Học giả Mỹ đề xuất chính sách hướng về Đông Nam Á

Cac Bai Khac

No sub-categories

Học giả Mỹ đề xuất chính sách hướng về Đông Nam Á

AN AMERICAN STRATEGY FOR SOUTHEAST ASIA : MICHAEL MAZZA 

https://www.aei.org/wp-content/uploads/2018/07/An-American-Strategy-for-Southeast-Asia.pdf


internet image

(Tóm lược)

Ngày 7 tháng 8 vừa qua, Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ ( AMERICAN ENTERPRISE INSTITUTE – AEI) đã công bố báo cáo mới của Michael Mazza, đề xuất một chiến lược toàn diện cho Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Nam Á. Theo Mazza, Đông Nam Á có vai trò trung tâm đối với khu vực châu Á với các tuyến đường biển chiến lược quan trọng của thế giới, bởi sự gần gũi về mặt địa lý đối với Ấn Độ và Trung Quốc, và bởi những nguồn tài nguyên dồi dào mà khu vực này đang chứa đựng.

Nhà nghiên cứu đề xuất, Hoa Kỳ nên cố gắng định hình một khu vực Đông Nam Á hoà bình trong khu vực và đối với các nước láng giềng, với những quốc gia có vị thế mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng, có các các chính phủ kiên cường, có trách nhiệm và có khả năng phản ứng.

Washington nên áp dụng một chiến lược toàn diện – với các trụ cột an ninh, kinh tế và quản trị – để đạt được những mục tiêu đó. Nếu Hoa Kỳ thành công, sẽ là một sự bảo đảm cân bằng quyền lực khu vực theo hướng thuận lợi cho Hoa Kỳ, bạn bè và đồng minh, tăng cường trật tự quốc tế tự do, tăng cường sự thịnh vượng ở nhà và ở Đông Nam Á, cũng như tự do trong khu vực.

Cũng tại buổi giới thiệu báo cáo trên, Trợ lý thư ký các vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Randall Schriver một lần nữa khẳng định, Hoa Kỳ sẽ chống lại “các quấy nhiễu” quân sự của Trung Quốc. Hành động rút lại lời mời Trung Quốc tham gia diễn tập RIMPAC 2018 muốn gửi đi tín hiệu cho thấy, Hoa Kỳ sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh để duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Diễn biến đàm phán COC

Trong một diễn biến khác liên quan tới đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), bà Piper Campbell, Đặc sứ Mỹ phụ trách ASEAN đã tái khẳng định lập trường của Hoa Kỳ trong hồ sơ Biển Đông. Bà Campbell cho biết, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo mới đây đã có dịp bày tỏ quan điểm của Washington, theo đó “mọi bộ quy tắc ứng xử (trên Biển Đông) cần ghi nhận các mối quan tâm và quyền lợi của các bên thứ ba“.

Cũng theo bà Campbell: “Trong những khuôn khổ như đàm phán về bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông COC, điều cực kỳ quan trọng là không nước nào được quyền gây áp lực đối với nước khác“.

Điều quan trọng là mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải có cơ hội bảo vệ các lợi ích quốc gia, cũng như các nguyên tắc quốc tế thật rõ ràng, mà cụ thể là những điều đã được ghi trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)“, bà Campbell nói tiếp.

Đặc sứ Mỹ phụ trách ASEAN cũng nhấn mạnh rằng Washington luôn theo dõi sát những diễn biến ở Biển Đông.

Chiến lược “Một Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do” của Hoa Kỳ 

Thu hút nhiều sự quan tâm hiện nay của các nước liên quan là chiến lược “Một Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do” đã được Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao của Mỹ quảng bá nhiều lần. TS Lê Hồng Hiệp mới đây đưa ra một cái nhìn từ phía Việt Nam đối với chiến lược này.

Trong bài bình luận đăng trên Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, TS Hiệp nhận định, trong khi Bộ Ngoại giao Việt Nam dường như sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận những nguyên tắc then chốt của chiến lược này, các quan chức quốc phòng Việt Nam lại có xu hướng tiếp cận thận trọng hơn. Việt Nam vẫn có thể hỗ trợ chiến lược này do các tranh chấp Biển Đông và sự dễ bị tổn thương khi đối mặt với Trung Quốc, nhưng sẽ chỉ ở mức độ thấp. Việt Nam có thể sẽ không muốn tham gia vào một khối chống Trung Quốc cứng rắn hoặc công khai đối đầu, mà thay vào đó sẽ chọn lựa mạng lưới các mối quan hệ an ninh linh hoạt đối với các cường quốc và các đối tác cùng quan điểm để kiềm chế Trung Quốc.

Cũng nên nhắc lại rằng, ngày 8 tháng 6 vừa rồi, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Quốc phòng sửa đổi, trong đó chính thức luật hoá các chính sách “không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trước trong quan hệ quốc tế“.

Đọc thêm: Thành viên Ban soạn thảo nói về những điểm mới trong Luật Quốc phòng năm 2018.

Khai thác chung ở Biển Đông

Các nhà phân tích tiếp tục bày tỏ mối lo ngại mới đối với dự định khai thác chung giữa Philippines và Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Jay Batongbacal, giám đốc Viện Các Vấn Đề Hàng Hải và Luật Biển ở Philippines nói rằng, một thoả thuận khai thác chung như vậy sẽ tạo cho Trung Quốc lý do hợp pháp để đưa thêm tàu chiến và lực lượng thực thi pháp luật tới vùng biển tranh chấp, với lý do hộ tống các hoạt động khai thác của Trung Quốc.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano ngày 8 tháng 8 thông báo, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ tới thăm Philippines và có cuộc hội đàm với Tổng thống Rodrigo Duterte vào cuối năm nay. Theo báo GMA News, ông Duterte đã mời nhà lãnh đạo Trung Quốc thăm Manila nhân chuyến công du Bắc Kinh của ông hồi tháng 12/2016.