Hội nghị 14 và tuổi của Tứ trụ
Getty – Bốn chính khách trong nhóm ‘Tứ trụ’ khóa 11 (ảnh chụp tháng 10/2015)
Tài liệu trích đăng dưới đây chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của Website. BBT
Lê Quỳnh – BBCVietnamese.com, London
Hội nghị 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc thứ Hai 11/1, với trọng tâm bàn về việc tái cử của các Ủy viên Bộ Chính trị quá tuổi.
Theo quy định của Đảng Cộng sản, Ủy viên Bộ Chính trị tái cử nói chung không quá tuổi 65.
Bốn người giữ các chức danh lãnh đạo cao nhất – thường được gọi là ‘Tứ trụ’ – đều đã qua ngưỡng tuổi này.
Trước đó, Hội nghị Trung ương 13, bế mạc hôm 21/12, vẫn tranh luận những ai trong số bốn ông – Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng – có thể được tái cử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.
Thông báo của Hội nghị 13 cho biết Trung ương Đảng “giao Bộ Chính trị tiếp tục chuẩn bị nhân sự trường hợp đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI quá tuổi, tái cử, để đảm nhiệm chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trình Hội nghị Trung ương 14 xem xét, quyết định”.
Kể từ đó, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đã có ít nhất bốn lần họp về chủ đề nhân sự.
16 chính khách quyền lực nhất trong Đảng vẫn còn họp đến hết thứ Sáu 8/1 để chuẩn bị các văn bản trình ra Hội nghị 14.
Đề cử Tổng Bí thư?
Những ngày qua, trên mạng internet “tràn ngập” các tài liệu thật giả, cùng những bình luận về khả năng “đi hay ở” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hai ông vẫn là ứng viên hàng đầu cho chức vụ Tổng Bí thư Đảng khóa 12.
Việc ai được Hội nghị 14 đề cử làm ứng viên chức Tổng Bí thư sẽ tác động đến nhân sự cho ba chức còn lại trong ‘Tứ trụ’ – Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.
Theo phán đoán cá nhân, bốn người có thể nằm trong danh sách giới thiệu của Bộ Chính trị cho chức danh Tổng Bí thư:
- Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang
- Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nếu phương án này diễn ra, điều này có nghĩa là các đại biểu dự Hội nghị 14 sẽ phải biểu quyết về số lượng ủy viên Bộ Chính trị quá 65 tuổi được tái cử.
Ông Phạm Quang Nghị (sinh năm 1949), Nguyễn Tấn Dũng (1949) và Nguyễn Phú Trọng (1944) đều thuộc nhóm nhân sự quá tuổi.
Hệ quả Hội nghị 13
Thông báo của Hội nghị 13 xác nhận danh sách ứng cử Ủy viên chính thức và dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được nhất trí thông qua để trình ra Đại hội Đảng toàn quốc.
Trung ương Đảng khóa 11 cũng nhất trí thông qua danh sách ứng cử Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa 12. Đây là những người trong độ tuổi theo quy định của Đảng.
Còn lại, những người dự Hội nghị 13 đã viết phiếu đề xuất tái cử với những trường hợp quá tuổi trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Cần lưu ý danh sách viết phiếu này chỉ là một trong ba danh sách dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị 14 sắp khai mạc.
Hai danh sách còn lại gồm một của Tiểu ban Nhân sự Đại hội 12 mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trưởng ban, và một là danh sách ghi nhận ý kiến của Bộ Chính trị.
Có thể đoán ba danh sách này sẽ có độ vênh, dẫn tới tiếp tục thảo luận trước khi Trung ương Đảng biểu quyết.
Các thảo luận trong Bộ Chính trị không phải là kết luận chung cuộc để Trung ương Đảng tuân thủ.
Tại hội nghị 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ xem xét đề xuất của Bộ Chính trị về chức danh Tổng Bí thư và ba chức danh cao cấp còn lại.
Nếu không nhất trí đề xuất của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng sẽ có thể đề xuất thêm ứng cử viên.
Quy trình đặt quyền lực vào lá phiếu của các ủy viên Trung ương là yếu tố khó đoán trước kết quả của Hội nghị 14.
Có thể một, hai trong ‘Tứ trụ’ hiện nay sẽ đủ phiếu để được giới thiệu tái cử.
Hoặc cũng có thể không ai đủ phiếu, dẫn đến cả bốn người cùng nghỉ.
Và nếu Hội nghị 14 không thể thống nhất về các trường hợp quá tuổi?
Lúc đó, sẽ chỉ còn một cuộc họp cuối cùng để Đảng quyết định, đó là đại hội trù bị diễn ra một ngày trước khi chính thức khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc.
Vấn đề tuổi tác và cuộc đua nhắm đến các chức vụ cao nhất cho thấy một đặc điểm quan trọng trong Đảng Cộng sản Việt Nam: các quy định, điều lệ là đối tượng của mặc cả quyền lực, phe phái và có thể bị xê dịch tùy tương quan lực lượng. Điều này hẳn sẽ không mất đi sau Đại hội Đảng.