Hiệp định TPP đi về đâu?
Các nhà lãnh đạo của các nước thành viên và các nước đang đàm phán gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh của TPP năm 2010.
Theo VOA blog – Trần Vinh Dự – 10.11.2014
Thắng lợi của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vừa qua, theo giới bình luận, là một cú hích cho TPP. Lý do là, để đàm phán nhanh nhằm kịp tiến độ, Tổng thống Obama cần cái gọi là cơ chế “fast track” – tức là chính quyền của ông có toàn quyền đàm phán, sau đó mới trình Quốc hội. Quốc hội có thể thông qua hoặc không thông qua nhưng không có quyền sửa đổi. Cơ chế này được đưa ra Quốc hội hồi tháng 1 vừa rồi nhưng bị chính lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Harry Reid, thuộc phe Dân chủ của chính Tổng thống Obama, chặn lại. Với việc phe Cộng hòa nắm đa số tại cả hai viện, người ta cho rằng Tổng thống Obama có khả năng sẽ sớm được trao cơ chế fast track, giúp ông thúc đẩy đàm phán và ký được TPP. Đây là điểm sáng hiếm hoi trong hai năm tới của Tổng thống Obama, trong bối cảnh đảng Dân chủ của ông thất thế. Nếu ký được TPP, có lẽ đây sẽ là thành tựu lớn nhất của Obama ở nhiệm kỳ thứ hai xét về mặt kinh tế và ngoại giao. Nhìn rộng ra một chút, TPP ban đầu chỉ có 4 nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore (được gọi tắt là nhóm P4) có hiệu lực từ tháng 05, 2006. Hiện tại, thêm 7 nước đang đàm phán để gia nhập, bao gồm Australia, Malaysia, Peru, Hoa Kỳ, Mexico, Nhật Bản và Việt Nam. Trong bối cảnh các nước vẫn còn rất nhiều bất đồng và nội dung của TPP quá rộng, hiệp định này khó lòng đạt được trong thời gian gần. Thứ nhất, Hiệp định TPP có phạm vi điều chỉnh rất rộng, bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do như trao đổi hàng hoá, các quy định về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền về vấn đề môi trường, lao động, chống tham nhũng… So với các vòng đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đàm phán Hiệp định TPP có phạm vi rộng hơn nhiều. Đàm phán WTO chỉ về thị trường hàng hoá, dịch vụ, một số vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Với phạm vi điều chỉnh, kéo theo tầm ảnh hưởng ở qui mô lớn và phức tạp như vậy, các quốc gia tham gia đàm phán phải tính toán hết sức thận trọng. Thứ hai, trình độ phát triển kinh tế của các thành viên có sự chênh lệch quá lớn. Do sự chênh lệch này, các nền kinh tế đang phát triển muốn được hưởng một số quy chế đặc biệt nhưng rất khó đạt được đồng thuận về các quy chế như vậy. Chẳng hạn như liên quan đến thuế quan, Việt Nam đồng ý đáp ứng quy tắc chung của TPP về việc xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu (trong đó 90% là xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực), nhưng Việt Nam yêu cầu phải có được lộ trình giảm thuế cụ thể. Lý giải cho vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, thuế nhập khẩu bình quân của Việt Nam hiện nay là 13%, trong khi thuế bình quân của Hoa Kỳ khoảng 4%, Nhật Bản là 3% và Australia chỉ hơn 2%. Do vậy, rõ ràng thời gian mức thuế đi từ 1-4% đến 0% ngắn hơn nhiều so với mức 13%. Một lí do khác là những bất đồng giữa Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất trong số các nước tham gia hiệp định, liên quan đến vấn đề tiếp cận thị trường. Nhật Bản muốn đánh thuế nhập khẩu để bảo hộ cho các mặt hàng nông sản như gạo, lúa mì, bơ sữa, đường, thịt bò và thịt lợn, còn Mỹ tìm cách bảo vệ cho các nhà sản xuất xe hơi trước sự cạnh tranh gia tăng đến từ Nhật Bản. Các thượng nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama đưa vấn đề “thao túng tiền tệ” ra bàn bạc tại các cuộc thảo luận về TPP, bắt nguồn từ việc các nhà sản xuất của nước Mỹ (đặc biệt là các công ty sản xuất xe hơi) tức giận vì đồng yen Nhật hạ giá dưới chính sách kinh tế mới của Thủ tướng Shinzo Abe. Nếu chính quyền Obama “đầu hàng” trước áp lực của Quốc hội Mỹ thì tiến trình đàm phán kí kết TPP sẽ khó tiến tới đích theo kế hoạch. Ngoài ra, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ vẫn chia rẽ các nước phát triển và đang phát triển. Một số quốc gia đang tham gia các cuộc đàm phán TPP lại e ngại rằng Hoa Kỳ sẽ sử dụng hiệp định này để áp đặt các quy định về mở rộng về bản quyền và bằng sáng chế đối với các đối tác thương mại nhằm bảo vệ các doanh nghiệp và các nhà sáng chế của nước này. Đây là vấn đề đặc biệt nhạy cảm với các nền kinh tế đang phát triển như Malaysia và Việt Nam.