Hoa Kỳ ngầm ủng hộ Nhật Bản đối đầu với Trung Quốc

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hoa Kỳ ngầm ủng hộ Nhật Bản đối đầu với Trung Quốc

Một cảnh tập trận hỗn hợp Mỹ Nhật tháng 2/2013. REUTERS/Kyodo/File

Thứ sáu 14 Tháng Hai 201

Song song với hiệp ước an ninh quốc phòng song phương, Washington ngầm khuyến khích Tokyo sử dụng thế võ « ju jitsu nhu thuật ». Mục tiêu là điều chỉnh chiến lược quân sự sao cho phù hợp với hiến pháp chủ hòa nhưng vẫn có thể xây dựng liên minh với các nước khác trong khu vực có cùng lo âu trước tham vọng bá quyền của Bắc Kinh. Một công, đôi ba việc. Hôm nay 14/02/2014, sau khi tiếp xúc với giới lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến công du được xem là để «rà mìn» trên vùng biển Hoa Đông và biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã «khen ngợi» các cuộc thảo luận, mà ông gọi là «xây dựng» với chủ tịch Tập Cận Bình về hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Ngược lại, theo nhận định của AFP, Ngoại trưởng Mỹ không nói gì về mối quan hệ xung khắc giữa Trung Quốc và Nhật Bản, điểm nóng đe dọa an ninh khu vực và an toàn giao thông hàng không và hàng hải cho cả Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh căng thẳng tại Đông Á và Đông Nam Á thì Hoa Kỳ gắn kết với Nhật Bản và Philippines, hai nước đang bị Trung Quốc uy hiếp, bằng hai hiệp ước quân sự hỗ tương.

Theo giới phân tích, từ khi Shinzo Abe trở lại chính quyền tại Nhật Bản vào cuối năm 2012, tại Hoa Kỳ, từ hành pháp cho đến chuyên gia quân sự đều ngầm để cho Tokyo tiến hành sách lược gọi là «chiến lược phòng thủ tập thể».

Trong điều kiện bị trói tay vì bản Hiến pháp chủ hòa, thủ tướng «diều hâu» và các nhà chiến lược quần đảo Phù Tang cố gắng luồn lách để có thể xuất quân trong trường hợp cần thiết, chỉ cần một thủ thuật nào đó mà không cần phải tu chính hiến pháp. Kế hoạch này được Hoa Kỳ hậu thuẫn vì tính chất nhất cử lưỡng tiện.

Trả lời phỏng vấn của nhật báo cánh tả Asahi ngày 23/01/2014, tân đại sứ Mỹ Caroline Kennedy, con gái của cố tổng thống John F Kennedy, tuyên bố : «Nhật Bản sẽ là một đồng minh hiệu quả hơn nếu lực lượng Tự vệ đội (quân đội Nhật) có đủ phương tiện góp phần bảo vệ binh sĩ hoặc thủy thủ Hoa Kỳ nếu họ bị tấn công».

Hai tuần sau, thủ tướng Shinzo Abe cũng tuyên bố: Nếu nước Nhật tiếp tục bị ngăn cấm quyền tự vệ tập thể chính đáng thì sẽ tác hại cho liên minh Mỹ-Nhật.

Thủ tướng Nhật đưa ra trường hợp chiến hạm Mỹ nếu bị Trung Quốc tấn công mà hải quân Nhật khoanh tay đứng nhìn thì hệ quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Theo nhận định của nhà phân tích ngoại giao Mỹ Peter Lee, thì với chiến lược «phòng vệ tập thể», quân đội Nhật từ vai trò yểm trợ hậu cần trong khuôn khổ hành quân hỗn hợp với Mỹ sẽ được quyền nổ súng để tự vệ và để bảo vệ chiến hạm Mỹ khi bị Trung Quốc tấn công. Thứ hai là phản công phủ đầu đối phương dưới danh nghĩa «phòng thủ tập thể».

Trong chiều hướng này, Hoa Kỳ giải quyết được một công hai việc: Nhật tăng cường sức mạnh quân sự nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ hiến pháp hiếu hòa.

Nhưng các nhà binh bị Nhật Bản không dừng ở đó. Sự kiện Trung Quốc công khai tỏ rõ tham vọng chủ quyền tại Senkaku/Điếu Ngư, thành lập vùng phòng không trên biển Hoa Đông, đe dọa ban hành biện pháp tương tợ tại biển Đông Nam Á cũng như đã tuyên bố chủ quyền trên 80% biển Đông Nam Á với «lưỡi bò 9 đoạn», điều đó đã tạo cho Tokyo một cơ hội bằng vàng để mở rộng chiến lược «phòng thủ tập thể» vượt ra khỏi liên minh Mỹ-Nhật.

Ông Yousuke Isozaki, cố vấn an ninh chính phủ phân tích là Nhật Bản cần phải được tự do hành động, nếu không, sẽ không thể hiệu quả trong việc bảo vệ đồng minh và bảo vệ nhau.

Nói cách khác, thế võ nhu thuật «tự vệ tập thể» này đang được Mỹ và Nhật Bản tiến hành để có thể áp dụng với các đồng minh tương lai cùng bị Trung Quốc đe dọa trong đó có Ấn Độ, Philippines và Việt Nam.