Hội chợ điện thoại di động toàn cầu Barcelona
Trong ba ngày, kể từ hôm qua 02/03/2015, thành phố Barcelona, thủ phủ xứ Catalogna (Tây Ban Nha) biến thành thủ đô công nghệ viễn thông thế giới. Hội chợ điện thoại di động quốc tế Mobile World Congress (MWC) 2015 thu hút sự tham gia của gần hai ngàn nhà trưng bày, đại diện cho các công ty, 3.400 phóng viên của 1.500 cơ quan truyền thông thuộc 79 quốc gia. Hội chợ MWC giới thiệu những cách tân mới nhất về smartphone, mạng điện thoại 5G hay đồng hồ internet.
Theo một nhà phân tích của phòng tư vấn Strategy Analytics, số người dùng điện thoại smartphone từ 1,5 tỷ năm 2013 vọt lên 2,1 tỷ trong năm 2014, có nghĩa là cứ ba người trên hành tinh chúng ta, có một người sở hữu điện thoại di động. Khởi đầu là một hội chợ tại Barcelona, MWC ngày càng trở nên một sự kiện quan trọng hàng đầu của thị trường công nghệ mạng, đặc biệt với các điện thoại thông minh, một vật dụng ngày càng phổ biến, được nhiều người mệnh danh là «con dao Thụy Sĩ» của kỷ nguyên hiện đại.
Ngoài tập đoàn Apple là dám «tự cho phép bỏ qua dịp này» – như bình luận của La Dépêche du Midi, nhật báo miền nam nước Pháp – để giới thiệu các mặt hàng mới, toàn bộ các nhà sản xuất smartphone đều cử đại diện đến MWC. Từ những hãng nhỏ như Wiko hay Doro (chuyên phát triển điện thoại với phiên bản đơn giản hóa cho người cao tuổi), cho đến Xiaomi hay Huawei (Hoa Vi), những nhà sản xuất Trung Quốc đầy tham vọng, và cả nhà khổng lồ Nam Hàn Samsung.
Smartphone muốn chinh phục dân nghèo
Ngay trước Hội chợ Barcelona, Samsung đã trình làng hai mẫu điện thoại mới Galaxy S6 và Galaxy S6 Edge, những ngọn cờ đầu của tập đoàn Hàn Quốc trong cuộc tái chinh phục thị trường. Trong năm vừa qua, thị phần của Samsung giảm từ 34% vào đầu năm 2014 xuống còn 20% vào quý 4. Vị thế số một của Samsung trên thị trường điện thoại di động là hết sức mong manh, so với đối thủ Apple. Trong đợt ra mắt tại Barcelona lần này, Samsung đã mạo hiểm công bố giá bán hai mẫu điện thoại nói trên cao hơn hai đối thủ trực tiếp iPhone 6 và iPhone 6 Plus của Apple (với giá lần lượt là 749 euro và 1049 euro), dù các tính năng của các điện thoại của Samsung cũng không nhỉnh hơn.
Vào thời điểm sức mua tại các thị trường các nước phát triển bắt đầu chững lại, các nhà sản xuất nỗ lực hướng đến các nước đang trỗi dậy. Điện thoại giá thấp là mặt hàng được nhiều nhà sản xuất quảng bá: di động với giá 105 đôla của tập đoàn internet Google, Microsoft còn đưa ra máy mới với giá 29 đô la, công ty Mozilla còn cho ra máy với giá 25 đô la. Tại Barcelona, Samsung cũng phải tham gia cuộc cạnh tranh nhằm chinh phục các khách hàng ít tiền, bên cạnh các điện thoại giá cao vốn là hàng chủ lực của hãng. Theo văn phòng Gartner, từ nay tới 2020, 75% số điện thoại smartphone sẽ có giá rẻ hơn 100 đô la. Chỉ có Apple là không tham gia cuộc đua tranh chiếm lĩnh thị trường các nước trỗi dậy.
Giám đốc Châu Á của tập đoàn truyền thông Na Uy Telenor cho AFP biết, hiện tại dành cho đại chúng Châu Á đã có nhiều điện thoại giá rẻ, chất lượng tốt, giá từ 20 đô la đến 60 đô la.
Một trong những công ty mới nổi lên nhưng nhanh chóng giành được thị phần, nhờ điện thoại giá rẻ, đó là công ty Trung Cộng Xiaomi (Tiểu Mễ). Thành lập năm 2010, Xiaomi năm 2014 đã vượt Samsung đứng đầu thị trường điện thoại giá rẻ tại TC. Xiaomi cũng có mặt tại Hội chợ Barcelona năm nay.
Giải thích về nhu cầu sử dụng smartphone ở các nước đang trỗi dậy, Annette Zimmermane, một chuyên gia viễn thông của Gartner, có trụ sở tại Đức, cho biết smartphone là «phương tiện thường là duy nhất để người sử dụng truy cập được internet».
Phát triển internet đến tận hang cùng ngõ hẻm
Hội chợ Barcelona do GSMA – hiệp hội gồm 800 công ty viễn thông trên thế giới – tổ chức, không chỉ là nơi quảng cáo các mặt hàng mới, mà còn là dịp thảo luận về nhiều chủ đề lớn của thế giới mạng. Nhà sáng lập mạng Facebook, Mark Zuckerberg – có mặt lần thứ hai tại Hội chợ MWC – rất quan tâm dến việc mở rộng mạng internet đến khắp mọi nơi trên thế giới.
Mức phổ biến của điện thoại smartphone tại các nước đang trỗi dậy bị giới hạn bởi khả năng của mạng. Rất nhiều khu vực ở những nước này, đặc biệt tại các vùng thôn quê, chỉ mới có mạng 2G, chỉ đủ sức cho phép gửi thư điện tử hay sử dụng những ứng dụng hết sức đơn giản.
Tại Hội chợ Barcelona, Chủ tịch Facebook giải thích công ty đang có dự án «internet.org» nhằm đưa internet đến những vùng xa xôi hẻo lánh hay những nơi cơ sở hạ tầng kém cỏi. Tập đoàn Google dự kiến đưa máy bay không người lái hay các khinh khí cầu lên tầng khí quyển bình lưu (cách mặt đất trung bình từ 10 km đến 50 km), để đưa internet đến những vùng mà các phương tiện truyền thống, như cáp thông thường, cáp quang, vệ tinh… không phục vụ được.
Lợi ích của mạng điện thoại thế hệ mới 5G?
Theo AFP, trong khi nhiều công ty lớn hướng về thị trường các nước trỗi dậy mà nhiều nơi chưa có được mạng điện thoại 3G, thì vấn đề phát triển thế hệ mạng 5G nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của các lãnh đạo công nghệ viễn thông tại Barcelona. Tuy nhiên, chính nhà tổ chức Hội chợ Barcelona GSMA cũng từng đặt câu hỏi – trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 12/2014 – về tính hữu ích và những điểm yếu của 5G.
Theo các nhà cung cấp dịch vụ mạng, lĩnh vực điện thoại di động không nên đầu tư lớn vào việc hiện đại hóa các mạng, hay thúc đẩy khách hàng thay đổi điện thoại cầm tay, nếu như thế hệ điện thoại nối mạng mới không thực sự mang lại những cải thiện đáng kể về tốc độ truyền dẫn hay mang lại các chức năng vượt trội.
Tuy nhiên, nghi vấn này không ngăn cản nhiều tập đoàn giới thiệu các thử nghiệm mạng 5G của mình tại Hội chợ Barcelona, có thể kể đến công ty Huawi Trung Cộng, tập đoàn Pháp Mỹ Alcatel-Lucent, Ericsson của Thụy Điển hay Nokia Phần Lan.
Theo các chuyên gia, mạng 5G sẽ được thương mại hóa trước thềm Thế vận hội Tokyo 2020. NTT DoCoMo của Nhật Bản và Nokia hôm qua tuyên bố sẽ phối hợp để phát triển 5G cho dịp Thế vận hội. Hai nhóm cho biết đã thành công trong một thực nghiệm 5G với tốc độ truyền dẫn 2,0 gigabit trên dải tần 70 gigahertz.
Đối với nhiều nhà sản xuất, mạng điện thoại 5G không chỉ ưu việt ở tốc độ dẫn truyền, mà chủ yếu bởi tính năng mới mà 5G hy vọng sẽ cho phép thực hiện được. Mạng 1G gắn liền với sự xuất hiện của điện thoại di động, 2G mở đường cho dịch vụ SMS và những ứng dụng thư điện tử đầu tiên, còn 3G đã hứa hẹn mang lại internet di động, với các ứng dụng ban đầu dịch vụ gửi ảnh, video, Mạng 4G thực sự hoàn thiện các chức năng này. Điểm đặc sắc của 5G là cho phép hình thành một thế giới mạng nối liền với các vật thể, nói cách khác, cho phép điều khiển từ xa thế giới đồ vật được nối mạng. Theo dự báo của tập đoàn Ericsson, đến năm 2020, trên thế giới sẽ có chừng 50 tỷ đồ dùng được nối mạng.