Hoà giải dân tộc, thử thách lớn của Aung San Suu Kyi
Khôi nguyên Nobal hoà bình 1991, Aung San Suu Kyi bước vào vòng đấu. Hội nghị “Panglong Thế kỷ 21” khai mạc tại Naypyidaw với mục tiêu vãn hồi hoà bình với 135 sắc tộc tại Miến Điện, trong đó có nhiều lực lượng võ trang không tin cậy vào quân đội. Đây là thử thách lớn nhất của chính phủ dân sự.
Theo chương trình, hội nghị hoà bình từ hôm nay đến cuối tuần mở đầu cho một tiến trình thương lượng dài hơi trong nhiều năm. Giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến dài nhất thế giới để kiến thiết quốc gia là mục tiêu của bà Aung San Suu Kyi – kiêm nhiệm hai chức vụ ngoại trưởng và cố vấn nhà nước tối cao, trên thực tế là người lãnh đạo chính phủ – đặt lên hàng trọng yếu.
Người cựu tù nhân chính trị của chế độ quân sự thân Bắc Kinh đã không ngần ngại bay sang TC hồi tuần trước để thuyết phục chính quyền Tập Cận Bình ủng hộ tiến trình hoà bình. Bà Aung San Suu Kyi nói thẳng: “Không có hoà bình sẽ không có phát triển lâu dài”.
Vấn đề là sau 60 năm nội chiến, hoà bình không thể hoàn tất một sớm một chiều.
Vào năm 1947, nỗ lực chuẩn bị độc lập và xây dựng một quốc gia liên bang, trong đó các sắc tộc thiểu số được trao nhiều quyền tự trị, đã được chính thân phụ của bà Aung San Suu Kyi phát khởi đầu tiên, qua hội nghị Panglong I. Đến năm sau, Miến Điện độc lập nhưng lãnh đạo phong trào kháng chiến Aung San bị ám sát.
Tình hình hổn loạn vì tranh giành giữa các đảng phái kéo dài đến năm 1962 thì tướng Ne Win đảo chính. Từ đó cho đến 2011, các chính phủ quân sự thay nhau cầm quyền và xung đột cũng triền miên, các sắc dân thiểu số không muốn bị người Miến, sắc dân chiếm đa số, ức chế.
Đến năm 2015, chính phủ chuyển tiếp mở đường từ quân sự sang dân sự của tổng thống Thein Sein thành công thuyết phục được 8 phong trào võ trang ký thỏa thuận ngưng bắn sau một thời gian dài đàm phán. Nhưng, những nhóm mạnh nhất vẫn từ chối và chiến sự bùng dậy ở hai bang Shan và Kachin.
Bà Aung San Suu Kyi cũng biết là con đường trước mặt rất gian nan và loan báo trước sẽ phải “gặp lại mỗi sáu tháng” để thẩm định tình hình tiến triển. Theo nhà phân tích chiến lược Anthony Davis của Viện nghiên cứu IHS-Jane’s thì thời gian đàm phán, sau “Panglong II” có thể kéo dài sang nhiều năm.
Những nhóm muốn hoà bình chờ đợi bà Aung San suu Kyi nói rõ kế hoạch nhà nước liên bang và các quyền tự trị trong hội nghị xem sao.
Nhưng một số nhóm sắc tộc khác cũng như một bộ phận trong quân đội lại muốn tình trạng bất an kéo dài để bảo vệ quyền lợi bất chính như ma túy và buôn lậu của họ.
Trong cuộc bầu cử cuối năm 2015, đại đa số các sắc dân thiểu số đã dồn phiếu cho Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên, theo AFP, sự ủng hộ chính trị này không đủ để tạo niềm tin hoà giải dân tộc.
Lý do sâu xa là các sắc dân thiểu số vẫn xem bà Aung San Suu Kyi là đại diện của sắc dân Miến, thành phần đa số thống trị Miến Điện từ trước đến nay. – Theo RFI