Họ vẫn ‘đối thoại’ đấy chứ
Nguyễn Tường Thụy (Nguồn: RFA)
July 24, 2017
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ Thị 05 của Bộ Chính Trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày 18 Tháng Năm, ông Võ Văn Thưởng, trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, nói: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý.”
Chuyện xa xỉ
Bình thường ra thì đây là một tin rất đáng mừng, đáng khích lệ. Tuy nhiên, nói đảng CSVN “không sợ đối thoại” thì giới đấu tranh không chỉ hoài nghi mà là không tin.
Quả thật, đối thoại đối với đảng CSVN là chuyện xa xỉ. Nhà báo Bùi Tín viết trên VOA: “Tôi phải bấm mạnh vào đùi để xem mình đang tỉnh hay mê sau khi đọc tin này.”
Trên thực tế thì chưa bao giờ có chuyện nhà cầm quyền Cộng Sản ngồi đối thoại với những người bất đồng chính kiến về những vấn đề hệ trọng của đất nước như đường lối chung, đường lối đối ngoại, đường lối kinh tế, chính sách đất đai… Đã có rất nhiều kiến nghị của nhân sĩ trí thức, kể cả đại công thần của chế độ như ông Võ Nguyễn Giáp đều bị xếp vào một xó và không bao giờ được trả lời. Kiến nghị thì có thể đáp ứng, tiếp thu nhiều hoặc ít hoặc không tiếp thu, nhưng trả lời cũng còn không có, thế thì nói gì đến đối thoại.
Thôi thì chẳng đối thoại, chẳng tiếp thu kiến nghị nhưng giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của dân họ cũng ì ra. Vì vậy, có những dân oan đi kiện vài chục năm nhưng đơn bị đùn đẩy, chuyển vòng vo, oan khất vẫn oan khuất, chờ chực vẫn chờ chực. Luật quy định lãnh đạo mỗi tháng tiếp dân một hoặc hai lần nhưng thử hỏi có ông nào đến kỳ ra phòng tiếp dân ngồi để đối thoại? Dân chất vấn thì lờ đi, coi như không biết, dân bức xúc biểu tình phản đối thì bỏ vào tù cho khỏi biểu tình nữa.
Ông Võ Văn Thưởng có vẻ rất liều khi nói “không sợ đối thoại.” Đối thoại gần nghĩa với bút chiến. Còn nhớ hồi đầu năm 2013, ông Hồ Quang Lợi, trưởng Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Hà Nội khi ấy (sau làm phó chủ tịch thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam), khoe có 900 dư luận viên sẵn sàng bút chiến (bây giờ thì đông hơn nhiều). “Đáng sợ” hơn cả là là lực lượng “phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh,” nhóm “chuyên gia” tham gia “bút chiến” trên mạng Internet. Nghe mà rùng mình. Ông Lợi cho biết “Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng.”
Bút chiến
Bút chiến cũng là một hình thức đối thoại, chỉ khác nhau là không trực diện tranh luận tay đôi. Bút chiến là một bên nêu ra quan điểm của mình về một sự việc, một vấn đề, một bên phản biện bằng lý lẽ.
Thoạt đầu, khi ông Hồ Quang Lợi thông báo tổ chức nhóm chuyên gia bút chiến trên Internet, cánh blogger và giới còm sĩ hồ hởi lắm, cứ tưởng là sẽ được tranh luận sòng phẳng, thẳng thắn. Thế nhưng qua gần năm năm, hãy xem dư luận viên của ông Lợi bút chiến như thế nào. Những ai tham gia mạng xã hội đều thấy lực lượng dư luận viên đông như giặc. Điều dễ nhận ra là nick của đám này thường là không có bài viết, chỉ có mấy bức hình để đấy và không có thông tin về mình.
Mỗi dư luận viên lại có rất nhiều nick, chặn nick này lại mọc ra nick khác như Phạm Nhan. Còn nội dung bút chiến của họ là gì hãy vào các trang Facebook hay blog của những người đấu tranh thì thấy nhan nhản những câu chửi bới tục tĩu kiểu như “đm mày” “thằng phản động,” “muốn vào tù hả…”
Trời ơi, thế mà gọi là bút chiến sao? Không thấy có comment nào phân tích, bạn nói thế không đúng ở chỗ nào. Còn các blog, các website của dư luận viên thì sao? Lướt qua thấy đầy rẫy những bài viết xuyên tạc, bịa đặt, dựng chuyện, cắt ghép, photoshop hình ảnh để bôi nhọ những người hoạt động dân chủ, nhân quyền. Đi đầu các blog, website kiểu này là trang Việt Nam Thời Báo – vntb.org.
Quả là bút chiến, đối thoại như thế thì cũng hãi thật.
Ngoài ra, nhà cầm quyền còn các kiểu “đối thoại” khác. Đó là kiểu “đối thoại” rất nhanh và kịp thời. Ai chưa tin thì cứ xuống đường mà xem, sẽ được “đối thoại” liền. Công an, trật tự đô thị, thanh niên xung phong đập cho vài người máu me be bét rồi mời về đồn “đối thoại.” Nhiều khi công an còn xông vào tận nhà người đấu tranh, cưỡng bức thậm chí khiêng vứt lên ô tô mang về đồn để “đối thoại.” Tôi cũng đã mười mấy lần được mời “đối thoại” kiểu như thế. Gần đây nhất, ngày 17 Tháng Sáu, Phạm Văn Trội cũng được công an đến nhà bắt đi “đối thoại.”
“Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý.”
Lời ông Võ Văn Thưởng rất hay. Nhưng cách “tranh luận” chụp mũ, chửi bới, cách nhà cầm quyền “đối thoại,” “cọ xát” xưa nay làm ai cũng hãi. Còn “hình thành chân lý” là chân lý gì? Đó là chân lý chỉ có đảng CSVN mới đủ khả năng lãnh đạo đất nước, tất cả đã “có đảng và nhà nước lo.” Lập ra một đảng để đối thoại ắt vào tù.
Ông Thưởng cho biết, Ban Tuyên Giáo Trung Ương đang chờ Ban Bí Thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của đảng và pháp luật của nhà nước.
Có thể sẽ có các cuộc đối thoại theo kiểu các ông bà cứ nói và tôi ghi nhận, nhưng tiếp thu hay không là quyền của tôi. Cũng có thể đối thoại theo kiểu ở tòa án. Luât sư tranh tụng thì cứ tranh tụng. Luật sư đưa ra các lý lẽ bảo vệ thân chủ mà hội đồng xét xử không bác bỏ nổi nhưng vẫn tuyên theo án bỏ túi.
Vì vậy, đừng ngạc nhiên khi không ai tin nhà cầm quyền sẵn sàng đối thoại trên tinh thần lắng nghe và tranh luận đến cùng.