Hải quân Mỹ, tàu tuần duyên đi qua eo biển chiến lược Đài Loan
Hoa Kỳ đưa các tàu của hải quân và tuần duyên qua eo biển Đài Loan hôm 24/3, theo nguồn tin của quân đội Mỹ. Đây là một phần của việc tăng cường di chuyển qua hải lộ chiến lược bất chấp phản đối từ TC.
Hoạt động này có nguy cơ làm tăng cao căng thẳng hơn nữa với TC nhưng sẽ được Đài Loan tự trị xem là một dấu hiệu ủng hộ từ Washington trong lúc có những xích mích tăng cao giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.
Hai tầu trên được xác định là tàu khu trục hải quân Curtis Wilbur và tàu tuần duyên Bertholf, theo một thông cáo của quân đội Mỹ cho biết.
“Việc di chuyển của các tàu này qua eo biển Đài Loan cho thấy cam kết của Mỹ về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” theo thông cáo.
“Mỹ sẽ tiếp tục bay, di chuyển trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép,” vẫn theo thông cáo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TC Cảnh Sảng nói với phóng viên ở Bắc Kinh rằng TC đã cho phía Mỹ biết quan điểm của mình và rằng TC đã “theo dõi sát sao” các tàu của Mỹ.
TC thúc giục Mỹ “xử lý vấn đề Đài Loan một cách thận trọng và đúng mực để tránh làm tổn hại đến các mối quan hệ Trung-Mỹ và hòa bình cũng như ổn định trên eo biển Đài Loan,” người phát ngôn BNG nói.
Tại Đài Bắc, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói các tàu (của Mỹ) đã đi qua eo biển Đài Loan từ phía tây nam và tiếp tục đi theo hướng bắc.
Các lực lượng có vũ trang của Đài Loan theo dõi diễn biến của các tàu này để “đảm bảo ổn định trong khu vực và an ninh của khu vực biên giới duyên hải,” bộ này cho biết và nói thêm rằng họ không thấy có gì bất thường và không có lý do gì phải hốt hoảng cả.
Đài Loan là một trong những vấn đề ngày càng trầm trọng trong quan hệ giữa Mỹ và TC, trong đó có cuộc chiến thương mại, các chế tài của Mỹ và việc TC ngày càng có nhiều hoạt động quân sự trên Biển Đông, nơi Mỹ cũng tiến hành các chuyến tuần hành tự do hàng hải.
Bất chấp sự giận dữ của Bắc Kinh, Thủ tướng Đài Loan Thái Anh Văn sẽ quá cảnh ở Hawaii trong tuần này sau khi có chuyến công du tới các đồng minh ở Thái Bình Dương.
Washington không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng có nghĩa vụ về mặt luật pháp phải giúp đỡ quốc đảo dân chủ bằng các phương thức để tự phòng vệ và là nguồn cung cấp vũ khí chính của họ.
Lầu Năm Góc, tức Bộ Quốc phòng Mỹ, nói Hoa Kỳ đã bán cho Đài Loan vũ khí trị giá hơn 15 tỷ USD kể từ năm 2010.
Bắc Kinh đã tăng cường áp lực để thiết lập chủ quyền trên quốc đảo mà TC coi là một tỉnh ương ngạnh của chính sách “Một Trung Hoa” và là lãnh thổ thiêng liêng của TC.
TC thường xuyên cho máy bay quân sự và tàu đi quanh Đài Loan trong các cuộc tập trận trong vòng vài năm qua và tìm cách cô lập quốc đảo với quốc tế cũng như cắt dần các đồng minh ngoại giao ít ỏi còn lại của Đài Bắc.
Đầu năm nay, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đã đưa ra một báo cáo trong đó mô tả Đài Loan là một “động lực chính” cho việc hiện đại hóa của quân đội TC, mà báo cáo nhận định rằng đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong những năm gần đây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng các cuộc thương lượng và thương mại với TC đang có tiến triển và một thương thảo cuối cùng “có thể sẽ xảy ra”, và nói thêm rằng những lời kêu gọi của ông về việc tiếp tục duy trì các mức thuế lên các mặt hàng nhập khẩu của TC trong một thời gian nữa không có nghĩa là các cuộc thương thảo gặp vấn đề.