Hoa Kỳ : Đã qua rồi thời siêu cường?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hoa Kỳ : Đã qua rồi thời siêu cường?

RFI

Đăng ngày 12-09-2017 

 
 
mediaBộ 3 quyền lực của nước Mỹ : Tổng thống Donald Trump (giữa), chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan (trái) và Mitch McConnell lãnh đạo đa số tại Thượng Viện, ngày 05/09/2017.REUTERS/Joshua Roberts
Việc Hoa Kỳ không thể buộc các thành viên trong Hội Đồng Bảo An chấp nhận một dự thảo nghị quyết cứng rắn trừng phạt Bắc Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đánh dấu sự thoái trào ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Viễn Đông.
Sau khi bức tường Berlin và chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ trở thành một siêu cường – cả về đạo lý, văn hóa, ngoại giao, tài chính và quân sự – một mình định ra luật chơi cho toàn thế giới và chính cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine đã gọi Hoa Kỳ là một siêu cường.
Sức mạnh siêu cường của Mỹ thể hiện rõ qua cuộc xung đột Kosovo năm 1999. Trong vai trò lãnh đạo Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tấn công quân sự Serbia, không cần đến sự chấp thuận của Hội Đồng Bảo An, Hoa Kỳ đã tách một tỉnh của Serbia – Kosovo – để tạo dựng thành một Nhà nước riêng biệt mà không một quốc gia nào trên thế giới dám ho he phản đối.
Cái thời đó đã qua, « Vai trò siêu cường của Hoa Kỳ đã chấm hết », nhà báo Renaud Girard khẳng định trên báo Le Figaro. Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên là một bằng chứng rõ ràng nhất. Hoa Kỳ không còn đủ khả năng định đoạt mọi việc và buộc các nước khác phải đi theo.
Ngay khi vào Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump đã tuyên bố là Mỹ không cho phép Bắc Triều Tiên có tên lửa đạn đạo liên lục địa, có thể mang đầu đạn hạt nhân, đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ. Bất chấp các tuyên bố hăm dọa từ phía Washington, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân. Ngày 03/09/2017, Bắc Triều Tiên thử một quả bom có sức công phá lớn gấp 5 năm lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima Nhật Bản.
Ngày 11/09, Mỹ đưa ra dự thảo nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng với nội dung rất cứng rắn, như cấm vận dầu lửa, ngừng nhập khẩu đồ may vải sợi của Bắc Triều Tiên, ngừng trả lương cho khoảng 60 ngàn người Bắc Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài, phong tỏa tài sản hãng hàng không Bắc Triều Tiên, phong tỏa tài sản và hạn chế xuất cảnh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Thế nhưng, trước sự đe dọa phủ quyết của Trung Quốc và Nga, Hoa Kỳ đã phải lùi bước
Tác giả cho rằng, thực ra, sự bất lực của Mỹ trong việc buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân không phải là một ngoại lệ mà chỉ là một sự tiếp theo hàng chuỗi thất bại địa chính trị của Hoa Kỳ.
Trước khi phải nhượng bộ trong vấn đề Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ đã phải lùi bước trong hồ sơ khác : Trước hết là Afghanistan. Khi tấn công Afghanistan để lật đổ chế độ Taliban năm 2001, chính quyền Washington đã cảnh báo là ai không ủng hộ Mỹ thì là kẻ thù của Mỹ.
Thế nhưng, Pakistan làm ra vẻ ủng hộ chống khủng bố nhưng trên thực tế lại trở thành cứ địa bí mật của Taliban. Giờ đây, Taliban phát triển mạnh ở các vùng nông thôn Afghanistan và hầu như không thể đánh đuổi được nữa.
Bước lùi thứ hai là tại các vùng mà Nga vốn có ảnh hưởng truyền thống như Gruzia và Ukraina, Hoa Kỳ đã ủng hộ các cuộc cách mạng mầu nhưng lại không dự ứng được sự phản ứng rất mạnh của Nga.
Bước lùi thứ ba là trong hồ sơ Syria. Washington đã đề ra lằn ranh đỏ và đòi Bachar Al Assad phải ra đi, thế nhưng, tổng thống Syria, vẫn tiếp tục tại vị.
Renaud Girard kết luận, quan hệ quốc tế dựa trên tương quan lực lượng. Thế nhưng, tương quan lực lượng là một khái niệm được cảm nhận chứ hiếm khi được chứng minh. Trong trò chơi này, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng nhất và không có gì tồi tệ hơn là thái độ « giả vờ cứng rắn » của quốc gia sen đầm quốc tế, liên tục đưa ra những lời đe dọa, nhưng không bao giờ tiến hành trừng phạt.
Về mặt địa chính trị, tốt hơn hết là giữ kín ý đồ, không nói nhiều, hứa hẹn ít, nhưng hành động nhanh chóng để đặt đối phương vào tình thế việc đã rồi.