Hoa Kỳ đã chuẩn bị cho đại dịch Wuhan? – Phạm Ðức Duy
Hoa Kỳ được hai cơ quan Nuclear Threat Initiative (NTI -Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân) và Johns Hopkins Center for Health Security (JHCHS -Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins) xếp hạng là quốc gia có sự chuẩn bị tốt nhất trên thế giới để đương đầu với đại dịch vào cuối năm 2019. Một đánh giá có vẻ mâu thuẫn với tuyên bố của đảng Dân chủ rằng chính quyền Trump đã khiến đất nước dễ bị tổn thương trước sự bùng phát của Wuhan virus.
Tờ Washington Post đưa tin vào năm ngoái là Global Health Security Index (Chỉ số an ninh sức khỏe toàn cầu – https://www.ghsindex.org/) được đưa ra với sự hướng dẫn của hội đồng chuyên gia quốc tế từ 13 quốc gia, với nghiên cứu của Economist Intelligence Unit từ năm 2018 đến 2019, hơn 100 nhà nghiên cứu đã dành một năm để thu thập và xác thực dữ liệu công khai đã có sẵn. Đồng thời, bài báo lưu ý rằng điểm số của Hoa Kỳ vẫn chưa hoàn hảo và các yếu tố làm giảm điểm số của Hoa Kỳ bao gồm các rủi ro bất ổn xã hội, khủng bố và niềm tin thấp của công chúng đối với chính phủ.
Phía TT Trump đã lập luận trong những ngày gần đây rằng thông tin sai lệch có thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự thiếu tin tưởng đó. Ví dụ, tuyên bố của ứng cử viên Joe Biden cho là không ai trong đội ngũ nhân viên của National Security Council (NSC – Hội đồng Bảo an Quốc gia) có trách nhiệm về việc chuẩn bị đại dịch, dựa trên một báo cáo vào tháng 5 năm 2018, Cố vấn An ninh Quốc gia lúc đó là John Bolton đã loại bỏ Office of Global Health Security and Biodefense (Văn phòng An ninh Y tế và Sinh học Toàn cầu) của NSC khi sắp xếp lại nhân sự. Chuẩn Đô đốc R. Timothy Ziemer từng là giám đốc cấp cao bị bãi nhiệm và không có người thay thế. Nhưng, FactCheck.org đã xác định rằng vấn đề này được sắp xếp lại, và một số thành viên trong nhóm của văn phòng chuyên về đại dịch của NSC đã được chuyển sang các nhóm khác và những người khác đã chính thức đảm nhận một số nhiệm vụ hàng đầu.
Tòa Bạch Ốc cho biết NSC vẫn tham gia ứng phó với đại dịch coronavirus. Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết hồi đầu tháng 3 rằng ban giám đốc an ninh y tế toàn cầu của NSC vẫn tồn tại, với những trách nhiệm tương tự nhưng dưới các chức danh khác nhau trong NSC. Những công việc điều phối chính sách và bảo đảm các quyết định của lực lượng đặc nhiệm về coronavirus của TT Trump được thực hiện vẫn là công việc của NSC.
Ngoài ra, nhóm của Biden đã nhiều lần lập luận rằng TT Trump từng gọi coronavirus là hoax (trò gạt gẫm). Chuyện này trên thực tế đã bị nhiều phía bác bỏ, kể cả Washington Post. Thực ra khi Trump dùng từ “hoax” là rõ ràng đang đề cập đến những nỗ lực của đảng Dân chủ đổ lỗi cho ông về đại dịch, chứ không phải nói coronavirus là hoax. (https://www.snopes.com/fact-check/trump-coronavirus-rally-remark/)
Associated Press đã lưu ý rằng nhiều đảng viên Dân chủ, gồm cả Biden, đã “bóp méo” sự thật khi lên án chính phủ Trump cắt giảm ngân sách của Centers for Disease Control and Prevention (CDC – Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh). Ngân sách của Trump thực sự đã đề xuất là để cắt giảm sức khỏe cộng đồng (public health) nhưng đã bị Quốc hội phủ quyết. Còn các cơ quan như CDC và NIH đã được sự hỗ trợ mạnh mẽ của lưỡng đảng, nên ngân sách đã tăng lên và được đổ vào các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe để chống lại đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất.
Một số chuyên gia y tế công cộng cho rằng mối quan tâm lớn hơn là sự suy giảm liên tục cho các chương trình tài trợ của CDC cho sự chuẩn bị khẩn cấp về y tế công cộng ở cấp tiểu bang và địa phương, tuyến đầu cho nỗ lực phát hiện và chiến đấu với căn bệnh mới. Nhưng sự suy giảm đó là quyết định từ ngân sách quốc hội, chứ không phải của Trump. Trong khi đảng Dân chủ buộc tội TT Trump đã hạ bệ giới lãnh đạo y tế công cộng của Mỹ, John Auerbach, Chủ tịch của Trust for America’s Health, một tổ chức nonpartisan (phi đảng phái) làm việc với chính quyền mọi cấp để cải thiện khả năng của nước Mỹ chống lại các cuộc khủng hoảng sức khỏe và nguy cơ dịch bệnh cho biết hàng ngũ khoa học hàng đầu của CDC vẫn được duy trì ổn định trong suốt ba năm qua. (https://apnews.com/d36d6c4de29f4d04beda3db00cb46104)
Tuy nhiên, các bản tin sai lệch về các nỗ lực của chính phủ Trump đối phó với đại dịch Wuhan virus vẫn tiếp tục lan rộng. Gần đây Reuters đưa tin Hoa Kỳ đã bỏ vị trí cố vấn thường trú của CDC ở Trung Cộng và tin này đã được đảng Dân chủ và truyền thông Mỹ trích dẫn rộng rãi như là một bằng chứng về sự thiếu chuẩn bị của Tòa Bạch Ốc.
Thật ra, các chuyên gia đã nói rõ là chuyện này không có liên quan gì đến sự lây lan của coronavirus ở Hoa Kỳ. Một chuyên gia về dịch bệnh nói với Reuters rằng dù nếu có các cố vấn thường trú của CDC ở TC thì chính quyền Hoa Kỳ cũng chẳng có được thông tin gì sớm hơn hay tốt hơn về Wuhan virus vì sự bưng bít của Beijing. Cựu chuyên gia của CDC và là giáo sư Đại học Emory ông Scott McNabb cũng nói với Reuters: “Cuối cùng, dựa trên bối cảnh ở China, việc này có lẽ không tạo ra sự khác biệt lớn nào”. Và ông đánh giá vấn đề ở đây là cách Beijing đã xử lý vụ coronavirus. Điều đáng lẽ phải thay đổi là China nên thừa nhận virus sớm hơn và họ đã không làm điều này. (https://www.physiciansweekly.com/exclusive-u-s-axed-cdc/)
Dù sao đi nữa, một số nhà lập pháp đang thúc đẩy các dự luật để Hoa Kỳ có thể có những chuẩn bị thận trọng hơn đối với các đại dịch trong tương lai. Tiêu biểu là hai dân biểu Gerald Connolly, D -Va., và Steve Chabot, R-Ohio, vừa đưa ra một dự luật đòi hỏi chính quyền trong thời gian tới phải có các chuyên gia luôn sẵn sàng để chuẩn bị cho đại dịch mới. (https://www.wnewsj.com/news/132867/trump-disbanded-nsc-pandemic-unit-that-experts-had-praised)
Theo DB Conn Connolly, hai năm trước, chính quyền Trump đã tháo gỡ cơ chế đã có sẵn 5 năm trước khi đối mặt với cuộc khủng hoảng Ebola. Dự luật này của Connolly va Chabot sẽ khôi phục và thể chế hóa cơ chế này. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện (House Foreign Affairs Committee), với 37 Dân chủ và 5 Cộng hòa, đã thông qua biện pháp này ngày 4 tháng 3, và đang đợi Hạ Viện quyết định.
Trong một thể chế dân chủ pháp trị thật sự như ở Hoa Kỳ và các nước Tây Âu, sự hiện diện của đối lập là một điều chính đáng và cần thiết. Chính đáng vì thừa nhận đối lập là đồng nghĩa với tự do chính trị. Cần thiết vì đối lập bảo đảm tính cách đích xác công khai của những quyết định của chính quyền và một chính quyền hữu hiệu là sự kết tinh của sự tranh chấp với đối lập.
Tuy nhiên, đối lập không phải là luôn luôn chống đối, đối kháng, mà còn là hợp tác, hoạt động một cách ôn hòa xây dựng và nhất là có tinh thần trách nhiệm. Những vu khống một cách cố ý, những chỉ trích, phê bình thiếu cơ sở của một số chính khách, của giới truyền thông được xem là fourth pillar of democracy chỉ đưa đến những lầm lẫn, hoài nghi, bất mãn và chia rẽ. Ðây là những tệ đoan của sự đối lập, không phải đối lập! Nước Mỹ deserves better than this!
Tính đến ngày hôm nay, 3 tháng 4, nước Mỹ bị gần 273 ngàn coronavirus cases, hơn 7,000 tử vong (https://www.worldometers.info/coronavirus/country/us/). Mặc dù NTI và JHCHS xếp hạng Hoa Kỳ là quốc gia có sự chuẩn bị tốt nhất trên thế giới để đương đầu với đại dịch, là một công dân bình thường, qua những gì mắt thấy tai nghe chung quanh, thiết nghĩ chính phủ Hoa Kỳ đã có thời gian nhưng vì lẽ gì đó đã không làm được, để có nhiều chuẩn bị tốt hơn cho việc bảo vệ dân chúng Mỹ, có những kế hoạch và quy trình rõ ràng để kịp thời có đầy đủ hơn máy ventilator, các dụng cụ y tế, và máy xét nghiệm thử virus cho người dân.
Phạm Ðức Duy – 4/3/2020