẫn nguồn tin từ nội bộ ĐCSTQ cho biết, công tác an ninh tại Hội nghị Trung ương 4 này đã được cơ quan chức năng Bắc Kinh bố trí nghiêm mật, bắt đầu từ ngày 20/10.
Như vậy là ĐCSTQ đã tăng cường công tác canh phòng từ trước một tuần diễn ra Hội nghị Trung ương 4. Dĩ nhiên ưu tiên an ninh hàng đầu là tại khách sạn Kinh Tây nơi tổ chức hội nghị, tại các ngả đường quanh khách sạn đều có xe cảnh sát trấn giữ, các giao lộ quan trọng đều bố trí cả quân đội và cảnh sát vũ trang, ngoài ra còn số lượng lớn cảnh sát mặc thường phục.
Có thể nói xung quanh khách sạn Kinh Tây đã bị lực lượng an ninh dày đặc “bao vây”.
Những thông tin còn chỉ ra, các quan chức ĐCSTQ vào khách sạn Kinh Tây không khác gì bị giam lỏng, vì không dễ để liên lạc được với họ. Với hệ thống an ninh lấy Cảnh sát Vũ trang Bắc Kinh làm chủ lực, mọi người trong khu vực liên quan đều bị giám sát chặt chẽ, không thể đi lại, trò chuyện tùy tiện. Cơ quan chức năng cho biết đây là cách “giữ trật tự”. Loại môi trường an ninh này khiến người quan sát không khỏi liên tưởng đến nhà tù của ĐCSTQ. Các quan chức ĐCSTQ ở trong môi trường này thậm chí còn mất tự do hơn cả tù nhân trong tù!
Ông Quách Văn Quý nhận định: “Tình hình cho thấy bầu không khí nội bộ ĐCSTQ quá căng thẳng.”
Hội nghị cấp cao của ĐCSTQ đã được bố trí dày đặc nhân viên an ninh. Hình ảnh nhân viên an ninh mặc đồ đen trong Đại lễ đường Nhân dân tại “lưỡng hội” ngày 6/3/2016 (Ảnh: Getty Images)
Sự nổi dậy của thế lực gây chia rẽ?
Hội nghị Trung ương 4 năm nay đã bị phong tỏa thông tin nghiêm mật, giới quan sát bên ngoài rất khó có thể nắm được tình hình. Hình dung về độ căng thẳng trong cuộc chiến nội bộ ĐCSTQ, nhà bình luận kỳ cựu Lâm Bảo Hoa tại Đài Loan, người đã trực tiếp trải nghiệm cuộc Cách mạng Văn hóa của ĐCSTQ, đã diễn tả bằng cụm từ “Ánh dao và Bóng kiếm”.
Theo thông tin, có hiện tượng kỳ lạ trong Hội nghị Trung ương 4 năm nay là vấn đề thảo luận lại về mục tiêu chung của nhiệm vụ cải cách sâu sắc đã được thảo luận trong Hội nghị Trung ương 3. Điều này có thể cho thấy xu thế bất mãn trong ĐCSTQ đối với công việc của chính quyền Tập Cận Bình trong vài năm qua đang lên cao trào.
Như đã biết, trong những năm gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã nổi lên như một thế lực thách thức trật tự quốc tế trên nhiều phương diện như khoa học công nghệ, quân sự, địa chính trị. Hàng loạt biện pháp của chính quyền Bắc Kinh đã khiến Mỹ và các nước phương Tây khác phải cảnh giác. Mỹ đã xem cuộc đấu với ĐCSTQ trở thành vấn đề hiển nhiên, trọng điểm, không còn giữ ý như trước.
Dễ thấy, ĐCSTQ ngày càng bị cô lập trước cộng đồng quốc tế, đang dần đi theo hướng “bế quan tỏa cảng”, thậm chí có thể trở lại thời kỳ Mao Trạch Đông.
Ký ức khiếp sợ của thời đại Mao có lẽ vẫn ám ảnh đối với không ít người Trung Quốc ngày nay, không ai muốn quay lại thời đại mà số phận mọi người đều gặp nguy hiểm như vậy, chính vì thế mà ngày càng có nhiều tiếng nói chất vấn trong ĐCSTQ.
Nhưng những chất vấn này, trong quan điểm của thế lực trung thành với ĐCSTQ, thường xem là lực lượng gây chia rẽ phá hoại đoàn kết trong Đảng. Đài VOA Mỹ dẫn quan điểm từ truyền thông của ĐCSTQ chỉ ra, Hội nghị Trung ương 4 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức của cái gọi là “sự nổi dậy của thế lực gây chia rẽ”.
Chỉ có một chủ đề quan trọng
Trước châm ngôn của ĐCSTQ cho rằng họ phải “cai trị vĩnh viễn” thì vấn đề chia rẽ là không được phép, do đó chắc chắn ĐCSTQ sẽ phải tìm mọi cách để thống nhất tiếng nói của tất cả các phe phái.
Vì lẽ đó, công tác an ninh quá khác thường tại hội nghị này cũng nhằm mục đích gây đe dọa tâm lý mọi người, khiến mọi người vì sợ hãi mà không còn dám lên tiếng trái chiều. Tờ Les Echos (Pháp) có dẫn nhận định cho rằng trọng tâm của hội nghị này là duy trì và cải thiện “thể chế xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc ĐCSTQ”, nhằm củng cố chế độ độc tài độc Đảng.
Đồng quan điểm, nhà bình luận Lam Thuật chia sẻ trên tờ Epoch Times rằng ĐCSTQ không mấy quan tâm đến Hồng Kông, họ chỉ quan tâm đến những lợi ích mà Hồng Kông mang lại; họ cũng không mấy quan tâm đến Mỹ sẽ trừng phạt bao nhiêu thuế quan, càng không thực sự quan tâm đến nền kinh tế Trung Quốc; thứ ĐCSTQ quan tâm nhất là gia cố quyền lực của ĐCSTQ… Cho nên bất kể hội nghị có bao nhiêu chương trình nghị sự thì suy cho cùng cũng chỉ có một vấn đề là bảo vệ chế độ độc tài một Đảng.
Lý Mộc Dương