Hiệp định TPP châm ngòi tranh luận trên mạng ở Trung Quốc
BẮC KINH
Tin cho hay Hoa Kỳ, Nhật Bản và 10 quốc gia khác ở vành đai Thái Bình Dương đã chung quyết thỏa thuận Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương đã châm ngòi cho một số suy ngẫm trên mạng ở Trung Quốc về nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới và lý do vì sao nền kinh tế này lại không nằm trong hiệp ước khu vực lớn nhất hoàn cầu này.
TPP, nhắm mục tiêu nâng cao các tiêu chuẩn thương mại, chấm dứt hơn 18.000 sắc thuế và mở rộng Internet, ngay cả ở nước Việt Nam cộng sản, được coi là một bước chủ yếu trong các nỗ lực của Washington muốn tái quân bình sự hiện diện kinh tế của họ tại châu Á.
Cho đến giờ này, Trung Quốc đã bị gạt ra ngoài những cuộc thảo luận, nhưng Bắc Kinh lâu nay vẫn đóng một vai trò trong các nỗ lực quảng bá cho thỏa thuận. Tổng thống Barack Obama nhắc lại tình cảm đó hôm thứ Hai trong một thông cáo về thỏa thuận.
Tổng thống Obama nói: “Khi hơn 95% những người có thể là khách hàng của chúng ta sống bên ngoài biên giới của chúng ta, thì chúng ta không thể để cho những nước như Trung Quốc viết ra những luật lệ của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta phải viết ra những luật lệ đó, mở ra các thị trường mới cho sản phẩm của Mỹ trong khi định ra những tiêu chuẩn cao cho việc bảo vệ công nhân và bảo toàn môi trường của chúng ta.”
Đối với một số người, các nhận định của Tổng thống chỉ là lời xác nhận mới nhất rằng mục tiêu chủ chốt của thỏa thuận là đem lại lợi thế cho Washington trong khu vực và gạt Trung Quốc ra một bên. Một bài viết của báo Global Times được đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn nói về thỏa thuận mang tựa đề là “Hoa Kỳ, Nhật Bản và 10 Quốc gia Khác Thiết lập một Khối Kinh tế Khổng lố để đối đầu với Trung Quốc.”
Tự giam mình, hay bị gạt ra ngoài?
Một bài viết khác của Tân Hoa Xã lập luận rằng cánh cửa mở vào TPP không thể đóng lại với Trung Quốc mãi mãi. Bài báo trích dẫn lời nhà khoa học chính trị nổi tiếng Dương Hy Vũ nói rằng mặc dầu TPP xuất hiện ngay ở ngưỡng cửa của Trung Quốc và để Trung Quốc đứng ngoài, sự kiện này chỉ mang tính cách tạm thời.
Ông Dương nói: “Về lâu về dài, nếu nhắm mục tiêu tiếp tục sự phát triển, thì chắc chắn cơ quan này sẽ mở cửa cho Trung Quốc.”
Những nơi mà một số người nhìn thấy Trung Quốc bị gạt ra ngoài, thì những người khác lại nói chính Bắc Kinh đã tự đóng cửa lại.
Một nhà bình luận ở tỉnh Quảng Đông miền nam Trung Quốc nói: “Các quốc gia gia nhập TPP có các hệ thống chính trị đã cam kết tôn trọng nhân quyền, dân chủ, pháp trị, và các giá trị phổ cập…Bạn có nghĩ rằng Trung Quốc có thể đưa ra một lời cam kết như thế?”
Trên trang mạng xã hội Weibo, một người khác nêu ra điểm Trung Quốc dựng lại quá nhiều rào cản, như cô-ta định cho các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, khiến Trung Quốc không có cách nào tham gia được.
Bài báo đăng nêu câu hỏi: “Làm thể nào các nước khác có thể cạnh tranh với Trung Quốc bởi vì họ không thể làm cách gì khác là chờ đợi bạn đổ những sản phẩm rẻ tiền ồ ạt vào họ, những sản phẩm được chế tạo ở các nhà máy bóc lột sức lao động? Trung Quốc không chịu nhượng bộ chút nào. Không ai có thể bị quy trách về sự tự cô lập của Trung Quốc.”
Nhiều người lo ngại về tác động mà việc thiếu sự tham gia của Trung Quốc có thể gây ra, với một lời cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đối mặt với “một cái chết từ từ trước mắt nếu không tham gia TPP.”
Những người khác gợi ý rằng thỏa thuận có tác dụng như một lời cảnh báo xấu rằng đây là khởi đầu cho sự kết thúc của Trung Quốc trong tư cách là cơ xưởng của thế giới. Một số người cho rằng thỏa thuận có thể thúc nhanh thêm việc dời chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Một người thậm chí cho trích dẫn một câu nói được nhiều người ưa chuộng trong chương trình truyền hình “Game of Thrones” cảnh báo rằng “mùa đông sắp đến” đối với nền kinh tế lớn hàng thứ nhì trên thế giới.
Các điểm gây sức ép
Một số người nói áp lực mà TPP sẽ đè lên Trung Quốc thực ra là một điều tốt, và lập luận rằng nó có thể thúc đẩy chính phủ Trung Quốc cải thiện thành tích nhân quyền và sự minh bạch trong quản trị của họ.
Một bài viết nói: “Hãy nghĩ về những điều hay mà WTO đã làm đối với Trung Quốc để tự cải thiện.”
Ông Chung Vĩ Luân, một giảng viên kỳ cựu tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Sách lược ở Singapore, nói thỏa thuận khiến cho Trung Quốc không còn mấy chọn lựa ngoài việc thúc đẩy các cải cách khá ráo riết.
Ông Chung nói: “Trung Quốc sẽ phải đưa ra một số quyết định đau lòng về những gì phải làm để nới lỏng hay thiết lập những cải cách trong một số khu vực được đòi hỏi để có thể được phép vào TPP.”
Theo ông, liệu Trung Quốc có thể làm điều đó hay không thì là điều kém chắc chắn hơn.