Hội nghị Quốc phòng Mỹ-ASEAN: Mỹ nhấn mạnh lại ưu tiên Châu Á

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hội nghị Quốc phòng Mỹ-ASEAN: Mỹ nhấn mạnh lại ưu tiên Châu Á

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel chuẩn bị họp với các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN – REUTERS

Theo RFI – Trọng Nghĩa – Thứ tư 02 Tháng Tư 2014

Bắt đầu từ hôm nay, 02/04/2014, Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN cùng với đồng nhiệm Mỹ họp lại tại tiểu bang Hawaii để thảo luận về các phương án tăng cường hợp tác. Dù chỉ là một hội nghị không chính thức, nhưng sự kiện các lãnh đạo quốc phòng Đông Nam Á và Hoa Kỳ lần đầu tiên gặp nhau trên đất Mỹ được cho là mang một ý nghĩa quan trọng : Biểu thị quyết tâm của Washington trong việc đẩy mạnh chiến lược xoay trục qua Châu Á.
Phát biểu với các nhà báo vào hôm qua trên phi cơ chở ông đến Honolulu tham gia hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nói rõ hơn về nguyên do thúc đẩy ông mời các đồng nhiệm ASEAN đến họp tại Mỹ. Đó là xác định rõ quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc xúc tiến chiến lược tái cân bằng lực lượng qua khu vực châu Á, đã khởi sự từ cách nay ba năm, một chủ trương nhằm mục tiêu củng cố quan hệ và phối hợp hành động với các đồng minh kết ước và đối tác trong vùng.

Một trong những lý do thúc đẩy Mỹ siết chặt quan hệ với ASEAN, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đó là vì Hiệp hội các nước Đông Nam Á là « tổ chức duy nhất tại vùng châu Á-Thái Bình Dương » có một tính thuần nhất, một tiến trình củng cố quan hệ nội bộ, một sự phối hợp nhất định trong khuôn khổ cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+ mà Hoa Kỳ đã tham gia từ năm 2010.

Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-ASEAN mở ra từ hôm nay, còn là dịp để ông Hagel trấn an các đối tác của Mỹ ở châu Á rằng vấn đề cắt giảm ngân sách tại Hoa Kỳ không làm lu mờ ưu tiên mà Washington dành cho chiến lược xoay trục qua vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhắc lại một số quyết định cụ thể hóa ưu tiên chiến lược đó đang được thực hiện trong khu vực.

Tại vùng Đông Nam Á đó là kế hoạch bố trí tàu cận chiến duyên hải LCS cực kỳ hiện đại tại Singapore, đúc kết đàm phán với Philippines để sử dụng các cơ sở quân sự tại căn cứ Subic Bay trên cơ sở luân phiên, cắm 1.150 lính thủy quân lục chiến tinh nhuệ và bốn máy bay trực thăng CH-53E Super Stallion tại miền Bắc Úc nhìn thẳng lên Biển Đông …

Ngoài vùng Đông Nam Á, theo ông Hagel, Hoa Kỳ cũng đạt bước tiến trong kế hoạch thiết lập trạm radar phòng thủ tên lửa AN/TP2 ở Nhật Bản, trong phương án dời căn cứ không quân Mỹ Futenma qua một nơi khác thuận tiện hơn trên đảo Okinawa.

Điều mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mong đợi là sau Hội nghị tại Hawaii, các bộ trưởng quốc phòng ASEAN sẽ nhận thức rõ hơn về quyết tâm dấn thân của Mỹ vào vùng Châu Á -Thái Bình Dương, về khả năng phối hợp hành động và thông tin với nhau giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á, và những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác nhiều hơn nữa, bao gồm cả lãnh vực cứu hộ và cứu nạn.

Dù không đích danh nêu tên Trung Quốc, nhưng ông Hagel đã xác định rằng việc tăng cường hợp tác Mỹ-ASEAN «không nhằm đẩy bất kỳ ai ra bên ngoài, mà nhằm bảo đảm quyền tự do sử dụng các tuyến đường biển, bảo đảm tính rộng mở của bầu trời và không gian mạng».

Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái quyết đoán bị cáo buộc là hạn chế quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, nhưng quyết định mở rộng vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, hay quy định buộc tàu cá ngoại quốc phải xin phép trước, khi muốn vào hoạt động trong vùng Biển Đông mà Bắc Kinh đơn phương cho là thuộc chủ quyền của họ.