Hội Nghị Thượng Đỉnh G20: Ai thắng ai bại? – Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi
Trong gần 2 năm qua, mỗi khi có một hội nghị quốc tế thượng đỉnh thì luôn luôn có những diễn tiến bất ngờ mà hiếm ai có thể tiên đoán trước được.
Tại sao vậy?
Rất đơn giản vì kể từ ngày ấy chính phủ TT Trump bắt đầu nắm quyền siêu cường số 1 Hoa Kỳ nên đã ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong các hội nghị. Quả thực hội trường trong hội nghị trở thành như một chiến trường với những màn “tấn công” và “phản công” mãnh liệt lẫn nhau. Điển hình nhứt trong hội nghị APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ) vừa qua đánh dấu cuộc “đấu khẩu” qua lại kịch liệt giữa PTT Pence và CT Tập Cận Bình. Sau đó phái đoàn Trung Công đã “xâm nhập” ào ạt vào Bộ ngoại giao của Papua New Guinea để làm khó dễ việc soạn thảo Bản Tuyên Bố Chung và khi thành công thấy không có bản này ra đời thì họ vỗ tay ăn mừng một cách công khai khiến cho các phái đoàn tham dự rất khó chịu.
Như vậy nếu Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 kỳ này vào 2 ngày 30/11 và 1/12-2018 tại Á Căn Đình (Argentina) có diễn tiến đặc biệt thì cũng không gì đáng ngạc nhiên.
I/ Diễn tiến đặc biệt chung quanh Hội Nghị Thượng Đỉnh G20
1) Trước hết danh từ G20 đã tạo ra hiểu lầm là gồm 20 quốc gia đứng đầu trên thế giới. Thực ra chỉ bao gồm có 19 quốc gia thôi và cộng thêm Liên Minh Âu Châu (EU).
Tại sao EU được vào họp mà ASEAN hoặc NAFTA (nay đổi thành USMCA) lại không được mời?
Rất dễ hiểu nếu nhìn lịch sử sáng lập sẽ thấy đây là “sáng kiến” của Âu Châu nên họ đã quyết định đơn phương như vậy và hội nghị đầu tiên được khai mạc vào ngày 15-16 tháng 12-1999 ở Berlin (Đức). Năm nay được tổ chức tại Á Căn Đình (Argentina) và sang năm dự định làm tại Nhựt.
2) Khác hẳn với 9 lần trước, kỳ này hội nghị khai mạc thiếu phái đoàn của một quốc gia đang cầm đầu Âu Châu. Đó là phái đoàn Đức với Nữ Thủ Tướng Merkel qua lý do bất ngờ là chiếc máy bay “Air Force One” của Đức bị trục trặc trên đường bay nên phải quay về và phái đoàn Đức đành phải đi hãng máy bay thương mại cất cánh từ Tây Ban Nha (Spain) tới trễ gần 1 ngày. Bà Merkel chỉ xuất hiện trong bức hình chụp hôm thứ bảy mà thôi. Chuyện này rất hy hữu xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử G20 và cho thấy năm nay quả là “xui tận mạng” cho bà Merkel bị bao nhiêu chuyện dồn dập khiến phải từ chức Chủ tịch Đảng và chắc chắn chấm dứt sự nghiệp chính trị trong thời gian tới.
3) Trong 8 năm cầm quyền của TT Obama thì hầu như các hội nghị G20 đều đưa đến kết quả đồng thuận. Phần lớn nước Mỹ phải chịu thiệt thòi vì TT Obama được lãnh giải Nobel Hoà Bình 2009 nên không dám “cứng rắn” từ chối chuyện phải chi tiền “rộng rãi” cho quốc tế. Cho nên trong 8 năm cầm quyền của TT Obama xài quá “thẳng tay” nước Mỹ phải mang nợ kỷ lục gấp đôi thêm khoảng chừng 10.000 tỷ đô la.
Hiện nay với chánh phủ TT Trump thì hoàn toàn thay đổi và không chịu nhượng bộ những trò “ma giáo bất công“, mà điển hình Trung Cộng đã áp dụng tung hoành dọc ngang từ mấy chục năm qua. Cho nên dư luận hầu như chỉ nóng lòng muốn biết kết quả cuộc đàm phán “bên lề” nhóm họp Mỹ và Trung Cộng trong bữa tiệc ngay sau hội nghị G20 mà thôi.
II/ Kết quả Hội Nghị Thượng Đỉnh G20
1) Hội nghị đã cố gắng đồng thuận đưa ra một Bản Tuyên Bố Chung để tạo được hình ảnh thành công. Trong đó ghi nhận sự chia rẽ về thương mại nhưng không chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ. Có lẽ học được bài học quý báu qua sự thất bại không có Bản Tuyên Bố Chung tại 2 hội nghị thượng đỉnh G7 (Canada) và APEC (Papua New Guinea) vừa qua, nên những điểm đi trái với chủ trương của chánh phủ TT Trump đều không được nêu ra. Đặc biệt rất e dè về vấn đề bảo vệ mậu dịch.
2) Đặc biệt về chuyện Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chánh phủ TT Trump trong quá khứ đã từng gọi là “thảm hoạ” vì Mỹ phải chịu nhiều bất công khi bị WTO đối xử rất tệ nhiều năm qua và doạ sẽ rút khỏi WTO nếu tổ chức này không thay đổi cơ cấu. Hồi đó TT Trump bị phản đối dữ dội của hầu hết các quốc gia có thặng dư xuất nhập cảng với Mỹ vì không ai “khờ dại” bỏ món lợi đang có một cách dễ dàng. Nhưng qua mọi áp lực nặng nề của chánh phủ TT Trump, cuối cùng các quốc gia này đều phải “chấp nhận” thấy TT Trump có lý nên đã đồng thuận sẽ thay đổi cơ cấu WTO.
III/ Cuộc đàm phán “bên lề” giữa Mỹ và Trung Cộng
Nói là “bên lề” có vẽ là phần “phụ“, nhưng thực sự đối với dư luận thì đó chính là “điểm” và hội nghị G20 chỉ là “diện” mà thôi, nên có tầm quan trọng lắm.
Sự kiện bắt đầu xảy ra vào đầu năm nay khi Mỹ “tấn công” tố cáo Trung Cộng thực hiện các hành vi thương mại “không công bằng” và trộm cắp tài sản trí tuệ. Vì vậy đã đánh thuế tổng cộng 250 tỷ đô la lên hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng Bảy, và Trung Cộng đã trả đũa bằng cách áp thuế trên 110 tỷ đô la hàng hóa Mỹ
Trước khi bước vào đàm phán, một điểm đáng chú ý là Giáo sư Navarro bất ngờ có mặt trong phái đoàn đàm phán. Nói là bất ngờ vì trước đó giới truyền thông thiên tả tung tin ra rằng ông này không được đi họp để tiên đoán TT Trump sẽ phải nhượng bộ trước Trung Cộng. Được biết ông giáo sư đại học này là cố vấn số 1 của TT Trump về trong vấn đề “đánh & trị” Trung Cộng trong lãnh vực kinh tế và nổi tiếng với tác phẩm “Chết vì Trung Cộng” (xem Nguồn 1 phía dưới). Có lẽ chính sự hiện diện của ông này đã nói lên thái độ cứng rắn của Mỹ trong cuộc đàm phán với những điểm chính như sau:
1) Mỹ và Trung Cộng thống nhất tạm dừng áp thuế quan mới trong 90 ngày để tiến tới đàm phán.
2) Trung Cộng sẽ mua thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp và kỷ nghệ để cân bằng với cán cân thương mại với Mỹ. Bù lại Mỹ không nâng thuế quan 25 % vào tháng giêng này cho sản phẩm nhập cảng với trị giá 200 tỷ đô la.
3) Thương thảo lập tức về điều tố cáo lớn nhứt của Mỹ về chuyện Trung Cộng ăn cắp tài sản trí tuệ, hàng rào quan thuế và ăn cắp / gián điệp trên mạng internet.
4) Nếu sau 90 ngày không có tiến bộ thực sự thì Mỹ sẽ tăng thuế quan 25 % cho sản phẩm nhập cảng với trị giá 200 tỷ đô la.
IV/ Ai thắng ?
1) Mỹ và chánh phủ TT Trump
Qua diễn tiến Hội Nghị G20 với Bản Tuyên Bố Chung và những thỏa thuận với Trung Cộng khiến cho Tòa Bạch Ốc đã ăn mừng đạt được thắng lợi lớn với những lý do sau đây:
a) Cuối cùng các quốc gia trong G20 phải chấp nhận đòi hỏi từ 2 năm qua của chính phủ TT Trump là dẹp bỏ cơ cấu cũ WTO từng gây quá nhiều bất lợi cho Mỹ và thay thế vào đó là cơ cấu mới lợi thế hơn cho Mỹ
b) Các quốc gia trong G20 nhìn nhận bên cạnh nguồn năng lượng tái tạo (từ gió, mặt trời ..) còn có nguồn năng lượng sạch khác. Càng ngày càng có một số quốc gia muốn rời bỏ Thỏa Hiệp Khí Hậu như Mỹ đã làm. Chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ba Tây, Saudi Arabia …
c) Qua thỏa thuận với Trung Cộng thì Mỹ “nhận” được nhiều hơn là “cho“. Rõ ràng nhứt là Mỹ đánh thuế quan hơn gấp đôi so với Trung Cộng: 250 tỷ đô la so với 110 tỷ đô la. Quan trọng hơn nữa là những điều tố cáo của Giáo sư Navarro trong tác phẩm “Chết vì Trung Cộng” nay đã được Trung Cộng gián tiếp là đã vi phạm và phải giải quyết trong những ngày sắp tới.
2) Nhựt và Ấn Độ
Trong dịp này Mỹ cùng Nhựt và Ấn Độ đã lần đầu tiên gặp gỡ và lên tiếng xác định đường hàng hải tại Á Châu phải được tự do di chuyển (xem Nguồn 2). Điều này hàm ý chống lại Trung Cộng đã thô bạo đòi hỏi chủ quyền phần lớn vùng Biển Đông.
Vào thời TT Obama quá yếu nên 2 quốc gia này phải lặng thinh không dám lên tiếng vì sợ Trung Cộng trừng phạt kinh tế. Nay Mỹ đã có một chánh phủ TT Trump “ngang tàng” dám ăn thua đủ với Trung Cộng nên họ hết còn nể nang và dám lên tiếng. Đồng thời Thủ Tướng Nhựt cũng chỉ trích chính sách kinh tế “chèn ép & ma giáo” của Trung Cộng để ủng hộ những đòi hỏi của Mỹ.
3) Á Căn Đình (Argentina)
Chủ nhà Argentina kỳ này tổ chức khá thành công nếu so sánh với năm ngoái tại Đức, bởi vì ở đó đã xảy hỗn loạn đẩm máu với vô số cuộc biểu tình bạo động cướp bóc khiến 3000 thủ phạm phải ra hầu toà.
V/ Ai bại ?
1) Trung Cộng và CT Tập Cận Bình
Từ trong hội nghị G20 đến cuộc đàm phán “bên lề” với Mỹ, phái đoàn Trung Cộng gặp nhiều khó khăn và thậm chí thất bại. Thật vậy:
a) Trong hội nghị kỳ này tiếng nói của Trung Cộng không còn được kính nể sợ hải như ngày xưa dưới thời TT Obama. Những trò “ma giáo lường gạt” về kinh tế của Trung Cộng đã bị Thủ Tướng Nhựt công khai lên tiếng đòi chấm dứt. Chuyện này đã kéo dài mấy chục năm rồi nay Nhựt ỷ có thế mạnh của chánh phủ TT Trump bảo vệ nên dám lên tiếng.
b) Toàn thể hội nghị đã gián tiếp yêu cầu Trung Cộng “cẩn thận” không dùng mưu chước “bẩy nợ” để xiết cổ các quốc gia chậm tiến. Điều này đã được PTT Pence tố cáo Trung Cộng trong kỳ hội nghị APEC tại Papua New Guinea.
c) Qua thỏa thuận Mỹ thì Trung Cộng “mất” nhiều hơn “được“. Trong đó phải nhập cảng nhiều hơn nữa để cán cân thương mại không còn thặng dư gần 400 tỷ mổi năm như thời gian qua. Nếu làm ăn “công bằng” và “đúng luật” thì Trung Cộng không thể “ngoi đầu” vượt qua mặt Hoa Kỳ. Giả tỷ Trung Cộng muốn xử dụng món đòn “hứa cuội” như trong quá khứ thì lần này gặp TT Trump từng lăn lộn trong chốn “giang hồ & thương trường New York” biết quá rành. Điển hình nhứt là chuyện Bắc Hàn lường gạt được các TT Clinton, TT Obama lấy tiền viện trợ cả bạc tỷ, nhưng gặp TT Trump thì bó tay phải xin gặp nói chuyện tại Singapore và nay vẫn bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt kinh tế giới hạn mua xăng nên đã bắn tiếng muốn gặp TT Trump lần nữa, nhưng ông này thấy chưa cần vội vì càng kéo dài bị cấm vận xăng thì Bắc Hàn càng kiệt quệ kinh tế.
d) Tương tự càng kéo dài chịu thuế quan và không giải quyết được rốt ráo thì dân chúng Trung Cộng sẽ càng hoang mang, kinh tế càng suy sụp, thị trường chứng khoán sụp đỗ đưa đến giới đầu tư rút tiền bỏ chạy tạo hậu quả dây chuyền rất tai hại.
Phải chăng đó mới chính là dụng ý “độc” của ban tham mưu TT Trump giống như trước đây chánh phủ TT Reagan “đánh” mạnh vào kinh tế khiến Liên Xô suy sụp dẫn đến khủng hoảng làm sụp đỗ chế độ
2) Nữ Thủ Tướng Merkel
Đi tới trể cả gần một ngày nên hầu như bà Merkel không còn tiếng nói quyết định gì cho kỳ hội nghị này. Điều mà bà Merkel mong muốn là thảo luận về chuyện chống bảo vệ mậu dịch và ghi vào Bản Tuyên Bố Chung thì không được ai ủng hộ cả.
Tại sao vậy ?
Nhớ lại trước đây bà Merkel đã được TT Obama và khuynh hướng chống TT Trump “tung hê” lên coi như là lãnh tụ của thế giới tự do nhằm thay thế TT Trump. Trong cơn “bốc đồng” (hoặc lý do thầm kín nào khác) bà Merkel đưa quyết định rất tai hại cho nước Đức và toàn thể Âu Châu là mở toang biên giới ra hân hoan mời đón dân di cư khắp nơi. Mới đầu ngỡ rằng chỉ có vài chục ngàn người đến tị nạn, ai ngờ đâu hậu quả kéo đến cả hàng triệu dân di cư kéo tới tràn ngập mà hầu hết đã vứt bỏ giấy tờ căn cước để dễ bề khai gian. Đã thế đưa đến hằng ngàn vụ khủng bố, cướp bóc hãm hiếp ở Đức và Âu Châu khiến cử tri quá bất mãn khiến đảng cầm quyền tụt dốc nhanh chóng thất cử liên tiếp khiến bị áp lực trong nội bộ Merkel phải từ chức Chủ tịch Đảng cầm quyền CDU / Dân Chủ Thiên Chúa Giáo vào ngày 29.10.2018. Thành ra tiếng nói của bà Merkel không còn được trọng vọng như ngày xưa và kéo theo nước Đức không còn đủ uy tín lãnh đạo Âu Châu nữa.
VI/ Kết luận
Những diễn biến qua cho thấy đúng như chúng tôi trước nay gần 2 năm vào ngày 31/12/2016, lúc TT Trump chưa nhậm chức đã phân tích ngay trong bài viết rằng:
“Vấn đề không phải “đánh” hay “không đánh” mà là khi nào và “cường độ” nặng hay nhẹ. Ngoài ra còn tùy thuộc ít nhiều vào thái độ của thế lực tài phiệt Mỹ (đa số gốc Do Thái) đang nắm giử đa số truyền thông “dòng chính” Hoa Kỳ ” (xem Nguồn 1)
“Nếu quan sát & phân tích kỹ thái độ thay đổi “xoành xoạch” của Trung Cộng đối với TT Trump trong vòng 2 tháng vừa qua thì sẽ thấy Bắc Kinh đang lo sợ tới mức nào.” (xem Nguồn 0)
Sau đó gần 1 tháng, tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa cũng đã nhấn mạnh vào ngày 25/01/2017 như sau:
“Điều ấy cho thấy là dường như ông Trump và các cộng sự viên đã chuẩn bị một chương trình cải cách rộng lớn từ nhiều năm nay chứ không phải trong 18 tháng tranh cử vừa qua“.
“Ít ra, người ta thấy được một chuyện bất ngờ khác: Tổng thống Trump làm đúng những gì đã nói khi tranh cử. Tưởng là chỉ dọa mà chơi, ai ngờ ông ta làm thật!” (xem Nguồn 3 + 4)
Quả thật hiện nay Mỹ đối đầu “đánh” Trung Cộng trên hầu hết mọi lãnh vực và trong các hội nghị quốc tế cho thấy cuộc chiến này càng ngày càng gay go gây bất lợi khủng hoảng rúng động nặng nề nhứt từ xưa đến nay cho Trung Cộng.
Rất có thể sự đắc cử bất ngờ của TT Trump đánh dấu khúc quanh lịch sử thế giới vì được coi như một khắc tinh có thể “diệt” được tham vọng xâm lược của Trung Cộng, tương tự như trước đây 36 năm TT Reagan là khắc tinh thành công “diệt” được Liên Xô để giải phóng toàn thể Đông Âu.
Chính vì vậy đa số phần lớn cử tri gốc VN (theo thống kê thăm dò ít nhứt trên 64 %) đã dồn phiếu ủng hộ chánh phủ TT Trump trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua. Họ đã sáng suốt không muốn phản bội tổ quốc để bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ với thành tích thân cộng trong quá khứ trước năm 1975 đã gián tiếp giúp CSVN chiếm đoạt VNCH.
Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi
2 Tháng 12, 2018
———————-
Nguồn 0: TT Trump theo chân TT Reagan: “Thân Dậu (2017) Niên Lai Kiến Thái Bình”?
https://www.ngo-quyen.org/a5834/tt-trump-theo-chan-tt-reagan-than-dau-2017-nien-lai-kien-thai-binh-
Nguồn 1: 2017, Một năm quyết định: TT Trump sẽ “đánh” Trung Cộng?
https://vietbao.com/a262276/2017-mot-nam-quyet-dinh-tt-trump-se-danh-trung-cong-
Nguồn 2: Countering China: Japan, India and U.S. leaders meet in push for more open Asia-Pacific
Nguồn 3: Ảnh Hưởng Của Trump Đến Kinh Tế Thế Giới
https://vietbao.com/a263274/anh-huong-cua-trump-den-kinh-te-the-gioi
Nguồn 4: Donald Trump Trong Một Thế Giới Đảo Điên
https://vietbao.com/a263374/donald-trump-trong-mot-the-gioi-dao-dien