Hoàng Đế Quang Trung và Chiến thắng Xuân Kỷ Dậu – Phạm Đức Duy
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó ngựa xe tan tác
Đánh cho nó mảnh giáp không còn
Đánh cho nó biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ” (1)
Đó là những lời trong chiếu dụ xuất quân của Hoàng Đế Quang Trung tại Phú Xuân (Huế) trước lúc xuất quân ra Bắc vào những ngày cuối năm Mậu Thân (1788) để đánh đuổi hơn mấy chục vạn quân Thanh xâm lược do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị, Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống, Đề đốc Quảng Tây Hứa Thế Hanh cùng thừa lệnh vua Càn Long đang chiếm đóng Thăng Long (Hà Nội) với danh nghĩa “phù Lê Chiêu Thống”.
Tục truyền ngay trong ngày lễ đăng quang tế trời đất, vua Quang Trung sai lập đàn, bày hương án, khói hương nghi ngút, mang đến một cái mâm phủ vải điều, trên để 200 đồng tiền, rồi truyền với tướng sĩ ba quân hãy cùng Ngài chứng kiến khi hất tung xuống đất nếu tất cả đồng tiền đều sấp thì đó là điềm Trời cho biết quân Đại Việt ta sẽ đại thắng, nếu chỉ cần một đồng ngửa thì đại sự có điều trắc trở. Sau đó, Đức Vua chắp tay cung kính khấn vái, rồi hất tung mâm tiền xuống sân… tất cả các đồng tiền đều nằm sấp. Tướng sĩ trên dưới mừng rỡ hò reo vang rền, đồng lòng tin tưởng vào chiến thắng quân xâm lược. Thực ra, “điềm trời” đó là “mưu kế” của vua Quang Trung đã bí mật sai đúc riêng những đồng tiền này đều có hai mặt sấp để động viên tinh thần, tạo niềm tin tất thắng cho ba quân.(2)
Cuối tháng 11 năm Mậu Thân (cuối tháng 12, 1788), Hoàng Đế Quang Trung xuất quân bắc tiến. Khoảng 4 ngày sau, đoàn quân Đại Việt đến Nghệ An và nghỉ ngơi khoảng 10 ngày để tuyển mộ thêm quân sĩ lên tới khoảng 10 vạn, Vua chia quân thành 5 đạo và đội tượng binh với 200 voi thiện chiến. Sau lễ duyệt binh phô trương thanh thế và để khích lệ ý chí quyết chiến của tướng sĩ, vua Quang Trung tiếp tục dẫn quân lên đường.
Khoảng 10 ngày sau, 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15.01.1789), đại quân của vua Quang Trung đã ra đến Tam Điệp, phía nam của Ninh Bình, gần vùng Hoa Lư, chỉ cách Thăng Long trên 100 km. Sau khi dò xét tình hình, Vua hẹn cùng ba quân ngày mồng 7 Tết sẽ quét sạch quân xâm lược và ăn Tết ở Thăng Long, rồi ra lệnh 5 đạo quân lên đường tấn công các đồn địch lân cận và thành Thăng Long. Một đạo do Đô đốc Nguyễn Tăng Long chỉ huy tập kích đồn Khương Thượng và phía tây Thăng Long. Đạo quân của Đô đốc Đặng Xuân Bảo tiến đánh các đồn phía nam thành Thăng Long. Trung quân do đích thân Hoàng Đế chỉ huy, phối hợp với Đô đốc Bảo đánh diệt các đồn phía nam Thăng Long. Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết và Đô đốc Nguyễn Văn Lộc lãnh hai đạo quân theo đường thủy hướng Bắc, chặn đường lui của quân Mãn Thanh ở phía bắc sông Hồng.(3)
Đêm trừ tịch, quân Đại Việt diệt đồn Gián Khẩu của quân Lê Chiêu Thống trên đường từ Vân Sàng -thuộc Ninh Bình bây giờ- về kinh thành. Vua Quang Trung sau đó lần lượt hạ đồn Nguyệt Quyết ở vùng Thanh Liêm Hà Nam, rồi đồn Nhật Tảo thuộc vùng Duy Tiên Hà Nam. Quân địch tại đồn Hạ Hồi, chỉ cách kinh thành Thăng Long 20 km về phía nam, bị vua Quang Trung vây chặt, ra lệnh quân lính reo hò vang trời. Quân Thanh lầm tưởng quân Đại Việt rất lớn nên mất nhuệ khí và xin đầu hàng. Vua Quang Trung chiếm được Hạ Hồi với toàn bộ lương thực, khí giới của quân Thanh vào ngày mùng 3 Tết Kỷ Dậu (28.01.1789).
Hôm sau, mùng 4 Tết (29.01), vua Quang Trung tiến đến trước trại quân lớn nhất của Mãn Thanh tại Ngọc Hồi do Hứa Thế Hanh, Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long chỉ huy, và được tăng cường lên đến trên 30 chục vạn quân tinh nhuệ, hỏa lực mạnh, ngoài lũy đất còn có hàng rào chông sắt, địa lôi. Ngọc Hồi là tiền đồn kiên cố, then chốt của giặc để phòng thủ bảo vệ kinh thành Thăng Long về phía nam.
Vua liền chia quân thành hai cánh: cánh chính do chính Ngài chỉ huy, tập trung ở cánh đồng Cung, cánh phối hợp do đô đốc Bảo chỉ huy ở Đại Áng, bố trí mai phục tại cánh đồng gần Đầm Mực (vùng Thanh Trì, Hà Nội).
Vua Quang Trung ban đầu chỉ hư trương thanh thế, dùng các đội quân nhỏ đánh khiêu khích bên ngoài đồn Ngọc Hồi uy hiếp tinh thần, gây căng thẳng và rối trí cho quân Thanh với chủ ý tạo bất ngờ cho cánh quân của đô đốc Long đánh đồn Khương Thượng. Tôn Sĩ Nghị và các tướng quân Thanh chú tâm vào diễn biến tại Ngọc Hồi mà không nhận ra nguy cơ từ cánh quân của đô đốc Long.
Trong khi đó, Đô đốc Long âm thầm đem quân tiến về phía Sơn Tây, nơi có đạo quân của Đề đốc Mãn Thanh Ô Đại Kinh, thì bất thần rẽ sang phía Nhân Chính và nửa đêm bất ngờ công kích đồn Khương Thượng của Thái thú Sầm Nghi Đống. Các đội tượng binh của Đại Việt dùng súng lớn trên lưng voi bắn vào đồn giặc. Quân Thanh bị tấn công bất ngờ trong đêm tối, chết vô số và đạp lên nhau bỏ thành trốn chạy. Sầm Nghi Đống [6] thấy không thể giữ được đồn, tự sát trên đài chỉ huy ở Loa Sơn (vùng phố chùa Bộc ở Hà Nội ngày nay)
Quân Thanh chết quá nhiều ở quanh đồn Khương Thượng, sau xác chất thành mười mấy gò cao, sử gọi là Gò Đống Đa. Trận diệt giặc đồn Khương Thượng cũng còn được gọi là chiến thắng Đống Đa.
Hạ xong đồn Khương Thượng, ngay trong đêm mùng 4 Tết, Đô đốc Long tức tốc kéo quân tấn công đồn Nam Đồng phía tây kinh thành Thăng Long. Khi Tôn Sĩ Nghị nhận được tin Khương Thượng thất thủ thì quân ta đã diệt xong đồn Nam Đồng và đang tiến vào bản doanh của Nghị ở Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị quá hoảng sợ, vội vàng bỏ mặc tướng sĩ cùng vài võ quan, chui ống đồng tháo chạy sang Gia Lâm. Quân giặc tại kinh thành hoàn toàn hỗn loạn. “Tôn Sĩ Nghị đóng trên bãi cát, được tin bại trận vội vàng cưỡi ngựa một mình chạy về bắc. Tướng sĩ thấy vậy tranh nhau qua cầu mà chạy, cầu đứt, lăn cả xuống sông, chết đến vài vạn người, làm cho nước sông không chảy được.” [4]
Biết Đô đốc Long đã tiến vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị đã trốn chạy, lúc này vua Quang Trung mới hạ lệnh công đồn Ngọc Hồi. Mờ sáng mùng 5 Tết (30.01.1789), quân Đại Việt bắt đầu tấn công từ phía nam. Mở đầu, đội tượng binh với trên 100 voi thiện chiến đánh tan hàng phòng thủ của kỵ binh giặc. Tiếp theo, 20 đội bộ binh, mỗi đội 30 cảm tử quân, quấn rơm ướt che mình, ván chắn bằng gỗ, cầm đoản đao, tiến hàng ngang áp sát chiến lũy giặc, để tạo điều kiện cho đại quân tiến lên giáp chiến. Vua Quang Trung dẫn quân tiến vào đồn hỗn chiến. Quân Thanh chống không nổi, chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi do chính chúng đặt từ trước nên chết và bị thương quá nửa. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy [5]. Đề đốc Hứa Thế Hanh [6], Tả dực Thượng Duy Thăng [6], và Tổng binh Trương Triều Long [6] đều bị giết.
Tàn quân Thanh từ đồn Ngọc Hồi trốn chạy đều gặp quân ta phục dọc đường, và đánh tới từ Đại Áng, rồi tiêu diệt toàn bộ ở đầm Mực. Đạo quân giặc của Đề đốc Ô Đại Kinh đóng tại Sơn Tây, nghe tin chiến trận, chưa giao chiến trận nào, đã mất hồn, gấp rút lui quân.
Phần Tôn Sĩ Nghị [6] cùng Lê Chiêu Thống trên đường đào tẩu cũng bị hai đạo quân của Đô đốc Tuyết và Đô đốc Lộc chặn đánh tơi tả nhiều lần, bỏ lại cả ấn tướng, kỳ bài, sắc thư, đói khát 7 ngày đêm, trước khi thoát khỏi biên giới với vỏn vẹn khoảng 50 quân sĩ. Quân Đại Việt đuổi theo và rao rằng sẽ đuổi qua biên giới đến khi bắt được Tôn Sĩ Nghị và Chiêu Thống mới thôi. Dân chúng nhà Mãn Thanh ở biên giới nghe vậy dắt nhau chạy, suốt vài chục dặm không một bóng người.
Chiều ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30.01.1789), đô đốc Long ra đón, Hoàng đế Quang Trung -áo bào sạm màu khói súng- tiến vào kinh thành Thăng Long cùng đô đốc Bảo và đại quân trong sự chào đón mừng vui vô hạn của thần dân.
Nhà thơ Ngô Ngọc Du thời đó đã mô tả không khí ở kinh thành Thăng Long bấy giờ:
“… Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai thích cánh cùng nhau nói:
Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta” [7]
Từ lúc hạ đồn đầu tiên ở Giản Khẩu vào đêm Trừ tịch đến khi ca khúc khải hoàn tại Thăng Long hôm mùng 5 Tết chỉ trọn 6 ngày! Chiến thắng Xuân Kỷ Dậu 1789 với những trận đánh thần tốc, Hoàng Đế Quang Trung đã phá tan giấc mộng thôn tính Đại Việt của quân xâm lược nhà Thanh từ phương bắc, duy trì sự sinh tồn của dân tộc và nền tự chủ của nước nhà, mở ra một triều đại Tây Sơn hưng thịnh.
Ngày nay, ĐCSVN còn tệ hơn một “Lê Chiêu Thống”, đã, đang, và sẽ tiếp tục cam tâm là một nô bọc cho Trung Nam Hải để độc quyền cai trị đất nước. Chính trường nội bộ Đảng chia rẽ quyền lực, lợi ích trầm trọng hơn thời Hậu Lê với Trịnh – Nguyễn phân tranh. Nền tự chủ và sự sinh tồn của Việt Nam đang bị đe dọa.
Năm 2015, đón Xuân Ất Mùi, cầu mong các lực lượng đấu tranh dân chủ, xã hội dân sự trong nước, những tổ chức, cộng đồng người Việt tại hải ngoại, con dân giòng giống Đại Việt khắp nơi, noi gương bậc tiền nhân Anh Hùng Áo Vải Tây Sơn, tạo được sức mạnh tranh đấu cho cá nhân, đoàn thể mình, biến cải để thích ứng và gây dựng được ưu thế trong công cuộc đấu tranh, và biết cách đoàn kết để tạo nên sức mạnh chung của dân tộc ngõ hầu xây dựng một chế độ dân chủ pháp trị, đem lại tự do bình đẳng cho dân chúng và đưa đất nước thoát khỏi họa Hán hóa. Hãy cùng nhau vận dụng chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn!
Cung Chúc Tân Xuân!
Phạm Đức Duy
Cuối tháng 1, 2015
Ghi chú:
[1]: Nguyên văn:
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản (một cái bánh xe cũng không thể trở về)
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn (một mảnh giáp cũng không toàn vẹn)
Đánh cho sử trí Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”
[2]: Theo “Kỳ mưu của Quang Trung” http://www.baobinhdinh.com.vn/datnuoc-connguoi/2006/7/29625/
[3]: Tây Sơn Thất Hổ tướng là danh hiệu của bảy tướng lĩnh, thủ lĩnh quân sự của nhà Tây Sơn ở thời kỳ đầu, gồm có Võ Văn Dũng, Võ Ðình Tú, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu và Nguyễn Văn Lộc.
[4]: Theo Đại Nam chính biên liệt truyện.
An Nam Nhất Thống Chí (Hoàng Lê nhất thống chí) viết: “Nghị lên ngựa không kịp đóng yên, quân sĩ các doanh nghe tin đều hoảng hốt tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô nhau rơi xuống nước mà chết… Lát sau cầu lại đứt, quân lính bị rơi xuống nước, sông Nhị Hà bị tắc không chảy được…”.
Thánh vũ ký của Ngụy Nguyên nhà Thanh cũng viết: “Sĩ Nghị chạy trốn qua được bờ bắc sông Phú Lương (Tức sông Hồng) liền cắt đứt cầu phao khiến các đạo quân của Hứa Thế Hanh và Trương Triều Long bị bỏ lại ở bờ nam. Do đó hơn một vạn người vừa tướng vừa quân xô nhau nhảy xuống sông để bơi sang bờ bắc và đều bị chết đuối cả”
[5]: Theo Đại Nam chính biên liệt truyện
[6]: Đoàn quân xâm lược của Tôn Sĩ Nghị gồm các danh thần, công tướng của Mãn Thanh đều đại bại dưới tài điều binh khiển tướng của Hoàng đế Quang Trung. Trích theo wikipedia:
Tôn Sĩ Nghị (1720-1796), tự Trí Dã, tự khác là Bổ Sơn, người tỉnh Chiết Giang, là một đại thần của Mãn Thanh. Nguyên là quan văn, đỗ tiến sĩ đời Càn Long. Trải qua các chức vụ như nội các trung thư, thị độc, biên tu, thái thường thiếu khanh. Sau đó tới Sơn Đông làm bố chính sứ rồi đổi sang làm tuần phủ Quảng Tây. Hai lần làm tổng đốc Lưỡng Quảng. Năm 1787, chỉ huy việc phòng ngự tại Triều Châu đề phòng quân khởi nghĩa của Lâm Sảng Văn tại Đài Loan tiến vào Quảng Đông. Chiến dịch đem quân sang Đại Việt của Tôn Sĩ Nghị là một trong mười chiến dịch hành quân lớn (thập toàn võ công) trong đời hoàng đế Càn Long, được ghi lại trong Thập toàn ký (1792) của vị hoàng đế này. Cũng vì thế mà Càn Long tự xưng là Thập toàn lão nhân. Mặc dù thất bại dưới tay quân Tây Sơn, nhưng sau đó Nghị vẫn được phong là nhất đẳng mưu dũng công, là quân cơ đại thần và đảm nhận chức vụ Binh bộ thượng thư. Năm 1791, đổi sang làm tổng đốc Tứ Xuyên, cung ứng quân nhu cho đội quân của Phúc Khang An trong chiến dịch trừng phạt quân đội của người Gurkha tại khu vực ngày nay là Gorkha thuộc Nepal (sử sách Trung Hoa gọi là Khuếch Nhĩ Khách chi loạn). Thời gian sau đó còn dẫn quân trấn áp việc khởi nghĩa của người Miêu và Bạch Liên giáo. Năm Gia Khánh thứ nhất (1796) chết tại trung quân.
Sầm Nghi Đống, người ở Điền châu, là một tướng giỏi của Mãn Thanh. Trước khi sang Việt Nam, làm thái thú Điền Châu ở Vân Nam, hàm ngũ phẩm. Mùa Đông năm 1788, Sầm Nghi Đống dẫn quân Điền Châu của mình tạo thành một mũi quân qua ngã Cao Bằng tiến vào Việt Nam. Vua Quang Trung sau này đã cho mang xác Sầm Nghi Đống trả cho nhà Thanh chôn cất và còn cho phép xây đền thờ ở khu vực phố Đào Duy Từ.
Hứa Thế Hanh là người dân tộc Hồi ở Tân Đô (Thành Đô, Tứ Xuyên), từng thi đỗ cử nhân võ, và giành nhiều công trạng với nhà Thanh trong chiến đấu ở Tây Tạng và Đài Loan. Năm 1776, được triều đình phong làm tổng binh trấn Đằng Việt, tỉnh Vân Nam. Năm 1784, làm tổng binh trấn Uy Ninh, tỉnh Quý Châu. Trong chiến tranh tại Đài Loan năm 1787, có công đánh và bắt được thủ lĩnh lực lượng nổi dậy tại đây là Lâm Sảng Văn, bắt và giết một số chỉ huy khác của quân nổi dậy. Được phong danh hiệu Kiên Dũng Ba Đồ Lỗ, được vẽ tranh treo tại Tử Quang Các. Năm 1788, được phong làm Đề đốc Chiết Giang rồi Đề đốc Quảng Tây. Sau khi tử trận tại Ngọc Hồi, vua Càn Long nhà Thanh truy phong tam đẳng Tráng Liệt Bá, đưa vào thờ trong Chiêu Trung Từ.
Thượng Duy Thăng, người Tương Lam kỳ Hán quân, nguyên quán Hồng Động, Sơn Tây, là tướng nhà Thanh. Thăng là cháu 4 đời của Bình Nam vương Thượng Khả Hỷ, từ Quan học sanh được thụ Loan nghi vệ Chỉnh nghi úy, trải qua 5 lần thăng tiến, làm đến Quảng Tây Hữu Giang trấn Tổng binh.
Trương Triều Long là người Đại Đồng, Sơn Tây, xuất thân là một kỵ binh trong quân đội Mãn Thanh. Từng chinh chiến tại Miến Điện, Tây Tạng và Đài Loan, anh dũng chiến đấu, lập nhiều công trạng, và từng ba lần bị thương tại các chiến trường nói trên. Long là công thần thứ 31 trong các tướng nhà Thanh lập công tại Đài Loan và được vẽ tranh treo tại Tử Quang Các. Nhờ công trạng tại Đài Loan, được nhà Thanh phong làm Tổng binh tại trấn Nam Áo (Phúc Kiến).
[7]: Nguyên văn toàn bài:
“Giặc đâu tàn bạo sang điên cuồng
Quân vua một giận oai bốn phương
Thần tốc ruỗi dài xông thẳng tới,
Như trên trời xuống dám ai đương
Một trận rồng lửa giặc tan tành,
Bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh
Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến,
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh
Mây tạnh mù tan trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:
“Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta”
*Những chi tiết lịch sử của các trận đánh được tổng hợp theo các nguồn trên internet.