Nam Hàn vinh quang ghi nhận ba kỷ lục thương mại trong năm 2014
Theo KBS World – 2015-01-02
Cán cân thương mại của Nam Hàn trong năm 2014 đã thặng dư lớn nhất trong lịch sử là 47,4 tỷ USD. Không chỉ vậy, với kim ngạch nhập khẩu cũng lập kỷ lục mới, Nam Hàn năm thứ tư liên tiếp đạt quy mô giao dịch hơn 1000 tỷ USD. Đặc biệt, từ tháng 2 năm 2012, Nam Hàn đã không một lần bỏ lỡ thặng dư thương mại, tức tính đến nay, Nam Hàn đã thặng dư tháng thứ 35 liên tiếp.
Do giá dầu quốc tế giảm, xuất khẩu hóa dầu cũng giảm theo, nhưng xuất khẩu các sản phẩm thép, điện thoại di động và đóng tàu, vốn là những mặt hàng chủ lực của Nam Hàn, đã kéo tổng giá trị xuất khẩu của nước này trong năm 2014 đi lên. Nền kinh tế Mỹ hồi phục đã khiến xuất khẩu của Nam Hàn sang thị trường này tăng mạnh. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Cộng chậm lại đã làm giảm xuất khẩu của Nam Hàn sang nước này. Tương tự, xuất khẩu sang Nhật Bản cũng giảm do ảnh hưởng từ việc đồng yen Nhật mất giá.
Trước đó, Seoul đã đưa ra dự đoán rằng trong năm 2014, xuất khẩu các ngành cơ khí, chíp bán dẫn, đóng tàu sẽ tăng mạnh, xuất khẩu ô tô và máy tính tăng nhẹ, trong khi các ngành hóa dầu, điện thoại di động sẽ chững lại.
Với những con số tốt lành từ giá trị xuất khẩu, các chuyên gia tính toán rằng cán cân vãng lai của Nam Hàn trong năm 2014 sẽ thặng dư khoảng 90 tỷ USD, hoặc có thể lên tới 100 tỷ USD do ảnh hưởng từ giá dầu quốc tế giảm. Nếu quả thực con số này lên tới 100 tỷ USD như dự tính của các chuyên gia thì Nam Hàn sẽ là một trong năm quốc gia trên thế giới đạt mốc thặng dư cán cân vãng lai trên 100 tỷ USD như Đức, TC, Ả-rập Xê-út và Thụy Sĩ. Thành quả thương mại này của Nam Hàn càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đồng yen Nhật tiếp tục rớt giá và xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Nam Hàn chững lại.
Quy mô thặng dư vãng lai càng lớn đã tạo ra một chỗ dựa vững chắc cho kinh tế Nam Hàn khi thị trường tài chính toàn cầu bất ổn. Đây còn được hiểu là nền kinh tế Nam Hàn đã có thể tự vượt qua được khủng hoảng tài chính quốc tế. Tuy nhiên, một số khác lại bi quan cho rằng thặng dư cán cân thương mại có được gần đây là do xuất khẩu giảm ít trong khi nhập khẩu giảm mạnh, là loại hình thặng dư trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Có nghĩa thặng dư này đạt được không phải do giá trị xuất khẩu tăng mà do ảnh hưởng giá dầu quốc tế giảm kỷ lục hoặc do xuất khẩu giảm ít trong khi nhập khẩu giảm mạnh. Ngoài ra, cũng có ý kiến lo ngại rằng, thặng dư này là do sự chững lại của tiêu thụ nội địa. Do đó, nếu tình hình thặng dư do cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm này tiếp diễn thì nó có thể sẽ dẫn tới những nguy cơ khác.
Các chuyên gia cho rằng Chính phủ Nam Hàn không nên tự hài lòng với kết quả này mà cần đối phó chặt chẽ, lấy kinh nghiệm điển hình là Nhật Bản đã từng ghi nhận thặng dư cán cân thương mại trong thời kỳ khủng hoảng, sau đó nền kinh tế nước này đã rơi vào trì trệ kéo dài.