Hiểm họa được “chuẩn bị”
6-11-2017
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tuyên bố: ‘”Chúng ta đang phải đối mặt với hiểm họa có thể lớn nhất từ trước đến nay.” Ông Cường nói không sai nhưng thiếu. Chúng ta “chuẩn bị” rất tốt cho hiểm họa.
Trong các yếu tố về bão lụt thì yếu tố khách quan mang tên các cơn bão là khó tránh. Nhưng lũ lụt lại là một câu chuyện khác.
Có một điều liên quan đau lòng giữa thủy điện và phá rừng đến lũ lụt. Làm thủy điện là phải “hy sinh” rừng. Phá rừng do lâm tặc và phá rừng “nhân danh phát triển” đã thúc đẩy lũ lụt đến nhanh, mạnh và khủng khiếp hơn. Chúng cũng thúc đẩy các biệt phủ sừng sững mọc lên nhiều hơn. Và năm nào cũng có người chết bất chấp các cảnh báo trước đó.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cảnh báo, khu vực Bắc Trung Bộ, hồ chứa lớn đã đầy 70-90%, hồ chứa nhỏ 100% đã đầy nước. Nam Trung Bộ hồ chứa cũng trong tình trạng đầy 80-100%, mực nước và lưu lượng tăng rất nhanh, vài ngày nữa 100% các hồ sẽ đầy nước. Đầy nước thì phải xả…
Xin tiết lộ 1 chuyện đau lòng: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương, các chủ hồ thủy điện có trách nhiệm thường xuyên cung cấp các dữ liệu về Trung ương, Ban chỉ huy các địa phương, vì vận hành liên hồ đã giao Chủ tịch UBND tỉnh. Để có quy trình vận hành liên hồ mới có gần đây (điều mà thế giới đã làm rất lâu), hàng trăm nhà báo và nhà khoa học với cả chục nghìn bài viết cảnh báo suốt gần 2 thập niên.
Tất cả đều đúng quy trình trên giấy! Còn trên thực tế, hàng trăm người chết, cả chục ngàn tỉ đồng trôi theo bão lũ trong 1 thâp niên trở lại đây.
Khi xài 1 món đồ gỗ, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu cái cây nhỏ có bộ rễ sâu 1m có thể hút nước 3m xung quanh và tán lá thì giảm tốc độ rơi của mưa. Huống hồ những cây gỗ lớn có bộ rễ sâu nhiều m với tán lá vài chục m2. Nhìn rộng hơn, nếu không biết yêu thiên nhiên và sống hài hòa với nó, thì sẽ có ngày nhận được sự “phán xét” của thiên nhiên.
Một yếu tố khác: Nhân dân nào, chính quyền đó. Khi người dân còn không biết/dám lên tiếng về sự sai trái của những cá nhân, tập thể lãnh đạo nơi mình sống thì cũng đừng than thở cho số phận của mình. Kể cả những người hay im lặng thu vén cho riêng mình, rồi cũng có ngày phải nhận hậu quả.
Những điều vừa nêu đâu có khác gì quá trình “chuẩn bị” cho hiểm họa sẽ đến? Và có nhiều hiểm họa đâu phải chỉ là bão lũ!
baotiengdan.com/2017/11/06/hiem-hoa-duoc-chuan-bi