Hoàng Đế Đỏ và Cách Mạng Xanh – Lê Văn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hoàng Đế Đỏ và Cách Mạng Xanh –  Lê Văn

Dạo gần đây thế giới bắt đầu chú ý nhiều hơn vào các chuyển động trong nội bộ Ðảng Cộng Sản Trung Quốc (ÐCSTQ) sau cuộc họp của Ban Chấp Hành Trung Ương vừa xong vào ngày 18 tháng 10 và sự tiến cử ông Tập Cận Bình vào chức Phó Chủ tịch Quân Ủy TƯ như là sự chuẩn bị cho ông nầy lên nắm chức của Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào sau Ðại hội ÐCSTQ dự trù tổ chức vào mùa thu năm 2012.

Dường như có sự ăn khớp với các động thái khá bất thường trước đó.

* Ngay trước khi Hội nghị Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ họp vào ngày 15 tháng 10 chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 18 vào năm 2012, thì ngày 11 tháng 10-2010, một bức thư ngỏ gồm 8 điểm của 23 nhân vật từng có vị trí cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc như Ông Lý Thụy – Li Rui – từng là thư ký cho Mao Trạch Đông được gửi đến Ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đòi hỏi thực hiện các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí.

* Thủ tướng Ôn Gia Bảo, từng là Phụ tá cho cựu Tổng Bí Thơ ĐCSTQ Triệu Tử Dương bị thanh trừng vì ủng hộ phong trào sinh viên Thiên An Môn, họ Ôn đã sát cánh bên họ Triệu đến gặp sinh viên Bắc Kinh đòi Dân Chủ đang biểu tình tại  đó và mới đây trong cuộc phỏng vấn được đài truyền hình CNN trình chiếu hôm chủ nhật mồng 3 tháng 10 vừa qua, ông Ôn Gia Bảo tuyên bố rằng “Tôi tin rằng, tự do ngôn luận là không thể thiếu với bất kỳ nước nào”,“nguyện vọng và đòi hỏi của dân chúng về dân chủ, tự do là một sức mạnh không thể kháng cự.” Ông cũng nói với phái viên Fareed Zakaria của CNN rằng “Đảng Cộng Sản Trung Quốc cần phải hành động theo đúng hiến pháp và pháp luật, chứ không thể đứng trên hiến pháp và pháp luật như trong thời kỳ còn là một đảng cách mạng đang đấu tranh để giành chính quyền”. (1)

* Ông Lưu Á Châu – Liu Yazhou – là Trung tướng không quân kiêm Chính Ủy của Học Viện Quốc phòng Trung quốc, con rể của Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm – Li Xiannian, ông Tướng nầy công khai bênh vực cuộc nổi dậy của sinh viên đòi Dân Chủ ở Quảng trường Thiên An Môn hồi mùa hè 1989 như vậy mặc nhiên họ Lưu là đồng minh với Ôn Gia Bảo và đồng thời tướng Lưu Á Châu củng khẳng định rằng “Liên Xô sụp đổ là vì cải cách chính trị tiến hành quá muộn, chứ không phải vì cải cách chính trị quá mức”. Tướng Lưu kết luận: «… Trong 10 năm tới, ở Trung quốc, một sự chuyển đổi từ chính trị của vũ lực, chính trị của cường quyền sang dân chủ là điều không thể tránh khỏi».

* Còn ông Tập Cận Bình thì chưa có tin tức rõ ràng về ông nầy, nhưng các dữ kiện sau đây đã được ghi nhận

Về đại thể, mọi người chỉ biết ông Tập Cận Bình thuộc nhóm “Thái tử đảng”, thuộc loại con dòng cháu giống Cộng Sản, cha là Tập Trọng Huân, là một trong những người đầu tiên thành lập Hồng quân Trung Quốc và cũng là một trong số ít những người sống sót sau cuộc Vạn lý Trường Chinh cùng Mao Trạch Đông, bị Mao thanh trừng vào năm 1950 sau đó trở thành người tiên phong cùng với ông Đặng Tiểu Bình tiến hành thực hiện kế hoạch cải cách cho Trung Hoa hồi thập niên 1980. Tập Trọng Huân là cựu Ủy viên Quốc vụ viện, quê Thiểm Tây, từng làm bí thư Quảng Đông cũng từng là bạn chí cốt của ông Đặng Tiểu Bình và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đặc khu kinh tế Thẩm Quyến khi cố lãnh tụ Đặng mở hướng phát triển ra vùng duyên hải Trung Quốc.

Là gương mặt mới thuộc thế hệ lảnh đạo thứ năm tại Trung Quốc, con đường thăng tiến của ông Tập Cận Bình phần lớn nhờ ở liên hệ gia đình, tuy ông đã trãi qua một thời gian cay đắng dưới cuộc cách mạng văn hóa do Giang Thanh phát động hồi thập niên 1960, nhưng được biết ông không có bằng cấp cao vì học chưa xong Trung học mà vẫn vào được Đại Học Thanh Hoa.(5) The media campaign pinpoints Xís lack of academic credentials – he entered university without having finished high school – and his background as a privileged “princeling” as the offspring of a high-ranking party cadre.(5) Vợ ông là Bà Peng Liyuan (tạm dịch Bành Lệ Viện) là một ca sĩ đẹp hát hay nổi tiếng và hiện mang cấp bực Trung tướng phụ trách ngành ca vũ nhạc thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Trung Quốc.

Mới đây vài bí mật được tiết lộ là vợ Ông Tập hiện còn người Anh ruột và thân nhân đang sống tại làng Chiayi, thuộc tây nam Đài Loan, bà đã từng về thăm quê trong chuyến công tác 8 ngày nhằm trao đổi văn hóa giữa Đại Lục và Đài Loan hồi năm 1997. Sau chuyến đi đó không bao lâu ông Tập được thăng lên chức Tỉnh trưởng Phúc Kiến – Fujian lúc 47 tuổi

Được biết con đường “quan lộ” như diều gặp gió của ông phần lớn bắt nguồn từ các mối giao hảo với giới thương buôn Đài Loan vì Tỉnh Phúc Kiến nằm đối diện qua eo biển và cũng là nơi chôn nhao cắt rốn của nhiều gia đình Đài Loan.Thời kỳ ở Phúc Kiến từ năm 2000, ông đã thực thi nhiều biện pháp chiêu dụ Tư Bản Đài Loan vào đầu tư tại Phúc Kiến, theo đuổi chính sách phát triển kinh tế thị trường và đẩy kinh tế tỉnh nầy phát triển vượt bực. Năm 49 tuổi ông lên nắm chức vụ Bí thư tỉnh Chiết Giang – Zhejiang, 54 tuổi làm Bí thư Thượng Hải – Shanghai – và hiện là Phó Chủ tịch nước kiêm Trưởng Tiểu ban phụ trách công tác Hongkong – Macau.

Một tiết lộ khác làm cho nhiều giới quan sát khắp nơi cho rằng mối quan hệ hầu như rất khăng khít sắp tới giữa ông Chủ tịch nước Trung Hoa tương lai với đảo quốc phản loạn Đài Loan không những chỉ thể hiện qua mối liên hệ gia đình của vợ ông cùng các mối liên hệ kín đáo với ông Anh vợ đang ở Đài Loan mà còn một liên hệ khác nữa rất đặc biệt coi như “Chú – Cháu” được xem như “không thích hợp” giữa vị Dân cử “dấu tên” thuộc Quốc Dân Đảng – Đài Loan với ông Chủ tịch nước Trung Hoa tương lai vì vị nầy là bạn thân của cha ông Tập Cận Bình và đã biết rõ ông Tập con từ lúc bé thơ.

Việc ông được bổ nhiệm vào chức Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương cho thấy ông nầy có được lực đẩy của cánh Quân đội Nhân dân Trung Quốc. Không giống như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu CT Giang Trạch Dân là các nhân vật không nằm trong quân đội trước khi nắm chức Chủ Tịch Quân Ủy TƯ vào năm 1999 và 1990, họ Tập đã từng làm việc 3 năm tại Văn Phòng QUTƯ (2) và có quan hệ mật thiết với đa số tướng lảnh trong Quân đội. Được biết hiện nay ông Tập là nhân vật đầu não của Nhóm Thái tử đảng tức là con cái của các cựu lảnh tụ CS cao cấp trước đây, tổ chức Quân Ủy TƯ chính là thành lũy của nhóm nầy. Trong thập niên qua rất nhiều thành viên của nhóm đã được thăng lên cấp Đại tá hoặc cao hơn

Uy thế đang lên của họ Tập gần như báo hiệu cho giai đoạn cuối của kỷ nguyên Đặng Tiểu Bình (2) bắt đầu hồi thập niên 1980, ông Đặng cho giãi ngũ hàng loạt binh sĩ, cắt xén chi tiêu quốc phòng, giảm bớt ảnh hưởng của quân đội trên đời sống quốc gia nhưng nó cũng báo hiệu từ nay cánh Quân đội Nhân Dân TQ sẽ đóng vai trò nhiều hơn trong các quyết định về Chính sách trên toàn quốc và đặc biệt hơn là trong lảnh vực Ngoại Giao và An ninh cho các láng giềng của Trung Quốc ở Á châu Thái Bình Dương.

Một thực tế trớ trêu khác cho thấy “nhóm Thái tử đảng” lại thuộc về nhóm dính líu đến tham nhũng nhứt, theo các số liệu chưa chính thức cho biết có đến hơn 90 phần trăm trong số 3.220 người giàu nhứt tại TQ với tài sản trên 100 triệu Quan hoặc 15 triệu đô Mỹ là nằm trong nhóm nầy.(3)

Theo lời Tiến sĩ Hoàng Tiểu Lư (Dr. Wang Xiaolu) thuộc Viện Kinh tế Quốc Gia Bắc Kinh, tham nhũng đã đục khoét làm thất thoát hơn 9.26 ngàn tỉ Quan tức là 1 ngàn 390 tỉ đô Mỹ, chiếm 30 phần trăm tổng sản lượng kinh tế, chứng bịnh nầy đã quá phổ biến và thịnh hành cho nên dù có thay đổi vài khuôn mặt lớn cũng không thể nào chữa trị nổi. (3)

Từ lâu nay ông Hồ Cẩm Đào buộc các cán bộ cao cấp và gia đình phải kê khai tài sản nhưng không có kết quả. Sự lên lon của họ Tập càng chứng tỏ ông Hồ đã thua “nhóm Thái tử đảng” (2)

Kết quả của hội nghị TƯ và sự thăng chức cho họ Tập cũng thể hiện sự thất bại cho Thủ tướng Ôn Gia Bảo khi ông mạnh mẽ khẳng định sự cần thiết phải cải cách chánh trị để giữ được các thành tựu kinh tế. Các nhà đối lập cùng nhóm Hiến chương 08 cũng ủng hộ đề nghị cải cách chánh trị của ông để giúp tiêu diệt nạn tham nhũng, nhưng chỉ thấy trên tờ Nhân Dân 20 tháng 10 đăng lại một cách buồn tẽ bài xã luận với cách định nghĩa về cải cách chánh trị sắp tới như sau.(3)

“Phải kiên định rằng, Trung Quốc sẽ phát triển nền Dân Chủ XHCN với đặc tính Trung Hoa. Phải gạch rõ lằn ranh giữa Dân Chủ Tây phương và Dân Chủ XHCN đặc tính Trung Hoa và Trung Quốc phải theo con đường phát triển chính trị của mình. Sự phân biệt chính xác điều đó rất quan trọng cho đảng viên và quần chúng trong việc chống lại các âm mưu phá hoại nhằm Tây phương hóa và chia rẽ chúng ta” China must develop “socialist democracy with Chinese characteristics”. It stressed that a distinction must be drawn between socialist democracy with Chinese characteristics and Western capitalist democracy, and said that China must go along its own road of political development. Distinguishing one from the other was important so that “our cadres and masses can conscientiously resist against hostile elements’ plot to Westernize or divide” China (4)

Tin loan truyền rằng ông Hồ Cẩm Đào muốn người kế vị mình là ông Lý Khắc Cường, một đàn em thân tín vừa là thành viên sáng giá của Đoàn Thanh Niên CSTQ, người sẽ dự trù thay thế Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào năm 2012, chứ không phải là Tập Cận Bình cho nên ông Hồ sẽ cố bám giữ chức chủ tịch Quân Ủy TƯ cho tới khi nào có đủ số đàn em trong Bộ chính trị để đương đầu với “nhóm Thái tử đảng”. Nhưng Quân Ủy TƯ gồm 12 thành viên trong đó 10 là các tướng lảnh cho nên muốn giữ được chức vụ nầy họ Hồ phải có sự ủng hộ của đa số. Hiện nay đang có tin đồn rằng ông Tập Cận Bình đã bí mật lên kế hoạch với các “Thái tử đảng” khác trong Quân đội Nhân dân nhằm hất Hồ Cẩm Đào ra khỏi Quân Ủy vào năm 2012. (2).

Ngược lại Ông Tập Cận Bình cũng đang bị tấn công … “Hình ảnh Bà Tập bắt đầu bị bêu rếu, ví von qua chuyện vì Bà là người của ánh đèn sân khấu, thích nổi bật và nhiều tham vọng cho nên báo chí đang loan truyền rằng sau khi ông Tập được tấn phong, Bà Bành Lệ Viện sẽ trở thành một thứ “Giang Thanh mới” hiện đại hơn cả “Giang Thanh – Mao Trạch Đông” hống hách, đáng ghét của cuộc Cách mạng Văn Hóa đã làm đảo loạn cung đình xã hội, kinh tế và chánh trị Trung Hoa từ 1966 đến 1976″.(5) “Xi’s wife Peng has also been pilloried. Citing her love of the limelight, media reports suggest that after Xi’s inauguration she will be a modern version of the hated Jiang Qing, Mao Zedong’s domineering wife who became mastermind of the Cultural Revolution, the 1966 to 1976 social, political and economic upheaval”. (5)

Chứng cớ lâu đời trong sân khấu chánh trị phe nhóm của ĐCS Trung Hoa báo hiệu rằng hiệp 1 để tranh giành ngôi vị ông Hồ vừa xong là sự mở màn cho hiệp thứ 2 với nhiều thủ đoạn triệt hạ nhau một cách rất thâm xâu ác hiểm.

Một số nhà phân tích khác cho rằng phát biểu của Tướng Lưu Á Châu, con rể của cố Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm, cho thấy những người thuộc thành phần được gọi là “Thái tử đảng” và những thành phần trẻ trong đảng Cộng Sản Trung Quốc đang tìm cách để giành quyền nói lên quan điểm của mình về các vấn đề chính trị. Họ cũng hy vọng là việc đưa ra những quan điểm tự do sẽ giúp họ tranh thủ sự ủng hộ trong lúc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các nhà lãnh đạo cao cấp khác chuẩn bị về hưu trong hai năm nữa. Tường thuật hôm 12 tháng 8 của tờ Asia Times trích lời một nhà phân tích ở Trung Quốc nói rằng những người thuộc phe “Thái tử đảng” đang lo ngại là Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ đánh mất tính chất chính đáng (do ông cha họ để lại) để cai trị nếu không nhanh chóng cải cách thể chế chính trị và họ cũng hy vọng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi hàng ngũ lãnh đạo sẽ có thay đổi lớn vào năm 2012 tại Đại hội Đảng lần thứ 18.

Giới quan sát Trung Quốc vẫn còn ấn tượng mạnh về các đề nghị cải cách chánh trị do ông Tào Tương Nguyên, Giáo sư Đại Học Bắc Kinh đưa ra không lâu, ông cho rằng Trung Quốc sẽ không sao chép Tây Phương trong việc cải cách chánh trị, nhưng ông cho rằng các cải cách được chánh quyền thực hiện trong những năm vừa qua, chỉ là một sự tinh giản guồng máy hành chánh, và là một phần rất nhỏ trong kế hoạch cải cách chánh trị mà ĐCSTQ đang thực hiện.

Ông kêu gọi giới hữu trách cần tiến hành một cuộc cải cách táo bạo hơn nữa mà mục tiêu quan trọng là để mưu tìm một sự phân phối quyền lực và nhấn mạnh đến một cơ chế phân quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa 3 Quyền: Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp.

Theo GS Tào, kế hoạch cải cách chánh trị nầy được chia ra làm 3 giai đoạn:

1/- Giai đoạn thứ nhứt: Chuyển đổi Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân (ĐHĐBND) còn được gọi là Nhân Đại thành một hình thức mới giống như là Hạ Viện ở các nước Tây Phương, theo đó các Dân Biểu của Hạ Viện mới nầy sẽ do dân bầu lên trực tiếp.

2/- Giai đoạn thứ hai: Cơ quan Hội Nghị Hiệp Thương Chính Trị (HNHTCT) hay Hiệp Chính – một tổ chức giống như Mặt Trận Tổ Quốc của CSVN – sẽ được chuyển thành một hình thức mới giống như là Thượng Viện của các nước Tây Phương và các vị đại biểu của cơ quan Thượng Viện mới nầy sẽ được bầu lên từ các khu vực khác nhau ở trong nước.

3/- Giai đoạn thứ ba: Sau khi Quốc Hội mới được thành lập, mọi Dự Thảo Luật sẽ phải được hai Viện là Hạ Viện và Thượng Viện thông qua.

GS Tào cho rằng các giai đoạn cải cách chánh trị được đề nghị trên sẽ không gặp các trở ngại lớn vì ông cho rằng hai Cơ Quan Nhân Đại và Hiệp Chính hiện tại không có thực quyền gì cả. Sau khi Quốc Hội mới là Hạ Viện và Thượng Viện được thành lập, ông đề nghị nên Tu Chính Hiến Pháp hiện tại để thành lập một “Cơ Chế Tam Quyền Phân Lập” để vừa Kiểm Soát vừa Kềm Chế lẫn nhau. Ông Tào Tương Nguyên cũng cho rằng tiến trình để thành lập Quốc Hội sẽ là một công tác khó khăn và ông kêu gọi đã đến lúc cần phải thảo luận nghiêm túc về vấn đề cải cách chánh trị.

GS Tào Tương Nguyên cho rằng ĐCSTQ có thể đổi tên thành Đảng Xã Hội Trung Hoa để nhằm cổ xúy cho một chế độ đa đảng tại Trung Hoa để người dân có thể chọn lựa tham gia vào Đảng nào mà họ thích, ông cũng đề nghị Đại Hội ĐCSTQ sắp tới cần tu sửa Cương Lỉnh Đảng để có thể tiến hành chương trình cải cách chánh trị như thâu lệ phí từ các Đảng viên chứ không phải lấy từ Ngân Quỹ Nhà Nước để trang trải cho công việc điều hành của ĐCS, vì với số lượng khoảng 70 triệu đảng viên hiện tại ĐCSTQ không còn phản ảnh quyền lợi của hơn 1.3 tỉ dân Trung Quốc.

Cho đến khi nào chưa có chỉ dấu cải cách thực sự như ông Tào Tương Nguyên nhấn mạnh thì mọi việc hầu như vẫn như cũ hay chuyện đổi ngựa Hồ qua Tập mã chẳng qua là để bảo vệ thành quả của “Nhóm Thái tử Đảng” hay “Nhóm Thượng Lưu mới” trước nguy cơ mà Tướng Lưu Á Châu cảnh báo về chuyện cải cách “quá chậm quá trễ”.

Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc cải cách chỉ để làm cảnh mà không đáp ứng được các đòi hỏi của xã hội và nhu cầu phát triển kinh tế hoặc các cải cách thực sự và cần thiết gặp sự chống đối hay bị khựng lại.

Đời sống kinh tế xã hội như cổ xe luôn lừng lững đi tới, dù muốn hay không các đòi hỏi thay đổi của nó là tất yếu, không thễ cưỡng lại được. Trung Quốc không cần phải bắt chước cải cách chánh trị theo kiểu Tây phương mà chỉ cần đặt câu hỏi là … Hệ thống chánh trị nào đang tạo nên những dự án đầu tư thành công tại Trung Quốc … từ Ba Lê, Bá Linh, Đông Kinh, Hán Thành hoặc Hoa Thịnh Đốn, nhưng không có gì khó cảm nhận được bằng những thực tiễn đã thu thập từ các thành công của anh em cùng huyết thống bên kia bờ Phúc Kiến.

 Lê Văn

Tham khảo:
(1) Trung Quốc xôn xao về ‘Hiện Tượng Ôn Gia Bảo’. VOA Tiếng Việt Washington, DC Thứ Sáu, 08 tháng 10,2010.

(2) Rise of Xi Jinping bodes well for the PLA and the ‘Gang of Princelings’ : INSIDE CHINA East-Asia-Intel.com, October 20, 2010  http://www.east-asia-intel.com/eai/2010/10_20/3.asp

(3) Communist Party absolves itself, appoints Xi Jinping
http://www.asianews.it/news-en/Communist-Party-absolves-itself,-appoints-Xi-Jinping-19763.html

(4) Xi’s rise shows democracy off the menu:
http://www.atimes.com/atimes/China/LJ27Ad01.html

(5)  China’s heir apparent tied to Taiwan By Jens Kastner Oct 28, 2010
http://www.atimes.com/atimes/China/LJ28Ad01.html