Hàn Quốc muốn phát triển vũ khí hạt nhân đối phó với Triều Tiên?
- Ngày đăng 03-08-2017
- …
Chính sách chiến lược của Bình Nhưỡng trên bán đảo Triều Tiên là dựa vào lực lượng vũ khí truyền thống, do đó, việc Hàn Quốc có ý định phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó với Triều Tiên là phi logic.
Phát triển vũ khí hạt nhân đối với Hàn Quốc là vấn đề nóng tranh cãi trước mối đe dọa từ Triều Tiên.
Trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phản đối ý tưởng quốc gia này tự phát triển kho vũ khí hạt nhân, thì nhiều người dân Hàn Quốc lại xem vũ khí hạt nhân là công cụ hữu hiệu để đối phó với sự lớn mạnh không ngừng trong năng lực quân sự của quốc gia láng giềng, Triều Tiên.
Theo kết quả khảo sát mới đây, hơn một nửa người dân Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng quốc gia này cần sở hữu vũ khí hạt nhân. Nghị sĩ Yoon Young-seok thuộc Đảng Hàn Quốc Tự do nhấn mạnh, người dân Hàn Quốc muốn tạo ra thế cân bằng sức mạnh giữa hai miền Triều Tiên.
Sputnik đã có bài phỏng vấn trao đổi với Tiến sĩ Stephen Nagy tại Đại học Thiên Chúa giáo quốc tế tại Tokyo về việc Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân có phải là hướng đi đúng đắn.
“Hiện tại, người dân Hàn Quốc đang phân vân liệu việc sở hữu kho vũ khí hạt nhân có phải là cách tốt nhất để đối phó trước những thách thức từ Triều Tiên. Các nghị sĩ và cố vấn của Tổng thống Moon Jae-in lâu nay cũng cho rằng, hướng đi đúng đắn là tiến tới hạt nhân hóa Hàn Quốc. Song câu hỏi đặt ra là phản ứng của Triều Tiên cũng như các quốc gia láng giềng trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản sẽ như thế nào nếu Hàn Quốc quyết định hạt nhân hóa”, ông Nagy nói.
Cũng theo ông Nagy, việc Hàn Quốc tiến hành hạt nhân hóa không hề giúp quốc gia này được an toàn hơn trước các mối đe dọa từ Triều Tiên. Bởi chiến lược trên bán đảo Triều Tiên của Bình Nhưỡng không phải dựa vào vũ khí hạt nhân mà thực tế là dựa vào hàng triệu binh sĩ Triều Tiên và lực lượng vũ khí truyền thống đang hiện diện tại khu vực biên giới giữa Hàn – Triều. Những vũ khí mà Triều Tiên triển khai tại khu vực sát biên giới Hàn Quốc có thể khai hỏa bất cứ lúc nào nếu như Bình Nhưỡng phát hiện Seoul có ý định tấn công.
Chính ưu thế chiến lược dựa vào các loại vũ khí truyền thống đã giúp Triều Tiên trên cơ Hàn Quốc. Do đó, việc Hàn Quốc có ý định phát triển vũ khí hạt nhân là lựa chọn phi logic trong chiến lược đối phó với quốc gia láng giềng.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng nên cân nhắc về những tuyên bố mang tính chỉ trích của Tổng thống Donald Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, các đồng minh châu Á cần gánh thêm phần chi phí quốc phòng thay vì dựa dẫm vào quân đội Mỹ.
“Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đã nhắc tới việc tái cơ cấu, tái dịch chuyển và tái cân bằng các chiến lược của Mỹ trong khu vực cũng như việc để hai quốc gia đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản tự phát triển vũ khí hạt nhân”, Tiến sĩ Nagy chia sẻ.
Ông Nagy nói thêm, mối quan hệ đồng minh Mỹ với Hàn Quốc và các đối tác trong khu vực được xây dựng suốt một thời gian dài, có hệ thống và có tổ chức đồng thời ảnh hưởng sâu sắc tới mối quan hệ giữa các binh sĩ và hiến pháp giữa các nước.
Tuy nhiên, ông Trump lại đang chú trọng tới việc các nước đồng minh cần chia sẻ thêm gánh nặng tài chính quân sự và không đưa ra được chiến lược hoạt động trong khu vực đặc biệt là giải quyết mối đe dọa từ Triều Tiên, đã khiến các đối tác mà đặc biệt là Hàn Quốc cảm thấy nghi ngờ.
Đây là lý do các nước trong khu vực đang có xu hướng tự giải quyết các mối đe dọa an ninh một cách độc lập hơn và giải quyết vấn đề Triều Tiên theo chiến lược riêng của mình.
Liên quan tới việc Triều Tiên sẽ phản ứng như thế nào khi Hàn Quốc tự phát triển kho vũ khí hạt nhân, Tiến sĩ Nagy nhấn mạnh, từ trước tới nay, phản ứng của Bình Nhưỡng thường là ngày càng gay gắt dù là đối đầu với Mỹ, vòng đàm phán hạt nhân 6 bên, hay với Hàn Quốc.
Do đó, nếu chính quyền Hàn Quốc muốn theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân, Seou đồng thời cần tiến hành chính sách ngoại giao “bên miệng hố chiến tranh” để từ đó tạo thêm áp lực với Triều Tiên và thu hút sự trợ giúp từ các đối tác trong khu vực vốn quan tâm tới nền độc lập của Triều Tiên như Nga và Trung Quốc.
“Khi chúng ta nhìn vào cách Triều Tiên đối phó với áp lực từ chính quyền của Tổng thống Trump cũng như các đối tác của Mỹ trong khu vực, vấn đề còn kéo theo cả Nga và Trung Quốc. Bởi cả hai quốc gia này đều muốn xóa bỏ tầm ảnh hưởng của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên”, ông Nagy kết luận. – BĐN