Hội đồng Liên tôn phản đối việc giải tỏa cơ sở tôn giáo ở Thủ Thiêm

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hội đồng Liên tôn phản đối việc giải tỏa cơ sở tôn giáo ở Thủ Thiêm

Phối cảnh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm Photo: RFA

RFA | Cập nhật 18/09/2014
Chùa Liên Trì thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, không theo hệ thống Phật giáo Nhà nước, bị chính quyền địa phương yêu cầu đến cuối tháng này phải giao mặt bẳng cho phường An Khánh, Quận 2. Biện pháp này được nói nhằm triển khai dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tuy nhiên quyết định đó không được sự đồng thuận của chính vị trụ trì của Liên Trì cũng như nhiều vị chức sắc tôn giáo cũng như người dân ở nhiều nơi.
Hội đồng Liên tôn lên tiếng
Một nhóm các tu sĩ thuộc 5 tôn giáo lớn ở Việt Nam gồm Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài và Hòa Hảo vào cuối tháng 8 vừa qua ra thông cáo trình bày về tình hình chùa Liên Trì tại phường An Khánh, Quận 2 thành phố Hồ Chí Minh.
Theo thông cáo đó thì chính quyền địa phương có thư và phụ lục gửi cho hòa thượng Thích Không Tánh, người hiện trụ trì tại chùa, về việc bồi thường, cưỡng chế, giải tỏa chùa với thời điểm cụ thể là trong tháng 9 này.
Nhóm những người cùng ký vào thông cáo vừa nêu cho rằng dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm với qui hoạch 930 hec ta trong thời gian qua đã giải tỏa 15 ngàn hộ dân cũng như một số cơ tôn giáo rồi. Tuy nhiên việc cưỡng chế giải tỏa có nhiều khuất tất, không đúng luật dẫn đến khiếu kiện với tổng số đơn nộp là 11 ngàn đơn.

Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm với qui hoạch 930 hec ta trong thời gian qua đã giải tỏa 15 ngàn hộ dân cũng như một số cơ tôn giáo rồi. Tuy nhiên việc cưỡng chế giải tỏa có nhiều khuất tất, không đúng luật dẫn đến khiếu kiện với tổng số đơn nộp là 11 ngàn đơn

Cho đến lúc này chỉ còn 3 cơ sở tôn giáo trong khu vực bị qui hoạch là Chùa Liên Trì, Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm. Hai cơ sở này thuộc Công giáo.
Theo thông cáo của các vị chức sắc thuộc 5 tôn giáo thì theo kế hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm là một khu dân cư chứ không phải là một khu công nghiệp hay quân sự, nên sự tồn tại của các cơ sở tôn giáo là bình thường vì đó là nhu cầu tâm linh của con người.
Người trong cuộc trình bày
Thượng tọa Thích Không Tánh cho biết yêu cầu của chính quyền địa phương đối với chùa Liên Trì như sau:
Chính quyền vẫn theo ý của họ thôi. Họ gửi quyết định xuống qui định từ ngày 8 tháng 9 đến 30 tháng 9 sẽ giải tỏa nếu chùa không nhận bồi thường thiệt hại 5 tỷ 4. Tôi nhất định không nhận, họ nói nhận hay không nhận họ vẫn tiến hành theo trình tự pháp luật. Họ gửi xuống một phương án và quyết định làm sao thì làm đến 30 tháng 9 này phải giao cho họ mặt bằng đất trống chùa cho Nhà nước để Nhà nước làm đô thị mới Thủ Thiêm gì đó.
Theo Thượng tọa Thích Không Tánh có một lý do khác nữa mà cơ quan chức năng địa phương sốt sắng trong việc giải tỏa chùa Liên Trì là vì chủa của ông trụ trì không nằm trong hệ thống Phật giáo Quốc doanh do Nhà nước kiểm soát:
Họ không nói đưa cho một khu đất khác và đền bù một số để xây dựng lại gì hết. Họ áp lực mình nhận 5 tỷ tư rồi đi đâu thì đi, coi như họ xóa sổ hẳn Chùa Liên Trì.

Theo thông cáo của các vị chức sắc thuộc 5 tôn giáo thì theo kế hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm là một khu dân cư chứ không phải là một khu công nghiệp hay quân sự, nên sự tồn tại của các cơ sở tôn giáo là bình thường vì đó là nhu cầu tâm linh của con người

Chúng tôi biết Nhà nước không ưa Chùa Liên Trì từ lâu vì chùa không chịu theo hệ thống quốc doanh của Nhà nước, chúng tôi thuộc Phật giáo Thống Nhất nên bị cô lập, đàn áp, khó khăn, bao vây, phong tỏa bao nhiêu năm. Bây giờ họ dùng biện pháp giải tỏa và dẹp Chùa Liên Trì đi.
Như đã nêu, ngoài chùa Liên Trì tại khu vực qui hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn có Tu viện Mến Thánh Giá. Một sơ tại đó cho biết tình trạng của Nhà dòng và nguyện vọng của những nữ tu tại đó:
Sự thật thì Nhà nước họ muốn mình đi để chỗ này họ làm đô thị mới. Nhưng cho đến giờ này mỗi lần mời đi họp nhà dòng đều nói đây là quyết định của 600 người. Trước mắt là chiều dài, sang năm chúng tôi kỷ niệm 175 năm, nên không thể đi dễ dàng như thế.
Phát triển thì Nhà Dòng hưởng ứng; nhưng tôi thấy chỉ có ‘một chút xíu’ gần biển này thôi, có một nhà dòng thì cũng có gì mà cản trở lắm đâu; chứ phải chi nó nằm gần bờ sông Sài Gòn, mặt tiền quá!
Họ muốn thì họ muốn, nhưng chúng tôi vẫn cầu nguyện, cố gắng giữ lập trường của mình như vậy. Nhà Dòng đã giao cho Nhà nước hơn 100 mẫu, dân chúng đã sử dụng rồi, chỉ còn có 3 mẫu mà còn bắt đi nữa thì ‘hơi’ oan ức cho Nhà Dòng. Chúng tôi đề nghị với Nhà Nước nên cứu xét lại và có tình cảm một chút. Phải chi chỉ có 3 mẫu này thôi mà đi thì cũng can tâm; đây mất hết cả 100 mẫu rồi mặc dù Nhà Dòng có bằng khoán.
Dù còn 3 mẫu, Nhà Dòng cũng trông cậy những người có kiến thức, có tình nghĩa. Nhà Dòng trước mắt cứ an tâm cầu nguyện xin những người cầm quyền họ biết lẽ công bằng. Chứ bây giờ người ta dùng quyền, mà đương nhiên Nhà nước có quyền rồi!
Ủng hộ khắp nơi
Vào ngày 15 tháng 9, các tu sĩ ra thông cáo về tình hình chùa Liên Trì cũng có kêu gọi mọi người cùng góp sức ngăn chặn việc xóa bỏ những cơ sở tôn giáo như tại khu vực có kế hoạch triển khai dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, mà chùa Liên Trì là đối tượng trong tháng 9 này.
Kêu gọi ‘Cùng lên tiếng vì tự do tôn giáo tại Thủ Thiêm’ được đưa lên trang mạng Change.org để mọi người ký tên. Thông tin cho biết sau 30 tiếng đồng hồ có gần 600 người cả trong và ngoài nước đã ký tên ủng hộ cho kêu gọi này.
Chị Trần thị Nga ở Phủ Lý, Hà Nam, một trong những người đã ký tên ủng hộ kêu gọi cho biết lý do chị tham gia lên tiếng như sau:
Ở bất cứ khu vực nào cũng cần có nơi thờ tự tôn giáo, bởi vì con người ta bất kể ai cũng cần có niềm tin- tín ngưỡng thì mới có mục đích đi đến chân- thiện- mỹ trong cuộc sống của con người. Còn nếu không có bất kể niềm tin tôn giáo nào thì con người ta trở nên vô cảm với tất cả mọi thứ và vấn đề đạo đức bị suy thoái. Khi không có niềm tin tôn giáo thì con người ta không có niềm tin vào bất cứ điều gì và họ làm những điều ác, việc thất đức rất dễ dàng.

Kêu gọi ‘Cùng lên tiếng vì tự do tôn giáo tại Thủ Thiêm’ được đưa lên trang mạng Change.org để mọi người ký tên. Thông tin cho biết sau 30 tiếng đồng hồ có gần 600 người cả trong và ngoài nước đã ký tên ủng hộ cho kêu gọi này

Một bạn trẻ tại Úc, anh Don Lê, tham gia ký tên và cho biết quan điểm về việc ký tên như thế:
Những tổ chức tôn giáo họ làm việc nhiều với cộng đồng; và theo tin tôi đọc được thì họ làm được nhiều công việc xã hội; nếu mất không có sự hợp tác của tổ chức tôn giáo thì rất buồn cho cộng đồng người Việt tại quận đó.
Người trong cuộc bị giải tỏa tại khu vực Thủ Thiêm, cũng như nhiều người bị thu hồi đất ở khắp nơi tại Việt Nam đều bày tỏ ủng hộ với việc cơ quan chức năng thu hồi nhà cửa, cơ sở của họ cho công cuộc phát triển chung. Thế nhưng trong thực tế chính quyền đã không thực hiện đúng những gì đưa ra trong qui hoạch, thậm chí còn thu hồi một cách bất minh không theo luật. Điều đó khiến người bị thu hồi phải khiếu kiện. Tình trạng này xảy ra đã lâu và vẫn tiếp diễn như tại Thủ Thiêm cũng như những nơi được gọi là ‘đất vàng’ hiện nay.