Học giả Mỹ lo ngại ông Trump lặp lại thảm họa chiến lược tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Học giả Mỹ lo ngại ông Trump lặp lại thảm họa chiến lược tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ

Ngày đăng 22-09-2017

BĐN… 
Năm 2003, Mỹ đã tạo ra một thảm họa chiến lược tồi tệ, bằng cách tiến hành một cuộc chiến không cần thiết ở Iraq và bỏ quên cuộc chiến cần thiết ở Afghanistan.
Tổng thống Trump không đánh giá cao thỏa thuận hạt nhân Iran, coi đó là một “thỏa thuận tồi” đối với nước Mỹ. Ảnh: PBS
Ông Trump sẽ lặp lại sai lầm của người tiền nhiệm?
Năm 2002, cựu tổng thống Mỹ George W. Bush đã dùng bài phát biểu của mình trước Liên Hợp Quốc để kêu gọi cho các hành động quân sự ở Iraq một năm sau đó. Các nhà phân tích hy vọng rằng, bài phát biểu mới đây của Tổng thống Donald Trump tại LHQ không phải là sự mở đầu cho một cuộc chiến “có thể tránh được” với Iran.
Theo bài phân tích đăng trên Guardian của học giả Michael Fuchs, người từng là phó trợ lý của ngoại trưởng Mỹ trong các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương, năm 2003, Mỹ đã tạo ra một thảm họa chiến lược có thể nói là lớn nhất trong lịch sử nước này, bằng cách tiến hành một cuộc chiến tranh không cần thiết ở Iraq và bỏ quên cuộc chiến cần thiết ở Afghanistan.
Hậu quả cuộc chiến ở Iraq là hàng trăm nghìn người chết và bị thương, là một thảm họa kinh tế không thể nói hết, các nhà nước bị tàn phá ở Trung Đông, và sự nổi lên của lực lượng khủng bố IS. Tất cả những điều đó đã xảy ra trong lúc các nỗ lực tiêu diệt khủng bố tại Afghanistan ngày một yếu đi.
Bài phát biểu của Tổng thống Trump tại LHQ trong tuần này đã cho thấy rõ rằng ông muốn Mỹ đi theo một con đường tương tự, đó là chuyển trọng tâm chú ý từ vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vốn rất cấp bách, sang việc bắt đầu một cuộc xung đột không cần thiết với Iran.
Tác giả Fuchs cho rằng, nếu nước Mỹ và cả thế giới không thể thuyết phục được ông Trump tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran và tập trung vào những vấn đề thực sự, Mỹ có thể lại rơi vào một thảm họa chiến tranh ở Trung Đông và phá hỏng những nỗ lực xử lý vấn đề hạt nhân Iran.
Fuchs cho rằng, mối đe dọa từ Triều Tiên là có thật, cả thế giới đã đồng thuận về các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này, bằng chứng là sự đồng thuận hoàn toàn của các nước Hội đồng Bảo An với nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của LHQ.
Thế nhưng chính quyền ông Trump lại đang gặp khó khăn trong việc thực thi một chiến lược rõ ràng trong vấn đề Triều Tiên. Ông Trump đã “gây sự” với đồng minh Hàn Quốc khi dọa hủy bỏ hiệp định thương mại tự do Mỹ – Hàn.
Ông Trump cũng thường xuyên dùng những ngôn từ mạnh mẽ có thể gây ra các tính toán sai lầm và dẫn đến xung đột. Ông Trump thường phát biểu như thể một cuộc chiến với Triều Tiên là không thể tránh khỏi, trong khi cấp dưới thì liên tục nhắc lại về việc Mỹ theo đuổi giải pháp ngoại giao.
Giữa bối cảnh rất nhiều khó khăn chồng chất trong giải quyết vấn đề Triều Tiên đó, thay vì tiên phong trong việc theo đuổi một chiến lược quốc tế hiệu quả nhằm ngăn chặn Triều Tiên/ trấn an các đồng minh/ thêm áp lực trừng phạt/ thực sự tham gia vào các giải pháp ngoại giao, Tổng thống Mỹ lại đang xem xét xé bỏ bản thỏa thuận vốn đang rất hiệu quả trong việc kiềm chế Iran tạo ra vũ khí hạt nhân.
Vấn đề đã ổn thỏa bỗng trở lại bế tắc, Iran sẽ thành “Triều Tiên thứ hai”?
Nếu Tổng thống Trump thực sự xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, ông đang góp phần biến Iran thành một Triều Tiên thứ hai và đẩy nguy cơ xung đột lên cao.
Thỏa thuận hạt nhân với Iran là một hiệp định không chỉ được cả thế giới ủng hộ (gồm Nga, Trung Quốc, các nước EU), mà thực tế thỏa thuận đó đã có tác dụng, trong nhiều năm, ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Chính quyền ông Trump và cả các nhà điều tra của LHQ đều thừa nhận Iran tuân thủ hiệp định.
Tác giả của Guardian cho rằng, nếu có một hiệp định nào giống như thế đặt trên bàn đàm phán với Triều Tiên, Mỹ nên ngay lập tức tóm lấy cơ hội (một cơ hội mà họ đã gần có được trong những năm 1990 nhưng sau đã để tuột mất).
Nếu ông Trump xé bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran thì chẳng khác nào Mỹ đã lấy súng tự bắn vào chân mình.
Theo Tass, Ngoại trưởng Rex Tillerson ngày 20/9 nói rằng Tổng thống Trump đã có quyết định trong việc có tiếp tục thỏa thuận hạt nhân Iran hay không (tuy nhiên ông chưa muốn chia sẻ quyết định đó ‘ra bên ngoài’), và rằng chính quyền Mỹ đang lên kế hoạch các bước tiếp theo giải quyết vấn đề Iran theo đúng thỏa thuận.
Tuy nhiên, người ta vẫn hoài nghi về việc ông Trump sẽ tiếp tục ủng hộ thỏa thuận này.
Bài báo của Guardian cho rằng thật khó để đánh giá những hậu quả tiềm ẩn của việc xóa bỏ thỏa thuận với Iran: Iran sẽ tiếp tục chạy đua chế tạo vũ khí hạt nhân; các đối tác khác trong thỏa thuận như Nga, Trung Quốc, EU sẽ bỏ Mỹ lại đằng sau và tiếp tục hợp tác với Iran – điều này sẽ làm cho việc trừng phạt Iran trở nên khó khăn.
Và nếu Iran thực sự phát triển thành công vũ khí hạt nhân, tình hình khu vực sẽ càng phức tạp, cuộc đối đầu với Mỹ càng trở nên căng thẳng và nguy cơ chiến tranh càng tới gần.
Hơn nữa, rút khỏi thỏa thuận với Iran đồng nghĩa với việc Tổng thống Trump sẽ khó thuyết phục thế giới rằng chính quyền của ông đang tìm kiếm giải pháp ngoại giao với Triều Tiên.
Tại sao Triều Tiên và thế giới lại phải tin rằng mình nên đàm phán với một bên sẵn sàng vứt bỏ các thỏa thuận đã ký, vốn đang được thực thi một cách hiệu quả?