Hồ sơ Rohingya: Ngoại trưởng Mỹ gây sức ép với quân đội Miến Điện

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hồ sơ Rohingya: Ngoại trưởng Mỹ gây sức ép với quân đội Miến Điện

Mai Vân – RFI

mediaNgoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và cố vấn Nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi họp báo chung tại Naypyitaw, ngày 15/11/2017.REUTERS/Aye Win Myint
Ngay sau hội nghị ASEAN tại Philippines, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đến Miến Điện vào hôm nay, 15/11/2017, với mục tiêu gây sức ép lên chính phủ và quân đội nước này nhằm chấm dứt bạo lực ở bang Rakhine. 
Trong chuyến dừng chân một ngày, ngoại trưởng Mỹ muốn tỏ thái độ cứng rắn đối với giới lãnh đạo quân đội Miến Điện, bị quốc tế cho là phải « chịu trách nhiệm về thảm kịch người Rohingya » hiện nay.
Theo chương trình, ngoại trưởng Mỹ có cuộc tiếp xúc kín đầu tiên với lãnh đạo quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, để yêu cầu ông chấm dứt tình trạng bạo lực ở bang Rakhine và cho tiến hành một cuộc « điều tra đáng tin cậy » về các tội ác ở đấy, như ông Tillerson giải thích trước khi lên đường.
Miến Điện, theo ông, đã « tiến bộ nhiều trong những năm qua, và không ai muốn thấy những thành tựu bị xóa bỏ chỉ vì đối sách không thích hợp trước một cuộc khủng hoảng như hiện nay. »
Theo AFP, vào cuối tháng 10, ông Tillerson đã đánh giá « thế giới không thể chỉ đứng nhìn trước những hành vi dã man được nêu lên… »
Quân đội Miến Điện mới đây đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc sau một cuộc điều tra nội bộ và khẳng định là chiến dịch chỉ nhắm vào những phần tử Rohingya nổi dậy. Nhưng tại các trại tị nạn ở Bangladesh, người Rohingya đều nói đến những vụ sách nhiễu, giết người mà họ là nạn nhân.
Theo giới quan sát, Hoa Kỳ và quốc tế hiện nay đang lâm vào một tình thế khó khăn vì muốn giữ một thế cân bằng, không muốn gây sức ép quá lớn đối với bà Aung San Suu Kyi, phân biệt rõ chính quyền dân sự của bà với quân đội.
Washington vừa qua khẳng định tiếp tục hậu thuẫn cho bà và hoan nghênh quyết định của chính quyền cho phép người tị nạn trở về Miến Điện.
Trong cuộc họp báo chung với bà Aung San Suu Kyi hôm nay, ông Tillerson cho là trước mắt, ông không tán đồng các biện pháp trừng phạt mới đối với Miến Điện, và sẽ xem xét rất cận thận vấn đề một khi ông trở về Washington.
Một nhà sư chống người Rohingya bị cầm tù
Cũng tại Miến Điện, một trong những tu sĩ Phật Giáo cực đoan và có ảnh hưởng lớn vừa bị cầm tù và truy tố về tội xúi giục bạo động do ông đã tổ chức biểu tình trước đại sứ quán Mỹ ở Rangoon vào năm ngoái 2016.
Nhà sư Parmaukkha bị câu lưu cuối tuần qua và bị tạm giam trong khi chờ đợi phiên xét xử vào ngày 21/11. Theo AFP, vào hôm qua, 14/11, tòa án Rangoon đã bác bỏ đơn xin tại ngoại hầu tra của nhà sư này.
Tu sĩ Parmaukkha là người sáng lập phong trào cực đoan Mabatha, tổ chức biểu tình vào tháng 4/2016, phản đối Mỹ sử dụng từ ‘Rohingya’ chỉ người Hồi Giáo ở Rakhine. Theo những phần tử Phật Giáo cực đoan, phải gọi họ là người Bangladesh mới đúng. Nhà sư Parmaukkha khi đến tòa án, khẳng định ông chỉ « bảo vệ chủ quyền quốc gia ».