Hàn Quốc đã lên kế hoạch tấn công Bình Nhưỡng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hàn Quốc đã lên kế hoạch tấn công Bình Nhưỡng

Ngày đăng 01-09-2017
BĐN

Nhật báo Nga Kommersant cho rằng bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã nhận được chỉ thị lên kế hoạch tấn công Bình Nhưỡng mà không cần sự trợ giúp của Mỹ.

Báo Nga cho biết thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Soo Choo Sok xác nhận với truyền thông rằng họ đã nhận chỉ thị thiết lập kế hoạch chống lại cuộc tấn công toàn diện của láng giềng phương bắc.

Đây là kế hoạch phản công và hướng đến chiếm thủ đô Bình Nhưỡng mà không cần sự trợ giúp của lực lượng Mỹ.

Hàn Quốc chuẩn bị tinh thần

Ngày hôm nay 31-8, Tham mưu trưởng Không quân Hàn Quốc, Tướng Lee Wang Keun đã cảnh báo về nguy cơ Triều Tiên tiến hành các vụ tấn công bất ngờ.

Phát biểu trong chuyến thăm một đơn vị của Bộ chỉ huy pháo binh thuộc Không Quân, Tướng Lee đã kêu gọi giám sát không phận chặt chẽ và sẵn sàng tinh thần chống tên lửa đạn đạo.

Ông đã thị sát hoạt động của hệ thống radar cảnh báo sớm các cuộc tấn công của tên lửa đạn đạo. Tại đây, ông đã nhắc nhở các binh sĩ phải luôn cảnh giác trước mọi hành động khiêu khích. Ngoài ra, Tướng Lee Wang Keun cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần phòng thủ chắc chắn.

Trước đó tổng thống Moon Jae In đã nhấn mạnh đến “sự cần thiết của việc cải cách quân đội để đáp ứng những yêu cầu mới từ nghệ thuật chiến tranh đương đại, chuyển đổi nhanh từ thế phòng thủ sang phản công nếu như Triều Tiên tổ chức khiêu khích quân sự hoặc vượt qua biên giới để tấn công khu vực thủ đô của Hàn Quốc”.

Khu vực thủ đô Seoul nằm cách biên giới liên Triều chỉ 40 km và như thế nằm trong tầm bắn của pháo binh và tên lửa Triều Tiên.

Theo thông tin từ truyền thông Hàn Quốc, hôm 28-8, tổng thống Moon đã gặp mặt bộ trưởng Quốc phòng Song Young Moo và bộ trưởng Song đã hứa lên “một kế hoạch quân sự tấn công mạnh mẽ”.

Trong cuộc gặp đó, tổng thống Moon cũng ra lệnh cải thiện tính cơ động của các đội quân của Hàn Quốc cũng như khả năng tác chiến về mặt đổ bộ và phòng không.

Theo lời thứ trưởng quốc phòng Soo, trong trường hợp Triều Tiên tiến hành tấn công, “chúng tôi sẽ thực hiện chiến dịch quân sự phản công mạnh mẽ lên lãnh thổ của láng giềng phía bắc”. Mục tiêu chính của kế hoạch là tấn công đáp trả mạnh mẽ để giảm thiểu đến tối đa thời gian xung đột nhằm giảm thiệt hại do bom đạn.

Đội đặc nhiệm phản ứng nhanh của Hàn Quốc tham gia diễn tập chống khủng bố phòng tình huống bị tấn công bất ngờ trong chương trình thực hiện tại thủ đô Seoul ngày 22-8 - Ảnh: REUTERS
Đội đặc nhiệm phản ứng nhanh của Hàn Quốc tham gia diễn tập chống khủng bố phòng tình huống bị tấn công bất ngờ trong chương trình thực hiện tại thủ đô Seoul ngày 22-8 – Ảnh: REUTERS

Tập dượt với Mỹ

Không quân Hàn Quốc thông báo, ngày 31-8, Mỹ đã triển khai nhiều máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu có khả năng tàng hình tới Bán đảo Triều Tiên để tham gia tập trận cùng Hàn Quốc. Cuộc tập trận diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo bay qua bầu trời phía Bắc lãnh thổ Nhật Bản.

Theo hãng tin Reuters, 2 máy bay ném bom B-1B của Không quân Mỹ từ Guam và 4 máy bay chiến đấu F-35B của Lính thủy đánh bộ đóng tại Nhật Bản đã tham gia tập trận trên bầu trời Hàn Quốc cùng một phi đội máy bay chiến đấu F-15K của Hàn Quốc.

Các máy bay đã tiến hành diễn tập tấn công chính xác không đối đất ở khu vực Pilseung, tỉnh Gangwon, miền Đông Hàn Quốc với các loại bom MK-84, MK-82 và GBU-32.

Cuộc diễn tập này nhằm mục tiêu tiêu diệt các cơ sở chủ chốt của Triều Tiên. Cùng tham gia hoạt động này còn có một máy bay tiếp nhiên liệu trên không loại KC-135 Stratotanker.

Máy bay chiến đấu của Mỹ triển khai tại Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS
Máy bay chiến đấu của Mỹ triển khai tại Hàn Quốc – Ảnh: REUTERS

Đòi hỏi từ trong nước

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cùng ngày 31-8 khẳng định cam kết của Seoul đối với việc thúc đẩy một Bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, qua đó bác tin đồn rằng Seoul có thể quan tâm đến việc tái triển khai các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ trước các mối đe dọa đang gia tăng từ phía Triều Tiên

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Cho June Hyuck – người phát ngôn bộ trên, nêu rõ: “Lập trường cơ bản của chúng tôi là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thông qua việc giải giáp hoàn toàn vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên”.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Song Young Moo đã nêu vấn đề tái triển khai các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ trong cuộc gặp với người đồng cấp James Mattis tại Washington.

Phía Mỹ đã rút các loại vũ khí này khỏi Hàn Quốc sau khi hai miền Triều Tiên ký kết tuyên bố chung về một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân năm 1991.

Cùng ngày, một nhóm 26 nghị sĩ do nghị sĩ Kim Kyung Jin của đảng Nhân dân đối lập dẫn đầu đã đề nghị Quốc hội ra nghị quyết kêu gọi Tổng thống Moon Jae In hủy bỏ quy định về tên lửa giữa Hàn Quốc và Mỹ, cho rằng quy định này đã hạn chế khả năng tên lửa và việc phát triển các loại rocket phục vụ mục đích thương mại của Seoul.

Theo nhóm nghị sĩ trên, quy định trên đã vi phạm nghiêm trọng khả năng phòng thủ tự chủ của Hàn Quốc trong bối cảnh tình trạng căng thẳng về an ninh nghiêm trọng hiện nay.

Ngoài ra, nghị sĩ Kim Kyung Jin còn cho rằng quy định trên đã vi phạm Hiến pháp của Hàn Quốc, trong đó có điều khoản ghi rằng Quốc hội có quyền đối với việc quyết định về bất kỳ hiệp ước nào liên quan đến an ninh chung hay bất kỳ hạn chế nào đối với chủ quyền của đất nước.

Quy định về tên lửa của Hàn Quốc được đưa ra năm 1979. Ban đầu, phía Mỹ hạn chế tầm bắn của tên lửa ở mức 180 km và trọng lượng đầu đạn ở mức 500kg, nhưng sau đó đã điều chỉnh dần lên thành 300 km vào năm 2001 và 800 km vào năm 2012, trong bối cảnh xuất hiện nhiều mối lo ngại về khoảng cách trong công nghệ tên lửa của Hàn Quốc so với Triều Tiên.