Hậu giàn khoan

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hậu giàn khoan

Theo Quê Choa

 Nguyễn Xương Hùng/ Thông luận 
Ông Đặng Xương Hùng
“…Chưa bao giờ lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam đứng trước áp lực cần phải  thay đổi lớn như hiện nay. Mọi thay đổi phải bắt nguồn từ thay đổi tư  tưởng, thay đổi cách suy nghĩ và đánh giá sự việc. Liệu các nhà lãnh đạo hiện nay có đủ nghị lực để chiến thắng được chính mình, chiến thắng  được ràng buộc về lợi ích cá nhân, phe nhóm…”

 Trung quốc tuyên bố đã rút giàn khoan. Tình thế thúc ép lãnh đạo Việt Nam  phải đưa ra một quyết định dứt khoát, tạm thời lắng xuống. Nhưng với  những ai đang quan tâm đến vận mệnh của đất nước, đặt ra một câu hỏi:  triển vọng tình hình Việt Nam hậu giàn khoan sẽ ra sao? Hầu hết đều mong mỏi, khi đã được bình tâm, giới lãnh đạo sẽ đánh giá lại toàn bộ sự  kiện, điều chỉnh chính sách để có được những quyết sách phù hợp, đưa  Việt Nam ra khỏi vòng luẩn quẩn 25 năm thời kỳ đô hộ kiểu mởi của Trung  quốc. Đây là một cơ hội.
Hai mươi lăm (25) năm sau lựa chọn “giải pháp đỏ” Thành Đô, giàn khoan đã  cho một cơ hội, cơ hội cho những ai dù kém cỏi nhất cũng nhìn ra bộ mặt  thật của mưu đồ Đại Hán. Nói đúng ra, Trung quốc đã không còn giấu giếm  tham vọng bành trướng của mình. Quan sát cách mà lãnh đạo cấp cao Việt Nam đánh giá lại tác động của Thành Đô, xem  xét lại cách đối xử với Trung Quốc, chúng ta có thể phán đoán ttương lai của đất nước sẽ đi về đâu.
Thành Đô và hậu quả của nó.
Sự  kiện giàn khoan nằm trong tiến trình tất yếu sẽ xảy ra trong chuỗi  chính sách Trung quốc áp đặt lên Việt Nam sau Hội nghị Thành Đô tháng  9/1990. Đó là, không ngừng lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải; không ngừng tác  động vào giới lãnh đạo cao nhất của Việt Nam; không ngừng dùng mọi biện pháp về ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế và văn hóa, đưa Việt  Nam vào sự lệ thuộc hoàn toàn và cuối cùng là âm mưu sát nhập Việt Nam  vào với Trung Quốc.
Cần nhắc lại rằng “giải pháp đỏ” Thành Đô là kết quả của ảo tưởng trong  giới lãnh đạo thời bấy giờ khi bị sa lầy ở Cămpuchia và của nỗi sợ hãi  khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đang dần sụp đổ hoàn toàn. Ảo  tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ XHCN (thay thế cho Liên Xô đã  sụp đổ) để làm chỗ dựa cho CNXH ở Việt Nam, chống lại “diễn biến hòa  bình” của Mỹ. Trong khi lãnh đạo Việt Nam nuôi kỳ vọng Trung Quốc “bảo  vệ XHCN chống đế quốc” thì ngay từ đầu, giới lãnh đạo Trung Quốc đã xác  định rõ “thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đấu” (thân  nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau).  Nhưng trong bước đường cùng, giới lãnh đạo Việt Nam lúc đó đã hàng phục  Trung Quốc không điều kiện, chuyển từ thế coi Trung Quốc là kẻ thù số 1  sang thế làm chư hầu ngoan ngoãn, đưa đất nước vào “thời kỳ độ hộ mới  của Trung Quốc”.
Kết quả sau 25 năm đó là: một Việt Nam “muốn” làm bạn với tất cả các nước,  nhưng chẳng còn ai là bạn; một chế độ “hèn với giặc, ác với dân” bị trói chặt vào sự lệ thuộc hoàn toàn vào phương Bắc bởi vòng kim cô “4 tốt,  16 chữ vàng”; một Việt Nam đón Tập Cận Bình bằng cờ đỏ một sao lớn, 5  sao nhỏ; một Bộ Ngoại giao phải triển khai thực hiện chỉ thị từ một tỉnh của Trung Quốc ( tỉnh Quảng Đông), một Việt Nam lấy biển đảo, lãnh thổ  để gán nợ, trả phí bảo đảm an toàn cho cuộc thí nghiệm điên rồ “100 năm  nữa chưa chắc đã có xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, một Việt Nam giam hãm  90 triệu con tim khát khao tự do, giam hãm tầng lớp trí thức, những cá  nhân vẫn còn tầm, còn tâm, không để họ có thể vươn ra được với văn minh, dân chủ bên ngoài.
Giàn khoan và tác động của nó
Giàn khoan có tác dụng thăm dò dầu khí. Nhưng lần này người Trung Quốc đưa  giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam có thêm tác dụng để thăm dò lòng  người. Đặc biệt là thăm dò thái độ của lãnh đạo cao cấp Việt Nam, đã  xuất hiện những dấu hiệu “chập chững” muốn “xoay trục”. Nhưng tác dụng  lớn nhất của nó mà chúng ta phải cảm ơn, đó là nó đã tạo cơ hội để nhiều sự thật trong quan hệ Việt-Trung bị phơi bày, để tham vọng lấn chiếm  Biển Đông của Trung Quốc không còn muốn giấu diếm thêm nữa.
Đầu tiên, giàn khoan đã chứng tỏ khả năng chịu nhịn nhục của lãnh đạo Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc vẫn còn.   
Ngày 2/52014, Trung Quốc ngang nhiên hạ giàn khoan. Khắp nơi sôi sục, mong  đợi giới lãnh đạo cấp cao tỏ thái độ rõ ràng. Không một ai lên tiếng.  Thậm chí, ngày 8/5/2014, Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khai mạc, không  một lời bàn về Biển Đông, lại bàn chủ đề lãng nhách “xây dựng và phát  triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Ngoài biển, các chiếc tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc uy hiếp, hình ảnh kiềm  chế đến nhẫn nhục của thủy thủ Việt Nam. Trong đất liền, các cuộc họp  báo với những phản ứng yếu ớt, được lập đi lập lại, có cao hơn bình  thường nhưng được giữ nguyên ở một mức độ. Không hề có một tuyên bố của  Bộ Ngoại giao chứ chưa nói đến một Tuyên bố của Chính phủ. Trong khi  trong nước phản ứng nhạt nhòa, thì người phát ngôn BNG lại kêu gọi Mỹ và EU cần lên tiếng mạnh mẽ.
Ngày 31/5/2014, tại Hội nghị Shangri La, Đại tướng Phùng Quang Thanh, người  đứng đầu Quân lực Việt Nam XHCN, nhũn nhặn tuyên bố “Quan hệ giữa Việt  Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp” và so sánh xung đột hiện nay trên Biển Đông với “mâu  thuẫn gia đình”. Thế đấy, kẻ đang xâm phạm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam vẫn là bạn?
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trấn an, cam kết tự khóa mình bằng  tuyên bố: “Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác” và “Việt Nam không bao giờ đơn phương sử dụng  biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ  khi bị bắt buộc phải tự vệ”.
Tất cả những diễn biến trên, dường như muốn gửi đi một thông điệp: “Trung  Quốc nên hoàn toàn  \yên tâm, Việt Nam chưa thay đổi, cứ bình tĩnh mà  đặt giàn khoan, miễn là không có chiến tranh”.
Cuối cùng, nó đã rút, rút trước thời hạn. Vì nó đã hoàn thành nhiệm vụ, vì  nó đã nhận được đúng thông điệp. Vì Mỹ đã lên tiếng. Và vì tính toán  đừng quá già néo, đẩy Việt Nam vào đường cùng, sẽ sụp đổ, Trung Quốc sẽ  sụp đổ theo.
Kế đến, giàn khoan đã phát hiện “hội chứng Nguyễn Cơ Thạch” vẫn có tác dụng.
“Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch” có thể diễn giải là chính sách của Trung Quốc  khống chế lãnh đạo cao cấp Việt Nam, áp đặt bố trí nhân sự trong lãnh  đạo đảng và nhà nước, dùng các biện pháp trấn áp, bắt bớ, đe dọa, gạt bỏ  những người có tư tưởng chống đối lại Trung Quốc.
hoinghithanhdo01 Hội Nghị Thành Đô
Sau Hội nghị Thành Đô, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, đã trở thành  “vật tế thần”, để đổi lấy bình thường hóa quan hệ hai nước. Tạp chí Times thời bấy giờ đã có bức biếm họa ngoài bìa vẽ ông Thạch làm thành một  cái cầu để hai nhân vật lãnh đạo hàng đầu hai nước đứng trên đó bắt tay  nhau bình thường hóa quan hệ.
Trước khi có giàn khoan, một loạt các nhân vật như Cù Huy Hà Vũ, Đinh Đăng  Định, các thanh niên như Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên bị kết án  rất nặng vì chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông. Các cuộc biểu tình  chống Trung Quốc, kỷ niệm ngày mất Hoàng Sa, ngày chiến tranh biên giới  phía Bắc đều bị phá đám và dẹp bỏ nhanh chóng.
Ngay sau khi giàn khoan hạ đặt, ngày 5/5/2014, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bị  bắt khẩn cấp. Vì “từ khi khởi đầu đến nay đều ưu tiên cho những thông  tin về Trung – Việt, cảnh báo và phản đối những hành động xâm phạm chủ  quyền Việt Nam của Trung Quốc”.
Diễn biến rõ nhất về “hội chứng Nguyễn Cơ Thạch” là chuyến đi của Ủy viên  Quốc vụ Dương Khiết Trì được báo chí Trung Quốc mô tả như một người thầy kiên nhẫn đến để xử sự với một học trò cứng đầu cứng cổ, như một món  quà của Trung Quốc, nhằm tặng cho Việt Nam một cơ hội nữa để “tự kiềm  chế trước khi quá muộn”. Tờ báo Hoàn Cầu còn viết: Nói chuyện với Việt  Nam, Trung Quốc “thúc giục đứa con hoang đàng hãy trở về nhà”. Có vẻ như  họ Dương đến Hà Nội không phải để đối thoại thực sự, mà chỉ để giảng  bài. Y như Từ Đôn Tín đến Hà nội thời Thành Đô, tuyên bố “Lần này tôi  sang Hà nội để xem xét nguyện vọng của các đồng chí..” Từ cho phép mình  mắng ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, khi ngoại trưởng ta đáp trả vỗ mặt  thì Từ nổi giận bỏ về.
Thế  rồi sau đó, người đối thoại chính với Dương Khiết Trì là Bộ trưởng  Ngoại giao Phạm Bình Minh, không đi Mỹ như lời mời và kế hoạch đã định  từ phía Mỹ, mà thay đó bằng Bí thư Hà nội Phạm Quang Nghị. Nó hao hao  giống và làm người ta nhớ lại câu chuyện tại Hội nghị Paris, ngoại  trưởng Nguyễn Cơ Thạch xin gặp ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Thâm và  được trả lời rằng không có thì giờ tiếp Nguyễn Cơ Thạch, nhưng thứ  trưởng Trần Quang Cơ muốn gặp thì đồng ý.
Sau rốt, giàn khoan cho thấy chiều hướng kiện Trung Quốc ra trọng tài quốc  tế là rất thấp trong khi đó khả năng tiếp tục “gác tranh chấp cùng khai  thác” có vẻ lớn hơn nhiều.
Ở  một thời điểm nào đó, trong giới lãnh đạo Việt Nam đã nảy sinh tư  tưởng, Hoàng Sa và một phần Trường Sa mất thì đã mất rồi, không có thể  đòi lại được nữa, thà rằng chiều theo lời gạ gẫm của Trung Quốc “gác  tranh chấp, cùng khai thác” thì còn thu về lợi ích gì đó, chứ cứ tiếp  tục khẳng định chủ quyền có khi không có lợi mà còn gây lo ngại cho các  nước khác đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Tư  tưởng này ảnh hưởng không nhỏ đến các thỏa thuận hai bên, trong các  chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tháng 10-2011  và của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tháng 6-2013, thống nhất chủ  trương các tranh chấp về chủ quyền được giải quyết thông qua các cuộc  đàm phán song phương giữa các bên liên quan trực tiếp. Ký “Thỏa thuận về  nguyên tắc cơ bản chỉ đạo về giải quyết các vấn đề trên biển”; “Thiết  lập đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng chương trình hành  động”; “Xử lý thỏa đáng bất đồng nhất là trên biển”, không để bất đồng  ảnh hưởng các mặt hợp tác giữa hai nước, cũng như tình hữu nghị giữa hai nước, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông phù hợp với lợi ích cơ bản  của hai nước. Tăng cường đàm phán, nhóm công tác về vùng biển cửa Vịnh  Bắc Bộ và nhóm chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm  trên biển Việt Trung. Thiết lập đường dây nóng Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc  phòng hai bên.
Những thỏa thuận này vẫn còn nóng hổi khi giàn khoan được đưa vào. Nó gây khó chịu đôi chút cho lãnh đạo Việt Nam bởi sự lọc lừa, ngang ngược của  Trung quốc, chứ các thỏa thuận nóng hổi này đủ sức khóa chặt miệng các  vị vì lợi ích “đại cục” và vì quyền lợi sát sườn của bản thân.
Khi tình hình căng thẳng như dây đàn, Việt Nam không nhanh chân kiện Trung  Quốc ra tòa án quốc tế như Philippines đã làm, thì sau khi giàn khoan đã rút, khí thế đã nguội lạnh, một đề án kiện Trung Quốc để được thông qua Bộ Chính trị lúc này càng khó khăn hơn. Các dấu hiệu phân rẽ các phe  sau giàn khoan rõ nét hơn nhiều.
Thậm chí, ngay sau khi giàn khoan được rút đi, Đại sứ, Trưởng phái đoàn  thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Lê Hoài Trung tuyên bố : Việt  Nam sẵn sàng xem xét những khả năng hợp tác với Trung Quốc trong hoạt  động thăm dò dầu mỏ trên Biển Đông.
Triển vọng tình hình Việt Nam hậu giàn khoan sẽ ra sao?
Áp lực và mong mỏi của dư luận
Trong nước, ngày 28/7/2014 vừa qua, 61 đảng viên được nhiều người biết đến,  đã ký tên vào bức thư ngỏ gửi cho Ban chấp hành Trung ương và toàn thể  đảng viên đảng cộng sản Việt Nam.
Thư  ngỏ yêu cầu đảng cộng sản Việt Nam phải “tự giác và chủ động thay đổi  Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế  chính trị từ toàn trị sang dân chủ”. “Tổ quốc đang lâm nguy đồng thời  đứng trước cơ hội lớn để thay đổi!”, “Bỏ lỡ cơ hội này là có tội với dân tộc!”. Thư ngỏ còn yêu cầu “minh bạch hóa thỏa thuận Thành Đô”.
Từ  khi có giàn khoan, dư luận đã rộ lên bàn về cách “thoát Trung”, về tìm  kiếm đồng minh, xây dựng một mối quan hệ tin cậy với nước Mỹ và phương  Tây, đủ sức chống chọi lại với Trung Quốc. Bên cạnh đó, những đòi hỏi về  cải thiện dân chủ và nhân quyền trong nước ngày một lên cao. Phong trào  đòi thả tự do cho các tù nhân lương tâm, tố cáo tra tấn tù nhân, tố cáo lực lượng an ninh trấn áp và đánh đập dân thường, phong trào dân oan  đòi đất liên tục không mệt mỏi. Chứng tỏ người dân đang quyết tử khi lợi ích sống còn cuối cùng của họ bị xâm phạm.
Khi xã hội hiện tại đang đầy rẫy những bất công, tệ nạn xã hội ngày càng  phát triển, văn hóa và quan hệ con người xuống cấp trầm trọng thì nhiều  người đang nuối tiếc chế độ Việt Nam Cộng hòa. Lúc này đây, người ta  đang làm những con phép so sánh và cái tên Việt Nam Cộng hòa ngày càng  được nghe thấy công khai hơn. Chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa” được sự  hưởng ứng rộng rãi và cao thượng cả trong và ngoài nước.
Ở  ngoài nước, dư luận có phần khắt khe hơn. Thoát Trung trước tiên phải  thoát cộng. Người ta thường hỏi nhau: bao giờ thì cộng sản sụp đổ. Một  điều rõ nét là đồng bào hải ngoại đã ngày càng đồng cảm và trợ giúp rất  hào phóng, đắc lực cho các phong trào trong nước. Sự liên thông giữa bên trong và bên ngoài đã khác xa những năm trước đây.
Sự  khắt khe của dư luận bên ngoài nước còn biểu hiện ở chỗ. Họ coi chính  quyền trong nước không đủ năng lực để điều hành đất nước, ngày càng quay lưng lại với nhân dân, hơn nữa không phải do dân bầu ra, dẫn tới việc  người ta đang mập mờ nói tới việc thành lập chính phủ lưu vong đối lập  với chính quyền trong nước.
Khả năng đáp ứng của lãnh đạo đảng và nhà nước.
Chưa bao giờ lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam đứng trước áp lực cần phải  thay đổi lớn như hiện nay. Mọi thay đổi phải bắt nguồn từ thay đổi tư  tưởng, thay đổi cách suy nghĩ và đánh giá sự việc. Liệu các nhà lãnh đạo hiện nay có đủ nghị lực để chiến thắng được chính mình, chiến thắng  được ràng buộc về lợi ích cá nhân, phe nhóm. Có đủ can đảm để đưa ra  công khai những thỏa thuận sai lầm trong quá khứ. Một khi đã nhận sai  lầm, minh bạch hóa nó, không phải bỏ công để che giấu và bao bọc nó.  Canh bạc đã thua, càng ham gỡ, càng thua. Hãy từ bỏ nó, chơi một cuộc  chơi mới. Một bài toán phải giải theo cách khác mới có một kết quả mới  khác trước.
Hãy từ bỏ trò chơi cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Ta chỉ đủ  khôn lỏi, chứ không đủ khôn ngoan và không đủ lực để tiếp tục đánh đu  trong quan hệ với hai nước lớn này. Không dễ gì đạt được TPP và không có cải thiện dân chủ và nhân quyền trong nước. Không dễ gì lúc nào cũng  muốn hưởng sự bao che của Trung Quốc mà không phải trả giá của sự lệ  thuộc nhẫn nhịn. Hãy chìa tay ra để dựa vào sự hỗ trợ rất nhân bản của  nước Mỹ đưa đất nước dần một đi lên và lúc đó câu chuyện quan hệ với ông láng giềng bất hảo phương Bắc sẽ dễ đi rất nhiều.
Bài học Miến điện là bài học dễ học nhất