Ray Cromley * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch – Điều khiến ta kinh ngạc nhất là loạt bài xã luận trên một số báo hàng đầu ở Mỹ ca ngợi Hồ Chí Minh đã chết là người quốc gia tận tụy và là nhà ái quốc người Việt.
Theo bất kỳ tiêu chuẩn nào Hồ cũng không phải là người quốc gia yêu nước.
Hồ xuất thân là nhân viên ăn lương của Đệ tam Quốc tế làm việc cho phái bộ Nga ở Quảng Đông. Trong suốt nhiều năm ông tiếp tục cuộc đời hoạt động này ở miền Nam Trung Quốc, sau đấy ở Thái Lan và rồi tại nhiều nơi khác nhau ở Đông Nam Á. Lúc mới đến Quảng Đông vào giữa và cuối thập niên 1920, Hồ kiếm được khá bộn tiền từ việc bán đứng những người Việt quốc gia cho mật thám Pháp. Lấy cớ giúp cho sự nghiệp quốc gia, ông lấy hình của những người Việt trong tổ chức bí mật đang học ở Trung Quốc, kể cả những người được đào tạo ở trường võ bị Hoàng Phố. Rồi Hồ và đồng bọn liên lạc với những sinh viên này. Những ai trở thành cộng sản thì an toàn. Còn những người khác thì Hồ trao hình họ cho người Pháp cùng với những thông tin về địa điểm và thời gian khi mỗi người sẽ vượt biên giới trở lại Đông Dương.
Một trong những vụ phản bội quan trọng nhất của Hồ là vụ phản bội Phan Bội Châu, người được coi là một trong những bậc anh hùng vĩ đại nhất của phong trào quốc gia Việt Nam. Lấy cớ hợp tác và qua mối giao tình với gia đình ngày xưa (Phan Bội Châu từng cố gắng cứu mạng cha của Hồ) Hồ dụ Phan Bội Châu vào cạm bẫy của mật thám Pháp tại khu quốc tế ở Thượng Hải. Lý do biện minh của Hồ là Đảng Cộng sản qua vụ bán đứng này kiếm được rất nhiều tiền.
Vào năm 1946, Hồ ký hiệp ước với Pháp. Theo hiệp ước này Hồ sẽ được cung cấp vũ khí và không bị đàn áp. Đổi lại, Hồ sẽ hợp tác với người Pháp để tố cáo và và tiêu diệt các nhóm quốc gia ở Đông Dương. Hồ giữ lời hứa. Đến tháng Mười, 1946, những người lãnh đạo phe quốc gia đã bị tiêu diệt. Chẳng hạn, trong số gần 70 thành viên quốc gia không cộng sản của quốc hội chính phủ liên hiệp, đến tháng Mười chỉ còn lại ba người. Những người khác đã bị sát hại, bị bắt giam hay bị bắt cóc và mất tích.
Trong cuộc chiến tranh với Pháp, Hồ lại gia nhập vào một liên minh khác. Nhưng khi chiến thắng cận kề, ông bắt đầu thanh trừng những người quốc gia không cộng sản.
Vào năm 1954 hiệp định Geneva với quân đội Pháp, tài liệu mới bây giờ có sẵn cho biết theo lệnh từ Mạc Tư Khoa ông đồng ý để cho Miền Nam vẫn ở trong tay người Pháp. Nếu Hồ cho phép người Pháp một nửa chiến thắng thì theo tường thuật Mạc Tư Khoa nói rằng người Pháp sẽ đồng ý đứng ngoài Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu (European Defense Community), như thế giết chết kế hoạch của John Foster Dulles. Hồ vâng lệnh Mạc Tư Khoa. Người Pháp suýt vào Cộng đồng Phòng thủ Châu Âu.
Sau hiệp định 1954, Hồ tiếp quản Miền Bắc. Ngay lập tức ông bắt đầu cuộc thanh trừng khốc liệt. Đứng đầu trong danh sách thanh trừng là những thành viên của nhiều đảng quốc gia khác nhau.
Hành động của Hồ trong cuộc tấn công vào dịp Tết năm 1968 chứng tỏ rằng con người của ông trước sau vẫn không thay đổi. Tưởng nên nhớ lại rằng trong cuộc chiếm đóng tạm thời một số khu vực ở Huế, binh lính của Hồ đã hành hình độ hơn 3000 nạn nhân vốn đã bị đánh dấu sẵn trong hồ sơ mà cán bộ Cộng sản đã mang theo vào thành phố.
Một số lớn những nạn nhân này là lãnh đạo và thành viên của vài đảng chính trị quốc gia chính ở Miền Nam Việt Nam, những người quốc gia lãnh đạo theo đạo Phật và những người đượm màu sắc quốc gia khác.
Lịch sử này khiến ta thật khó hiểu là làm sao Hồ có thể được coi là người quốc gia hay là nhà ái quốc người Việt. Xét từ tất cả những sự thật có sẵn cho người phóng viên này thì trong suốt cuộc đời trường thành của ông, Hồ chỉ trung thành trước tiên với chế độ toàn trị ngoại bang và luôn luôn trước sau như một hy sinh chính dân tộc mình và chính quyền lợi của quốc gia mình khi dân tộc và quyền lợi dân tộc này xung đột với quyền lợi của Cộng sản Quốc tế.
Nguồn:
Dịch từ báo Washington Daily News số ra ngày 10 tháng Chín, 1969. Bài báo được dân biểu Mỹ Mario Biaggi trình bày trước Hạ Viện Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng Chín, 1969. Bạn đọc có thể đọc nguyên bản ở trang 25205 và 25206.