Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp chỉ trích các nhà lập pháp thân Bắc Kinh cố gắng cấm môn tu luyện này tại Hồng Kông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp chỉ trích các nhà lập pháp thân Bắc Kinh cố gắng cấm môn tu luyện này tại Hồng Kông

10/07/2021 – Hôm 03/07, một số nhà lập pháp thân Bắc Kinh ở Hồng Kông đã nhắm vào môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, thúc giục chính quyền cấm môn này theo luật an ninh quốc gia gây tranh cãi của thành phố.

Lời kêu gọi của họ đã vấp phải sự lên án của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp thành phố, tổ chức này gọi đây là nỗ lực mở rộng cuộc bức hại kéo dài hàng thập kỷ của Trung Cộng đối với môn tu luyện này ra bên ngoài đại lục.

Các học viên Pháp Luân Công tham gia diễn hành ở Hồng Kông vào ngày 27/04/2019 (Ảnh: DALE DE LA REY/AFP/Getty Images)

Sự việc diễn ra vào lúc mà các quyền tự do tại trung tâm tài chính này đã sụt giảm thê thảm do hậu quả việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc vào mùa hè năm ngoái (2020). Kể từ đó, luật pháp, vốn hình sự hóa các hành vi mà chế độ Trung Cộng coi là hoạt động lật đổ, ly khai, khủng bố hoặc thông đồng với các thế lực ngoại quốc, đã được sử dụng để tiêu diệt các lực lượng ủng hộ dân chủ của thành phố này. Hàng chục nhân vật nổi tiếng chỉ trích Bắc Kinh đã bị buộc tội hoặc bỏ tù theo luật này hoặc bởi các tội danh tương tự.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, bao gồm các bài tập thiền định và một bộ các bài giảng về đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện và nhẫn. Môn tu luyện đã bị Trung Cộng đàn áp một cách có hệ thống trong 22 năm qua tại Trung Quốc đại lục, nhưng ở Hồng Kông thì không. Kể từ năm 1999, hàng triệu học viên đã bị giam giữ hoặc bỏ tù, tại đó họ bị tra tấn, ngược đãi, và thậm chí bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu cùng các nơi khác đã thông qua các nghị quyết lên án cuộc đàn áp này. Gần đây nhất vào tháng Sáu, Texas đã chính thức thông qua một nghị quyết nhằm kiềm chế hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng của chính quyền này đối với các học viên Pháp Luân Công, mô tả đó là “tội giết người.”

Nhắm mục tiêu đến Pháp Luân Công

Trong một phiên họp của Hội đồng Lập pháp hôm 07/07, chính trị gia Hồng Kông thân Bắc Kinh Elizabeth Quat tuyên bố rằng nhóm tinh thần này đã tham gia vào việc truyền bá “quan điểm ​​lật đổ” thông qua các hoạt động công khai của họ tại thành phố và kêu gọi chính quyền cấm môn này.

Nhà lập pháp theo đảng thân Bắc Kinh Elizabeth Quat diễn thuyết tại Hội đồng Lập pháp Hồng Kông ở Hồng Kông hôm 07/07/2021 (Ảnh: Sung Pi-lung/The Epoch Times)

Các hoạt động được đề cập đến bao gồm “thiết lập các quầy hàng trên đường phố và tổ chức các cuộc triển lãm, phân phát các ấn phẩm và tiến hành các cuộc diễn hành,” mà bà Quat tuyên bố đã thúc đẩy “tư tưởng chống Trung Quốc.”

Các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông, cũng như nhiều thành phố khác trên thế giới thường phân phát tài liệu cho người qua đường nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại và các vi phạm nhân quyền của Trung Cộng, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của công chúng nhằm chấm dứt cuộc đàn áp này.

Một chính trị gia thân Bắc Kinh khác, ông Hoàng Quốc Kiện (Wong Kwok-kin), đã yêu cầu chính quyền điều tra nguồn tài trợ của Pháp Luân Công và đóng băng tài sản của họ nếu cần thiết.

Đáp lại các câu hỏi này, Bộ trưởng An ninh Hồng Kông Chris Tang cho biết nhà chức trách sẽ điều tra vấn đề này mà không đi vào chi tiết cụ thể.

“Liệu Pháp Luân Công có vi phạm luật an ninh quốc gia Hồng Kông hay không, có rất nhiều cáo buộc trong xã hội. Các cơ quan bảo vệ pháp luật chắc chắn sẽ xem xét kỹ lưỡng. Những cáo buộc này có thể dẫn đến một số thủ tục pháp lý. Vì thế, tôi sẽ không bình luận công khai về một tổ chức riêng lẻ,” ông Tang nói.

“Bất kỳ hành vi nào có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và bất kỳ tổ chức nào tham gia vào các hành vi đó sẽ phải đối mặt với toàn lực của pháp luật, bao gồm cả việc điều tra nghiêm ngặt, thu thập bằng chứng và nếu cần, hành động thực thi sẽ được thực hiện.”

Hoạt động lên án

Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp của thành phố đã tố cáo chiến dịch do các nhà lập pháp thân Bắc Kinh tiến hành.

Cô Sarah Liang, phát ngôn viên của hiệp hội này, nói rằng trong hơn 20 năm qua, các học viên địa phương đã sử dụng các phương thức bất bạo động và ôn hòa để vạch trần cuộc bức hại của chính quyền Bắc Kinh.

Cô bác bỏ các cáo buộc về các hoạt động gây quỹ phi pháp, nói rằng các học viên Pháp Luân Công đóng vai trò là các tình nguyện viên và nói thêm rằng tất cả các sách của môn tu luyện đều có sẵn trực tuyến để có thể tải xuống miễn phí.

Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp cũng được đăng ký hợp pháp tại thành phố này và các học viên được bảo vệ bởi hiến pháp nhỏ của Hồng Kông, trong đó bảo đảm quyền về tự do tín ngưỡng, cô nói.

Cũng trong phiên họp của Hội đồng Lập pháp, một số chính trị gia thân Bắc Kinh bao gồm cả bà Quat đã tìm cách gán một cuộc tấn công ngẫu nhiên của những người đơn lẻ (lone-wolf) gần đây nhằm vào một sĩ quan cảnh sát cho tổ chức Pháp Luân Công địa phương, mà không có bất kỳ bằng chứng nào.

Vào ngày 01/07, một người đàn ông Hồng Kông 50 tuổi đã đâm vào lưng một cảnh sát và sau đó dùng dao tự đâm vào ngực mình. Kẻ tấn công đã được đưa đến bệnh viện nhưng đã tử vong khoảng một giờ sau đó. Viên cảnh sát đã được phẫu thuật để chữa vết thương thủng phổi tại bệnh viện.

Kẻ tấn công là ông Lương Kiến Huy (Leung Kin-Fai), giám đốc mua hàng của công ty nước giải khát địa phương Vitasoy, chưa được cảnh sát hay ai khác xác định là có liên quan đến Pháp Luân Công.

Cô Liang bày tỏ không ngạc nhiên trước những cáo buộc vô căn cứ gán ghép Pháp Luân Công với vụ tấn công bằng dao này.

Trung Cộng “thường sử dụng các cách thức phi lý để xuyên tạc và vu khống Pháp Luân Công,” cô nói, đồng thời nói thêm rằng sự giả dối của các tuyên bố đã tự sáng tỏ.

Theo ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư về Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ ở Sydney, hành động của các nhà lập pháp thân Bắc Kinh là bước đầu tiên trong chiến dịch gây áp lực được tính toán trước nhằm vào Pháp Luân Công.

Ông Phùng nói với The Epoch Times: “Mọi thứ có thể được thực hiện theo quy định của pháp luật. “Nhưng bên dưới đó là một kế hoạch từng bước để làm cho Pháp Luân Công biến mất ở Hồng Kông. Điều này là rõ ràng rành rành.”

Việc một quan chức công khai nhắm mục tiêu vào một nhóm tín ngưỡng mà không có đủ bằng chứng cho thấy “mức độ thiên lệch cao” và là một tín hiệu đáng báo động, ông Tằng Kiến Nguyên (Tseng Chien-yuan), giáo sư tại Đại học Trung tâm Quốc gia Đài Loan và là thành viên hội đồng quản trị của nhóm bất vụ lợi New School for Democracy cho hay.

“Việc này đặt ra câu hỏi liệu người ta có tiến xa đến mức bịa đặt tội ác để buộc tội nhóm này để khiến họ nghe có vẻ nhất quán hay không,” ông Tằng nói với The Epoch Times.

Nhiều năm sách nhiễu

Các học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông từ lâu đã trở thành mục tiêu của các nhóm địa phương được Trung Cộng hậu thuẫn.

Trung Cộng bắt đầu quấy rối các học viên trong thành phố vào khoảng năm 2011 thông qua nhóm bình phong có tên là Hiệp hội Chăm sóc Thanh niên Hồng Kông (HKYCA). Kể từ đó, các thành viên của nhóm này đã nhiều lần phá hoại các quầy thông tin ven đường do các học viên dựng lên hoặc quấy rối các cá nhân quản lý các gian hàng này.

Một quầy thông tin Pháp Luân Công bị phá hoại ở Mong Kok, Hồng Kông hôm 03/04/2021 (Ảnh: chụp màn hình từ video do người được phỏng vấn cung cấp)

Khi các học viên tổ chức các cuộc biểu tình và tuần hành để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại còn tiếp diễn ở Trung Quốc, các thành viên HKYCA sẽ tập trung ở các địa điểm gần đó cố gắng phá rối các sự kiện công cộng này. Vào tháng 01/2016, một thành viên HKYCA được phát hiện tại một khách sạn địa phương nơi tổ chức hội nghị Pháp Luân Công, sau đó sự kiện này đã bị hủy bỏ do một vụ hù dọa đánh bom.

Các học viên cũng đã bị hành hung bởi các thành viên HKYCA hoặc những người liên kết với các nhóm thân Bắc Kinh khác ở Hồng Kông.

Các quầy thông tin ven đường tiếp tục bị nhắm đến trong năm nay, mặc dù HKYCA được cho là đã giải tán vào cuối năm 2020.

Kể từ khi luật an ninh có hiệu lực vào tháng Bảy năm ngoái, các học viên Pháp Luân Công tại thành phố đã bày tỏ lo ngại rằng luật này sẽ được lợi dụng để dập tắt tự do tín ngưỡng. Một số lo lắng về sự an toàn cá nhân của họ, trong khi những người khác lo sợ họ có thể bị tra tấn hoặc cưỡng bức thu hoạch nội tạng như các học viên đại lục.

Bầu không khí chính trị đang thay đổi ở Hồng Kông đã khiến cô Liang gặp khó khăn, cô đã trích dẫn việc buộc phải đóng cửa tờ báo ủng hộ dân chủ lớn nhất thành phố này gần đây và cuộc đàn áp đang diễn ra đối với các nhóm ủng hộ dân chủ.

“Trên thực tế, Hồng Kông còn lại được bao nhiêu tự do?” cô nói.

Do Rita Li thực hiện
Đóng góp bởi Luo Ya và Eva Fu
Thiện Lan biên dịch
Tham khảo
bản gốc từ The Epoch Times

https://etviet.com/hiep-hoi-phap-luan-dai-phap-chi-trich-cac-nha-lap-phap-than-bac-kinh-co-gang-cam-mon-tu-luyen-nay-tai-hong-kong_223463.html