Các địa phương “bị cấm” gồm hai huyện Nghi Lộc, Nam Đàn, và thị xã Cửa Lò, thuộc tỉnh Nghệ An; hai huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, và thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; hai huyện Nghi Xuân và Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình; và huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Lao Động và Doanh Nhân Sài Gòn tường thuật.
Chúng tôi được biết công ty môi giới lao động họ thu phí rất cao. Do đó, người lao động có số tiền thu nhập và số tiền họ bị trừ để trả phí môi giới thì còn lại không đáng bao nhiêu, nên họ phải trốn, làm ngoài để có lương cao hơn. – Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ
Đây là những địa phương có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 28% trở lên, và có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 53 người trở lên, hai báo dẫn lại Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cho hay.
Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ xác nhận với VOA rằng tình trạng người Việt đi lao động ở Hàn Quốc và một số nước khác rồi bỏ trốn là “khá phổ biến”, làm xấu hình ảnh và uy tín của Việt Nam.
Ông Ngữ, chủ tịch tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, phân tích rằng một phần lý do của việc bỏ trốn là người lao động nhận thấy khó có việc làm khi trở về quê nhà, ngoài ra, họ bị áp lực kiếm tiền để trả nợ cho khoản phí môi giới. Ông nói với VOA:
“Chúng tôi được biết công ty môi giới lao động họ thu phí rất cao. Do đó, người lao động có số tiền thu nhập và số tiền họ bị trừ để trả phí môi giới thì còn lại không đáng bao nhiêu, nên họ phải trốn, làm ngoài để có lương cao hơn. Hoặc trốn ở lại sau khi hết hợp đồng. Cũng có lỗi của nhà cầm quyền địa phương khi để cho công ty môi giới thu phí quá cao mà không can thiệp”.
Báo chí Việt Nam trong những năm qua nhiều lần tường thuật cho biết rằng để có thể đi làm việc ở nước ngoài, thường là các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, một số nước Trung Đông, v.v…, người lao động Việt phải trả phí môi giới “từ trên 100 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng”.
Nhìn chung, những người đi “lao động xuất khẩu” phải vay mượn để trang trải cho chi phí này.
Theo nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ, nạn thu phí cao sẽ “không bao giờ hết” vì nó gắn với nạn tham nhũng ở Việt Nam. Ông lý giải với VOA:
“Đây là mảnh đất béo bở của những công ty môi giới lao động. Những công ty này là ‘sân sau’, hoặc có sự hỗ trợ của các quan chức cao cấp của chế độ cộng sản. Tôi cho là không bao giờ giải quyết được vấn đề này, một khi còn chế độ cộng sản”.
5 tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình có các địa phương bị Hàn Quốc cấm xuất khẩu lao động cũng chính là các tỉnh có phần lớn trong số 39 di dân lậu thiệt mạng trong vụ “buôn người” bằng xe container từ Pháp sang Anh, gây chấn động thế giới hồi tháng 10/2019.
Chủ tịch tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền Vũ Quốc Ngữ nhận định với VOA rằng các tỉnh miền trung có đông người đi lao động ở nước ngoài, cả theo con đường chính thức lẫn bất hợp pháp, là vì khu vực này có điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập bình quân thấp hơn mức trung bình của cả nước.
“Người dân các tỉnh này phải tham gia xuất khẩu lao động vì hoàn cảnh đưa đẩy, vì mưu sinh, chứ không ai muốn phải xa quê hương và đi làm ở nước ngoài cả”, ông Ngữ bình luận.
Hai bản tin của Lao Động và Doanh Nhân Sài Gòn nói các địa phương không giảm được tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc sẽ tiếp tục bị Bộ LĐ-TB-XH “tạm dừng tuyển chọn lao động” trong năm 2021.
Ngược lại, bộ sẽ “dỡ bỏ việc tạm dừng” đối với những địa phương giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Giữa lúc Seoul tiếp tục cứng rắn để đối phó với nạn người lao động Việt bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam đưa ra lời ca ngợi thành tích phát triển trong 35 năm qua, đặc biệt là thành công trong chống dịch Covid-19 trong mấy tháng gần đây.
Trước đây, sau năm 1975, một thời gian dài, người ta nói: ‘Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết’. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác, người ta nói: ‘Nếu cột điện biết đi ở Mỹ thì nó sẽ về Việt Nam’.Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc, 8/6/2020
Hai báo Thanh Niên và VietnamNet cho biết trong một phiên thảo luận của quốc hội hôm 8/6 về tình hình kinh tế, xã hội, Thủ tướng Phúc chỉ ra rằng sau năm 1975, Việt Nam từ một nước “nghèo đói, thiếu ăn, nợ nần chồng chất”, nay đã trở thành nước “xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trong khi nhiều nước rất khó khăn”.
Điểm sáng mới nhất của Việt Nam là chặn đứng đại dịch Covid-19, Thủ tướng Phúc nói, và cho biết có hàng vạn người ở nước ngoài đang đăng ký để về Việt Nam.
“Trước đây, sau năm 1975, một thời gian dài, người ta nói: ‘Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết’. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác, người ta nói: ‘Nếu cột điện biết đi ở Mỹ thì nó sẽ về Việt Nam’”, thủ tướng của Việt Nam phát biểu, theo trích dẫn của Thanh Niên và VietnamNet hôm 8/6.
Những bình luận kể trên của ông Nguyễn Xuân Phúc dẫn đến nhiều bình luận trái chiều, châm biếm trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA.
Một số người viết trên trang cá nhân và các diễn đàn có tổng cộng hàng trăm ngàn thành viên rằng người gốc Việt ở Mỹ muốn quay về là “điều bình thường”, liệu có bao nhiêu công dân Mỹ không phải gốc Việt muốn di cư tới Việt Nam mới “quan trọng”. Theo họ, Thủ tướng Phúc đã so sánh “buồn cười” và đưa ra “kết luận ẩu”.
Đến ngày 9/6, VOA quan sát thấy cả Thanh Niên lẫn VietnamNet đều xóa phần tường thuật về ông Phúc ví von về “cột điện biết đi”.