Hoa Kỳ đang tìm cách đi đến chiến tranh với Trung cộng ở biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hoa Kỳ đang tìm cách đi đến chiến tranh với Trung cộng ở biển Đông

Lời người lược dịch: Xin trình bày bài lược dịch này để mọi người có thể hiểu rõ hơn về cách nhìn của giới chiến lược gia Hoa Kỳ là chiến tranh Mỹ- Trung có xảy ra hay không. Thông qua bài viết này, chúng ta có thể bắt đầu thấy vấn đề cân bằng mậu dịch không hề ảnh hưởng đến quyết tâm đối đầu quân sự của Hoa Kỳ trước Trung cộng tại biển Đông. Liên minh quân sự hùng mạnh đã hình thành và một liên minh quân sự tốn công gầy dựng không thể bị thắng giật ngược lại vì vấn đề cân bằng mậu dịch nhỏ nhoi trước mắt.

“Thay đổi tên gọi bộ tư lệnh lực lượng châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ không phải chỉ là một hành động mang tính hình thức- mà đây chính là hành động mang tính đe dọa.” – giáo sư Michael T. Klare

Vào ngày 30 tháng Năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng (QP), tướng James Mattis đã công bố một sự thay đổi bất ngờ trong chính sách chiến lược toàn cầu của Mỹ. Từ giờ trở đi, theo lệnh của ông, Bộ Tư lệnh quân sự Châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (PACOM), giám sát tất cả các lực lượng quân sự Hoa Kỳ ở Châu Á, sẽ được gọi là Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (INDOPACOM). Sự thay đổi tên này, theo lời tướng Mattis giải thích là cần thiết vì tầm quan trọng của sự kết nối ngày càng tăng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, sự thay đổi tên này sẽ khẳng định quyết tâm của Hoa Thịnh Đốn trong việc duy trì vị thế lãnh đạo tuyệt đối của mình cho cả hai vùng biển này.

Chuyện đổi tên thì có gì đâu mà phải ầm ỹ, có phải như vậy không? Người Mỹ chúng ta có thể không nghe thấy tin tức này ở bất cứ hãng thông tấn lớn nào, đúng không? Và ngay cả bây giờ, khi quý vị đã biết đến tin này, có lẽ quý vị cũng không lấy gì làm bận tâm lắm phải không? Ối chà lầm chết, sự thay đổi tên như vậy nghe qua tưởng có vẻ chẳng có gì ghê gớm, nhưng rồi sẽ có ngày khi nhìn lại sự việc này, quý vị sẽ nhận ra hành động đổi tên bộ Tư lệnh này vô cùng hung hiểm. Đây chính là tín hiệu cho thấy quân đội Hoa Kỳ đã chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự cuối cùng với Trung cộng.

Nếu cho đến bây giờ, quý vị thấy quyết định của tướng Mattis đổi tên bộ Tư Lệnh không hề được loan báo ở bất cứ hãng thông tấn lớn nào, tôi không ngạc nhiên vì các phương tiện truyền thông hầu như đã không nhận ra tầm quan trọng để chú ý đến việc này, chắc chắn tin này sẽ không “nóng”, được nhiều chú ý như những dòng tweet tầm phào mà Tổng thống Donald Trump đã từng gửi. Giới truyền thông nhận thấy việc đổi tên bộ Tư lệnh chỉ là một cử chỉ mang tính hình thức nhằm giúp Ngũ Giác Đài khuyến khích Ấn Độ gia nhập liên minh Nhật Bản, Úc và các đồng minh khác của Hoa Kỳ trong hệ thống liên minh Mỹ – Châu Á Thái Bình Dương. Chỉ có mỗi hãng thông tấn Reuters là chịu khó loan ra tin này với hàng tít ngờ nghệch ” Để đề cao vai trò của Ấn Độ, Bộ Tư Lệnh châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ thay đổi tên gọi”.

Việc các nhà phân tích quân sự của giới truyền thông không nhận thấy bất cứ điều gì quan trọng ẩn sâu trong việc thành lập bộ Tư Lệnh Ấn Độ Thái Bình Dương gọi tắt là PACOM là không có gì đáng ngạc nhiên, vì tất cả những chú ý của các chuyên viên của các hãng thông tấn truyền thông điều đổ dồn cho các sự kiện nóng sau hội nghị thất cường G7 ở Canada, hay những căng thẳng đang gây lo lắng từ phía Iran. Thêm vào đó, giới chuyên gia của các hãng truyền thông ngây ngô và thiếu hiểu biết về quan niệm chiến lược của giới tướng lãnh Hoa Kỳ. Riêng về bản thân tướng Mattis, thì bản thân ông ấy không hề che giấu tầm quan trọng chiến lược của việc liên kết Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong kế hoạch khi ra lệnh đổi tên bộ Tư lệnh. Trên thực tế, sự thay đổi tên bộ Tư lệnh này cho thấy cho một sự thay đổi quan trọng trong sách lược quân sự của Hoa Kỳ với nhiều dự tính vô cùng quan trọng.

Hãy xem xét bối cảnh của quyết định thay đổi tên bộ Tư lệnh: trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã tăng cường tuần tra hàng hải ở vùng biển giáp với các đảo do Trung cộng chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, không ngần ngại đối diện với khả năng rất cao là có thể sẽ đụng độ giữa các tàu chiến của hai quốc gia. Thái độ đối mặt của Hải quân Hoa Kỳ lại đi kèm với nhiều lời lẽ hâm dọa thẳng thừng từ Ngũ Giác Đài, cho thấy Hoa Kỳ muốn cho Trung cộng biết hậu quả sẽ như thế nào nếu cứ tiếp tục quan sự hóa các đảo mình chiếm tại biển Đông. “Trung cộng đã gây gió (ở biển Đông) thì phải gặt bão”- tướng Mattis tuyên bố như thế tại Diễn đàn Đối thoại Chiến lược Shangri La ở Singapore vào ngày 2 tháng Sáu.

Để cho thấy Trung cộng sẽ phải “gặt bão” như thế nào, tướng Mattis đã nhanh chóng loại bỏ Trung Cộng khỏi cuộc tập trận Hải quân đa quốc gia RIMPAC lớn nhất thế giới, được tiến hành hàng năm dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ. “Tuy nhiên, đây chỉ là cảnh cáo,” Mattis nhấn mạnh với vẻ đầy sát khí khi phát biểu tiếp, “và tôi tin rằng sẽ có những hậu quả lớn hơn nhiều (dành cho Trung cộng) trong tương lai”. Cũng với thái độ hăm dọa đó, tướng Mattis đã tuyên bố luôn rằng Ngũ Giác Đài đang lên kế hoạch tiến hành tuần tra hàng hải thường xuyên liên tục đều đặn như người gõ trống ở vùng biển tiếp giáp các đảo do Trung cộng chiếm đóng, mà điều này nếu xảy ra, sẽ chỉ làm sự chạm mặt đối đầu giữa hai quốc gia thêm gay cấn căng thẳng và tạo điều kiện dẫn đến sự cố giao tranh tai hại do hiểu lầm đối phương.

Ngoài việc thúc đẩy đối đầu chạm trán căng thẳng giữa các tàu Hải quân tại các vùng biển gần các đảo Trung cộng chiếm đóng, Ngũ Giác Đài đã nỗ lực tăng cường quan hệ quân sự với các quốc gia thân thiện với Hoa Kỳ trong vùng, bao bọc xung quanh Trung cộng; rõ ràng đây là kế sách chiến lược, một nỗ lực quân sự lâu dài theo mô hình thời Chiến tranh Lạnh, nhằm bao vây kiềm tỏa Trung cộng ở mọi hướng. Thí dụ, vào ngày 8 tháng 6, Bộ QP đã thực hiện một cuộc tập trận hải quân chung ở Thái Bình Dương (Malabar 2018), có sự tham gia của các lực lượng từ Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Việc tìm cách hợp nhất Ấn Độ, vốn từng đứng trung lập, vào liên minh của Hoa Kỳ để chống Trung cộng, trên thực tế, đã trở thành một sách lược từ lâu trong thế kỷ 21 của Hoa Kỳ, tạo ra sự đe dọa vô cùng hung hiểm đối với Trung cộng.

Trong nhiều thập kỷ, mục tiêu chính của chiến lược Hoa Kỳ ở châu Á là tăng cường hợp tác và hỗ trợ sức mạnh cho các đồng minh chủ chốt của mình tại Thái Bình Dương bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines để kìm hãm sức mạnh của Trung cộng ở Đông Bắc Á và biển Đông. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Trung cộng đã tìm cách lan rộng tầm ảnh hưởng của mình sang Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương, mà nổi bật là tham vọng đáng kinh ngạc trong kế hoạch phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng mang tên “Một vành đai, một con đường” cho lục địa Á-Âu vươn đến cả Phi châu. Dự án kinh tế rộng lớn này rõ ràng là cách hợp tác kinh tế rất thâm hiểm để khống chế nhiều khu vực Á-Âu vào quỹ đạo kinh tế chính trị của Trung cộng. Để đối phó với tham vọng này, các chiến lược gia Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều quyết định vô cùng quyết liệt trong khu vực. Một phần trong quyết tâm đó, các chiến lược gia quân sự Hoa Kỳ bất ngờ chuyển hướng lôi kéo liên kết hai vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương lại với nhau, bao vây Trung cộng với hệ thống liên minh của mình đã có trước đó. Việc đổi tên vào ngày 30 tháng 5 là một sự thừa nhận chính thức về một chiến lược bao vây mà càng về lâu dài, sự hung hiểm dành cho Trung cộng càng tăng.

CÔ LẬP TRUNG CỘNG ĐỂ GÂY CHIẾN TRANH

Để hiểu rõ hơn bản chất hung hiểm của việc đổi tên bộ Tư lệnh, chúng ta cần phải biết quá khứ hình thành của bộ Tư Lệnh châu Á Thái Bình Dương PACOM trước đây. Ban đầu bộ Tư Lệnh này có tên gọi là Bộ Tư Lệnh Viễn Đông, vào năm 1947 PACOM được thành lập và có trụ sở tại các căn cứ của Hoa Kỳ gần thành phố Honolulu, Hawaii. Nay, sau khi đổi tên, INDOPACOM có trách nhiệm trấn ngữ quân sự một khu vực vô cùng rộng lớn bao gồm cả biển Đông, Đông Nam Á, cũng như Úc, New Zealand và vùng biển của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, diện tích của vùng chiến thuật này chiếm khoảng 50% bề mặt Trái đất và kết hợp hơn một nửa dân số toàn cầu. Mặc dù Lầu Năm Góc chia toàn bộ hành tinh thành từng vùng chiến thuật, nhưng không một vùng chiến thuật nào trong số các vùng chiến thuật lại lớn hơn vùng chiến thuật Ấn Độ-Thái Bình Dương vừa mới được thành lập, với quân số và chuyên viên dân sự lên đến 375 ngàn người.

Trước khi Ấn Độ Dương được hợp nhất vào vùng chiến thuật một cách chính thức như bây giờ, PACOM chủ yếu tập trung vào việc duy trì quyền kiểm soát quân sự phía tây Thái Bình Dương, đặc biệt là ở vùng biển xung quanh một số quốc đảo và bán đảo thân thiện như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Cấu trúc lực lượng của PACOM phần lớn bao gồm các phi đội Không quân và Hải quân, cùng với sự hiện diện của Thủy quân Lục chiến trên đảo Okinawa của Nhật Bản. Đơn vị chiến đấu mạnh nhất của PACOM là Liên Hạm đội Thái Bình Dương hùng mạnh nhất thế giới phù hợp với khu vực mà PACOM chịu trách nhiệm kiểm soát. Liên Hạm đội này bao gồm Hạm đội III và Hạm đội VII, với khoảng 200 chiến hạm và tàu ngầm, gần 1200 chiến đấu cơ và quân số và chuyên viên dân sự lên đến 130 ngàn người tính luôn cả thủy thủ, phi công, thủy quân lục chiến.

Trước khi được hợp nhất, mối bận tâm chủ yếu của bộ Tư Lệnh PACOM là đối phó với mối đe dọa hạch tâm của Bắc Hàn. Từ cuối mùa thu năm 2017 và mùa đông năm 2018, PACOM đã thúc đẩy loạt các cuộc tập trận nhằm kiểm tra khả tiêu diệt các dàn hỏa tiển hạch tâm của Bắc Hàn. Có thể nói, đây cũng là những lời cảnh cáo thẳng thừng cho Kim Jong-un về những hậu quả mà Kim sẽ phải gánh chịu nếu tiếp tục con đường thử nghiệm hỏa tiển hạch tâm để khiêu khích. Có vẻ như, ít nhất trong thời điểm gần đây, Tổng thống Trump đã đình chỉ các cuộc tập trận như vậy do kết quả hòa đàm của cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim.

Bên cạnh việc lo đối phó Triều Tiên, PACOM từ lâu đã tìm cách đối phó sức mạnh quân sự đang lên của Trung cộng. Điều này thể hiện rõ tại buổi lễ ngày 30 tháng 5 tại Hawaii, Bộ Trưởng QP Mattis tuyên bố việc thay đổi tên bộ Tư Lệnh và chủ trì buổi lễ nhậm chức bộ Tư lệnh INDOPACOM của Đô đốc Phil Davidson thay thế Đô đốc Harry Harris Jr. (Như vậy Đô đốc Hải quân có toàn quyền điều binh khiển tướng trong vùng.)

Trong khi tránh bất kỳ đề cập trực tiếp về Trung cộng trong bài phát biểu của mình, tướng Mattis không hề do dự khẳng định chắc chắn rằng bộ Tư lệnh mới có trácgh nhiệm huy động toàn lực đối phó với kế hoạch của Trung cộng. “Các quốc gia trong vùng hoan nghênh sự hiện diện của Hoa Kỳ”, ông nhấn mạnh, “vì các nước trong vùng mong đợi môi trường kinh tế buôn bán tự do, công bằng và không muốn bị khống chế bởi độc nhất từ bất cứ một nền kinh tế có tính xâm thực nào, Ấn Độ-Thái Bình Dương là một vùng kinh tế có nhiều vành đai và nhiều con đường. Không quốc gia nào có thể có quyền độc tôn.”

Người rời khỏi chức vụ Tư lệnh là Đô đốc Harris thì không thèm phát biểu né tránh gì cả. “Mặc dù Triều Tiên vẫn là mối đe dọa trực tiếp nhất của chúng ta”, ông tuyên bố, “Trung cộng vẫn là mối đe dọa thách thức lâu dài và nguy hiểm nhất cho chúng ta (Hoa Kỳ).” Rồi Đô đốc Harris còn khẳng định là nếu Hoa Kỳ và các nước đồng minh không quyết tâm đối mặt với Trung cộng, “Trung cộng sẽ thực hiện thành công giấc mơ bá quyền của mình ở châu Á”. “Có”, Đô đốc Harris thừa nhận là vẫn còn có thể đối thoại với Trung cộng trong mọi vấn đề, “nhưng chúng ta cần phải sẵn sàng đối đầu với Trung cộng khi cần thiết”. (Vào 18 tháng Năm, Đô đốc Harris lại được Tổng thống Trump bổ nhiệm làm đại sứ tương lai của Hoa Kỳ tại Nam Hàn, một cựu quân nhân đi làm Đại sứ tại Seoul, chắc chắn là để bảo đảm sự phản ứng quân sự của Hoa Kỳ trong vùng được nhanh chính xác trước mọi tình huống.)

Người kế nhiệm Đô đốc Harris là Đô đốc Davidson, còn quyết tâm hơn so với người tiền nhiệm trong việc thúc đẩy các biện pháp đối đầu quân sự thẳng thừng với Trung cộng thành mục tiêu chiến lược hàng đầu. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quốc Phòng Thượng viện vào ngày 17 tháng 4, Đô đốc Davidson liên tục nhấn mạnh mối đe dọa quân sự của Trung cộng ở Biển Đông là vô cùng nguy hiểm và hứa, cũng như cố thuyết phục cho thấy là cần phải đối đấu quân sự với Trung cộng. “Khi tất cả các đảo Biển Đông bị Trung cộng chiếm đóng, quốc gia này sẽ có thể khống chế và mở rộng phạm vi khống chế của mình ra hàng ngàn dặm về phía nam, dòm ngó sâu vào Châu Úc”, ông cảnh báo. “PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) sẽ có thể sử dụng lợi thế địa dư của đảo chiếm đóng bị biến thành các căn cứ hải quân để thách thức sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực; và bất kỳ chiến hạm nào được triển khai tới các đảo căn cứ quân sự này cũng sẽ dễ dàng bị lực lượng Hải quân đông đảo tại các đảo này áp đảo, đe dọa và đuổi đi. Nói tóm lại, Trung cộng hiện có khả năng kiểm soát chặt Biển Đông trong mọi tình huống nếu xẩy ra xung đột với Hoa Kỳ.”

Nếu nói như vậy thì chẳng khác nào là Đô đốc Davidson muốn báo cho mọi người biết chúng ta (Hoa Kỳ) sẽ đánh Trung cộng trong tương lai ở vùng biển đó?! Lời tuyên bố của ông cho thấy rõ rằng mục tiêu trách nhiệm chính của ông, với tư cách là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, sẽ không gì khác hơn là huấn luyện và trang bị cho các lực lượng dưới quyền của mình để sẵn sàng cho một cuộc chiến sẽ xẩy ra tương lai trong lúc tiếp tục mời gọi sự gia nhập càng nhiều càng tốt nhiều quốc gia tham chiến theo kế hoạch của bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. “Để ngăn chặn tình trạng Trung cộng có nhiều khả năng chiến thắng ở một cuộc xung đột nhỏ trong vùng”, Đô đốc tiếp tục khẳng định chiến lược của bộ Quốc phòng , “chúng ta cần phải trang bị các loại vũ khí tối tân ngay từ đầu cho các nước đồng minh một cách nhanh nhất, sẵn sàng ra mặt can thiệp bảo vệ các đồng minh và đối tác của chúng ta, cũng như tiếp tục tuyển dụng và đào tạo thêm quân nhân nhằm duy trì một đội ngũ Hải quân, Không quân, Thủy quân Lục chiến hùng mạnh và thiện chiến nhất thế giới”.

Ưu tiên hàng đầu của Đô đốc trang bị vũ khí tối tân và tạo điều kiện cho các cấp chỉ huy quen dần với những loại vũ khí tối tân này, đảm bảo quân đội Hoa Kỳ có lợi thế kỹ thuật quân sự một cách tuyệt đối so với Trung cộng trong bất kỳ tình huống đối đầu xung đột nào trong tương lai. Giống như những người tiền nhiệm của mình, Đô đốc cũng coi việc tìm cách củng cố mối quan hệ quân sự của Hoa Kỳ với các quốc gia khác trong vùng đang bị Trung cộng khống chế là rất quan trọng. Đây là lý do tại sao Ấn Độ được mời vào liên minh bộ Tư Lệnh. Giống như Hoa Kỳ, lãnh đạo của Ấn rất lo lắng đến sự hiện diện bành trướng của Trung cộng tại khu vực Ấn Độ Dương, bao gồm việc mở một cảng/căn cứ Hải quân trong tương lai ở Gwadar thuộc Pakistan và một có khả năng thêm một căn cứ khác trên đảo Sri Lanka, cũng ở Ấn Độ Dương. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các cuộc đụng độ xảy ra thường xuyên giữa các lực lượng Trung cộng và Ấn Độ dọc theo biên giới chung của dãy núi Himalaya, và việc triển khai thường trực các tàu chiến Trung cộng ở Ấn Độ Dương, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang nôn nóng muốn cùng Hoa Thịnh Đốn ký kết những thỏa thuận hợp tác quân sự nhằm chống đỡ sự lấn hiếp của Trung cộng. “Một mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Ấn Độ phù hợp với những mục tiêu chiến lược quân sự của chúng ta tại Ấn Độ-Thái Bình Dương”, Đô đốc Davidson Davidson cho biết như thế khi tường trình trước Quốc Hội gần đây. Sau khi trở thành Tư lệnh vùng này, ông tiếp tục khẳng định như trước, “tôi sẽ duy trì nỗ lực để thắt chặt mối quan hệ đối tác quân sự chiến lược đang phát triển giữa hai quốc gia (Mỹ – Ấn)”. Mục tiêu chiến lược cụ thể sẽ là tăng cường hợp tác quân sự nhằm đảm bảo an ninh hàng hải.

Và vì vậy, bộ Tư lệnh Ấn Độ- châu Á Thái Bình Dương được hình thành báo hiệu một tương lai chiến tranh thảm khốc giữa siêu cường.

QUAN ĐIỂM CỦA BẮC KINH

Cách thay đổi tên bộ Tư lệnh PACOM được loan tin tại Hoa Kỳ sẽ khiến quý vị nghĩ theo kiểu người Mỹ chúng ta, suy cho cùng, cũng chỉ phản ánh ý định liên kết các nền kinh tế lớn giữa các khu vực Ấn Độ và Thái Bình Dương, và hành động đổi tên có lẽ, cũng chỉ cho thấy mối quan hệ kinh tế Mỹ-Ấn đang ngày một sâu rộng. Không có hãng thông tấn nào phân tích để cho chúng ta thấy ẩn đằng sau sự đổi tên bộ Tư lệnh là một chiến lược quân sự mới đe dọa mạnh hơn đối vớiTrung cộng, và cũng từ đó, chúng ta đi đến ý nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ không cảm thấy run sợ hay nguy hiểm gì cả sau việc đổi tên bộ Tư lệnh. Nhưng ngược lại, Trung cộng xem những động thái như vậy, bao gồm luôn các hoạt động Hải quân nhằm đe dọa gần đây của chúng ta ở quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp, là những hiểm họa đáng kể cho họ.

Vào cuối tháng Năm (năm 2018), Ngũ Giác Đài phái hai tàu chiến, tàu khu trục USS Higgins, và tàu tuần dương USS Antietam, tiến vào vùng biển gần một trong những hòn đảo mới được Trung cộng củng cố tại biển Đông, Trung cộng đã đáp trả bằng cách gửi đông đảo tàu chiến của họ ra ngăn cản và đưa ra tuyên bố lên án các cuộc tuần tra của hải quân Mỹ đầy khiêu khích. “Hành động của Hoa Kỳ”, theo một phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc, “đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc [và] làm suy yếu lòng tin chiến lược lẫn nhau”. Điều mà Trung cộng chỉ trích được Hoa Kỳ gọi là ” Tư do Hàng hải” và các cuộc tuần tiểu sẽ tiếp tục gia tăng theo lệnh của tướng Mattis.

Tất nhiên, Trung cộng cũng biết có lỗi cho sự căng thẳng leo thang trong khu vực. Họ đã tiếp tục quân sự hóa các đảo Biển Đông mà họ cưỡng chiếm khi còn đang tranh chấp, bất chấp lời hứa mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cho Tổng thống Obama vào năm 2015 sẽ không làm như vậy. Không riêng gì Trung cộng, một số đảo trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng được Việt Nam, Philippines và các quốc gia khác trong khu vực tuyên bố chủ quyền củng cố đảo thành tiền đồn giống như Bắc Kinh và là nguyên nhân của sự gia tăng bất đồng chỉ trích giữa các nước trong vùng về chủ quyền lãnh hải từ lâu. Khác với những quốc gia trong vùng, Bắc Kinh chỉ đơn giản tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng biển Đông và từ chối thỏa hiệp thương thỏa về vấn đề này. Do Bắc Kinh lo củng cố quân sự hóa các đảo này (như những nước khác trong vùng) mà giới chỉ huy quân sự Hoa Kỳ xem như là một mối đe dọa quân sự tiềm ẩn cho các lực lượng của Hoa Kỳ trong khu vực, để rồi người Mỹ lấy cớ phản ứng gay gắt đe dọa mình, mà trong suy nghĩ của Bắc Kinh, rõ ràng đây là vùng kề cận Trung cộng, nhưng lại cách xa Hoa Kỳ hàng ngàn dặm.

Từ đó mà Bắc Kinh, khi nhìn về chiến lược được đưa ra bởi Bộ trưởng Mattis, cũng như Đô đốc Harris và Davidson, họ cảm thấy rõ ràng không cần phải tranh cãi gì nữa, đây chính là kế hoạch bao vây đe dọa mình, hạn chế và ngăn chặn mình có vai trò lãnh đạo trong khu vực phù hợp với vị thế sức mạnh kinh tế chính trị quân sự của mình. Đối với lãnh đạo Trung cộng, việc đổi tên bộ Tư lệnh PACOM thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương là thêm một bằng chứng cho thấy quyết tâm không đổi của Hoa Thịnh Đốn, dùng việc mở rộng sự hiện diện quân sự chưa từng có của họ về phía tây từ Thái Bình Dương quanh Đông Nam Á vào Ấn Độ Dương để tiếp tục siết chặt kiềm chế sự lớn mạnh của quốc gia mình, mà nhẽ ra, theo ý của Bắc Kinh, Hoa Thịnh Đốn cần phải chấp nhận sự lớn mạnh của này Trung Quốc và cần phải hợp tác thay vì đối đầu.

Chưa biết giới lãnh đạo Trung cộng sẽ có đối sách như thế nào trước tình hình mới, nhưng chắc chắn, họ sẽ không đối phó với thái độ thờ ơ xem thường. Ngược lại, như chúng ta thấy thông qua các cuộc đối đầu giữa các siêu cường, Bắc Kinh sẽ chống trả sức ép khống chế của Hoa Kỳ bằng mọi giá. Sự chống trả này lúc đầu có thể chưa cần dùng đến sức mạnh quân sự, tuy nhiên về lâu về dài, sức mạnh quân sự sẽ được Bắc Kinh sử dụng nhiều hơn và mãnh liệt hơn. Bắc Kinh cũng sẽ tìm đủ cách phá vỡ các mối liên minh mà Hoa Kỳ thiết lập, như chúng ta thấy qua việc Bắc Kinh lôi kéo dụ dỗ Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines, và cũng trong nỗ lực này, Bắc Kinh sẽ dùng căn cứ quân sự ở Pakistan and Sri Lanka làm tiền đồn. Hành động đối phó của Bắc Kinh sẽ lại như đổ thêm dầu vào lửa trong mối quan hệ Trung- Mỹ. Khi mà nhiều tàu chiến của đôi bên cứ tiếp tục thường xuyên qua lại khu vực này để chạm trán thách thức khiêu khích đối đầu, thì việc khai hỏa do hiểu lầm hay do điên tiết sẽ phải xẩy ra, xung đột quân sự là điều không thể tránh khỏi được nữa trong tương lai.

Khi xác xuất xung đột với cộng sản Bắc Hàn giảm dần sau hội nghị thượng đỉnh Singapore diễn ra gần đây, thì một điều chắc chắn là Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương mới thành lập sẽ dồn toàn lực chỉ để chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự với Trung cộng. Các chỉ huy của bộ Tư Lệnh cố khẳng định rằng họ không tìm cách gây hấn để xẩy ra chiến tranh, mà họ chỉ tin rằng sự chuẩn bị cho chiến tranh sẽ chứng minh sức mạnh của Hoa Kỳ để Trung cộng thấy rõ mà từ bỏ đi ý định thách thức quyền lãnh đạo tuyệt đối của Hoa Kỳ trong vùng. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một ảo tưởng. Trên thực tế, chiến lược khiêu khích dồn dập của các hoạt động hải quân Hoa Kỳ nhằm phô trương sức mạnh của mình để răn đe dồn ép Trung cộng ở biền Đông chỉ khiến xác xuất xung đột xẩy ra ngoài ý muốn thêm nhiều hơn, thay vì là để tránh xung đột đối đầu như dự tính.

Giờ phút này, chiến tranh Mỹ Trung có vẻ như là một cuốn tiểu thuyết nửa thật nửa hư. Nhưng đời không đơn giản như vậy, với quyết tâm đối đầu quân sự mà hai quốc gia đang lao vào, chỉ trong tương lai rất gần, những gì tưởng như là tiểu thuyết sẽ trở thành một hiện thực đầy máu lửa.

Giáo sư Michael T. Klare
Nguyễn Trọng Dân lược dịch

Nguồn: Thenation.com

—————————————-

Michael T. Klare là chuyên gia về quốc phòng của Tuần Báo Nation lâu đời nhất Hoa Kỳ, vốn thành lập từ năm 1865; ông cũng là giáo sư chuyên nghiên cứu Đối Ngoại Quốc tế tại Đại học Hampshire và là thành viên kỳ cựu của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA) ở Washington, DC. Hiệp hội này được thành lập vào năm 1971 và hiện là một tổ chức bao gồm nhiều chiến lược gia gạo cội về quân sự quốc phòng và ngoại giao và có nhiều ảnh hưởng đến giới chính trị gia tại Thủ đô Hoa Kỳ. Ông có giọng văn mộc mạc bình dân nhưng sự phân tích chi ly cặn kẽ của ông sẽ khiến đọc giả hiểu rõ thêm nhiều vấn đề mà bài viết của ông không đề cập đến.