Hai kì hội nghị, một sự thất bại

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hai kì hội nghị, một sự thất bại

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Bạch Hoàn

Người lên ngựa, kẻ chia bào. Người về đỉnh cao, người chìm vực sâu. Từ sau Đại hội 12 đến nay, nhân sự cấp cao trong bộ máy chính quyền và hàng ngũ lãnh đạo cốt cán của Đảng đã có nhiều thay đổi và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Nếu nhìn dưới góc độ của những người đang làm công tác chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, công tác đấu tranh chống tiêu cực, chống quan liêu cửa quyền, chống tham nhũng lãng phí… thì có thể coi những thay đổi về nhân sự được quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua và Trung ương 6 đang diễn ra là một thành tích. Những sự thay đổi về mặt nhân sự ấy mang lại xúc cảm hoan hỉ cho một bộ phận lớn người dân. Họ hào hứng với việc đốt cháy cả củi tươi và bấu víu chút niềm tin mỏng manh còn lại vào chiến dịch nhóm lò.
Nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận, những gì phơi bày ra thời gian qua, chính xác phải gọi là một sự thất bại trong công tác cán bộ.
Lấy ví dụ một việc gần nhất là kết quả bỏ phiếu cách chức ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng vừa diễn ra tại Hội nghị Trung ương 6 vào ngày hôm qua.
Bằng cấp của ông Nguyễn Xuân Anh có vấn đề – theo nhìn nhận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, lẽ ra khi làm công tác bổ nhiệm phải suy xét ngay, nhưng thực tế đã bỏ lọt. Bản lĩnh chính trị còn non kém, kinh nghiệm quản lý còn chưa chín, khả năng làm công tác định hướng chủ trương, đường lối, công tác cán bộ chưa vững nhưng lại vội vàng đặt vào vị trí Bí thư một thành phố như Đà Nẵng. Trong khi Đà Nẵng là nơi có những cái bóng quá lớn, không phù hợp với người có vốn liếng trận mạc khiêm tốn như Nguyễn Xuân Anh.
Phải mặc một chiếc áo vừa vặn với cơ thể mình thì mới đẹp. Chiếc áo quá rộng hoặc quá chật đều khiến mình trở nên xấu xí. Nếu ở một thời điểm khác, bản lĩnh chính trị đã được tôi rèn, biết đâu có thể sẽ là một Xuân Anh khác?
Một ví dụ khác là trường hợp của ông Trương Quang Nghĩa. Bộ trưởng Bộ Giao thông phải là người đá vị trí tiền đạo, nhưng ông Trương Quang Nghĩa với những gì đã thể hiện thì rõ ràng là phù hợp ở vị trí hậu vệ hơn là một người chịu trách nhiệm ghi bàn.
Mọi sự phát triển của bất kì ngành hay địa phương nào đều mang bóng dáng của người đứng đầu. Nguyễn Xuân Anh mới được khoảng hai năm đã ngã. Trương Quang Nghĩa cũng mới vào vị trí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hơn một năm giờ lại về thay chỗ Nguyễn Xuân Anh. Cho đến kì Đại hội 13, ông ấy chỉ còn hơn ba năm ngồi ở vị trí cao nhất của Đà Nẵng. Chừng ấy thời gian là quá ngắn để có thể tạo được dấu ấn và định hình con đường phát triển.
Nhân sự thay đổi liên tục, không khí chính trị căng thẳng, đó là sự thất bại trong công tác cán bộ. Và sự thất bại này có thể dẫn đến những yếu kém trong quá trình quản lý, thậm chí là những chủ trương, quyết định có thể sẽ sai lầm. Cuối cùng, hậu quả mà sự bất ổn ấy để lại là sự giật cục trong quyết sách phát triển kinh tế, sự co cụm của nhà đầu tư và thứ mà người dân nhận lãnh có thể sẽ rất nặng nề.
Nếu những bất ổn từ sai lầm trong công tác nhân sự ở Đà Nẵng sẽ vẫn tiếp diễn, thì sớm muộn gì thành phố này cũng không còn là thành phố đáng sống. Nhìn rộng ra, nếu công tác nhân sự còn tiếp tục để lọt những cán bộ kém tài thiếu đức, đặt người ngồi không đúng vị trí, thì cái lò sẽ còn phải đốt củi không biết đến bao giờ?
Không chỉ Đà Nẵng mà trên cả đất nước này, thực ra người dân không muốn cứ phải đốt củi, cái họ cần là trồng cây. Chỉ trồng cây mới có ngày mang về hoa thơm và trái ngọt.

Lê Nguyễn Hương Trà: Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa (1958) người có những phát ngôn ồn ào như việc “mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Bắc hoàn toàn không khả thi” hay lối tư duy phi thị trường khi lo hàng không vét hết khách đường sắt..vv…vừa trở thành tân Bí Đà Nẵng thay 7x Xuân Anh; sau cuộc chiến gió tanh mưa máu Đà Nẵng suốt mấy tháng qua.
Vui nhất trong việc này, là loạt bài khơi mào các bất cập ở Đà Nẵng lại bắt đầu từ một tạp chí của ngành Giao Thông (!?)
Chiến tranh Xuân Phúc – Xuân Anh đứng sau lưng là cụ Tổng được khoát lên mình chiếc áo chống tham nhũng, làm sạch hàng ngũ Đảng; nhưng thực tế thì dân Đà Nẵng ai cũng hiểu đây là một cuộc thanh trừng. Bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, xa xa tí là việc bà Thủy – mẹ XA thời chồng còn làm trùm UB Kiểm tra TW tác oai tác quái, lại hay chửi ông này ông nọ từ TW tới địa phương không nể một ai, Phúc lúc đó như bị nhiều nhất. Đó là chưa kể các ân oán cung đình thời ông Nguyễn Văn Chi tại nhiệm. Gần hơn tí là đồ sát các vây cánh cũ của ông Bá Thanh, người đã chết nhưng vẫn còn rất nhiều đồng hương coi như anh hùng!
Thường thì cháy nhà mới lòi mặt…mo, những tờ báo từng hữu hảo của Xuân Anh lại là các kênh truyền thông nắm thắt lưng đánh chúi mặt anh này xuống bùn; định hướng dư luận cho cuộc chiến Đà Nẵng.
Một nhà báo vừa điểm lại vài trùng hợp thú vị. Số là năm 1994, ông Trương Quang Được – anh ruột ông Nghĩa và ông Mai Thúc Lân cũng được Trung ương cử về Quảng Nam – Đà Nẵng sau những bất đồng nội bộ không thể hoá giải. BCT phân công ông Được làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Quảng Nam – Đà Nẵng thay ông Trần Đình Đạm. Ông Lân làm Bí thư Tỉnh ủy thay ông Nguyễn Văn Chi – cha Xuân Anh. Năm 1996 khi chia tách Quảng Nam – Đà Nẵng, ông Được được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng.
Đà Nẵng thay nhân sự ngay giai đoạn nước rút chuẩn bị cho APEC tháng 11.